Chuyện ở Hà Giang

Khi tôi kể với một người bạn rằng tôi đang trong đợt kiêng rượu. Anh ấy đáp lại rằng: “Nếu như anh định đến các khu vực miền núi thì anh nên quên ý tưởng này đi. Tôi cười: “Cứ đợi đấy”. Đáng tiếc là a

Tôi đến tới vùng đất Hà Giang với một nhóm họa sĩ Hà Nội. Trang bị đầy đủ màu vẽ và giấy trắng chúng tôi “hành quân” tới một trường tiểu học nhỏ. Chúng tôi mong muốn các em có thể thể hiện ước mơ về tương lai qua những bức tranh của mình.

Câu hỏi được đặt ra “Tại sao là Hà Giang?”. Có lẽ bởi từ nhiều năm nay vùng đất này còn khá nguyên sơ với các tập tục văn hóa đậm đặc. Nhưng giờ đây đường nhựa và đường bê-tông đã tới đây, kéo theo cả một thế giới mới cho những con người ở nơi này. Những đứa trẻ sẽ bị ảnh hưởng ra sao khi mà chúng tiếp nhận sự thay đổi này? Câu hỏi mà ai trong nhóm họa sĩ tôi đều muốn được trả lời. Và mong rằng có thể sáng tạo những tác phẩm nghệ thuật từ đó.

Từ vùng đất của sự ồn ào và náo nhiệt chúng tôi đến Hà Giang vùng đất nguyên sơ với những cánh đồng bát ngát, những con suối trắng xóa, những ngọn núi quanh năm bao phủ sương mù. Một cảnh tượng mang trong mình sự vô vy từ ngàn đời.

Những con đường mòn nhỏ, hẹp đi dọc những ruộng lúa. Những tảng đá trên mặt dòng sông và vươn tới tận thác nước. Ngồi trên những phiến đá này bạn có thể nghe thấy tiếng sáo của một chàng trai trong truyện cổ tích. Tiếng sáo của chàng vút qua những tầng mây, nhảy lên trên những đỉnh núi, và dường như chạm đến ngưỡng cửa nơi thiên đình. Tiếng sáo đã len lỏi và mê hoặc một nàng tiên. Nàng đã xuống hạ giới để tìm ra nguồn gốc của thứ âm thanh ấy và nàng đã tìm thấy chàng trai. Họ đã yêu nhau, sinh con đẻ cái, sống hạnh phúc cho đến khi thiên đình phát hiện. Thiên đình nổi giận và buộc nàng phải quay về. Trước khi đi, nàng khóc và nói chồng rằng: “Xin chàng đừng buồn, thiếp sẽ trở thành những ngọn núi và khi chàng nhìn thấy chúng, chàng sẽ biết rằng thiếp luôn ở đây phù hộ mọi người”. Và thật đúng như vậy, chúng tôi đi càng xa thì ngọn núi càng mang một dáng dấp của bầu ngực người phụ nữ.

Cuối cùng, chúng tôi nghỉ chân tại một ngôi nhà sàn nhỏ. Ngẩn ngơ ngoài căn nhà là một chú trâu bị buộc vào cái cọc tre. Căn buồng của chúng tôi ở nghi ngút khói. Nhưng nó không hề có cái vị nồng nặc chua chát, mà thay vào đó khói lại ngọt ngào, khá dễ chịu. Tôi hỏi với một người bạn về việc này, thì anh ấy bảo: “Cái đó là để đuổi muỗi”. Như một phép màu tôi không có vết cắn nào trên người. Không tính những vết cắn của đỉa lúc trước khi tôi lội qua ruộng nước.

Ngôi nhà này, là nơi ở của một vài đứa trẻ ở trường học. Nhìn xung quanh ngôi nhà tôi không chỉ nhận ra sự đơn giản và giản dị về đời sống, mà tôi còn nhận ra được một thứ khác. Họ bằng lòng với cuộc sống hiện tại. Đối với họ như thế là hạnh phúc. Và tất nhiên, chỉ cần đi ra ngoài là họ lại có thể thấy được cảnh vật tuyệt đẹp của những ngọn núi trùng trùng điệp điệp. Nhưng điều đó không có nghĩa là cuộc sống của họ không khó khăn, vất vả. Những đứa trẻ cao chưa đến hông tôi phải mỗi ngày đi bộ mười cây số để đến được trường học. Dù nhỏ tuổi chúng vẫn vui vẻ đi bộ xa, vì chúng thích được học.

