BREXIT - Cuối cùng chỉ truyền thông là thắng lớn

Cuối cùng thì Brexit vẫn diễn ra, bất chấp những cảnh báo của các chuyên gia kinh tế toàn cầu. Nhưng gần như ngay lập tức, sau khi kết quả được công bố, những người dân Anh đã bỏ phiếu chấp thuận rời

Brexit & vũ khí truyền thông trong tay các chính trị gia

Như Tạp chí Công Thương đã từng đề cập, mấu chốt để giấc mơ về một siêu nhà nước châu Âu trở thành hiện thực nằm ở việc giải quyết thành công sự mâu thuẫn giữa lợi ích thực dụng của từng quốc gia thành viên với những tiêu chuẩn chung mà EU theo đuổi. Điều trái khoáy là, trong mắt nhiều người dân châu Âu, mặc dù luôn đề cao những giá trị tốt đẹp đến mức lý tưởng nhưng EU lại là một tổ chức quan liêu, bộ máy cồng kềnh khiến cho tổ chức này phản ứng chậm chạp với hàng loạt vấn đề trong những năm qua. Điều này đã làm tâm lý bất mãn của người dân ngày càng lan rộng; đặc biệt là ở các quốc gia có trình độ phát triển kinh tế cao hơn, họ chỉ nhìn thấy gánh nặng khi phải đóng góp tiền thuế để chia sẻ với những vấn đề không liên quan ở những nước khác nghèo hơn trong khối. Hoặc ngay như ở một quốc gia cụ thể như nước Anh, tầng lớp trung và cao tuổi luôn cảm thấy bất an khi phải cạnh tranh việc làm, phúc lợi xã hội với những lao động trẻ hơn, năng động hơn từ các nước EU khác đến sinh sống, làm ăn.
Và khi cuộc khủng hoảng di cư từ Trung Đông và Bắc Phi bùng nổ thì sự dè giữ không còn nữa. Sau những tranh cãi không đi đến kết quả, nhiều nước châu Âu đã siết chặt quy chế tiếp nhận người tị nạn theo kiểu "mạnh ai nấy làm" chứ không còn tuân thủ sự phân bổ "hạn ngạch" chung của khối nữa. Thực tế này được giới chính trị gia theo đường lối dân tộc chủ nghĩa đã tuyên truyền theo cách để người dân Anh cũng như nhiều nước khác hiểu rằng trong khi EU và từng Chính phủ thành viên vẫn còn đang loay hoay với bài toán chung - riêng thì tự mình quyết định là cách tốt nhất.

Trước khi cuộc trưng cầu dân ý về việc nước Anh ra đi hay rời khỏi Liên minh châu Âu diễn ra, các nhà phân tích tài chính đều dự báo những hậu quả nghiêm trọng về kinh tế, tài chính khi Anh tách khỏi EU. Song, những nhà lãnh đạo chủ trương Brexit đã khẳng định "nước Anh đã có đủ các chuyên gia kinh tế rồi". Đồng thời, họ khôn khéo đánh trúng tâm lý lo ngại về người nhập cư (thỉnh thoảng còn ngụ ý là người da màu) sẽ dẫn nước Anh tới chỗ đổ vỡ. Một số phương tiện truyền thông, đặc biệt là các báo lá cải Anh thường tập trung miêu tả tội phạm người nhập cư với những tình tiết khủng khiếp và đưa ra cảnh báo rằng với cách cư xử kiểu "bầy người", họ (dân tị nạn) có thể làm đất nước "sa lầy".

Và có thể nói, với trình độ chính trị lão luyện, bài bản cộng với sự hỗ trợ tối đa của các phương tiện truyền thông, mạng xã hội... các lãnh đạo dân túy của chủ trương Brexit đã thành công trong việc tuyên truyền, lôi kéo cử tri với chủ thuyết bản sắc Anh quốc quan trọng hơn nhiều so với thiệt hại kinh tế. Và họ dẫn dụ rằng, dù có một hậu quả nào đó thì một xã hội trật tự, trong đó mỗi người dân Anh cảm thấy an toàn và mạnh mẽ, có quyền tự chủ đối với vận mệnh của chính mình cũng rất đáng để trả giá.

