Cách mạng công nghiệp 4.0: Cơ hội và thách thức cho doanh nghiệp Việt

Sáng nay, 20/7/2017, tại Hà Nội, Bộ Công Thương cùng Đại sứ quán Đức tại Việt Nam, Công ty Siemens và Phòng Công nghiệp và Thương mại Đức tại Việt Nam phối hợp đồng tổ chức hội thảo: "Doanh nghiệp số

Hội thảo thu hút hàng trăm đại biểu tham dự, gồm các nhà quản lý và hoạch định chính sách, lãnh đạo doanh nghiệp, các chuyên viên cao cấp và các cơ quan truyền thông đến để gặp gỡ và trao đổi về cơ hội và thách thức dưới tác động của xu hướng toàn cầu về số hóa, đồng thời thảo luận kịch bản nhằm hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam trên con đường hướng tới Cách mạng Công nghiệp 4.0. TS.Nguyễn Phú Cường – Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ, Bộ Công Thương chủ trì Hội thảo.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Nguyễn Phú Cường nhấn mạnh, cách mạng công nghiệp 4.0 đem đến cho các doanh nghiệp Việt Nam rất nhiều cơ hội, nhưng cũng đồng nghĩa với việc phải đối mặt với nhiều thách thức không hề nhỏ. Do đó, để có thể tiếp cận và khai thác thành công những cơ hội mà công nghiệp 4.0 mang lại, về phía doanh nghiệp, trước hết cần phải hiểu đúng, đầy đủ về cuộc cách mạng này, về những đặc trưng của nền sản xuất trong tương lai, những yêu cầu mà doanh nghiệp cần phải đáp ứng nếu như không muốn tụt lại phía sau. Từ đó, mỗi doanh nghiệp cần xây dựng cho mình một Chiến lược phát triển lâu dài và những bước đi cụ thể, vững chắc. Ông Cường tin rằng, cuộc Hội thảo do Bộ Công Thương và Đại sứ quán Đức tại Việt Nam đồng tổ chức là một cơ hội quý giá để các đại biểu có thể trao đổi, thảo luận và tìm ra những hướng đi, những giải pháp hỗ trợ phù hợp cho các doanh nghiệp Việt Nam trên con đường hướng tới cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Đồng thời tin tưởng, những kinh nghiệm của Chính phủ Đức, những bài học thành công của Siemens cũng như các doanh nghiệp Đức sẽ là những thông tin vô cùng có giá trị cho các nhà hoạch định chính sách, các nhà nghiên cứu và các doanh nghiệp Việt Nam.

Ông Raimund Klein – Phó chủ tịch phụ trách bộ phận Nhà máy số và Công nghiệp Quy trình và Truyền động Siemens khu vực Đông Nam Á, trình bày kinh nghiệm của Siemens

Trong cuộc Hội thảo này, các đại biểu đặc biệt chú ý tới bài tham luận của Bộ Công Thương do ông Trần Việt Hòa – Phó Vụ trưởng Vụ KHCN trình bày hiện trạng, cũng như những khó khăn, thách thức của doanh nghiệp Việt trên con đường số hóa. Cũng như kinh nghiệm “Thúc đẩy các doanh nghiệp số hóa” do ông Raimund Klein – Phó chủ tịch phụ trách bộ phận Nhà máy số và Công nghiệp Quy trình và Truyền động Siemens khu vực Đông Nam Á, trình bày. Các câu hỏi của đại biểu đã được hai ông giải đáp ngay tại Hội thảo.

Chia sẻ với các đại biểu, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Siemens, ông Phạm Thái Lai nhấn mạnh: “Siemens quan niệm con đường tới Công nghiệp 4.0 chính là phát triển “Doanh nghiệp số”. Với chiến lược này, Siemens cung cấp các giải pháp để giải quyết những yêu cầu cụ thể trong các ngành sản xuất và chế biến, trên cơ sở kết hợp giữa việc lên kế hoạch với vận hành nhằm tạo ra một nền tảng quản lý nhà máy tích hợp, bao quát toàn bộ vòng đời của một nhà máy công nghiệp. Con đường trở thành doanh nghiệp số bao gồm bốn thành tố cốt lõi được phát triển dựa vào nhau một cách rất logic. Mỗi một thành tố chủ chốt này được tạo nên bởi một danh mục giải pháp độc đáo mà Siemens đã thiết kế cho khách hàng trên chặng đường tiến tới cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Và vì vậy, các doanh nghiệp Việt Nam có thể hoàn toàn tự tin bước vào cuộc cách mạng 4.0 với sự hỗ trợ đầy kinh nghiệm và tiềm lực của đối tác Siemens.

Các diễn giả của cuộc Tọa đàm "Con đường trở thành doanh nghiệp số"

Sức hút của cách mạng 4.0 nóng đến độ gần 12 giờ trưa mới diễn ra cuộc Tọa đàm “Con đường trở thành doanh nghiệp số”, nhưng hàng trăm đại biểu vẫn ngồi kín hội trường phòng họp và tiếp tục các phần tranh luận sôi nổi với các diễn giả gồm: Ông Trần Việt Hòa – Phó Vụ trưởng Vụ KHCN, Bộ Công Thương; ông Phạm Thái Lai - Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Siemens; ông Trương Gia Bình – Chủ tịch Tập đoàn FPT; ông Đinh Văn Thành – Tổng giám đốc Tập đoàn Polyco; và ông Võ Hồng Kỳ - Phụ trách bộ phận Quản lý Vòng đời Sản phẩm của tập đoàn Siemens điều khiển buổi tọa đàm. Sau gần một giờ thảo luận, qua ý kiến của các đại biểu có thể thấy, con đường trở thành doanh nghiệp số của các doanh nghiệp Việt Nam vô cùng nhiều khó khăn thử thách bởi nền tảng công nghệ thấp, và để làm được, đầu tiên là nhận thức của doanh nghiệp và sau đó, cần có chiến lược đào tạo nguồn nhân lực để tiếp cận và triển khai các yêu cầu, mục tiêu của cách mạng 4.0.

Kết luận Hội thảo, ông Nguyễn Phú Cường khẳng định, Hội thảo đã đạt mục tiêu đề ra là cung cấp rất nhiều thông tin bổ ích cho các bên tham gia. Đồng thời, hy vọng qua Hội thảo, mỗi đại biểu thu nhận được thêm thông tin để làm rõ hơn kiến thức về cách mạng công nghiệp 4.0, cũng như cách thức để chuyển đổi trong cuộc cách mạng này sao cho phù hợp và đạt được các mục tiêu đề ra.

Ông Trương Gia Bình – Chủ tịch FPT: Đây là cơ hội của những doanh nghiệp nhanh thay đổi và thích ứng

Trước kia chúng ta thường nói “cá lớn nuốt cá bé” thì bây giờ, với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 phải là “cá nhanh nuốt cá chậm”. Nên nếu Việt Nam tự tin rằng mình có thể trở thành cá nhanh tức là thay đổi nhanh, ứng dụng KHCN thì mình sẽ có lợi thế. Lớn và nhiều tiền chưa hẳn đã có lợi thế. Bởi nhỏ thì thường nhanh. Cho nên đây là cơ hội của những doanh nghiệp nhanh thay đổi và thích ứng.

Vấn đề là niềm tin. Các bạn phải tin rằng cái cũ sẽ được thay đổi bởi cái mới, xe ô tô rồi sẽ không có người lái, đèn xanh đèn đỏ sẽ biến mất, quần áo chúng ta sẽ có nhiều chip hơn... Nếu bạn tin vào điều đó bạn sẽ thực hiện được. 


Hồ Nga