Chứng khoán trong sức ép tỷ giá

Không giống như hàng loạt thị trường chứng khoán quốc tế đang thi nhau lập đỉnh cao mới sau sự kiện bầu cử Tổng thống Mỹ, thị trường chứng khoán Việt Nam lại èo uột mãi ở đỉnh tháng 10/2016. Yếu tố nộ

Nhìn lại sự kiện như ngày trưng cầu dân ý về việc nước Anh rời khỏi Liên minh châu Âu, ảnh hưởng của thị trường chứng khoán lên thị trường Việt Nam là rất rõ ràng. Yếu tố trực tiếp là tâm lý, nhưng những chính sách kích thích kinh tế toàn cầu lúc đó đã giúp thị trường chứng khoán thế giới tăng mạnh và thị trường Việt Nam hưởng lợi.

Hiện tại, những thay đổi trên thị trường quốc tế mang tính nội tại nhiều hơn. Chẳng hạn những triển vọng tăng đầu tư, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của Tổng thống mới của Mỹ được thị trường Mỹ đánh giá cao, nhưng có thể gây ảnh hưởng xấu tới dòng vốn đầu tư chung. Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) thất bại ảnh hưởng rất tiêu cực đến các nước còn lại.

Tỷ giá tăng - chỉ là cơn gió thoảng

Trong khoảng 2 tuần trở lại đây, câu chuyện tỷ giá đồng USD tăng so với đồng nội tệ được lan tràn trên các phương tiện truyền thông. Quả thực thống kê cho thấy, tỷ giá trung tâm của Ngân hàng nhà nước từ đầu tháng 11 đến nay đã tăng 0,5%. Từ đầu tháng 10 đến ngày 27/11 tỷ giá trung tâm tăng 0,86%.

Trên thị trường, tỷ giá biến động mạnh hơn vì còn biên độ dao động quanh tỷ giá trung tâm nói trên. Thông thường mức biến động tăng của tỷ giá giao dịch luôn cao hơn mức biến động tăng của tỷ giá trung tâm vì còn phụ thuộc vào cung cầu thị trường từng thời điểm. Chẳng hạn có tuần tỷ giá giao ngay tăng hơn 1%.

Thật ra mức tăng tỷ giá như vậy không phải là quá nhiều, chẳng qua kể từ khi Ngân hàng Nhà nước áp dụng phương thức xác định tỷ giá trung tâm neo với một rổ tiền tệ thì mức độ ổn định đã cao hơn trước rất nhiều. Giới đầu cơ không thể chờ đợi một áp lực dồn nén như trước, hay trông chờ vào biến động giá USD trên thị trường thế giới để dự đoán thay đổi lớn. Tỷ giá trung tâm bây giờ biến động hàng ngày với mức độ rất nhỏ khiến các thay đổi trở nên mượt mà hơn và ít gây xáo trộn hơn.

Tỷ giá tăng trên thị trường chính thức lẫn thị trường tự do là điều không mấy bất ngờ. Có chăng là thị trường tự do lâu lắm rồi mới “được dịp” biến động mạnh như vậy kể từ đầu năm 2016 và được chú ý nhiều hơn. Trên thế giới đồng USD đang tăng giá với kỳ vọng Cục Dự trữ liên bang Mỹ sẽ tăng lãi suất vào giữa tháng 12 tới, trong nước nhu cầu thanh toán USD lên cao… Những yếu tố này thúc đẩy tỷ giá tăng, nhưng vẫn chỉ là những yếu tố thị trường bình thường.

Điều quan trọng là nền tảng cơ bản của nền kinh tế hiện tại không có vấn đề gì lớn. Lượng dự trữ ngoại hối đang ở mức khoảng 40 tỷ USD, dòng vốn nước ngoài vào qua đầu tư trực tiếp rất cao. Từ đầu năm đến 20/11/2016 vốn nước ngoài giải ngân được 14,3 tỷ USD, tăng 8,3% cùng kỳ 2015.

Mặt khác, khi yếu tố thị trường có thay đổi thì tỷ giá biến động là chuyện bình thường. USD tăng giá chỉ là một yếu tố, mà quan trọng không kém là đồng Nhân dân tệ cũng đang giảm giá rất mạnh. Đồng tiền này đang ở mức thấp nhất trong vòng 8 năm qua. Với hai đối tác thương mại, đầu tư rất quan trọng là Mỹ và Trung Quốc, việc giảm giá đồng nội tệ cũng như một cơ chế tự vệ bình thường.

