Các mô hình kế toán quản trị trên thế giới và thực trạng kế toán quản trị chi phí trong các doanh nghiệp vừa và nhỏ ở Việt Nam

ThS. PHẠM THỊ HỒNG THẮM (Khoa Kế toán - Trường Đại học Kinh tế Kỹ thuật Công nghiệp)

TÓM TẮT:

Thông tư số 53/2006/TT-BTC ra đời hướng dẫn áp dụng kế toán quản trị nhưng việc vận dụng vào các doanh nghiệp ở Việt Nam vẫn còn gặp nhiều bất cập, do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan khác nhau. Bài viết đề cập đến một số mô hình kế toán quản trị trên thế giới, từ đó đưa ra các quan điểm về việc áp dụng kế toán quản trị chi phí tại các doanh nghiệp vừa và nhỏ ở Việt Nam.

Từ khóa: Kế toán quản trị, quản trị chi phí, doanh nghiệp vừa và nhỏ, Việt Nam.

I. Các mô hình kế toán quản trị trên thế giới

1. Mô hình kế toán quản trị áp dụng cho các doanh nghiệp tại Mỹ

Kế toán quản trị (KTQT) xuất hiện từ rất lâu tại các doanh nghiệp sản xuất quy mô nhỏ ở Mỹ dưới hình thức kế toán chi phí, sau đó, cùng với sự phát triển của nền kinh tế thì KTQT cũng ngày càng đa dạng để đáp ứng nhu cầu thông tin trong quản lý doanh nghiệp. KTQT trong các doanh nghiệp ở Mỹ được thiết kế tập trung vào chủ đề phân tích thông tin phục vụ cho các quyết định quản lý, đề cao tính hữu ích của thông tin cho các quyết định quản lý hơn là xác lập một hệ thống thông tin toàn diện cho yêu cầu quản lý. Các doanh nghiệp Mỹ hầu hết đều áp dụng mô hình kết hợp kế toán quản trị và kế toán tài chính. Theo đó, kế toán trưởng chịu trách nhiệm chung về toàn bộ công tác kế toán trong doanh nghiệp nhằm cung thông tin cho nhà quản trị. Các bộ phận kế toán có chức năng thu thập và cung cấp thông tin kế toán tổng hợp, chi tiết... đồng thời lập dự toán tổng hợp và chi tiết theo yêu cầu quản lý.

Trong những năm gần đây, mặc dù vẫn duy trì khuynh hướng đặc trưng như trước nhưng kế toán quản trị trong doanh nghiệp ở Mỹ đã xuất hiện một vài thay đổi về cấu trúc thông tin, nâng cao tính định tính của thông tin, tính kiểm soát để phù hợp với xu thế chung của thế giới.

2. Mô hình kế toán quản trị áp dụng cho các doanh nghiệp tại Pháp

Đối với các doanh nghiệp tại Pháp thì KTQT tách rời với kế toán tài chính, sử dụng hệ thống tài khoản riêng, sổ kế toán và báo cáo kế toán riêng. KTQT đặt trọng tâm xử lý và cung cấp thông tin về chi phí, thu nhập và kết quả của từng loại hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp theo từng sản phẩm, dịch vụ. Theo mô hình này thì KTQT phân loại chi phí theo chức năng và theo mức độ liên quan đến đối tượng tập hợp chi phí, còn kế toán tài chính lại phân loại chi phí dựa trên bản chất kinh tế. Vấn đề đặt ra đối với mô hình KTQT này đó là sự phức tạp do sử dụng hai hệ thống tài khoản khác nhau, nhiều biểu mẫu sổ sách, chính vì thế mà thông tin cung cấp không đồng nhất giữa KTQT và kế toán tài chính.

3. Mô hình kế toán quản trị áp dụng cho các doanh nghiệp tại Nhật Bản

KTQT bắt đầu phát triển mạnh tại Nhật Bản từ những năm 1980, được hiểu đồng nghĩa với khái niệm kế toán nội bộ. Hệ thống KTQT chi phí trong các doanh nghiệp tại Nhật Bản được xây dựng tách rời với hệ thống kế toán tài chính. Theo mô hình này, hệ thống kế toán chi phí tiêu chuẩn được áp dụng khá rộng rãi với mục đích chủ yếu là kiểm soát chi phí và cắt giảm chi phí. Việc lập dự toán ở các doanh nghiệp tại Nhật không được thực hiện đầy đủ và phương pháp kế toán chi phí trực tiếp không được áp dụng phổ biến, chỉ được áp dụng để hoạch định lợi nhuận và lập dự toán. Ngoài ra, hệ thống KTQT chi phí trong các doanh nghiệp Nhật Bản tham gia rất chặt chẽ vào quá trình ước tính chi phí cho các sản phẩm mới. Việc ước tính chi phí cho các sản phẩm mới được thực hiện ngay từ giai đoạn lập kế hoạch, xác định chi phí mục tiêu của các sản phẩm mới với phương pháp chi phí mục tiêu.

