Chuyện nghề từ những điều nhỏ bé, chân thật

Tiếng em nhỏ nhẹ trong máy điện thoại thông báo em đã thi đỗ ngành Báo chí và muốn tôi giúp em tập viết báo ngay từ năm đầu tiên học đại học để sau này làm một nhà báo giỏi. Sự hào hứng của em khiến t

Từ một đơn đặt hàng đặc biệt

“Này viết hộ tôi bài này” chị Trưởng ban Chuyên đề yêu cầu. Hướng viết về văn hóa doanh nghiệp. Nhưng ngay và luôn nhé.

Thế là rõ, chỉ thị đã giao, phải có một bài viết “không phải dạng vừa đâu”. Vắt óc và vắt cả chân vì cũng đến thời hạn rồi. Chữ đâu hiện ra ngay! Nhưng mà chẳng thấy gì hiện ra cả. Hết ngày hôm đó tôi vẫn không có được một chữ nào. Chìm vào giấc ngủ đầy mộng mị và lo lắng. Sáng bừng tỉnh dậy nhìn đồng hồ: 5h sáng. Ngồi vào bàn làm việc, lướt tí web xem những bài viết về đơn vị. Cũng chả khác gì bản báo cáo trên tay mình. Bỗng lóe ra một ý tưởng: Công ty này 140 năm, tuổi đời trải dài qua ba thế kỷ, lại kinh doanh bia… giọt vàng… sóng sánh. Thôi, thế là đã bật ra ý ra tứ rồi: Giọt vàng ba thế kỷ. Cái khó nhất đã giải quyết xong, giờ chỉ là sắp xếp câu chuyện, dẫn chứng, số liệu sao cho luôn bám vào cái tứ về một công ty chuyên sản xuất kinh doanh thứ đồ uống mà nhà nhà trên đất nước Việt Nam ưa chuộng, thích thú, nhất là vào mùa hè khát cháy.

Thế là rất nhanh, “cái chữ” cứ tuồn tuột tuôn ra. Tôi viết một mạch, tự mình cũng xúc động vì cảm xúc của mình. Quả thật, tôi cũng thường có cảm giác nuốt nước miếng khi nghĩ đến một cốc bia mát lạnh, tê tê vào mỗi chiều hè nực nội. Và cảm giác “thèm nghiện” đó đã “lĩnh xướng” trong suốt bài viết về một Công ty miệt mài 140 năm không ngừng tìm tòi đưa sản phẩm của mình vào từng ngôi nhà, có mặt trong từng bữa tiệc, như một người bạn chia sẻ mọi buồn vui.

Nín thở chờ... duyệt

“Công nhận bài này được. người đọc sẽ thích, vì có câu chuyện để đọc”, Biên tập viên hồi nhanh như cắt. Ôi giời nhẹ hết cả người. Đã lâu mới được đồng nghiệp khen, tôi lâng lâng cười nói như bay, như say… “Nhưng cái tít mình phải đảo đi một chút. Tít chính chị chuyển xuống tít xen. Chị biết em nghĩ nát óc mới ra cái tít này. Tít tốt thế mà cắt đi thì buốt lắm, nhưng cũng phải đặt cái tít có tầm một chút. Rồi có mấy chi tiết chị cũng bỏ đi vì nó nhạy cảm và cũng không cần thiết…”, giọng của Trưởng ban Biên tập cứ lên trầm xuống bổng khiến cho buổi “đào tạo tại chỗ” trở nên hết sức dễ chịu, thấm và ngấm. Tôi nói: “Thì em cũng đoán là đoạn này thế nào chị cũng xẻo, y như rằng…”. Tiếng cười rôm rả vọng ra trong căn phòng rộng của Ban Thư ký… Tiếp theo là chờ Tổng biên tập duyệt. May quá, bài viết được thông qua. Vậy là ok, mang đi in.

Trước hết, làm báo là một nghề. Tôi nghĩ rằng mọi nghề nghiệp lương thiện đều cao quý như nhau nên tôi không muốn em thần thánh hóa nó như một nghề gì đó “oai” lắm, “hoành tráng” lắm. Như mọi nghề nghiệp khác, ta kiếm sống bằng công việc. Nghề báo nuôi sống ta bằng lương và nhuận bút. Và cũng như mọi nghề nghiệp khác, ta phải làm công việc của mình với hết năng lực và trách nhiệm để không hổ thẹn với đồng lương nhận được.

