Chính phủ kiến tạo - Thông điệp của nội các mới

Với bài phát biểu đầu tiên sau khi nhậm chức trước Quốc hội và bài phát biểu trong Phiên họp Chính phủ đầu tiên, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã phát đi một thông điệp tới cử tri cả nước và truyền cảm h

Thời điểm chín muồi

Trong Phiên họp Chính phủ đầu tiên, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ ra vấn đề mấu chốt trong tầm nhìn chính sách: “Năng lực của Chính phủ tốt là nhờ xây dựng thể chế tốt”. Và yêu cầu mỗi thành viên Chính phủ cần phải có chương trình hành động, tập trung vào xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách; coi đây là khâu đột phá cho phát triển theo tinh thần cái gì kìm hãm phải bỏ ngay, cái gì có lợi cho dân thì phải nỗ lực thực hiện.

Việc toàn bộ các thành viên Chính phủ “tập trung vào xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách” là bước khởi đầu đặt nền móng cho việc chuyển Chính phủ từ điều hành nền kinh tế sang kiến tạo phát triển.

Đây là công việc tiếp nối của Chính phủ nhiệm kỳ trước. Trong bài viết xác định nhiệm vụ trọng tâm của Chính phủ nhiệm kỳ 2011-2016, nguyên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhận định: “Phải chuyển mạnh từ nhà nước điều hành nền kinh tế sang nhà nước kiến tạo phát triển” như một cách thay đổi tư duy về mối quan hệ giữa Nhà nước và thị trường.

Trên thực tế, việc chuyển từ điều hành sang kiến tạo trong nhiệm kỳ Chính phủ trước chưa nhiều, do thiếu những khoảng đệm chính sách. Cụ thể hơn, năm đầu tiên của nhiệm kỳ cũng là thời điểm những con sóng của suy thoái kinh tế thế giới bắt đầu dội vào Việt Nam với lạm phát lên tới 18,58%. Chính phủ phải “hy sinh” mục tiêu tăng trưởng để ổn định kinh tế vĩ mô. Kết quả năm 2012 lạm phát kéo xuống 6,81% thì tăng trưởng cũng chỉ đạt 5,25%, ở ngưỡng thấp nhất 5 năm trước đó và 4 năm sau đó.

Điểm qua những thời khắc sóng gió của nền kinh tế để thấy rằng, trong hoàn cảnh đó, Chính phủ buộc phải điều hành nhiều hơn, do đó vai trò kiến tạo có phần mờ nhạt hơn.

Đến nay, khoảng đệm chính sách đã nhiều hơn. Đó là kinh tế vĩ mô đã ổn định. Liền trong 2 năm 2014, 2015 và quý I/2016, tăng trưởng CPI thấp hơn tăng trưởng GDP (tăng trưởng thực dương) và thấp hơn lãi suất huy động (lãi suất thực dương); điều mà từ 2008 đến 2013 nền kinh tế chưa đạt được.

Mặt khác, sau nhiều năm nỗ lực, từ tháng 8/2015, chúng ta có đủ điều kiện điều hành tỷ giá linh hoạt hơn với việc nới biên độ từ +/-2% lên +/-3%. Ông Jonathan Dunn - Trưởng đại diện IMF tại Việt Nam cho rằng: “Việc mở rộng biên độ tỷ giá giúp tăng chiều kích khoảng đệm chính sách để chống đỡ các cú sốc bên ngoài và qua đó giúp Chính phủ đạt được mục tiêu lớn hơn là duy trì ổn định lạm phát và kinh tế vĩ mô”.

Cuối cùng, với việc thông qua TPP, một Hiệp định Thương mại tự do thế hệ mới, nếu không cải cách thể chế, lợi ích mà ta thu được có thể sẽ ít hơn những thách thức mà ta phải đối mặt.

Có lẽ đây là thời điểm chín muồi để Chính phủ đóng vai trò kiến tạo nhiều hơn. Nói cách khác là lấy xây dựng thể chế làm nền tảng cho việc điều hành. Chính phủ sẽ sử dụng các công cụ (thể chế, nguồn lực…) tạo điều kiện thuận lợi, khuyến khích hàng trăm nghìn doanh nghiệp, hàng triệu hộ kinh doanh cá thể hướng đến đáp ứng tốt hơn, có hiệu quả hơn nhu cầu đa dạng của thị trường.