Vấn đề là ai trả giá thì họ không nói đến.

Truyền thông thắng lớn

Toàn thế giới chấn động, Thủ tướng David Cameron tuyên bố từ chức, tất cả rơi vào hỗn loạn đến mức người dân Anh không hiểu cái mà ngài Boris Johnson, chính trị gia ủng hộ rời EU mạnh mẽ nhất - gọi là "chiến thắng" khi phát biểu sau khi có kết quả trưng cầu dân ý thực sự là gì.

Tiếp nữa, ngài Nigel Farage, Chủ tịch Đảng Vương quốc Anh độc lập (UKIP chỉ có 1 ghế trong trong Hạ viện Anh nhưng có ba thành viên Thượng viện và 22 nghị sĩ châu Âu) - một người rất nhiệt huyết với Brexit, trên chương trình “Chào buổi sáng, nước Anh” phát trên kênh ITV đã thản nhiên: “Ồ, tôi không thể hứa đảm bảo về chuyện đó (350 triệu bảng cho dịch vụ sức khoẻ quốc gia - NHS). Và tôi cũng chưa bao giờ hứa hẹn chuyện này. Đây là một sai lầm đáng tiếc của chiến dịch rời bỏ EU”.

Đến đây, nhiều người mới nhớ ra, ngay cả trong thời điểm chiến dịch vận động Brexit đang diễn ra, ý tưởng về chuyện lấy lại khoản tiền trị giá 350 triệu Bảng mà Anh đóng góp cho EU hàng tuần của các chính trị gia đã bị phê phán dữ dội. Bởi lẽ, đóng 350 triệu Bảng nhưng thực tế nước Anh nhận lại từ EU số tiền lớn hơn thế rất nhiều.

Lời hứa sẽ “giành lại quyền kiểm soát biên giới lại cho nước Anh” và giảm số người nhập cư vào nước này cũng đã thay đổi. Bởi những người đã hứa lên tiếng cho rằng, Anh cần chấp nhận quyền tự do đi lại để đổi lấy việc có thể tiếp cận thị trường EU. Liam Fox, một người ủng hộ việc Anh ra đi tuyên bố: “Có rất nhiều điều chúng ta đã cam kết trước khi cuộc trưng cầu dân ý diễn ra cần phải được xem xét lại”. Nghị sỹ Daniel Hannan, người cũng là thành viên nghị viện EU, lại trả lời về chuyện hạn chế cơ bản số lượng người nhập cư bằng một thủ pháp tu từ: “Chúng tôi không nói rằng sẽ hạn chế tối đa người nhập cư; chúng tôi chỉ đưa ra hướng để mở cửa có kiểm soát đối với họ mà thôi”.

Về kinh tế, cựu thị trưởng London Boris Johnson và Michael Gove, Đại chưởng ấn (Đổng lý văn phòng) Vương quốc Anh, hai “lãnh tụ” hàng đầu của chiến dịch rời EU, đã từng tuyên bố chắc chắn: “Chẳng có thay đổi đột ngột nào cũng như tác động tiêu cực đáng ngại nào lên nền kinh tế Anh nếu chúng ra rời EU cả”. Nhưng chỉ cần kết quả trưng cầu được đưa ra, tức là về pháp lý, Anh vẫn còn nằm trong EU, đồng Bảng đã giảm xuống mức đáy sau 31 năm so với đồng USD, thị trường chứng khoán Anh mất 171 tỉ USD - tương đương 15 năm đóng góp cho EU. Tài sản của 400 người giàu nhất thế giới (trong đó có một số tỷ phú Anh) "bốc hơi" 127,4 tỉ USD. Người dân Anh hoảng hốt thực sự và thậm chí đã có cả trào lưu tích trữ ngoại tệ, đặc biệt là đồng Euro, điều rất hiếm khi xảy ra.

