Cam sành Hàm Yên: Thương hiệu vàng nông nghiệp Việt Nam

Được biết đến là một trong những loại cam ngon nhất Việt Nam, cam sành Hàm Yên đã được trao hàng loạt danh hiệu như "Thương hiệu vàng nông nghiệp Việt Nam", Top 50 trái cây đặc sản nổi tiếng nhất Việt
Tinh hoa vùng đất khó

 

Cây cam sành đã được trồng từ lâu trên vùng đất huyện Hàm Yên, tỉnh Tuyên Quang.

Là đặc sản của miền núi Tuyên Quang, cam Hàm Yên đã hấp thụ trọn vẹn những tinh hoa từ đất, gió, nắng và nguồn nước mát, trong lành từ ngọn núi Phá Phúng, kết tụ thành hương vị đặc trưng riêng, thơm ngọt đậm đà, khác hẳn cam sành những vùng khác. Chưa kể, cam Hàm Yên còn có lượng dinh dưỡng dồi dào. Theo nghiên cứu, cam sành Hàm Yên là loại cam có giá trị dinh dưỡng cao, chứa trên 10% hàm lượng đường, hàm lượng Vitamin C từ 40 - 90 mg/100g cam tươi. Ngoài ra, cam sành Hàm Yên còn có các chất axit hữu cơ, trong đó có nhiều loại axit có hoạt tính sinh học cao, cùng các chất khoáng và dầu thơm. Nhờ đó, những tép cam vàng mọng nước, thanh mát bao đời nay đã chinh phục người tiêu dùng trên cả nước.

Với định hướng phát triển cam sành Hàm Yên thành sản phẩm hàng hóa, từ sau khi xây dựng được thương hiệu, năm 2007, UBND huyện Hàm Yên đã đưa cam sành đến với hầu hết các hội chợ lớn về nông nghiệp trong cả nước để quảng bá thương hiệu. Từ vài tấn quả, hiện cam sành Hàm Yên có mặt tại các siêu thị với lượng tiêu thụ trên dưới 1.500 tấn/vụ, chủ yếu là các siêu thị lớn tại Hà Nội như Co.op Mart, Fivimart, Metro, Big C...  TP. Hồ Chí Minh đã trở thành thị trường lớn nhất của sản phẩm cam sành Hàm Yên khi đạt đến 20 - 25 tấn/ngày. Cây cam sành đã giúp cuộc sống của người dân ngày càng được nâng lên, góp phần làm thay đổi diện mạo của toàn huyện trong 5 năm qua. Thu nhập bình quân đầu người toàn huyện tính đến hết năm 2015 đạt trên 21 triệu đồng/người/năm. Trong 5 năm, đã có 6.845 hộ thoát nghèo. 

Giữ vững thương hiệu cam sành Hàm Yên

 

Ông Nông Huy Tùng - Phó Chủ tịch UBND huyện Hàm Yên cho biết, Đề án Phát triển vùng sản xuất cam sành Hàm Yên của tỉnh Tuyên Quang từ nay đến năm 2020 chỉ rõ, phấn đấu nâng tổng diện tích trồng cam sành đạt trên 6.800 ha, tập trung tại 13 xã, thị trấn của huyện Hàm Yên và 2 xã Hà Lang, Trung Hà của huyện Chiêm Hóa.

Thực hiện đề án trên, tỉnh Tuyên Quang xác định một trong những khâu quan trọng của đề án là đưa giống cam sạch bệnh vào trồng để nâng cao chất lượng, đồng thời, tiến hành cải tạo, thay thế toàn bộ các vườn cây già cỗi.

Hiện nay, Trung tâm Cây ăn quả huyện Hàm Yên đang tiến hành chăm sóc cây giống theo đúng quy trình kỹ thuật đảm bảo 100% cây giống xuất bán cho bà con trồng cam đạt tiêu chuẩn. Ngoài ra, Trung tâm Cây ăn quả huyện Hàm Yên còn cử cán bộ tới các hộ trồng cam để hướng dẫn kỹ thuật trồng và chăm sóc cam, từ việc kiểm tra đào hố trồng cam, kiểm tra đất, mật độ trồng cho tới cách chăm sóc cam sao cho đúng kỹ thuật để cây cam phát triển đồng đều và chất lượng quả được nâng cao... Ông Nông Huy Tùng cho biết, hiện 100% người trồng cam Hàm Yên nói không với chất bảo quản, đồng thời tuân thủ những quy chế, quy định nghiêm ngặt, mang tính bắt buộc của chính quyền, Trung tâm Cây ăn quả và Hội Cam sành Hàm Yên. Cứ mỗi trái cam sử dụng chất bảo quản sẽ bị phạt gấp 100 lần giá trị của trái cam đó.100% người trồng cam Hàm Yên nói không với chất bảo quản
Đồng thời, để giúp người dân mở rộng diện tích vùng trồng cam, tỉnh Tuyên Quang thực hiện hỗ trợ vốn vay cho người trồng cam (30 triệu đồng/ha), cụ thể, các hộ nghèo vay vốn được hỗ trợ 100% lãi suất; hộ cận nghèo được hỗ trợ 70% lãi suất và các hộ khác được hỗ trợ 50% lãi suất.