Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh: Phải giải phóng sức sản xuất

Đó là tinh thần chỉ đạo của Bộ trưởng Trần Tuấn Anh tại Hội nghị giao ban trực tuyến Bộ Công Thương tháng 5 tại 3 điểm cầu Hà Nội, Đà Nẵng và Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 6/6 vừa qua.

Sáng - tối đan xen

5 tháng đầu năm, hoạt động công nghiệp và thương mại có nhiều mảng sáng - tối đan xen, thậm chí trái ngược nhau.

Sản xuất công nghiệp tiếp tục phát triển. Tuy nhiên, mức tăng trưởng chỉ số sản xuất công nghiệp 7,5% vẫn thấp hơn mức tăng 9,2% của 5 tháng năm 2015 so với cùng kỳ 2014. Chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến chế tạo tăng 9,3%, thấp hơn mức tăng 12,8% của cùng kỳ năm 2015. Thế nhưng, chỉ số tồn kho của toàn ngành công nghiệp chế biến chế tạo lại rất tốt, với 8,7%, thấp hơn nhiều so với mức tăng 11,5% của cùng kỳ năm trước, và tốt nhất trong bất kỳ thời điểm nào của 6 năm trở lại đây.

Trong lĩnh vực xuất khẩu, các mảng sáng - tối cũng đan xen như cài răng lược. Tính chung 5 tháng đầu năm 2016, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 67,7 tỷ USD, tăng 6,6% so với cùng kỳ năm 2015 (tương đương với tăng 4,187 tỷ USD), thấp hơn mức tăng trưởng 7,3% của cùng kỳ 2015. Mặc dù vậy, nếu so với các nước trong khu vực, như Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia tăng trưởng xuất khẩu âm thì mức tăng 6,6% của Việt Nam lại là chỉ số đáng khích lệ.

Ở khía cạnh thị trường xuất khẩu cũng tương tự. Điều ghi nhận là nhu cầu nhập khẩu của các thị trường xuất khẩu chính của nước ta như Hoa Kỳ và EU đang chững lại thì tốc độ tăng trưởng xuất khẩu nước ta vào 2 thị trường này vẫn tăng mạnh hơn cùng kỳ 2015. Cụ thể, xuất khẩu vào thị trường Hoa Kỳ tăng 14,9% (cùng kỳ 2015 tăng 11,76%); xuất khẩu vào EU tăng 12,8% (cùng kỳ 2015 tăng 8,6%). Điển hình là Hàn Quốc, tổng giá trị nhập khẩu của Hàn Quốc trong 5 tháng đầu năm giảm 15% nhưng tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường này vẫn tăng 18%. Ở chiều ngược lại, xuất khẩu vào ASEAN lại giảm 13,4%, và nói như Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, xu hướng này xuất hiện đã mấy năm nay.

Doanh nghiệp dệt may được tạo thuận lợi khi xin cấp C/O

Đối với thị trường nội địa, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ xã hội 5 tháng ước đạt trên 1,4 triệu tỷ đồng, tăng 9,06%; loại trừ yếu tố tăng giá, mức tăng này là 7,4%, thấp hơn mức tăng 8,2% của cùng kỳ năm 2015. Song tính theo cơ cấu, trong 3 khu vực, gồm bán lẻ hàng hóa, khách sạn, nhà hàng và du lịch thì bán lẻ hàng hóa là lĩnh vực thể hiện nhu cầu nội địa rõ nét hơn, đã đạt mức tăng trưởng cao nhất với 9,5% và chiếm tỷ trọng lớn nhất, 76,5%, mang tính dẫn dắt mạnh mẽ so với tỷ trọng trên dưới 10% của 2 khu vực còn lại.

Mặt khác, theo số liệu của Ngân hàng HSBC tại Việt Nam, chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) vẫn tiếp tục tăng trong tháng 5/2016, và đạt 52,7 điểm, mốc cao nhất trong 10 tháng qua. PMI - một chỉ dấu của các đơn hàng mới - tăng cao cho thấy hoạt động sản xuất trong nước tiếp tục gia tăng trong những tháng tới.

Các mảng sáng - tối đan xen nói trên, một mặt thể hiện kinh tế thế giới vẫn đang trong giai đoạn phục hồi không chắc chắn, tiếp tục mang trong mình nhiều yếu tố bất ổn, khó lường; mặt khác phản ánh nền kinh tế nước ta, cùng lúc vừa khai thác được những cơ hội tốt, vừa chịu ảnh hưởng bất lợi từ những con sóng bên ngoài đang dội vào.