Sáng ngày 6/7, tỷ giá đồng Bảng so với USD đã rớt xuống mức 1,295 USD đổi 1 Bảng, thấp nhất từ năm 1985

Những ngày này, chỉ cần gõ cụm từ Brexit, trong vòng 0,50 giây đã cho 185 triệu kết quả trên Google, cao hơn rất nhiều lần so với từ khóa Giải vô địch châu Âu. Giới truyền thông đã có một dịp không thể tốt hơn để khai thác đủ mọi khía cạnh của vấn đề Brexit. Từ chuyện Scotland hay thủ đô Luân Đôn có thể đòi độc lập để được ở lại EU, hay chuyện ngài Boris Johnson bị đồng minh chính trị "ngáng chân" tới vị trí Thủ tướng Anh... Đến cả những chủ đề hài hước "nhân dịp Brexit". Ví dụ như, một tờ báo của Romania - Gandul đã phát động chiến dịch mời những người Anh đang đau khổ vì không được ở lại EU tới sống ở Romania. "Hỡi những người Anh tin vào một châu Âu thống nhất, hãy rời bỏ phe Brexit, các tranh cãi và thời tiết ở Anh. Hãy bắt đầu cuộc sống mới trong một gia đình Romania đáng yêu", tờ Gandul phát đi thông điệp. Tờ báo này cũng kêu gọi người dân Romania "nhận nuôi" những người Anh ủng hộ quyết định ở lại châu Âu. Trên trang web của báo, người đọc có thể kích chuột vào biểu tượng để lựa chọn "nhận nuôi" hoặc "xin nhận nuôi". Sau đó, công dân Anh sẽ được kết nối với công dân Romania nhận nuôi. Trang web thậm chí còn cho người Anh xem chứng minh thư phiên bản Romania của mình.

Truyền thông châu Âu cũng sử dụng những hình ảnh hài hước để phản ánh cuộc bầu cử Brexit của người Anh. "Hàng nghìn người tị nạn Anh mạo hiểm vượt eo biển Ireland" là tựa đề trên một trang châm biếm của Ireland. Một người dùng Internet ở Tây Ban Nha còn đăng bức ảnh chỉnh sửa biểu ngữ treo trước cung điện Cybele ở Madrid với dòng chữ: "Chào đón người tị nạn Anh".

Câu chuyện chưa có hồi kết

Ở đây cần nói rõ rằng, trước Brexit, người Anh tự tin vì họ mạnh thực sự chứ không hoàn toàn do truyền thông hoặc giới chính trị gia thổi phồng. Còn hậu Brexit, người Anh đương nhiên cần thế giới và thế giới cũng rất cần nước Anh. Bởi lẽ đây vẫn là một trung tâm tài chính hàng đầu thế giới, một quốc gia phát triển thuộc khối G7 và vẫn là đối tác quan trọng của rất nhiều quốc gia trên thế giới. Do đó, nếu Điều 50 của Hiệp ước Lisbon được kích hoạt và tiến trình Brexit thực sự diễn ra, hàng loạt các quốc gia trên thế giới sẽ ngay lập tức khởi động tiến trình đàm phán với nước Anh để duy trì quyền lợi.

Nhưng còn viễn cảnh một nước Anh có trở nên thịnh vượng, an toàn hơn sau khi không còn là một thành viên của EU có thành hiện thực hay không thì chưa ai dám chắc.

Và giới truyền thông lại đang bắt đầu có một câu chuyện mới để thu hút công chúng, đó là ai và chính đảng nào ở nước Anh có thể giúp nước Anh đạt lợi ích cao nhất trong tiến trình đàm phán Brexit; hoặc thậm chí có thể ở lại EU. Mới đây nhất, sau việc ông Boris Johnson tuyên bố không tranh cử chức vụ Thủ tướng Anh, ông Nigel Farage cũng vừa tuyên bố từ chức Chủ tịch Đảng nước Anh độc lập (UKIP) sau khi đã đạt được mục tiêu vận động nước Anh rời khỏi EU. Nhiều chuyên gia bình luận cho rằng đây là sự khôn ngoan theo kiểu "bỏ của chạy lấy người", vì thực sự trở thành Thủ tướng mới của nước Anh vào tháng 10 tới có nghĩa là sẽ phải hứng lấy gánh nặng hậu Brexit với rất nhiều áp lực và rủi ro chính trị. Những ngày này, sau những nuối tiếc và thất vọng với giới chính trị gia, người dân Anh đổ xô đi xin hộ chiếu, nhập quốc tịch Ai-len hay một số quốc gia khác để vẫn được là công dân EU. Còn những gì sắp tới thì hãy chờ xem.