Tôi vô cùng choáng ngợp trước sự ham học tập của những đứa trẻ. Chính những người thầy giáo vùng cao đã thổi vào chúng ngọn lửa đẹp đẽ này. Bài giảng ngày hôm trước của thày, vẫn còn trên bảng khi chúng tôi tới. Bạn có thể tìm thấy ở bất cứ trường học nào tại Việt Nam trên tấm bảng trắng là những dòng chữ nắn nót bằng một vài câu tiếng Anh:

“My name is Nam. I am 7 years old”. Đó là tại sao mà chúng đều có thể nói: “ Chào buổi sáng” bằng tiếng Anh khi chúng tôi vào thăm trường. Và đây cũng là một vấn đề mà nhóm họa sĩ chúng tôi đến đây để tìm hiểu. ở đây bất cứ đứa trẻ nào cũng có thể nói được tiếng Kinh, và giờ chúng được học cả tiếng Anh. Vậy còn thứ tiếng bản địa của họ thì sao? Thứ ngôn ngữ của người Bố Y. Không một ai trong đám trẻ con có thể nói “Xin chào” bằng tiếng của người Bố Y. Bạn tôi bảo, kể cả cha mẹ chúng cũng không thể nói lưu loát tiếng bản địa. Nhưng những người lớn tuổi, ông bà lũ trẻ lại là nhóm người duy nhất có thể sử dụng thứ tiếng của dân tộc mình. Vậy nên trong cái sự thanh bình của rừng cây núi đá, một thứ ngôn ngữ đang dần dần mất đi. Việc này có quan trọng không? Đối với những người nghệ sĩ như chúng tôi thì điều này vô cùng ý nghĩa. Đại học Văn hóa Hà Nội đã nghiên cứu và chỉ ra rằng do con đường mới giúp cho vùng đất này thoát khỏi sự cô lập nhưng lại khiến lớp trẻ có những cảm xúc đầy mâu thuẫn cho rằng nền văn hóa hiện tại của chúng thua kém vô cùng so với ngoài kia. Mặc dù điều này không thể nhận ra ngay trong cuộc sống vô tư của họ. Nhưng bạn tự hỏi nếu như bạn là lũ trẻ kia thì cuộc sống của mình sẽ ra sao nếu như bạn không thể nói chuyện với người lớn tuổi, cũng như họ không thể nói chuyện với mình. Làm sao ta có thể học được phong tục tập quán của mình? Bảo tồn phong tục tập quán là một điều quan trọng, bởi nó đồng nghĩa với việc lưu giữ những giá trị đích thực của một nền văn hóa. Chúng tôi lo rằng những đứa trẻ khi bị mất đi ngôn ngữ và phong tục của mình thì không chỉ chúng, mà cả chúng ta cũng sẽ mất đi những kiến thức quý giá về phong tục sống của con người.

Sau đó chúng tôi đến thăm nhà của hai già làng người Bố Y, cả hai đều đã già trên 80 tuổi, họ khá minh mẫn và đĩnh đạc. Họ mang ra một cuốn bách khoa toàn thư của riêng họ, đấy là một cuốn sách cũ kĩ được viết cẩn thận, bên trong đó gồm lịch sử, truyền thuyết và các bài hát về người Bố Y. Trong một cái phòng ngập tràn khói ấm chúng tôi ngồi nghe các già làng đọc từng trang sách và nhâm nhi những bát rượu gạo nay đã được phả thêm cái vị chay cháy. Ông ấy lật đến một đoạn thì chững lại, chỉ vào những dòng văn, có vẻ như là một bản nhạc nào đó, và ông bắt đâu ngâm nga những giai điệu. Nó là một bài hát rất cổ và nó là một phần của một tập hợp đặc biệt các bài hát của người Bố Y, ông ấy còn nói với chúng tôi rằng những bài hát này đóng một vai trò không thể thiếu trong văn hóa của họ. Thật vậy, vào thời xưa cuộc sống của họ phụ thuộc vào các bài hát này, mỗi một bài hát yêu cầu một cách hô ứng đúng cách. Và đó chính là văn hóa dân ca.

