Bộ Công Thương thực thi tốt mục tiêu Đề án TBT

Bà Phạm Thu Giang - Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ - Bộ Công Thương trả lời phỏng vấn Tạp chí Công Thương về Đề án thực thi Hiệp định hàng rào kỹ thuật trong thương mại giai đoạn 2011 - 2015. Xin

Việt Nam đã là thành viên chính thức của Tổ chức Thương mại Thế giới từ năm 2007. Kể từ đó, chúng ta phải tuân thủ các Hiệp định và Hiệp định về rào cản kỹ thuật trong thương mại (Hiệp định TBT) là một trong những nội dung quan trọng. Để tham gia chúng ta đã chuẩn bị và Quốc hội 12 đã phê chuẩn Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa ngày 21/11/2007. Từ những ngày đầu thực hiện, Chính phủ đã ban hành “Chương trình thực hiện Đề án triển khai thực hiện Hiệp định Hàng rào kỹ thuật trong thương mại giai đoạn 2006-2010”. Trong giai đoạn này nội dung chính của Hiệp định là hoàn thiện hệ thống quy chuẩn kỹ thuật; hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn của Việt Nam; triển khai quy hoạch và hoàn thiện cơ sở vật chất kỹ thuật của hoạt động đánh giá sự phù hợp. Giai đoạn 2011 - 2015, để phục vụ mục tiêu hoàn thiện chính sách vĩ mô trong phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng; nâng cao năng lực của các cơ quan, tổ chức Việt Nam trong việc thực thi các quyền và nghĩa vụ theo quy định của Hiệp định TBT của Tổ chức Thương mại Thế giới (sau đây gọi là WTO) đồng thời bảo vệ quyền hợp pháp và lợi ích chính đáng của Việt Nam.

TCCT: Cùng với Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Công Thương là một trong hai Bộ, ngành được giao chủ trì thực hiện nhiệm vụ của Đề án thực thi Hiệp định hàng rào kỹ thuật trong thương mại giai đoạn 2011 - 2015, xin bà cho biết, Bộ Công Thương đã triển khai thực hiện nhiệm vụ như thế nào?

Bà Phạm Thu Giang: Ngày 10/5/2011, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 682/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Thực thi Hiệp định hàng rào kỹ thuật trong thương mại giai đoạn 2011 - 2015” với các nội dung chính của giai đoạn này gồm: Dự án 1: Hoàn thiện cơ sở pháp lý làm nền tảng cho hoạt động về hàng rào kỹ thuật trong thương mại giai đoạn 2011 - 2015; Dự án 2: Xây dựng các biện pháp kỹ thuật để triển khai áp dụng trong hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu bảo đảm sự phù hợp với quy định của Hiệp định TBT và pháp luật Việt Nam; không gây ảnh hưởng tới an toàn cho người, động vật, thực vật; bảo vệ môi trường và tiết kiệm năng lượng; Dự án 3: Hỗ trợ doanh nghiệp áp dụng các biện pháp kỹ thuật nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh và thúc đẩy xuất khẩu, nhập khẩu; Tăng cường trách nhiệm và năng lực của các cơ quan quản lý nhà nước và tổ chức kỹ thuật trong xây dựng và triển khai các biện pháp kỹ thuật trong thương mại... trong đó giao Bộ Công Thương chủ trì tổ chức thực hiện Dự án 2 và Dự án 3.

Thực hiện Quyết định trên của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 5563/QĐ-BCT ngày 26/10/2011 phê duyệt kế hoạch triển khai thực hiện Đề án TBT. Trong 3 năm thực hiện dự án, Bộ Công Thương đã giao 26 nhiệm vụ cho các đơn vị trong và ngoài Bộ. Việc lựa chọn các nội dung đáp ứng được các yêu cầu của Đề án. Đến thời điểm hiện nay phần lớn các nội dung đã được nghiệm thu và được áp dụng trong thực tiễn.

