Cớ gì phát hoảng với sự “biến mất” 200 doanh nghiệp trong 1 ngày?

Bằng cách nào đó, những e ngại nói trên cuối cùng cũng phản ánh lên sự ứng xử trong giao dịch dân sự; có thể là sự chần chừ của một nhân viên ngân hàng khi xét duyệt các khoản vay cho kinh tế tư nhân;

Tôi có cô cháu gái đã tốt nghiệp đại học và đi làm trong hệ thống VietcomBank khoảng 6-7 năm nay. Một lần hỏi về chuyện chồng con, cháu bảo, mẹ cháu không đồng ý vì người yêu cháu làm trưởng phòng một doanh nghiệp tư nhân.

Nhấc điện gọi bà chị gái, chị phân trần: Ờ, thằng đó cũng được, nhưng phải cái làm ở doanh nghiệp tư nhân. Tư nhân thì sao? Tôi hỏi lại. Thì chú không đọc báo sao, ngày nào không có mấy chục doanh nghiệp tư nhân ngừng hoạt động hay giải thể? Doanh nghiệp nhà nước đâu có thế!

Mấy chục doanh nghiệp tư nhân “biến mất” mỗi ngày, chuyện thực hay hư? Tôi hỏi người bạn làm ở một viện nghiên cứu về doanh nghiệp; ông bạn nói tưng tửng, mấy chục thế nào, cả trăm doanh nghiệp ấy chứ! Đây này, nói có sách: Năm 2016 có 60.667 doanh nghiệp ngừng hoạt động, 12.478 doanh nghiệp giải thể. Trung bình mỗi ngày có 200 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.

Chưa kịp tá hỏa thì người bạn vỗ vai, chuyện bình thường thôi, “Tây” cũng thế mà. Vương Quốc Anh, một năm có cỡ xấp xỉ 550 ngàn doanh nghiệp thành lập mới thì có trên 330 ngàn doanh nghiệp rút ra khỏi thị trường, chiếm khoảng 62%; ở New Zealand, tỷ lệ doanh nghiệp tồn tại sau 3 năm dưới 50%; tính chung toàn EU, sau 5 năm, tỷ lệ doanh nghiệp tồn tại 46%. Ở nước ta, hiện có khoảng 612 ngàn doanh nghiệp đang hoạt động trên tổng số 940 ngàn doanh nghiệp đã từng gia nhập thị trường, tức là chỉ có 35% rút lui khỏi thị trường.

Tôi gặng hỏi, như vậy ở ta 200 doanh nghiệp “biến mất” mỗi ngày là… bình thường? Bình thường như cân đường hộp sữa thôi mà! Bạn tôi, nhà nghiên cứu về doanh nghiệp nói như đinh đóng cột.

Theo bạn tôi, việc doanh nghiệp gia nhập và rút lui khỏi thị trường là một đặc trưng khách quan về tính cạnh tranh trong nền kinh tế thị trường. Nhất là từ năm 2016, khi Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các bộ, ngành địa phương tích cực hỗ trợ “hệ sinh thái khởi nghiệp”.

Rồi anh bạn lôi thằng con anh ra làm ví dụ. Mấy năm trước, khi mới ra trường, cháu mở một cửa hàng xay hạt nguyên chất. Để tiện quản lý và vay vốn, cháu thành lập công ty. Cửa hàng ngày càng đông khách, một phần do chiến lược “lãi ít-ăn nhiều”, một phần cháu sử dụng mạng xã hội kết nối người tiêu dùng. Ba năm sau, cháu bán toàn bộ cửa hàng, lấy tiền mở công ty du lịch lữ hành, đúng với nghề cháu học ở trường.

Như vậy, chỉ bằng một động tác, con anh bạn tôi đã làm “biến mất” một công ty và cho ra đời một công ty khác. Trên thực tế, có vô vàn lý do khiến một doanh nghiệp tư nhân biến mất cái tên này rồi hồi sinh dưới một cái tên khác; biến mất ở nơi này để hồi sinh ở nơi khác; biến mất khỏi lĩnh vực này để hồi sinh ở lĩnh vực khác… Xét cho cùng, đây lại là một lợi thế của doanh nghiệp tư nhân mà các thành phần kinh tế khác không dễ làm.

