Bí ẩn và thiêng liêng của tiếng mẹ đẻ

Năm 2003, trong chuyến đi Mỹ, tôi đã được cộng đồng nói tiếng Tây Ban Nha tại thành phố Boston, Mỹ trao tặng một chứng chỉ giống như bằng khen ở Việt Nam về thành tích đã có công truyền bá tiếng Tây B

Tiếng Tây Ban Nha càng ngày càng được sử dụng nhiều trên thế giới. Nhưng những người Mỹ gốc các nước nói tiếng Tây Ban Nhà vẫn làm mọi cách để giữ gìn tiếng Tây Ban Nha và phổ biến rộng rãi trên thế giới. Chính vì thế mà chỉ việc tôi động viên con gái mình học thêm tiếng Tây Ban Nha cho dù cháu đã khá giỏi tiếng Anh và tiếng Pháp nên cộng đồng Tây Ban Nha đã bày tỏ thái độ cám ơn tôi. Điều đó cho thấy họ gìn giữ tiếng mẹ đẻ như thế nào cho dù tổ tiên họ không nói và viết tiếng Tây Ban Nha như tổ tiên ta chưa dùng chữ quốc ngữ vậy.

Hồi còn học ở Cuba, một lần tôi và mấy người bạn Việt Nam đến khu người Hoa ở thành phố Havana cổ (Thủ đô Havana chia làm hai khu: khu mới và khu cổ) để mua mì chính và sâm nước. Đó là hai sản phẩm mà người Việt Nam đang học tập và làm việc ở Cuba thường mua. Và tôi đã gặp một người phụ nữ Việt Nam ở đó. Cả tôi và bà không hề biết nhau là người Việt Nam. Khi chúng tôi nói chuyện với nhau bằng tiếng Việt thì người phụ nữ trạc 70 tuổi bỗng kêu lên hai tiếng “Việt Nam”. Cho đến bây giờ, tôi vẫn không thể quên hình ảnh một người phụ nữ cắt tóc và ăn mặc trang phục người Hoa mở to mắt đến không còn mở thêm được nữa, hai tay ôm lấy mặt nhìn chúng tôi. Bà lập cập hỏi lại chúng tôi với hai tiếng “Việt Nam?”. Tôi gật đầu. Bà òa khóc.


Đấy là một người phụ nữ Việt Nam quê ở Bắc Ninh đã theo một gia đình người Hoa ở Hà Nội như một đứa ở rời Tổ quốc mình 60 năm. Sau này, người phụ nữ ấy trở thành dâu của gia đình người Hoa đó và trôi nổi nhiều nơi trên thế giới rồi cuối cùng định cư ở Cuba. Nhưng bà không còn nhớ tiếng Việt ngoài hai từ Việt Nam và một vài từ thông thường nữa. Mỗi lần gặp lại chúng tôi, bà lại khóc trong đau khổ vì không còn khả năng nói tiếng Việt được nữa. Chúng tôi phải nói chuyện bằng tiếng Tây Ban Nha với bà. Cho dù không hiểu, bà vẫn yêu cầu chúng tôi nói tiếng Việt để bà được nghe. Bà tâm sự: “Xa Tổ quốc 60 năm, tôi gần như quên tất cả. Nhưng mỗi khi nghe thấy tiếng Việt thì mọi điều về cố hương mình tưởng đã chết lại sống lại và hiện về đầy đủ”. Lời tâm sự của bà thực sự là một chân lý: khi chúng ta rời xa tiếng mẹ đẻ nghĩa là chúng ta đánh mất Tổ quốc.

Bà bác tôi đã định cư ở Mỹ từ năm 1978. Một nguyên tắc mà bà không bao giờ thay đổi là không nói tiếng Anh với con cháu bà khi ở nhà. Nếu con cháu bà nói tiếng Anh thì cho dù bà hiểu bà vẫn coi như không nghe thấy gì cả. Bà nói với tôi tuy bà ở Mỹ, đi làm sở Mỹ nhưng bà không bao giờ trở thành người Mỹ. Khi đã già, mỗi lần về nước, bà thường viết lên một tấm bìa cứng dòng chữ “Tôi bị đau chân khó di chuyển, hãy giúp tôi” để nhân viên hàng không mà bà đi giúp bà. Cho dù việc làm đó có vẻ hơi “cực đoan” và nhiều lần nhân viên hàng không phải chạy đi tìm người biết tiếng Việt giúp họ nhưng bà vẫn không chịu nói tiếng Anh. Nhưng hành động của bà thật xúc động và đáng trân trọng.

Năm 1997, tại Đại học Massachusetts, Boston, Mỹ, tôi có cuộc giao lưu với một số sinh viên người Mỹ gốc Việt tham dự chương trình viết văn mùa hè do Trung tâm William Joiner của Đại học Massachusetts tổ chức hàng năm. Những chàng trai, cô gái này sinh ra và lớn lên ở Mỹ. Trong buổi giao lưu đó, tôi phải nói chuyện với họ bằng tiếng Anh bởi họ không thể nghe, nói hay trình bày một vấn đề bằng tiếng Việt được. Một câu hỏi của họ trong buổi giao lưu đó làm cả hai - họ và tôi thấy đau lòng: “Thưa nhà văn, chúng cháu phải viết như thế nào bây giờ khi dòng máu trong người chúng cháu là dòng máu Việt mà chúng cháu lại không hiểu văn hóa Việt và không viết được tiếng Việt”? Câu hỏi của những người trẻ này là câu hỏi chung cho toàn bộ những người Việt đang sống ở các nơi trên thế giới. Họ là thế hệ người Việt thứ ba định cư ở Mỹ tính từ những người Việt đến Mỹ từ 1975. Như vậy, đến thế hệ thứ tư hay thứ năm của những người Việt này thì văn hóa Việt và tiếng Việt sẽ như thế nào.