II. Thực trạng kế toán quản trị chi phí trong các doanh nghiệp vừa và nhỏ ở Việt Nam

Đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp thông tin về chi phí trong các doanh nghiệp chính là hệ thống kế toán chi phí, tuy nhiên tác dụng cung cấp thông tin cho các đối tượng sẽ khác nhau tùy vào mục đích xây dựng và khai thác hệ thống kế toán chi phí đó. Vì vậy, để quản lý có hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp vừa và nhỏ cần phải áp dụng kế toán quản trị mà chủ yếu là quản trị chi phí.

Công tác tổ chức kế toán quản trị chi phí ở các doanh nghiệp vừa và nhỏ qua áp dụng đã bộc lộ một số những hạn chế:

Một là, bộ máy KTQT chủ yếu tập trung vào công tác thu nhận, xử lý và cung cấp thông tin cho kế toán tài chính mà chưa có bộ phận riêng phục vụ cho yêu cầu quản trị.

Hai là, chi phí sản xuất tại các doanh nghiệp hiện nay chủ yếu được phân loại theo mục đích, công dụng của chi phí chủ yếu phục vụ cho kế toán tài chính mà chưa có tiêu thức phân loại theo yêu cầu của KTQT.

Ba là, việc xây dựng định mức và lập dự toán sản xuất kinh doanh vẫn chỉ dừng lại ở dạng kế hoạch giá thành, được lập theo từng loại chi phí để tính giá thành đơn vị sản phẩm. Dự toán chưa được lập riêng cho chi phí cố định và chi phí biến đổi. Dự toán tồn tại dưới dạng dự toán tĩnh, chưa phải dự toán linh hoạt nên khó đưa ra quyết định kinh doanh trong điều kiện thị trường hiện nay.

Bốn là, các phần mềm ứng dụng cho quản trị doanh nghiệp còn bị hạn chế do chưa nhận thức được vai trò quan trọng của KTQT.

Năm là, tại các doanh nghiệp, việc phân tích chi phí chưa được quan tâm và chưa được thực hiện được vai trò hỗ trợ nhà quản trị đưa ra quyết định có hiệu quả.

III. Một số giải pháp hoàn thiện kế toán quản trị chi phí trong các doanh nghiệp vừa và nhỏ ở Việt Nam

Trong điều kiện hiện nay, các doanh nghiệp vừa và nhỏ ở Việt Nam nên theo mô hình kế toán quản trị kết hợp với kế toán tài chính. Thực chất cả kế toán tài chính và KTQT đều nghiên cứu sự biến động chi phí của hoạt động sản xuất kinh doanh, nhưng KTQT cung cấp hệ thống thông tin về chi phí để các nhà quản trị đưa ra quyết định kinh doanh. Các doanh nghiệp vừa và nhỏ ở Việt Nam chiếm tỷ lệ rất lớn, vì vậy mô hình kết hợp kế toán tài chính và KTQT trong cùng một hệ thống kế toán là phù hợp với trình độ của kế toán doanh nghiệp, đồng thời đảm bảo cho việc quản lý, kiểm tra, kiểm soát của Nhà nước.

Thứ nhất, các doanh nghiệp cần phải phân loại chi phí theo yêu cầu của KTQT. Theo đó, khi phân loại chi phí cần phải dựa vào bản chất chi phí, sự thay đổi, biến động của chi phí với mức độ hoạt động, bao gồm biến phí và định phí. Biến phí sản xuất bao gồm: Chi phí nguyên vật liệu, chi phí nhân công, chi phí sản xuất chung,… Định phí sản xuất bao gồm những khoản chi phí mang tính chất cố định hàng tháng phát sinh.

Thứ hai, xây dựng hệ thống tài khoản kế toán dựa trên cơ sở hệ thống tài khoản kế toán được Bộ Tài chính ban hành nhằm hệ thống hóa và cung cấp thông tin kế toán cho việc lập các báo cáo quản trị chi phí theo yêu cầu quản lý. Đối với kế toán tài chính thì sử dụng tài khoản tổng hợp, còn kế toán quản trị sử dụng tài khoản chi tiết để thu nhận và xử lý thông tin phục vụ việc ra quyết định trong quá trình sản xuất kinh doanh.

Thứ ba, cần hoàn thiện lập dự toán chi phí. Các dự toán bao gồm: Dự toán chi phí nguyên vật liệu trực tiếp được lập trên cơ sở định mức về lượng và giá nguyên vật liệu từng công đoạn; Dự toán chi phí nhân công trực tiếp dựa trên cơ sở số lượng sản phẩm sản xuất dự kiến, định mức lượng thời gian lao động và định mức giá giờ công lao động; Dự toán chi phí sản xuất chung chi tiết theo ứng xử của chi phí. Ngoài ra, các dự toán chi phí ngoài sản xuất bao gồm chi phí bán hàng, chi phí quản lý doanh nghiệp cũng cần tiến hành xây dựng theo cách ứng xử của chi phí. Bên cạnh việc xây dựng dự toán tĩnh, doanh nghiệp cũng cần phải xây dựng dự toán linh hoạt. Tuy nhiên, cần phải xây dựng ở các mức độ hoạt động khác nhau nhằm cung cấp thông tin chi phí doanh nghiệp có thể đạt được ở các phương án kinh doanh và các khả năng có thể xảy ra.

