Buôn lậu thuốc lá tại Lao Bảo - Quảng Trị: Nguy cơ tiềm ẩn

Nằm trên Hành lang kinh tế Đông - Tây, đặc biệt nơi có Quốc lộ 9 là huyết mạnh thông thương nối với Lào, Thái lan và Mianma, nên từ lâu, Quảng Trị (nhất là ở khu vực Cửa khẩu quốc tế Lao Bảo) được xem

Diễn biến khó lường

Đến Quảng Trị vào những ngày vừa qua, chúng tôi có dịp làm việc với các ngành trực tiếp chống buôn lậu như: Hải quan, Công an, Biên phòng, Quản lý thị trường, ông Đinh Ngọc Thanh - Chi Cục trưởng Chi cục Hải quan Cửa khẩu quốc tế Lao Bảo cho biết, tình hình buôn lậu hàng hóa nói chung và mặt hàng thuốc lá nói riêng trên tuyến biên giới tỉnh Quảng Trị và từ Cửa khẩu quốc tế Lao Bảo về thị trường nội địa vẫn diễn biến phức tạp với những phương thức, thủ đoạn tinh vi và đa dạng, nhằm trốn tránh sự kiểm tra, kiểm soát của các lực lượng chống buôn lậu. Các lực lượng chống buôn lậu đã triển khai nhiều biện pháp đấu tranh phòng, chống, song do địa hình phức tạp, nên hàng lậu vẫn len lỏi về các huyện, thị vùng giáp ranh.

Ðội trưởng Đội Kiểm soát Hải quan Quảng Trị - Trần Xuân Thành cho biết: Chỉ tính từ Tết Giáp Ngọ đến nay, Ðội Kiểm soát Hải quan đã bắt được 4.000 gói thuốc lá ngoại vận chuyển trên quốc lộ 9, trị giá 56 triệu đồng. Hai nhãn thuốc lá được nhập lậu nhiều nhất là Jet và Hero (chiếm 90%) có nguồn gốc từ Inđônêxia nhập chính thức vào Campuchia (80%) và Thái Lan (20%). Con đường nhập lậu thuốc lá vào Việt Nam thông qua cảng Băng Cốc (Thái Lan) và vận chuyển bằng đường bộ đến kho của Công ty Đào Hương (thuộc tỉnh Shavannakhet - Lào) và được vận chuyển áp sát khu vực Cửa khẩu quốc tế Lao Bảo.

Phương thức, thủ đoạn buôn lậu không có gì thay đổi. Các đối tượng vẫn sử dụng hình thức gùi, cõng hàng hóa đi theo đường rừng, đường sông để tránh các trạm kiểm soát của lực lượng chức năng hoặc chở hàng hóa trên các phương tiện chở khách, chở hàng hóa cồng kềnh khó kiểm tra, thuê người dùng xe thô sơ vận chuyển qua cửa khẩu. Trên tuyến sông Sê Pôn, thuộc địa bàn huyện Hướng Hóa tỉnh Quảng Trị, các đối tượng buôn lậu sử dụng thuyền nhỏ cơ động, xé lẻ hàng lậu tuồn vào Khu Kinh tế - Thương mại Lao Bảo bằng vô số lối mòn tiểu mạch. Tại đây luôn túc trực đội quân bốc vác, cõng hàng lậu vượt suối, băng rừng đến các địa điểm tập kết gần Quốc lộ 9, chuyển lên xe khách, xuôi vào thị trường nội địa. Các đối tượng buôn lậu thuốc lá đã gây ra nhiều vấn đề xã hội như: mất trật tự trị an tại khu vực vùng biên, mất trật tự an ninh công cộng, đặc biệt là gây ra các vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng, ảnh hưởng đến tính mạng người dân…

Từ Cửa khẩu quốc tế Lao Bảo, chúng tôi đến chợ Karôn, huyện Sê Pôn, tỉnh Savannakhẹt (Lào) chỉ chừng 20 phút, thuốc lá nhập lậu vẫn được bày bán công khai. Chủ bán hàng ở đây phần lớn là người Trung Quốc, nói rất sành tiếng Việt và tiếng Lào. Chúng tôi hỏi mua thuốc lá Jet, chị chủ hàng báo giá chỉ có 120.000đ/tút. Nếu mua với số lượng lớn, giá chỉ còn 90.000 - 100.000đ/tút. Chủ hàng còn quảng cáo: Đây chỉ là một ít hàng thuốc lá trưng bày. Nếu các anh chị mua với số lượng bao nhiêu cũng có, phương thức thanh toán tiền Việt hay tiền Kíp Lào đều được. Hàng được tập kết tại kho ở các bến sông phía Lào, rồi thuê cửu vạn cõng gùi qua sông, khi bị kiểm tra thì ném hàng ra khỏi nơi kinh doanh và không thừa nhận là chủ hàng.