Các giáo viên và chúng tôi mời các già làng tới các ngôi trường để dạy các học sinh những bài hát này. Ban đầu học sinh cảm thấy khó hiểu trước những từ ngữ lạ lùng. Nhưng với sự ham học cho tất cả mọi thứ, và có lẽ một sự hiếu kì về quá khứ sẽ được khơi dậy. Khi tôi thấy nụ cười trìu mến của già làng tôi hiểu rằng cả chúng tôi và ông đều có chung một hy vọng về tương lai của nền văn hóa nơi đây.

Ngoài sân trường đám trẻ con gom lại tranh của mình ra trưng bầy. Những bức tranh lớn đến nỗi có thể trải đều lên hai bàn học. Trong mỗi bức tranh là sáu hoặc bẩy những thứ mà đám trẻ tưởng tượng, chúng không để một khoảng trống nào trên tranh, tất cả đều được chèn kín với những con vật sinh động, cỏ cây được tạo hình xoắn ốc, những con chim nhiều màu sắc đang dang rộng sải cánh bay trên những ngôi nhà kì quái, và cánh đồng lúa. Nổi bật nhất trên tất cả các bức tranh lá cờ đỏ sao vàng Việt Nam. Đi ngang cột cờ giữa sân trường, thấy quốc kì Việt Nam bay phấp phới bạn có thể cảm nhận rằng mình đang ở nơi địa đầu của đất nước Việt Nam. Xa xa sau những dặm núi là biên giới của Việt Nam và Trung Quốc.

Tại bữa trưa chúng tôi lại được mời một bầu rượu gạo như một phong tục cho mỗi bữa trong ngày, và lúc này chúng tôi bàn luận xem chuyến đi thực sự đạt được kết quả như mong đợi hay không? Cho dù nó không thành công đi chăng nữa thì ít nhất chúng tôi đã gieo mầm vào trong những đứa trẻ, cho chúng thấy tầm quan trọng của văn hóa dân mình và bản thân chúng đang đóng góp cho sự đa dạng của đất nước Việt Nam. Vào một ngày không xa những đứa trẻ ở đây sẽ lớn lên và dạy cho chúng ta rằng cái gì giá trị trong nền văn hóa của chúng. Ngành công nghiệp du lịch đang nở rộ và họ phải biết tận dụng nó. Chính sự đậm đà bản sắc dân tộc có thể giúp họ có thêm thu nhập đời sống và duy trì lâu dài nền văn hóa ấy. Tất cả cái họ cần học đó là cách quản lý và tận dụng ưu điểm của mình.

Rất nhiều những ly rượu đã đưa đi, đưa lại, khi chúng tôi thực sự nhập cuộc vào bữa rượu theo cách người “Bố Y” thì là lúc những ly rượu liên tục được rót và được làm cạn chén đi kèm những cái bắt tay và lời chúc cho nhau. Ở bữa ăn có các thầy cô giáo và một vài người phụ nữ trẻ, chúng tôi đã phải lòng nhau sau một vài ly rượu. Càng nâng cốc chúng tôi càng ngà ngà cho đến khi chúng tôi choạng vạng nhìn những ánh đèn điện thành những tia sáng của các ngôi sao trên bầu trời. “Anh thật đẹp trai”, “Em thật xinh gái” và những câu chuốc rượu cứ tiếp tiếp mãi. Tôi càng uống rượu thì tôi càng trân trọng rượu. Thứ rượu gạo này được làm từ hạt lúa ngay từ thửa ruộng cạnh trường có một vị ngon đặc biệt làm ấm lòng tất cả mọi người. Chúng tôi chuyển từ bàn này sang bàn khác uống rượu và đánh chén để kỉ niệm cuộc sống của chúng tôi cũng như của những đúa trẻ mà chúng tôi có dịp cùng làm việc.

Ngày mai chúng tôi sẽ trở về thành phố, mang theo những cảm xúc tiếc nuối và hụt hẫng. Những ngọn núi chọc trời xanh, những hang động thần bí, những lâu đài mây và dáng hình nàng tiên lấp ló sau màn sương khói, tất cả sẽ được chúng tôi khắc sâu trong tâm trí. Trên sân trường kia đang hì hục hoàn thành những dự án mơ ước về tương lai của mình bằng màu vẽ là hậu duệ của chàng trai tiều phu và nàng tiên giáng trần.

Và vâng, rượu ở đây không thể chê được, chắc chắn tôi sẽ trở lại để có thể tiếp tục thưởng thức nó.

Steven Mckenzie - (Thái Duy dịch)