Cái khó của xăng E5

Theo đúng lộ trình, kể từ ngày 01/6/2016, tất cả các điểm bán xăng dầu tại 8 tỉnh, thành phố gồm: Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh, Cần Thơ và Bà Rịa - Vũng Tàu đều p

Truyền thông yếu

Một trong những lý do chính đối với việc người tiêu dùng còn e ngại khi sử dụng xăng E5 là vì họ chưa biết rõ về đặc điểm và lợi ích của việc dùng xăng E5. Đó là sử dụng xăng E5 làm giảm phát thải, giảm tiêu hao nhiên liệu, giảm ô nhiễm môi trường, giá thành lại rẻ hơn xăng thông dụng mà không ảnh hưởng tới động cơ phương tiện. Với các ưu điểm đó, việc sử dụng xăng E5 là một hành động văn minh mang lại lợi ích cho người sử dụng và cho xã hội. Hiện nay, một số nước trên thế giới đã bán đại trà xăng có pha hàm lượng ethanol còn cao hơn cả xăng E5 như xăng E10 (hàm lượng Ethanol là 10%) vì các lợi ích nêu trên sẽ được thể hiện rõ rệt hơn. Và để xăng E5 sử dụng rộng rãi trong xã hội cần có các biện pháp quảng cáo, tuyên truyền thông tin sâu rộng để người dân biết và hiểu rõ hơn về lợi ích của xăng sinh học E5 cũng như giá trị của nó đem lại khi sử dụng lâu dài.

Tuy nhiên, việc thông tin, tuyên truyền, quảng cáo tới người dân luôn là việc dễ nói khó làm, là nhiệm vụ của tất cả nhưng lại không thuộc trách nhiệm cụ thể của một ai. Với những gì đang diễn ra kể từ khi có Quyết định số 53/2012/QĐ-TTg ban hành Lộ trình áp dụng tỷ lệ phối trộn nhiên liệu sinh học với nhiên liệu truyền thống, từ ngày 01/12/2014, xăng sinh học E5 sẽ được sản xuất để sử dụng cho phương tiện cơ giới đường bộ tại 7 địa phương; rồi sau đó chính thức sử dụng rộng rãi trên toàn quốc từ ngày 01/12/2015, và mới nhất là yêu cầu các tỉnh, thành phố Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Cần Thơ, Bà Rịa - Vũng Tàu, TP. Hồ Chí Minh phấn đấu đến ngày 01/6/2016 đạt 100% số lượng cửa hàng bán lẻ xăng dầu tại địa phương bán xăng E5… thì dường như những khó khăn từ những ngày đầu của xăng E5 vẫn chưa có hướng giải quyết, đặc biệt là trong công tác truyền thông. Tần suất thông tin đăng tải thưa thớt, lại có một thời gian dài bị bỏ bẵng, cho nên, với đại đa số người dân, xăng E5 vẫn là một “người lạ”, còn với một số người biết thì lại rơi vào tình trạng khó tiếp cận do rất ít cửa hàng bán xăng E5. Muốn truyền thông về xăng E5 tới người dân, trước tiên, mỗi người bán xăng hãy là một tuyên truyền viên. Người viết bài đã từng nhiều lần hỏi về xăng E5 mỗi khi mua xăng song hầu như các nhân viên bán xăng đều trả lời rất hờ hững. Và không biết vô tình hay cố ý, cây xăng E5 rất hay để ở chỗ khuất và ít được người để ý.

Mới đây, theo khảo sát của Báo Giao thông trong ngày 01/6 tại các điểm bán lẻ xăng dầu tại Hà Nội, không khí khá trầm lắng, hoàn toàn không có lấy một chiếc băng rôn hay khẩu hiệu, nhiều cây xăng vẫn không bán, thậm chí khi được hỏi, một số người dân còn không biết tới loại xăng này.

Việc tuyên truyền, quảng cáo về một sản phẩm mới mà tính hữu hiệu của nó đối với người sử dụng và xã hội đã quá rõ, vậy mà tại sao lại rơi vào tình trạng thiếu chuyên nghiệp đến vậy?

Giá thành cao

Dĩ nhiên là vì bán và mua xăng E5 chưa mang lại lợi ích gì so với xăng thông thường.

Không khó để nhận thấy việc xăng E5 không được người tiêu dùng ưa chuộng cho đến ngày hôm nay chủ yếu là do giá cao, không hấp dẫn cả người sử dụng lẫn người kinh doanh, do vậy, không cạnh tranh nổi với loại xăng truyền thống.

Cộng với lý do đầu tiên là chưa biết, ít biết, ít quan tâm đến E5, thêm lý do là không mang lại nguồn lợi nên người dân chọn cách an toàn là dùng xăng truyền thống. Nhà cung cấp dĩ nhiên sẽ chạy theo nhu cầu của phần đông khách hàng. Mục tiêu hướng người tiêu dùng vào sử dụng xăng E5 vì môi trường vẫn dậm chân tại chỗ. Một giám đốc công ty xuất nhập khẩu xăng dầu tại TP. Hồ Chí Minh thông tin, hiện tỷ lệ bán xăng E5 tại các đại lý xăng trên hệ thống của công ty còn rất thấp: “Trung bình bán ra được 100.000 lít xăng A92 và A95, cùng thời gian đó, xăng sinh học E5 chỉ bán tầm 3.000 lít, tức chiếm 3% lượng xăng của doanh nghiệp bán ra”.