Thứ tư, các doanh nghiệp cần phải thu thập, xử lý, cung cấp thông tin về tình hình thực hiện chi phí phục vụ cho KTQT. Cần phải đảm bảo các yêu cầu cung cấp được thông tin về các đối tượng tập hợp chi phí bao gồm văn phòng quản lý, bộ phận sản xuất, bộ phận bán hàng, thông tin về biến phí, định phí của từng yếu tố phí. Trên cơ sở các tài khoản sẽ mở các sổ kế toán chi tiết chi phí tương ứng để theo dõi.

Thứ năm, về báo cáo quản trị, các báo cáo cần được lập chi tiết và lập theo cách ứng xử của chi phí từ đó thiết lập các chỉ tiêu thực hiện để so sánh với dự toán đã lập, bao gồm các báo cáo phân tích biến động chi phí và báo cáo thực hiện chi phí. Các báo cáo cần phải được xây dựng hoàn thiện hệ thống định mức kinh tế kỹ thuật và dự toán quá trình sản xuất kinh doanh một cách khoa học, hợp lý để phát hiện mọi vấn đề có thể xảy ra và điều chỉnh kịp thời.

Thứ sáu, cần phân tích, so sánh các thông tin chi phí. Phân tích mối quan hệ giữa chi phí, doanh thu và lợi nhuận bằng cách tính và xác định một số chỉ tiêu lợi nhuận góp, tỷ lệ lợi nhuận góp và vận dụng trong quá trình ra quyết định. Trên thực tế thì hầu như các doanh nghiệp vừa và nhỏ đều tiến hành xác định lợi nhuận chi tiết trên cơ sở phân bổ toàn bộ chi phí trong sản xuất và tiêu thụ theo tiêu thức thích hợp. Tuy nhiên, phương pháp này không hỗ trợ được nhiều cho nhà quản trị khi đưa ra quyết định.

Thứ bảy, cần hoàn thiện hệ thống pháp lý về KTQT. Tại Việt Nam hiện nay, KTQT chỉ được biết đến về mặt lý thuyết, trên thực tế nó mới được áp dụng ở các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Mặc dù Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 53/2006/TT-BTC hướng dẫn thực hiện KTQT nhưng chưa chi tiết cách thức thực hiện nên các doanh nghiệp chưa có đủ điều kiện và nhận thức để triển khai áp dụng KTQT trong doanh nghiệp.

IV. Kết luận

KTQT đã trải qua nhiều giai đoạn với những nội dung trọng tâm, trình độ khác nhau. Trong đó, nổi bật nhất là những nội dung KTQT liên quan đến thiết lập thông tin để hoạch định, kiểm soát tài chính, thông tin để giảm những tổn thất nguồn lực kinh tế trong hoạt động sản xuất kinh doanh và thông tin để sử dụng hiệu quả nguồn lực kinh tế.

KTQT có hệ thống và định hướng phát triển tốt khi định hình mô hình kế toán quản trị.

Xây dựng KTQT là quyết định của chính doanh nghiệp và Nhà nước chỉ đóng vai trò hỗ trợ cho doanh nghiệp. Xây dựng được mô hình KTQT phù hợp với nền kinh tế Việt Nam dựa trên những mô hình của các nước trên thế giới là điều kiện cần thiết để các nhà quản trị doanh nghiệp có thể đưa ra được những quyết định kinh doanh phù hợp.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. Bộ Tài chính (2006), Thông tư 53/2006/TT-BTC về việc hướng dẫn thực hiện kế toán quản trị trong doanh nghiệp.

2. ThS. Lê Thị Huyền Trâm, Tìm hiểu mô hình kế toán quản trị của Mỹ và Pháp.

3. http://danketoan.com/threads/bai-hoc-van-dung-cho-ke-toan-quan-tri-chi-phi-trong-cac-doanh-nghiep-o-viet-nam.250927/

MANAGEMENT ACCOUNTING MODELS WHICH ARE

APPLIED IN THE WORLD AND THE CURRENT SITUATION

OF THE COST MANAGEMENT IN VIETNAMESE SMES

MA. PHAM THI HONG THAM

Faculty of Accounting, University of Economic and Technical Industries

ABSTRACT:

The Ministry of Finance issued the Circular No.53/2006/TT-BTC dated June 12th, 2006 to provide Vietnamese enterprises with guidance on application of enterprise administration accounting regime. However, the implementation of the enterprise administration accounting regime in Vietnamese enterprises encounters many difficulties due to both objective and subjective reasons. This study is to introduce insight into implementation of cost management in Vietnamese small and medium-sized enterprises (SMEs) based on some management accounting models which are applied in the world.

Keywords: Management accounting, cost management, small and medium-sized enterprises, Vietnam.

Xem toàn bộ ấn phẩm Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ số 04 + 05 tháng 04/2017 tại đây