Dòng vốn đang đổi chiều

Nếu như những biến động tỷ giá trên thị trường ngoại tệ giao ngay chỉ là cơn gió thoảng vì ảnh hưởng trực tiếp đến thị trường chứng khoán không lớn, thì chính sự thay đổi về giá trị của đồng USD trên thế giới mới là điều gây tác động lớn. Thị trường chứng khoán Việt Nam đang có một bộ phận không hề nhỏ là dòng vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài. Dòng vốn này có cam kết dài hạn lẫn ngắn hạn, nhưng nhìn chung đều có sự nhạy cảm cao với các cơ hội đầu tư toàn cầu.

Câu chuyện tỷ giá trong nước tăng được tung ra đúng thời điểm nhà đầu tư nước ngoài đang bán ròng trên thị trường chứng khoán. Câu chuyện con gà và quả trứng lại xuất hiện: Dòng vốn nước ngoài rút ra đẩy tỷ giá tăng, hay dòng vốn này lo ngại tỷ giá mà bán ra trên thị trường tài sản?

Thực ra nếu nhìn xuyên suốt từ đầu năm 2016 đến nay, dòng vốn nước ngoài đang dịch chuyển theo hướng ra ngoài rất rõ ràng và hầu như không gắn nhiều với biến động tỷ giá hiện tại. Quả thực từ tháng 8 đến cuối tháng 11, nhà đầu tư nước ngoài có bán ròng lớn trên thị trường chứng khoán và cùng với đó là tỷ giá có biến động mạnh từ đầu tháng 10. Diễn biến này mang tính trùng hợp nhiều hơn là tác động qua lại.

Câu chuyện bán ròng lớn của nhà đầu tư nước ngoài trên thị trường chứng khoán từ tháng 8 đến nay không hẳn là sự phản ứng lại những biến động tỷ giá. Mỗi khi thị trường chứng khoán có biến động bất thường nào liên quan đến tỷ giá, thì các lý do quen thuộc lại được chỉ ra như doanh nghiệp nhập khẩu, vay nợ bằng ngoại tệ sẽ gặp khó khăn, nhà đầu tư nước ngoài thì thiệt hại khi quy đổi giá trị danh mục đầu tư… Nói chính xác thì những yếu tố đó năm nay còn xa mới bằng những áp lực trước đó, khi điều hành chính sách tỷ giá còn giật cục, có thể đột ngột nâng tỷ giá vài phần trăm chỉ qua 1 đêm.

Động thái khác lạ của nhà đầu tư nước ngoài trên thị trường chứng khoán Việt Nam có lẽ liên quan nhiều hơn đến sự dịch chuyển dòng vốn đầu tư toàn cầu. Nói đơn giản, dòng vốn đầu tư gián tiếp đặt ưu tiên về khả năng sinh lời và mức độ an toàn. Đó là chưa kể đến thói quen đầu tư ở một thị trường nào đó.

Đồng USD đang lên giá rất mạnh so với tất cả các đồng tiền khác là do những dự đoán về khả năng tăng lãi suất của FED lên cao. Đó không chỉ là câu chuyện một thời điểm của tháng 12 tới, mà là một chu kỳ tăng lãi suất với các thay đổi chính sách của tân Tổng thống Mỹ.

Ngoài ra việc gia tăng đầu tư, tạo việc làm trong nước bằng cách chính sách khuyến khích thuế, thị trường chứng khoán Mỹ đang tăng rất tốt do kỳ vọng doanh nghiệp ăn nên làm ra. Do đó chính thị trường này lại có tính cạnh tranh rất cao so với các thị trường khác. Dòng vốn đầu tư ngắn hạn lúc này sẽ phải lựa chọn giữa các thị trường ngoại biên rủi ro cao với một thị trường đã phát triển và rất quen thuộc.

Một bằng chứng dễ thấy nhất là hai quỹ đầu tư thụ động trên thị trường chứng khoán Việt Nam là Market Vector Vietnam ETF (quỹ V.N.M) và db x-trackers FTSE Vietnam UCITS ETF (quỹ FTSE) đều bị các nhà đầu tư của mình rút tiền ra. Tính từ đầu năm đến ngày 24/11, hai quỹ này đã bị rút 113,1 triệu USD. Chưa bao giờ kể từ năm 2011 đến nay, các quỹ này bị rút vốn, chứ chưa nói tới quy mô rút khổng lồ như vậy.

Trên thị trường chứng khoán, nhà đầu tư nước ngoài nói chung cũng được ghi nhận đã bán ròng gần 5.000 tỷ đồng kể từ đầu năm. Đây cũng là một diễn biến chưa từng thấy kể từ 2013.

Thị trường chứng khoán Việt Nam đang phải chịu những sức ép khác với các thị trường trên thế giới. Nguyên nhân nội tại đang cản trở khả năng tăng giá đồng nhịp với thị trường toàn cầu. Đó là câu chuyện của dòng vốn thay đổi chứ không chỉ vì ba chuyện tỷ giá nhảy nhót hàng ngày!

Hoàng Nguyên