Chỉ thị 30 về chống buôn lậu thuốc lá đang nhanh chóng đi vào cuộc sống

Đánh giá kết quả 6 tháng thực hiện Chỉ thị số 30/CT – TTg ngày 30/9/2014 của Thủ tướng Chính phủ về Tăng cường công tác đấu tranh chống buôn lậu thuốc lá, ngày 10/4/2015 tại TP. Hồ Chí Minh, Cục Quản

Ông Vũ Văn Cường - Chủ tịch Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam đang phát biểu tại buổi Tọa đàm

Theo báo cáo của CQLTT, hiện nay tình hình vận chuyển, tàng trữ, buôn bán thuốc lá điếu ngoại nhập lậu vẫn diễn biến phức tạp và chủ yếu nhập lậu qua khu vực biên giới các tỉnh: Long An, An Giang, Đồng Tháp, Kiên Giang, Tây Ninh, Quảng Trị, trong đó trọng điểm ở các địa bàn An Giang, Tây Ninh, Long An. Còn địa bàn tiêu thụ thuốc lá nhập lậu lớn nhất được tập trung tại hai thành phố: Hà Nội và Hồ Chí Minh.

Các đối tượng tham gia vận chuyển thuốc lá lậu chủ yếu là cư dân biên giới, sử dụng các phương tiện xe máy, xuồng, ghe máy công suất lớn; vận chuyển nhỏ lẻ, nhiều lần từ biên giới qua các ngả đường vào nội địa. Mỗi lần vận chuyển thường dưới 1.500 gói nhằm tránh bị chịu trách nhiệm hình sự. Sau khi vận chuyển thuốc lá lọt qua biên giới, bằng nhiều thủ đoạn tinh vi như cất vào ca bin, mui, gầm xe ôtô, bố trí người theo dõi, dò đường trước… chúng đã vận chuyển vào sâu trong nội địa. Tại tuyến biên giới Việt – Lào, thuốc lá nhập lậu theo đường sông Sê Pôn thuộc tỉnh Quảng Trị. Trên 10 km đường sông, có 17 bến đò mà có tới 5 bến thường xuyên có hoạt động nhập lậu thuốc lá (chủ yếu là nhãn hiệu 555, Esse). Còn tại tuyến biên giới Việt – Trung, buôn lậu thuốc lá chủ yếu tại Quảng Ninh và trên vùng biển Quảng Ninh, Hải Phòng, bọn buôn lậu sử dụng xuồng cao tốc vận chuyển thuốc lá đã tái xuất sang Trung Quốc, rồi đưa ngược về Trà Cổ, huyện Móng Cái. Ma mãnh hơn nữa, các đối tượng còn lợi dụng chính sách hoàn thuế VAT đối với thuốc lá điếu xuất khẩu của Việt Nam, sau đó tìm cách nhập lậu lại Việt Nam để tiêu thụ. Tại thị trường nội địa, các đầu nậu thuốc lá điếu nhập lậu thường cất giấu rất kỹ, không thường xuyên tập kết ở một điểm cố định với số lượng nhiều và cung cấp chủ yếu vào các nhà hàng, khách sạn… hoặc điểm tạp hóa nhỏ lẻ.

Từ khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị 30, dưới sự chỉ đạo sát sao của Bộ Công Thương và Ban Chỉ đạo 389 quốc gia về chống buôn lậu, CQLTT đã tích cực triển khai nhiều hoạt động như tham mưu cho Lãnh đạo Bộ Công Thương ban hành văn bản số 10542/BCT-QLTT ngày 23/10/2014 gửi Sở Công Thương, Chi cục QLTT các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc tăng cường công tác đấu tranh chống buôn lậu thuốc lá; ban hành Chỉ thị số 04/CT-BCT ngày 24/3/2015 về việc tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát, ngăn chặn việc vận chuyển, tàng trữ, buôn bán thuốc lá điếu ngoại nhập lậu. Song song với công tác tham mưu, CQLTT đã tích cực chỉ đạo các Chi cục QLTT, các đội QLTT tăng cường đấu tranh, kiểm tra, kiểm soát các hoạt động, tụ điểm buôn lậu thuốc lá.

Trong 06 tháng thực hiện Chỉ thị số 30/CT-TTg, lực lượng QLTT cả nước đã triển khai và đạt được các kết quả sau:

Về công tác tuyên truyền: Thực hiện 1.496 đợt tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng của Trung ương và địa phương; tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho 33.314 tổ chức, cá nhân kinh doanh thông qua hoạt động kiểm tra kiểm soát; tổ chức ký cam kết đến 36.728 cơ sở kinh doanh mặt hàng thuốc lá. CQLTT phối hợp với Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam chỉ đạo 17 Chi cục QLTT các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam thực hiện Chương trình tuyên truyền chống vận chuyển, tàng trữ, buôn bán thuốc lá điếu ngoại nhập lậu, đã dán 10.000 tờ áp phích khổ A3 và 100.000 tờ khổ A4 tại các địa điểm kinh doanh, các địa điểm công cộng và những nơi tập trung đông người.

Về kết quả xử lý: Đã kiểm tra 9.401 vụ (tăng 58% so với số vụ kiểm tra trong 06 tháng đầu năm 2014), xử lý 4.794 vụ (tăng 35,6% so với 06 tháng đầu năm 2014), thu giữ 1.035.327 bao thuốc lá các loại (tăng 25% so với 06 tháng đầu năm 2014), xử phạt vi phạm hành chính hơn 16 tỷ đồng (tăng 52,4% so với 06 tháng đầu năm 2014). Thu giữ 16 xe ô tô, 358 xe gắn máy, 07 ghe, xuồng máy các loại và chuyển cơ quan công an khởi tố 14 vụ.