Ngày 17 tháng 5, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp 2017 nhằm tổng kết, đánh giá hiệu quả sau một năm thực hiện Nghị quyết 35/NQ-CP về hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, chủ yếu là hỗ trợ phát triển doanh nghiệp tư nhân.

Phần đầu Nghị quyết 35 đã ghi “doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp tư nhân là động lực nâng cao sức cạnh tranh và tính tự chủ của nền kinh tế”. Các báo cáo, tham luận, tranh luận, kết luận tại Hội nghị cho thấy, một năm qua, Nghị quyết 35 đã tạo dựng được niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp, truyền đi thông điệp mạnh mẽ về Chính phủ kiến tạo; hay như Thủ tướng đã nói một cách hình ảnh: “Chính phủ và các địa phương đã gãi đúng chỗ; không phải ngứa trên đầu mà gãi dưới chân”.

Nghe doanh nghiệp tư nhân nêu kiến nghị, Thủ tướng và các Phó thủ tướng trao đổi ngay trên bàn chủ trì

5 nhóm giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp tư nhân bao gồm: (i). Cải cách hành chính; (ii) Bảo đảm quyền bình đẳng tiếp cận nguồn lực và cơ hội kinh doanh của doanh nghiệp; (iii) Hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp; (iv). Giảm chi phí kinh doanh cho doanh nghiệp; và (v). Bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp.

Trong đó, theo khảo sát, nhóm giải pháp thứ (ii) Bảo đảm quyền bình đẳng tiếp cận nguồn lực và cơ hội kinh doanh của doanh nghiệp đáp ứng được lòng mong mỏi của doanh nghiệp nhất. Có 60% doanh nghiệp đánh giá, trong một năm qua nhóm giải pháp này đã mang lại hiệu quả rất tích cực, tích cực và tương đối tích cực.

Trong bài phát biểu khai mạc Hội nghị nói trên, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã dẫn lời Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khi phát biểu kết luận Hội nghị Trung ương 5, coi kinh tế tư nhân là động lực quan trọng để phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Và sau đó, trong Hội nghị, Thủ tướng hai lần khẳng định: 1. “ Mọi thành phần kinh tế đều bình đẳng, không phân biệt công hay tư”; 2. “Với tinh thần trao cơ hội cho mọi thành phần kinh tế sản xuất kinh doanh, tôi nhấn mạnh mọi thành phần kinh tế đều bình đẳng”.

Nhắc lại hơn 1 lần nguyên tắc bình đẳng giữa các thành phần kinh tế của người đứng đầu Chính phủ cho thấy, mặc dù đến nay, trong xã hội đã có sự đồng thuận lớn về vai trò tích cực của kinh tế tư nhân, nhưng từ trong tâm thức, theo một phản ứng mang nặng tính bản năng, quán tính, chúng ta chưa thật thấu hiểu sự vận hành “gia nhập” và “rút lui” của doanh nghiệp tư nhân; từ đó chưa đặt niềm tin đúng mức so với sự đóng góp của thành phần kinh tế này.

“Chúng ta” ở đây là chị gái tôi, người e ngại sự kết duyên của con gái mình với một anh trưởng phòng thuộc doanh nghiệp tư nhân; là tôi, người phát hoảng với sự “biến mất” của 200 doanh nghiệp tư nhân trong một ngày. Bằng cách nào đó, những e ngại nói trên cuối cùng cũng phản ánh lên sự ứng xử trong giao dịch dân sự; có thể là sự chần chừ của một nhân viên ngân hàng khi xét duyệt các khoản vay cho kinh tế tư nhân; có thể là sự nấn ná của ai đó trong góp vốn vào một công ty cổ phần…

Thiếu niềm tin và hiểu biết sẽ tước đi cơ hội kinh doanh của doanh nghiệp tư nhân, những người đang góp phần vun đắp giấc mơ thịnh vượng cho nền kinh tế và người Việt chúng ta.


Nguyễn Văn