Bưởi đường Quế Dương và phật thủ Đắc Sở đem lại nguồn lợi kinh tế cho Huyện Hoài Đức

Nhiều năm trở lại đây, huyện Hoài Đức đã phát triển thành công nhiều giống cây trồng quý, đem lại nguồn lợi kinh tế cao cho người nông dân. Trong đó, phải kể đến bưởi đường Quế Dương và phật thủ Đắc S

Làm giàu với đặc sản quê nhà

Năm 2010, Trung tâm tài nguyên thực vật (Viện Khoa học Nông Nghiệp Việt Nam) phối hợp với Hội Nông dân huyện Hoài Đức triển khai dự án “Bảo tồn và phát triển nguồn gen bưởi chin sớm vùng lũ sông Đáy, huyện Hoài Đức” trên địa bàn xã Cát Quế, huyện Hoài Đức, Hà Nội. Xuất phát từ một cây bưởi hạt, được gia đình cụ Trần Thảo (xóm Tháp Thượng) lưu giữ và nhân giống từ một thế kỉ nay, bưởi Quế Dương được chọn nghiên cứu. Sau khi tập trung trồng và chăm sóc, bưởi Quế Dương cho quả to, cùi mỏng, mẫu mã đẹp, độ ngọt vừa phải. Bưởi nặng từ 1,2 đến 1,5kg, là đặc sản chính gốc vùng quê Cát Quế.

Bưởi Quế Dương quả hơi dẹt, lúc chín cho màu vàng mịn, vị ngọt vừa phải

Khác với bưởi Diễn, bưởi Quế Dương cho năng suất ổn định, thu hoạch vào rằm tháng Tám âm lịch nên người dân có thể trồng xen kẽ rải vụ. Bưởi có thể để từ 5 đến 6 tháng mà không bị hỏng. Hơn thế nữa, một cây bưởi trưởng thành có thể cho thu hoạch hàng trăm quả cùng một lúc. Bưởi Quế Dương chịu hạn, chịu úng tốt hơn bưởi Diễn mà đòi hỏi ít công chăm sóc. Chính vì vậy mà gần như năm nào bưởi cũng được mùa và đem lại giá trị kinh tế cao.

Anh Nguyễn Duy Hà (thôn Tháp Thượng – xã Cát Quế) chia sẻ: “Rằm tháng Tám năm nay mưa nhiều, nhưng 10 cây bưởi Quế Dương nhà tôi vẫn cho thu hoạch 3 tấn bưởi, thu về 90 triệu đồng. Năm ngoái được mùa, 2 cây cho 1 tấn quả”.

Hiện xã Cát Quế có 15ha trồng bưởi, trung bình mỗi năm cho thu hoạch từ 15-20 tấn, với giá từ 20.000 đến 25.000 đồng một quả bưởi Quế Dương. Đây được coi là cây đầu tư siêu lợi nhuận, đầu tư 1 lần có thể cho thu hoạch từ 50 – 70 năm.

Ngày 13/8/2014, Cục Sở hữu Trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) đã ban hành quyết định số 33653/QĐ-SHTT, cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu tập thể bưởi Quế Dương. Đây chính là cơ hội lớn giúp quảng bá sản phẩm bưởi Quế Dương ra thị trường trong và ngoài nước trong thời gian tới.

Ông Cao Minh Tuyến – phó phòng Kinh tế huyện Hoài Đức cho biết: huyện đã có kế hoạch nhân rộng diện tích bưởi đạt 50ha vào năm 2015, để đạt được mục đích này huyện đã có nhiều chính sách hỗ trợ người dân về vay vốn, phân bón,... Giống bưởi này đang dần trở thành cây trồng chủ lực trong phát triển kinh tế cho người nông dân địa phương.

Phật thủ Đắc Sở - cây cho quả bạc triệu

Xuất hiện ở xã Đắc Sở (huyện Hoài Đức, Hà Nội) lần đầu tiên vào năm 2004, cây phật thủ đến nay đã đem lại cho người nông dân nơi đây khoản lợi nhuận hàng năm lên tới hàng trăm triệu đồng. Loài cây này cho quả có hình dạng đặc biệt, với nhiều tầng “tay Phật” xòe ra mang đậm ý nghĩa tâm linh nên được đông đảo người dân đón nhận. Cây đặc biệt phát triển tốt ở vùng đất cát pha ven sông Đáy – Đắc Sở, hơn thế nữa, cây cho thu hoạch quả quanh năm nên nhiều người không ngần ngại đầu tư vào quả phật thủ. Từ một vài hộ trồng nhỏ lẻ, tính đến nay, xã Đắc Sở đã có hơn 300 hộ trồng phật thủ, diện tích lên tới 100ha. Ủy ban nhân dân xã Đắc Sở cũng xác định đây là cây trồng chủ lực cho chương trình xây dựng Nông thôn mới tại địa phương.

Anh Nguyễn Văn Sơn – nông dân trồng phật thủ tại đây cho biết, nhà anh trồng phật thủ được 2 năm nay, với 6 sào phật thủ, anh đầu tư mỗi sào 40 triệu đồng. Tính riêng Tết 2015 này, nếu thuận lợi thì ước tính anh có thể thu về 200 triệu đồng.

Anh Nguyễn Văn Sơn bên vườn phật thủ

Với diện tích vườn 1,5 mẫu, Tết năm 2014 vừa qua, 200 gốc cây phật thủ gia đình anh Nguyễn Bá Đông thu được lợi nhuận lên tới 800 triệu đồng. Sắp tới, anh dự định mở rộng diện tích đất lên 2 mẫu.

Huyện Hoài Đức coi đây là cây trồng đặc biệt, mang lại giá trị kinh tế cao, có ý nghĩa tâm linh nên huyện đã có kế hoạch mở rộng diện tích trồng cây, góp phần chuyển dịch cơ cấu cây trồng, đem lại đời sống ổn định cho người nông dân.