Tác hại của thuốc lá lậu

Theo số liệu khảo sát năm 2012 của Tổ chức kinh tế học Oxford Economics (Vương quốc Anh) và Trung tâm thuế và Đầu tư Quốc tế (ITIC), Việt Nam hiện nay là thị trường thuốc lá lậu lớn thứ hai tại châu Á, chiếm 21 - 22% thị phần tiêu thụ nội địa của Việt Nam. Năm 2013, số lượng thuốc lá thẩm lậu vào Việt Nam hoảng 850 triệu bao, gây thất thu thuế khoảng 6.500 tỷ đồng. Hơn nữa, thuốc lá lậu không phải chịu thuế, bất bình đẳng trong cạnh tranh, nên thuốc lá lậu rẻ hơn so với thuốc lá hợp pháp và dễ được người tiêu dùng chấp nhận. Nghiêm trọng hơn, thuốc lá lậu không được các cơ quan có thẩm quyền kiểm soát về mặt chất lượng, độ an toàn cho người sử dụng.

Kiểm tra hàng hóa tại cửa khẩu quốc tế Lao Bảo
Trong những năm qua, ngành Công nghiệp Thuốc lá đã tạo việc làm cho 6 triệu lao động trong nước, như các khâu sản xuất nguyên liệu, sản xuất thuốc lá điếu, các dịch vụ thương mại, phụ trợ phục vụ cho ngành này. Tuy nhiên, thuốc lá lậu khiến toàn ngành Công nghiệp Thuốc lá mất thị trường cung ứng nguyên liệu khoảng 18.000 tấn/năm, tương đương diện tích trồng thuốc lá khoảng 10.000 ha, đồng nghĩa với việc 5 triệu lao động trong nước mất việc làm trong khoảng 5 tháng và 600.000 lao động công nghiệp mất việc trong thời gian 1 năm.

Vừa qua, theo đề xuất của Bộ Tài chính về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt, thì thuế suất áp dụng với thuốc lá sản xuất trong nước có thể sẽ gia tăng trong thời gian tới. Tuy việc làm này có tăng thêm thu nhập cho ngân sách, nhưng thực tế lại tạo thêm khoảng cách bất lợi cho ngành Công nghiệp Thuốc lá trong nước với thuốc lá nhập lậu. Tác hại thấy rõ nhất của việc tăng thuế sẽ khiếnsản xuất của doanh nghiệp thuốc lá hợp pháp giảm, giá thành sản phẩm tăng, trong khi thị phần thuốc lá nhập lậu tăng lên và người tiêu dùng dễ dàng quay lưng với thuốc lá hợp pháp sản xuất trong nước, tạo ra hệ quả là công nhân không có việc làm, vùng trồng nguyên liệu thu hẹp, trong khi mục tiêu giảm cung - cầu thuốc lá, phòng chống tác hại và bảo vệ sức khỏe cộng đồng cũng không đạt được.

Nhằm nâng cao hiệu quả trong công tác chống buôn lậu thuốc lá, trong thời gian tới, theo Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam, Chính phủ nên duy trì “cơ chế thí điểm huy động kinh phí hỗ trợ công tác phòng, chống buôn lậu thuốc lá” mà Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam đã đề xuất và triển khai từ năm 2007, được kéo dài đến năm 2020. Cơ chế này là hoạt động thiết thực nhằm hỗ trợ lực lượng chức năng có thêm nguồn kinh phí trong công tác, góp phần giảm gánh nặng cho ngân sách quốc gia trong hoạt động chống buôn lậu thuốc lá. Bên cạnh đó, cũng cần có một chế tài xử lý hành vi mua bán, vận chuyển thuốc lá lậu thật mạnh. Đồng thời, cần có những hình thức khen thưởng xứng đáng đối với những địa phương làm tốt công tác chống buôn lậu thuốc lá.



Thu Hà