Công nhân Petrolimex kiểm tra, vận hành hệ thống đường ống và cụm bể chứa

Phục vụ doanh nghiệp, người tiêu dùng

Ảnh hưởng phức tạp của nhiều nhân tố hiện hữu cũng như tiềm năng trên thị trường thế giới, như giá dầu thô (đã khiến xuất khẩu nhóm hàng nhiên liệu, khoáng sản giảm sâu tới 42,4%); các nước công nghiệp phát triển, cũng là những thị trường xuất khẩu chính của nước ta, đang chật vật thoát ra khỏi vũng lầy giảm phát; sự cạnh tranh gay gắt về giá, về nguồn cung ở những mặt hàng có thế mạnh nước ta như nông sản, dệt may… khiến Hội nghị giao ban trực tuyến Bộ Công Thương tháng 5/2016 thêm “nóng”.

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhấn mạnh, Chính phủ không điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng mà Quốc hội đã giao. Do đó, hoạt động quan trọng nhất toàn ngành Công Thương là thực hiện bằng được các chỉ tiêu về xuất khẩu, sản xuất công nghiệp, cũng như thị trường nội địa.

Tinh thần chỉ đạo chung của Bộ trưởng tới các đơn vị chức năng thuộc Bộ là phải giải phóng sức sản xuất. Trong 5 nhiệm vụ lớn từ nay đến cuối năm, bao gồm: (i) Thực hiện tốt các mục tiêu tăng trưởng của ngành; (ii) Quyết liệt cải cách hành chính; (iii) Đẩy nhanh tiến độ xây dựng văn bản quy phạm pháp luật cũng như các đề án, chiến lược, quy hoạch; (iv) Tập trung đánh giá hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong thời gian qua; (v) Đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đầu tư của ngành; Bộ trưởng đều trở đi trở lại yêu cầu: Lãnh đạo các đơn vị phải tập trung rà soát đánh giá về mặt thể chế, cũng như cơ chế chính sách. Tất cả mọi năng lực, nguồn lực đều phải hướng đến hoàn thiện môi trường kinh doanh; lấy phục vụ doanh nghiệp, người tiêu dùng là yêu cầu cao nhất.

Phiên họp trực tuyến cũng cho chúng ta thấy tinh thần “phục vụ doanh nghiệp, người tiêu dùng” được giải quyết bằng những biện pháp mang tính tổng thể. Phần lớn các vấn đề như đẩy mạnh đà sản xuất công nghiệp, tổ chức tốt thị trường bán lẻ nội địa, xuất khẩu vào những thị trường tiềm năng, hay thúc đẩy tiến độ các dự án đầu tư trong ngành Công Thương… Bộ trưởng đều yêu cầu các đơn vị phải phân tích được những cơ hội, những khó khăn vướng mắc về cơ chế, chính sách, về nguồn lực để từ đó có những hỗ trợ cần thiết cho địa phương, ngành hàng, doanh nghiệp; hoặc đề xuất lên Chính phủ để có hướng tháo gỡ.

Nhưng cũng có những vấn đề được Bộ trưởng chỉ đạo cụ thể, như tại Hội nghị, một số liệu báo cáo được đưa ra, hiện đã có bao nhiêu tỉnh đã phủ sóng 100% cây xăng có bán xăng E5, bao nhiêu tỉnh phủ sóng 50%... Bộ trưởng đã “sốt ruột” nói rằng, sự hiện hữu của các cây xăng E5 không xác thực bằng chuyện có bao nhiêu lít xăng E5 được bán ra thị trường và yêu cầu các đơn vị chức năng liên quan phải đi thực địa kiểm tra.

Cũng chuyện xăng E5, một vấn đề khác được nêu lên, công thức tính giá của xăng E5 hiện trùng với công thức tính giá của xăng thường (khai khoáng), gây khó khăn cho các doanh nghiệp sản xuất do giá xăng thường thấp hơn. Nhưng Bộ trưởng đặt câu hỏi, ngoài “chuyện công thức” ra, có câu chuyện về thị trường hay không? Và cũng yêu cầu các đơn vị liên quan kiểm tra lại.

Giải quyết bằng những biện pháp mang tính tổng thể, hay những chỉ đạo cụ thể, cũng đều hướng tới hoàn thiện môi trường kinh doanh, hỗ trợ thiết thực cho địa phương, ngành hàng và doanh nghiệp, nhằm tới đích cuối cùng là hoàn thành các chỉ tiêu của ngành Công Thương, góp phần vào sự tăng trưởng chung của nền kinh tế.
Lê Văn