Vậy là đã rõ. Muốn người dân chấp nhận E5 như một sản phẩm bình thường, ngoài công tác tuyên truyền rằng sản phẩm đó tốt, hoàn toàn không có hại cho máy móc của xe, thì yếu tố mấu chốt sẽ “đánh gục” người tiêu dùng chính là giá thành. Tại sao chúng ta không xây dựng chính sách khuyến khích doanh nghiệp kinh doanh E5 nhiều hơn, người tiêu dùng chọn E5 như giải pháp tốt nhất bằng cách nào đó, chẳng hạn, ưu tiên trích lập dự phòng cho xăng E5. Lúc đó, chênh lệch giá giữa hai mặt hàng này sẽ khác, người dân sẽ chọn hàng giá rẻ hơn.

Hoặc để giá thành xăng E5 rẻ hơn so với hiện nay, cũng có thể tìm đến một nguyên liệu khác để chế biến. Brazil đã làm được xăng sinh học giá rẻ từ hơn 40 năm trước vì họ sử dụng nguyên liệu sản xuất giá thành thấp như mật rỉ từ công nghệ làm đường, là thứ bỏ đi, họ tận dụng để làm xăng sinh học. Rồi nhiều nước châu Âu, Mỹ cũng sản xuất E5 từ nguyên liệu rẻ như rơm rạ, lá cây, mùn cưa… mới có giá thành rẻ. Việc dùng cây lương thực để làm xăng sinh học như Việt Nam sẽ khó tránh được việc bị tăng giá do khan hiếm lương thực, do mất mùa… Và khi giá thành của nguyên liệu đã đắt thì xăng E5 được chế biến ra sẽ trở thành một thứ không còn là bình dân nữa.

Có nên mệnh lệnh hóa?

Thứ trưởng Bộ Công Thương Cao Quốc Hưng cũng đã thừa nhận rằng, do giá sắn lát nguyên liệu tăng liên tục khiến giá ethanol nhiên liệu cao. Từ năm 2011 đến nay, giá sắn lát luôn trên mức 3.500 đồng/kg có thời điểm giá sắn lát lên đến 4.500 - 5.000 đồng/kg. Cùng với đó, giá dầu mỏ giảm là nguyên nhân ethanol nhiên liệu sinh học kém cạnh tranh so với nhiên liệu gốc khoáng về mặt kinh tế. Giá dầu mỏ trong năm 2008 - 2009 cũng đang ở mức rất cao (ngày 11/7/2008 giá dầu thô là 147,27 USD/thùng). Từ 2011 đến nay, giá dầu thế giới liên tục giảm (thấp nhất xuống dưới 30 USD/thùng).

Còn một cách khác để giá xăng E5 chiếm được ưu thế về giá, đó là đưa ra một công thức tính giá cho xăng E5 khác với công thức tính giá của xăng thường.

Theo đại diện Bộ Công Thương, để có thể tạo chênh lệch giá xăng E5 thấp hơn xăng Ron 92, liên Bộ Công Thương - Tài chính đã áp dụng biện pháp trích lập Quỹ bình ổn giá xăng dầu. Cụ thể, hiện nay mức trích lập Quỹ bình ổn giá xăng dầu đối với xăng E5 hiện nay là 0 đồng/lít, xăng khoáng là 300 đồng/lít. Với các chính sách thuế, phí như hiện nay, giá bán tối đa của mặt hàng xăng E5 thấp hơn 498 đồng/lít so với xăng RON 92. Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Phú Cường đã nêu kiến nghị này tại Hội nghị giao ban tháng 5 vừa qua. Theo đó, công thức tính giá của xăng E5 hiện trùng với công thức tính giá của xăng thường (khai khoáng), gây khó khăn cho các doanh nghiệp sản xuất do giá xăng thường thấp hơn. Nếu thời gian tới, Bộ Tài chính không sớm đưa ra công thức tính giá riêng cho xăng E5 thì sẽ gây nhiều khó khăn cho doanh nghiệp sản xuất.

Kết luận của Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh:

Đối với xăng E5, cần phải có một sự đánh giá cụ thể, rõ ràng cùng những phân tích sâu về tính hiệu quả chung của xã hội trong việc sử dụng xăng E5, chứ không phải chỉ là những báo cáo mang tính con số của các địa phương, các doanh nghiệp. Sự cần thiết của xăng E5 thì không phải bàn cãi, nhưng nó đang diễn ra thực tiễn như thế nào trong xã hội mà cụ thể là những doanh nghiệp đang là đối tượng liên quan đến xăng E5 đang gặp phải vấn đề gì. Bộ trưởng yêu cầu các đơn vị liên quan đánh giá lại thực tiễn việc sử dụng xăng E5 trong thời gian qua, từ đó đề xuất ra những hướng đi mới cũng như có biện pháp giúp các doanh nghiệp triển khai xăng E5 ra thị trường trong sự đồng thuận của xã hội và người tiêu dùng. Đề nghị các đơn vị liên quan cũng nghiên cứu luôn về cơ chế chính sách tính giá cho xăng E5, nếu thấy chưa phù hợp thì nghiên cứu và đề xuất cơ chế phối hợp để tính giá nếu cần thiết sẽ kiến nghị với Chính phủ.