TCCT: Theo Đề án, nội dung thực hiện các nhiệm vụ do Bộ Công Thương được giao chủ trì nhằm xây dựng các biện pháp kỹ thuật để triển khai áp dụng trong hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu và hỗ trợ doanh nghiệp áp dụng các biện pháp kỹ thuật nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh và thúc đẩy xuất nhập khẩu… Xin bà cho biết, Bộ Công Thương đã thực hiện được những nội dung đó như thế nào để đảm bảo mục tiêu của Đề án?

Bà Phạm Thu Giang: Một trong những mục tiêu của Đề án đưa ra nhằm hoàn thiện cơ sở pháp lý và hệ thống các biện pháp kỹ thuật trong thương mại, góp phần kiểm soát chất lượng hàng hóa sản xuất và nhập khẩu, bảo đảm an toàn cho người, động vật, thực vật, bảo vệ môi trường và tiết kiệm năng lượng. Những dự án mà Bộ Công Thương được giao chủ trì thực hiện phục vụ trực tiếp mục tiêu trên. Do đó, trong quá trình thực hiện Đề án, Bộ Công Thương đã tuyển chọn từ các đề xuất của các đơn vị và phê duyệt triển khai các nhiệm vụ có tính ứng dụng cao trên cơ sở nghiên cứu, đánh giá các biện pháp kỹ thuật trong thương mại được các nước thành viên WTO áp dụng phù hợp với các quy định về xuất nhập khẩu của WTO. Các nội dung được lựa chọn không chỉ phục vụ cho các doanh nghiệp mà cả cho công tác quản lý của cơ quan quản lý nhà nước. Một trong những nội dung của Đề án là: “Nghiên cứu khả năng thay thế chất xúc tác Selenium sử dụng trong phương pháp Kjeldahl để xác định hàm lượng Nitrogen của cao su tự nhiên” là một ví dụ điển hình. Nội dung này bắt nguồn từ đề nghị thay thế phương pháp kiểm tra đánh giá hàm lượng Nitrogen của cao su thiên nhiên nhằm bảo vệ sức khỏe cho thử nghiệm viên trước các chất xúc tác độc hại trong phiên họp ASEAN về hài hòa tiêu chuẩn cao su và sản phẩm cao su trong khối. Tuy nhiên, theo hướng đề xuất, các phòng thử nghiệm của Việt Nam sẽ phải đầu tư thiết bị thử nghiệm mới với giá thành cao. Nếu nghiên cứu thành công chất xúc tác đảm bảo an toàn thực hiện trên thiết bị thử nghiệm cũ sẽ giảm đầu tư cho các phòng thử nghiệm. Kết quả nghiên cứu được đánh giá liên phòng tại Việt Nam, và trong khối ASEAN. Nghiên cứu này đã được Ban Thư ký ASEAN đánh giá cao và đề nghị Việt Nam đăng ký là thành viên P-Membership để có thể đề xuất kết quả nghiên cứu và đăng ký kết quả nghiên cứu thành tiêu chuẩn ISO.

Hay như, việc xây dựng và áp dụng cơ chế kiểm soát chất lượng từ xa nhằm ngăn chặn sự thâm nhập và lưu thông trên thị trường các hàng hóa nhập khẩu không phù hợp tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, không đảm bảo an toàn vệ sinh và không rõ nguồn gốc, xuất xứ... đã được Bộ Công Thương chú trọng trong quá trình thực hiện nhiệm vụ. Ngoài ra, thông qua thực hiện Đề án, một số nhiệm vụ đã đề xuất và xây dựng quy chuẩn kỹ thuật cho một số ngành, nhằm góp phần bảo vệ người tiêu dùng, cũng như nâng cao chất lượng sản phẩm. Tiêu biểu như nhiệm vụ: Xây dựng dự thảo Quy chuẩn kỹ thuật ngành giấy đáp ứng yêu cầu bảo vệ người tiêu dùng trong nước. Trong đó, thực hiện tiêu chuẩn liên quan tới 2 sản phẩm vốn ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người tiêu dùng là tã giấy trẻ em và băng vệ sinh phụ nữ.

