Chiến lược quốc tế hóa và hiệu ứng lan tỏa

Chiến lược thu hút doanh nghiệp đến đặt căn cứ tại Việt Nam thời gian qua đã thành công nhưng chưa đủ. Để biến nơi đây thành trung tâm chế tạo toàn cầu còn phải nhờ đến “hiệu ứng lan tỏa”, nói cách kh

Dịch chuyển sản xuất sang Việt Nam

Kinh nghiệm thực tiễn của Trung Quốc và Hàn Quốc trong việc trở thành trung tâm chế tạo toàn cầu trong những thập kỷ trước cho thấy, chiến lược quốc tế hóa thông qua thu hút FDI và khuyến khích phát triển doanh nghiệp trong nước mang tính quyết định đến mức độ thành công.

Kinh nghiệm này vẫn còn giá trị, bởi sau vài thập kỷ nhiều tập đoàn, công ty phương Tây đầu tư vào Hàn Quốc, Trung Quốc do chi phí sản xuất thấp đi cùng với những chính sách ưu đãi thu hút đầu tư; nhưng đến nay những lợi thế này đã thu hẹp, và một cách tự nhiên, sẽ có một làn sóng dịch chuyển đầu tư đến những nơi có lợi thế mới.

Samsung là một minh chứng hùng hồn. Bắt đầu từ năm 2011, Tập đoàn này đã dịch chuyển sản xuất điện thoại thông minh từ Trung Quốc sang Việt Nam, đến nay số vốn đầu tư đã lên đến 11 tỷ USD và năm 2015 này dự kiến căn cứ sản xuất điện thoại thông minh tại Việt Nam chiếm tới 40% sản lượng điện thoại sản xuất ra toàn cầu của Samsung, một tỷ lệ chưa từng doanh nghiệp FDI nào trong khu vực ASEAN đạt được. Trước đó, Tập đoàn Intel đầu tư 1 tỷ USD vào nhà máy sản xuất chipset tại Khu công nghệ cao TP. Hồ Chí Minh. Nhà đầu tư Microsoft thì chuyển dây chuyền sản xuất smartphone từ Trung Quốc, Mexico, Hungary sang Bắc Ninh - Việt Nam.

Với sự dịch chuyển này, doanh thu xuất khẩu của Microsoft Việt Nam năm 2014 đã đạt 2 tỷ USD. Mới đây, ngày 8/5/2015, Tập đoàn Jabil Hoa Kỳ (chuyên sản xuất các thiết bị điện tử) có nhà máy đặt tại Khu Công nghệ cao TP. Hồ Chí Minh cũng xây dựng kế hoạch tăng vốn từ 200 triệu USD lên 1 tỷ USD nhằm mở rộng quy mô sản xuất.

Trên thực tế, nhiều tập đoàn danh tiếng nhất trên thế giới về cơ khí, điện tử, viễn thông, hóa chất đã có mặt tại Việt Nam. Công nghiệp ô tô đã hội tụ đủ các nhà chế tạo Toyota, Honda, Ford, Mitsubishi... Năng lực lắp ráp 460 ngàn chiếc/năm; các chủng loại xe tải, xe khách trên 10 chỗ, xe chuyên dụng đạt tỷ lệ nội địa hóa cao, bình quân 55%; một số sản phẩm đã xuất khẩu sang thị trường Lào, Campuchia, Myamar, Trung Mỹ...

Với công nghiệp điện tử, đã thu hút thành công các tập đoàn Samsung, Intel, Electronics, Nokia, Canon... với doanh thu từ gần 2 USD tỷ năm 2005 lên 40 tỷ USD hiện nay, xuất khẩu đi 35 nước và vùng lãnh thổ.

Cùng với đó, bước đầu hình thành nên một ngành công nghiệp hỗ trợ cho các ngành công nghiệp chế tạo nói trên, với các doanh nghiệp trong và ngoài nước, như Yamaha, Zamil, Sumi-Hanel, Sumitomo Haevy, Kyoei, Kim khí Thăng Long. Trong số này, có doanh nghiệp quy mô lên đến 5.000 lao động.

Hiệu ứng lan tỏa

Cho đến nay, các chuyên gia của Bloomberg, UNIDO, WB, JICA, JETRO... đều công nhận Việt Nam đã thành công trong chiến lược quốc tế hóa, và thời gian tới còn thành công hơn nữa nhờ Hiệp định TPP cũng như các FTA đã ký với EU và Hàn Quốc.

Tuy nhiên, thu hút doanh nghiệp đến đặt căn cứ tại Việt Nam là cần nhưng chưa đủ. Để biến nơi đây thành trung tâm chế tạo toàn cầu còn phải nhờ đến “hiệu ứng lan tỏa”, nói cách khác là từ các doanh nghiệp FDI này, đã lôi cuốn được bao nhiêu doanh nghiệp trong nước tham gia vào mạng lưới sản xuất chuỗi giá trị toàn cầu.

Bảng số liệu khảo sát tại Việt Nam năm 2014 dưới đây của Ganeshan Wignaraja, một chuyên gia về hợp tác và phát triển của ADB cho ta thấy rõ hơn bức tranh này:

Tỷ lệ doanh nghiệp tham gia vào MLSX

36,4%

Tỷ lệ doanh nghiệp lớn tham gia vào MLSX/tổng số doanh nghiệp lớn

64,6%

Tỷ lệ doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia vào MLSX/tổng số doanh nghiệp nhỏ và vừa

21,4%

                   Ghi chú: MLSX - mạng lưới sản xuất chuỗi giá trị toàn cầu

Bảng trên cho thấy hai điều:

Thứ nhất, tỷ lệ doanh nghiệp lớn tham gia vào mạng lưới sản xuất chuỗi giá trị toàn cầu cao hơn so với doanh nghiệp nhỏ và vừa nhờ lợi thế về “quy mô kinh tế”, khi mà doanh nghiệp lớn có chi phí trung bình, chi phí biên thấp hơn. Số liệu từ cuộc khảo sát tại Thái Lan, Malaysia cũng chứng minh điều này.

Thứ hai, theo cách tính của Ganeshan Wignaraja khi áp dụng vào bảng khảo sát trên, doanh nghiệp nhỏ và vừa có số lao động thường xuyên dưới 100 người, thì doanh nghiệp nhỏ và vừa ở Việt Nam chiếm khoảng 95%. Trong khi đó, tỷ lệ tham gia vào mạng lưới sản xuất chuỗi giá trị toàn cầu lại thấp hơn 3 lần so với doanh nghiệp lớn (21,4% so với 64,6%). Do đó, sự hiện diện của doanh nghiệp FDI ở nước ta sẽ tạo nên sự lan tỏa khá hạn chế khi số doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm tỷ lệ cao, nhưng tỷ lệ tham gia vào mạng lưới sản xuất chuỗi giá trị toàn cầu thấp.

Bởi vậy, muốn nâng cao tính tích cực của “hiệu ứng lan tỏa” thì chính sách quốc gia hướng về doanh nghiệp nhỏ và vừa sẽ hiệu quả hơn cả.