Cảm hứng “cởi mở, quyết đoán, sáng tạo”

Để hướng tới Chính phủ kiến tạo, theo Thủ tướng, phải có sự nỗ lực không ngừng của các thành viên Chính phủ trên từng ngành, lĩnh vực được phân công. Trong bài phát biểu đầu tiên sau khi nhậm chức trước Quốc hội, Thủ tướng cam kết ông và từng thành viên Chính phủ sẽ hành động quyết liệt hết lòng phục vụ nhân dân. Và điều quan trọng nhất, mỗi thành viên Chính phủ phải cởi mở, quyết đoán, sáng tạo.

Thông điệp “cởi mở, quyết đoán, sáng tạo” của Thủ tướng đã truyền cảm hứng mạnh mẽ đến các thành viên Chính phủ bởi 3 lẽ.

Thứ nhất, Chính phủ mới đang đứng trước những thách thức lớn, mà mỗi thách thức này đều cần phải được giải quyết ngay như hiện tượng hạn hán, xâm nhập mặn nghiêm trọng ở Tây Nguyên, Đồng bằng sông Cửu Long; GDP tăng trưởng chững lại, trong khi doanh nghiệp đang gặp khó khăn với hơn 20 ngàn doanh nghiệp xin tạm dừng hoạt động trong quý I/2016, tăng 23,9% so với cùng kỳ năm trước; giá dầu giảm tác động mạnh đến thu ngân sách nhà nước; nợ công tăng cao, lên đến 50,3% GDP (ngưỡng Quốc hội cho phép là 50%)… Nếu không “cởi mở, quyết đoán, sáng tạo” sẽ khó vượt qua được hàng loạt thách thức nói trên.

Thứ hai, trong bài phát biểu, Thủ tướng nhiều lần nhắc đến vai trò của từng thành viên Chính phủ - những “tư lệnh” ngành, phải đề xuất, tìm ra cơ chế, nguồn lực mới cho động lực tăng trưởng. Dường như, có một sự phân cấp, giao trách nhiệm mạnh hơn cho cấp quản lý đầu ngành.

Thứ ba, những vấn đề Thủ tướng chỉ đạo đều là những vấn đề nổi cộm, mà các ngành cũng muốn giải quyết ngay trong thời gian tới, như tổ chức hội nghị giữa lãnh đạo Chính phủ với doanh nghiệp nhằm tìm các giải pháp khôi phục sản xuất kinh doanh, lấy lại niềm tin thị trường; tổ chức hội nghị an toàn vệ sinh thực phẩm; hội nghị về phòng chống, khắc phục hậu quả thiên tai…

Đến nay, cảm hứng “cởi mở, quyết đoán, sáng tạo” đã trở thành cương lĩnh hành động của các thành viên Chính phủ. Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng khẳng định, việc cải cách hành chính là không thể chần chừ.

Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà sẽ chú trọng vào việc hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật về tài nguyên, môi trường và biến đổi khí hậu, trong đó phải giải quyết hài hòa hai nhiệm vụ là thúc đẩy phát triển kinh tế và bảo vệ được tài nguyên, môi trường cho phát triển bền vững.

Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ cũng cam kết thể chế hóa Chương trình hành động của Chính phủ về Đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục, đào tạo để chuyển nền giáo dục lấy tiếp cận nội dung là chủ đạo sang một nền giáo dục chú trọng dạy phương pháp, kỹ năng trên nền tảng kiến thức chuyên môn cần thiết để phát triển năng lực người học và dạy làm người.

Đối với Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh, ưu tiên số 1 sẽ là thực hiện những chiến lược phát triển ngành Công Thương đã được thông qua. Tiếp theo là ưu tiên trong việc tiếp tục thực hiện quy trình pháp lý liên quan đến các cam kết và khuôn khổ hội nhập. Đồng thời, Bộ sẽ tập trung vào những Đề án về tái cơ cấu và sắp xếp lại các ngành kinh tế của ngành Công Thương vừa là những giải pháp cấp bách trước mắt, nhưng cũng là những yêu cầu mang tính xuyên suốt cho cả quá trình phát triển.

Vì vậy, việc tổ chức, sắp xếp và cơ cấu lại các lĩnh vực của ngành, từ công nghiệp khai khoáng, công nghiệp năng lượng, xuất nhập khẩu, thương mại nội địa… đã có những Đề án và đang được tập trung triển khai trong năm nay và những năm tiếp theo.

Theo logic bình thường, trong bất cứ một cuộc sắp xếp theo đề án tái cấu trúc nào, hay nói rộng hơn là việc hướng đến Chính phủ kiến tạo, cũng có thể sẽ có những đan xen về tư duy giằng co níu kéo, vì thế “cởi mở, quyết đoán, sáng tạo” sẽ là một cảm hứng mang tính động lực mạnh mẽ và cần thiết.
Nguyễn Văn