TCCT: Việc thực hiện Đề án nằm trong quá trình hội nhập quốc tế sâu rộng của nước ta. Do đó, việc hỗ trợ các doanh nghiệp áp dụng các biện pháp kỹ thuật nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh và thúc đẩy xuất nhập khẩu đồng thời phải gắn với việc tuân thủ các quy định trong thương mại quốc tế. Xin bà cho biết, các nhiệm vụ của chúng ta được thực hiện như thế nào để hài hòa được cả hai yếu tố trên?

Bà Phạm Thu Giang: Trên thực tế, các doanh nghiệp Việt Nam sản xuất hàng xuất khẩu chưa tham gia được sâu vào trong chuỗi giá trị. Phần lớn vẫn đang dừng ở gia công, sản xuất để xuất khẩu còn phụ thuộc nhiều vào các đối tác. Các nước nhập khẩu thường có yêu cầu rất cao về chất lượng sản phẩm, về yêu cầu tuân thủ các tiêu chuẩn như SA 8000 về điều kiện làm việc cho người lao động tại các doanh nghiệp, văn phòng, ISO 14000 quản lý môi trường nhằm hỗ trợ cho các tổ chức giảm thiểu ảnh hưởng xấu đến môi trường, tuân thủ đúng pháp luật, quy định và chính sách môi trường khác và một số các tiêu chuẩn khác. Để xuất khẩu doanh nghiệp phải đáp ứng được các yêu cầu của nhà nhập khẩu trong quản lý từ sản xuất đến chất lượng sản phẩm. Việc nâng cao năng lực cho doanh nghiệp Việt sẽ thúc đẩy năng lực cạnh tranh. Đồng thời, yêu cầu bảo vệ quyền lợi cho người tiêu dùng Việt, tránh các sản phẩm có tác động xấu tới sức khoẻ, bảo vệ môi trường, an ninh quốc gia cũng là những vấn đề được quan tâm. Đồng thời hiện nay trong khối ASEAN cũng đang từng bước đàm phán để hài hoà hoá trong hệ thống tiêu chuẩn chung. Trong nội dung này, thông qua đề án TBT, Bộ Công Thương cũng đã giao nhiệm vụ “Nghiên cứu xây dựng hệ thống tiêu chuẩn được hài hòa hóa trong khu vực ASEAN, phục vụ công tác quản lý, sản xuất kinh doanh trong ngành công nghiệp cao su phù hợp với Lộ trình tổng thể xây dựng Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC Blueprint)” đã đáp ứng được yêu cầu quản lý phục vụ công tác quản lý nhà nước”; Nhiệm vụ “Nghiên cứu đánh giá nhu cầu gắn nhãn sinh thái cho sản phẩm dệt may Việt Nam, đề xuất các giải pháp gắn nhãn sinh thái cho sản phẩm dệt may phù hợp với trình độ công nghệ trong nước” đã xây dựng được các tiêu chuẩn sinh thái cho sản phẩm dệt may và các phụ kiện kèm theo đã được hài hòa hóa với các nước trên thế giới nhằm giúp cho các sản phẩm dệt may có giá trị cao trong xuất khẩu…

Nhìn chung, chúng ta đã xây dựng được một số biện pháp kỹ thuật để triển khai áp dụng trong hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu bảo đảm sự phù hợp với quy định của Hiệp định TBT và pháp luật Việt Nam; hỗ trợ cho các đơn vị từng bước xây dựng thành công các phương pháp thử nghiệm mới hài hòa với các nước trong khu vực và quốc tế; hỗ trợ cho các doanh nghiệp từng bước nâng cao nhận thức trong sản xuất, kinh doanh phù hợp với điều kiện hội nhập quốc tế.

TCCT: Xin trân trọng cảm ơn bà!


Lệ Nhung (thực hiện)