Tôi nói đến nhuận bút trước tiên vì đó là phần thưởng của trách nhiệm. Và vì niềm vui mỗi khi lĩnh nhuận bút cho một bài báo là niềm vui không bao giờ cũ. Từ một cái tin nhỏ đầu tiên cho đến bài báo cuối đời, khi niềm vui đó còn tồn tại nghĩa là em còn tự hào vì mình nhận được thành quả xứng đáng từ công sức của chính mình. Một người làm báo chính trực luôn trân trọng từng đồng nhuận bút, bởi đó sẽ là nguồn thu nhập duy nhất nếu anh ta quyết dành cả đời mình chỉ để làm báo.

Em biết không, trong nghề báo, tuổi trẻ không phải là thế mạnh tối thượng. Sự thông minh và xông xáo là những ưu điểm đáng kể, nhưng kinh nghiệm và kiến thức học được mới là giá trị quyết định. Nghề báo là nghề “gừng càng già càng cay”… Chúng ta xuất thân không phải là những người thông thái, nhưng lại phải biết về nhiều lĩnh vực, đó là lý do ta phải học liên tục. Và ta có cơ hội học trực tiếp từ những người am hiểu nhất. Ta học kinh tế vĩ mô từ một nhà kinh tế học, học cách điều hành một công ty từ số 0 qua một giám đốc thành công, học về thị hiếu âm nhạc từ một nhạc sĩ, học công nghệ lăng xê qua một ông bầu… Không hiểu về điều mình viết không chỉ là một sai lầm, mà còn là sự thiếu trách nhiệm. Chúng ta học để biết, và biết thì mới viết. Càng làm nghề lâu thì ta càng học được nhiều.

Làm phóng viên Tạp chí Công Thương, tôi có điều kiện để học được nhiều. Cách điều hành quyết liệt mà mềm dẻo của vị lãnh đạo A, lối tư duy chiếm lĩnh thị trường mạnh mẽ, cá tính của doanh nhân B, hay sự khúc triết, mẫn tiệp, thâm trầm của một chuyên gia kinh tế, những suy nghĩ tích cực mà giản dị của một tổ trưởng sản xuất… tất cả, đã khiến tôi nhận ra rằng, mỗi đối tượng tôi gặp trong nghề báo đều dạy cho tôi những điều hữu ích. Và như vậy, nhà báo là người có nhiều thầy hơn bất cứ ai.

Em nói em muốn làm báo, có nghĩa là em làm một người viết, một phóng viên được ký tên dưới bài báo được đăng. Nhưng em có biết rằng, tờ báo là sản phẩm của một tòa soạn mới là điều ý nghĩa nhất. Trên thế giới và trong nước có những hãng thông tấn khiến tôi mê mẩn bởi những dòng tin vắn, phần tác giả chính là tên hãng tin. Điều này, với tôi, đã thể hiện toàn bộ nghề báo: Cả một bộ máy khổng lồ để đưa đến cho ta dòng tin 50 từ đó, gồm: người viết, người biên tập, thư ký tòa soạn là người tổ chức bài, người trình bày, tổng biên tập là người chịu trách nhiệm, người đọc morasse, người thủ quỹ phát nhuận bút, người phát hành và bán báo, và… người đọc.

Tạp chí Công Thương cũng vậy. Có cả một ê-kíp những người “hát bè trầm” như vậy. Đặc biệt, với đội quân làm kinh tế, với đặc thù chuyên bán quảng cáo, phát hành, kiếm nguồn thu cho Tạp chí, công việc họ làm rất quan trọng, nhưng họ luôn đứng phía sau và ít người nhìn thấy. Nhưng Tạp chí Công Thương thì luôn vinh danh họ.

Cuối cùng, nghề báo trong tôi gói trọn trong một chữ TIN. Đầu tiên, TIN là thông tin, là thứ chúng ta phải cung cấp. Nhưng TIN còn là lòng tin, thứ chúng ta phải đạt được. Để có được hai thứ đó, phải bắt đầu từ sự thật, và vì sự thật.

Nghề báo xét cho cùng không mang đến cho chúng ta thứ quyền lực nào ngoài quyền được đòi hỏi tìm đến tận cùng sự thật. Cũng như đối với nhiều người làm báo khác, sự thật có sức quyến rũ ghê gớm đối với tôi. Sự thật, để có được nó, người ta có thể phải trải qua rất nhiều thứ. Có thể là những chuyến đi dài, những cuộc phỏng vấn đeo đuổi hàng tuần. Có thể là khổ ải, nhọc nhằn, mất mát. Là sức lực, trí tuệ, lòng dũng cảm… Nhưng dù thế nào, thì nghề báo cũng phải khởi đầu từ niềm khao khát đạt đến sự thật. Từ niềm tin sâu sắc vào điều đúng đắn.

Cho nên, trước khi có những tác phẩm lớn, em hãy bắt đầu từ những điều nhỏ bé, chân thật, nhà báo tương lai của tôi ạ.