Theo đánh giá của Cục trưởng CQLTT Trịnh Văn Ngọc, thời gian qua, CQLTT đã phối hợp tốt với các lực lượng chức năng (công an, hải quan, bộ đội biên phòng...) trong việc triển khai Chỉ thị 30 của Thủ tướng Chính phủ và chỉ đạo của Bộ Công Thương, nhiều vụ việc lớn được bắt giữ, thu giữ được số lượng lên đến hàng nghìn cây thuốc lá nhập lậu. Công tác kiểm tra, kiểm soát được kết hợp với công tác tuyên truyền góp phần tạo chuyển biến tích cực về nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật của các tổ chức, cá nhân kinh doanh nhằm hạn chế việc vận chuyển, tàng trữ, buôn bán thuốc lá điếu ngoại nhập lậu. Cục trưởng cho biết, công tác đấu tranh chống buôn lậu thuốc lá hiện nay tuy đã có nhiều chuyển biến tích cực, nhưng cũng đang gặp nhiều khó khăn, vướng mắc: Sự phối hợp giữa các lực lượng chức năng trong việc trao đổi thông tin, tổ chức kiểm tra chưa chủ động chặt chẽ, nhiều lúc còn mang tính cục bộ; lợi nhuận từ buôn lậu thuốc lá rất lớn, mặt khác đời sống cư dân biên giới còn nghèo nên đó cũng là nguyên nhân gây ra tình trạng buôn lậu thuốc lá; do việc khám xét nơi cất giấu thuốc lá phải có quyết định của Chủ tịch UBND cấp huyện thì các lực lượng chức năng mới tiến hành được, trong thời gian đó, bọn buôn lậu dễ tẩu tán tang vật nên đây là khó khăn cho các lực lượng để phát hiện các ổ nhóm, đường dây, nơi tàng trữ thuốc lá lậu số lượng lớn; các lực lượng chức năng mỏng, thiếu kinh phí, phương tiện, trong khi bọn buôn lậu, tàng trữ thuốc lá bằng nhiều thủ đoạn ngày càng tinh vi, liều lĩnh, thậm chí được một số người dân che chở nên đã thoát được nhiều cuộc truy quét của các lực lượng chức năng.

Còn theo ông Vũ Văn Cường - Chủ tịch Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam, buôn lậu thuốc lá đã làm thất thu ngân sách nhà nước hàng năm khoảng 9.000 tỷ đồng; số lượng bao thuốc lá đã xử lý chỉ chiếm 0,9% trong tổng số gần 1 tỷ bao thuốc nhập lậu hàng năm; ngoài ra còn gây ảnh hưởng nhiều đến tình hình an ninh, trật tự xã hội nên Chỉ thị 30 của Thủ tướng Chính phủ là một quyết sách đúng đắn, bước đầu đã có hiệu quả ngay và đang nhanh chóng đi vào cuộc sống. Từ khi có Chỉ thị 30, các đơn vị đã rất tích cực thực hiện, tuy nhiên còn thiếu đồng bộ, chưa được triển khai rộng trên phạm vi cả nước, nhiều đơn vị, địa phương còn làm lấy lệ. Thuốc lá lậu vẫn được bày bán tràn lan, công khai ở các điểm bán thuốc lá lẻ. Hệ quả là tình hình buôn lậu thuốc lá vài tháng gần đây có chiều hướng gia tăng trở lại, trong 2 tháng đầu năm 2015, thuốc lá nhập lậu là 140 triệu bao, không giảm so với năm 2014. Ông Cường đề nghị: Địa bàn nào để xảy ra tình trạng buôn bán thuốc lá lậu tràn lan thì chính quyền địa phương đó phải chịu trách nhiệm; trích 50% Quỹ PCTHTL cho công tác phòng chống thuốc lá nhập lậu; Sửa đổi Thông tư liên tịch số 36/2012 ngày 7/12/2012 giữa các Bộ theo hướng giảm số lượng bao thuốc lá nhập lậu làm căn cứ truy cứu trách nhiệm hình sự với mức đề nghị truy cứu từ 500 bao trở lên (mức cũ là 1.500 bao); Bộ Công Thương nên cho dừng ngay hoạt động tạm nhập tái xuất sản phẩm thuốc lá vì đây đang là kẽ hở lớn cho bọn buôn lậu thuốc lá.

Để tiếp tục triển khai Chỉ thị 30 của Thủ tướng Chính phủ có hiệu quả, trong thời gian tới, các ngành, địa phương cần thực hiện nghiêm chỉ đạo của Phó thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc - Trưởng Ban chỉ đạo 389 quốc gia “Đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu, nếu để xảy ra tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại kéo dài hoặc nghiêm trọng trên địa bàn nào thì người đứng đầu đơn vị phải chịu trách nhiệm; Chú trọng công tác quản lý đội ngũ cán bộ, công chức, xử lý kỷ luật, buộc thôi việc những cán bộ, công chức có hành vi bảo kê, tiếp tay cho buôn lậu. Đối với những cán bộ, công chức có thông tin phản ảnh tiêu cực, chưa đủ cơ sở kết luận thì trước hết phải điều chuyển, bố trí công tác khác; Thực hiện việc luân chuyển cán bộ, công chức theo đúng quy định, đặc biệt là tại các vị trí “nhạy cảm”, dễ phát sinh tiêu cực, tham nhũng”./.