Câu hỏi của những người Mỹ gốc Việt trẻ ấy bây giờ lại đang trở thành câu hỏi cho những người Việt trẻ ở Việt Nam trong một phía nào đấy. Hiện thực đang cho chúng ta thấy: tiếng Việt đang mở ra những chiều kích sâu rộng hơn trong mọi lĩnh vực qua sự phát triển của đất nước. Nhưng sự trong sáng của tiếng Việt cũng đang bị đe dọa. Chúng ta đã và đang lên tiếng về điều ấy. Hàng ngày, trên báo chí, trên Truyền hình, Đài Tiếng nói Việt Nam rồi trong nhà, trên phố... chúng ta thấy việc sử dụng tiếng Việt của các phát thanh viên hay các nhà báo cũng thật đáng báo động. Ngôn ngữ nào cũng chứa đựng những đặc tính văn hóa của dân tộc đó. Khi người ta giết chết hay làm méo mó những đặc tính đó là người ta giết chết hay làm biến thái những đặc tính văn hóa.

Một hiện thực mà theo tôi là rất lo ngại khi ngày nay người ta bắt con cháu họ học một ngoại ngữ quá sớm. Một đứa trẻ mới bốn, năm tuổi đã bắt đầu bị ép học ngoại ngữ. Với tuổi ấy, điều quan trọng nhất và đúng nhất là chúng ta phải mang đến cho những đứa trẻ một thứ tiếng mẹ đẻ trong sáng nhất, đẹp nhất và nhân văn nhất. Không thể tưởng tượng nổi khi một đứa trẻ còn đang nói ngọng những từ vựng cơ bản nhất của tiếng mẹ đẻ thì lại phải đến lớp học ngoại ngữ hàng tuần. Tôi có hai đứa con có thể nói khá giỏi ngoại ngữ và đã dịch một số cuốn sách. Nhưng chỉ khi hai con tôi học đến lớp 10 tôi mới khuyến khích các cháu học ngoại ngữ. Tất nhiên, các cháu có thể học ngoại ngữ sớm hơn một chút nhưng hoàn toàn không nên bắt một đứa trẻ vừa mới cắp sách đến trường phải học một ngoại ngữ khác. Ngay ở các nước mà tiếng mẹ đẻ của họ không phải là một ngôn ngữ phổ cập trên thế giới như tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Tây Ban Nha... thì họ chỉ cho những đứa trẻ học một ngoại ngữ khác khi chúng đã có một vốn tiếng mẹ đẻ nhất định đủ cảm nhận được những tình cảm cần thiết và hiểu được tính nhân văn trong ngôn ngữ mẹ đẻ ở một mức nhất định. Còn người Việt chúng ta lại đang đi một con đường ngược lại.

Ngày nay, trong khi trao đổi hay viết bài, một số người thường hay dùng những câu tiếng Anh, tiếng Pháp... chen vào bài nói hay bài viết của mình mà trên thực tế tiếng Việt có đủ những thuật ngữ đó cho họ dùng. Tôi có một người bạn Việt Nam sống ở Việt Nam rất hay viết status trên facebook của mình bằng tiếng Anh. Nhiều lần tôi viết bình luận là “Xin hãy viết tiếng Việt đi”. Với người Việt Nam, cho đến bây giờ nhiều người vẫn coi ngoại ngữ là một thứ trang sức chứ không phải là một phương tiện. Tôi biết tiếng Anh và Tây Ban Nha, nhưng có lẽ chưa bao giờ tôi nói hay viết một trong hai thứ tiếng này trong khi nói và viết bài cho người Việt. Vì tôi thấy tiếng Việt hoàn toàn đủ chiều kích để chứa đựng những vấn đề mà tôi trình bày, ngoại trừ một số thuật ngữ chung và quá đặc biệt được sử dụng quen thuộc trên thế giới.

Trong chuyện ngắn Người gác đèn biển của nhà văn danh tiếng người Ba Lan Henryk Sienkievik, tác giả kể về một người Ba Lan gặp tai nạn bị trôi dạt như bị mất tích. Cuối cùng ông làm nghề gác đèn biển trên một hòn đảo không phải của Ba Lan. Ông quyết định sống ở đó cho hết đời. Nhưng một hôm, trong những hàng hóa mà chiếc tàu tiếp hàng cho hòn đảo ấy, ông thấy có một tập thơ viết bằng tiếng Ba Lan. Ông đã đọc và ông bừng tỉnh. Lúc đó Tổ quốc Ba Lan hiện về trọn vẹn trong ký ức tưởng đã chết của ông. Cho dù đã quá già yếu, nhưng ông quyết định tìm về Tổ quốc. Câu chuyện này có thể nói lên tất cả sự bí ẩn và thiêng liêng của tiếng mẹ đẻ. Nếu ai đó đánh mất tiếng mẹ đẻ của mình hay vô cảm với tiếng mẹ đẻ của mình thì chẳng bao giờ con người ấy tìm được nơi chốn thực sự của mình. Con người ấy sẽ đi lạc khỏi thế gian này và không có khả năng trở về được nữa.