Cơ hội lớn cho người trồng cam Cao Phong ở Hòa Bình

Theo ông Nguyễn Văn Quang - Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình: Việc Cục Sở hữu trí tuệ cấp Giấy chứng nhận chỉ dẫn địa lý Cao Phong cho sản phẩm cam Cao Phong là một bước đột phá, mở ra cơ hội lớn và là bướ

Cơ Hội lớn cho người trồng cam Cao Phong

Ngày 13/6/2014, Ban Thường vụ Tỉnh ủy tỉnh Hòa Bình đã ban hành Nghị quyết số 10-NQ/TU về phát triển sản xuất một số sản phẩm trong lĩnh vực trồng trọt trên địa bàn tỉnh Hòa Bình, giai đoạn 2014-2020, trong đó, cây có múi được xác định là một trong những cây chủ lực. UBND tỉnh đã có quyết định phê duyệt quy hoạch vùng đủ điều kiện sản xuất cam an toàn, tập trung đến năm 2020 với quy mô 5.085 ha.

Thêm một sự kiện nữa là vào ngày 16/11/2014, tỉnh Hòa Bình đã chính thức tổ chức Lễ đón nhận Chỉ dẫn địa lý “Cao Phong” cho sản phẩm cam của huyện Cao Phong. Từ đó có thể khẳng định đây là cơ hội lớn mở ra cho người dân trồng cam ở huyện Cao Phong, tỉnh Hòa Bình.

Hiện nay, tổng diện tích cam toàn huyện Cao Phong đạt 1.200 ha, sản lượng năm 2014 ước đạt 16.500 tấn/ha. Xác định cây có múi là cây trồng chủ lực tại địa phương, tỉnh Hòa Bình đã áp dụng nhiều tiến bộ KH -KT để phát triển vùng trồng cam như sử dụng hệ thống tưới theo công nghệ Israel... Nhờ kết quả của nhiều năm xây dựng, bảo tồn, lựa chọn và phục tráng nguồn gen quý của cây cam được trồng tại huyện Cao Phong mà hệ số nhân giống cây cam nhanh hơn, chất lượng tốt hơn, đem lại năng suất và giá trị kinh tế ngày một cao hơn.

Cơ hội lớn cho người dân trồng cam ở huyện Cao Phong, tỉnh Hòa Bình - Ảnh: Thùy Anh

Chứng nhận chỉ dẫn địa lý “Cao Phong” cho sản phẩm cam của huyện Cao Phong là chỉ dẫn địa lý đầu tiên được cấp cho tỉnh Hòa Bình. Những hộ nằm trong vùng sử dụng chỉ dẫn địa lý sẽ có sản phẩm cam mang tên gọi chung. Những trái cam vàng mọng, ngọt thơm từ những đồi cam bạt ngàn tại thị trấn Cao Phong, các xã: Tây Phong, Bắc Phong, Dũng Phong, Tân Phong và Thu Phong từ nay sẽ đứng chung dưới tên gọi chung - cam Cao Phong. Ngành khoa học sẽ hướng tới một mục tiêu xa hơn, đó là từng bước xây dựng bộ tiêu chuẩn canh tác thống nhất cho cam Cao Phong như tiêu chuẩn nông sản chất lượng cao của Việt Nam (VietGap) hoặc xa hơn, tiêu chuẩn thực hành nông nghiệp tốt toàn cầu (GlobalGap) như đã áp dụng cho các sản phẩm nông sản khác trong cả nước, vươn tới thị trường nước ngoài với kỳ vọng đưa sản phẩm cam bước vào các siêu thị, đại siêu thị, hướng tới xuất khẩu và mở ra hướng đi mới cho ngành công nghiệp chế biến tại vùng đất này. Quả cam từ chỗ chỉ được sử dụng làm sản phẩm tiêu dùng trực tiếp sẽ được chế biến thành nhiều loại sản phẩm đa dạng mà vẫn giữ vị ngọt thơm.

Chỉ dẫn địa lý “Cao Phong” bước đầu được bảo hộ cho 4 giống cam: CS1, cam Xã Đoài lùn, cam Xã Đoài cao và cam Canh - vốn là các giống cam có nguồn gốc di thực từ cam Xã Đoài (Nghệ An), cam Canh (Vân Canh) nhưng có lẽ do hợp đất, hợp nước nên khi được trồng trên đất Cao Phong, những loại cam này có chất lượng đặc trưng khác với giống gốc như: mọng nước hơn, vị ngọt nhẹ, vỏ quả màu vàng óng và được người tiêu dùng ưa chuộng. Đây chính là các tiêu chuẩn chất lượng đặc thù được tạo nên bởi điều kiện tự nhiên, con người tại địa phương. Trong quá trình xây dựng chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm cam của huyện Cao Phong, các nhà nghiên cứu đã thực hiện điều tra về danh tiếng của sản phẩm; xác định nguồn gốc, đặc tính sản phẩm; xác định tính chất đặc thù; các yếu tố ngoại cảnh; xây dựng bản đồ khu vực địa lý; xây dựng logo và nhãn mác sản phẩm.

“Tài sản trí tuệ” cần phải được bảo vệ và giữ gìn

Theo T.S Đỗ Hải Hồ - Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Hòa Bình: Để cam Cao Phong trở thành loại hàng hóa có giá trị kinh tế cao, đồng thời duy trì được chất lượng, danh tiếng, các cấp, ngành, địa phương và những người trồng cam phải thực sự coi thương hiệu đã có là “tài sản trí tuệ” của chính mình để chung tay thực hiện các hoạt động duy trì danh tiếng và niềm tin của người tiêu dùng với sản phẩm cam Cao Phong; quản lý tốt chất lượng sản phẩm; đa dạng hóa các kênh tuyên truyền, quảng bá; tìm kiếm và mở rộng thị trường cho sản phẩm... Ngoài các giải pháp về kỹ thuật sản xuất, cần tiến hành các giải pháp quản lý chất lượng sản phẩm, quản lý chỉ dẫn địa lý và khai thác thị trường. Bên cạnh đó, đề nghị không mở rộng diện tích giống cam Cao Phong ngoài vùng bảo hộ chỉ dẫn địa lý nhằm duy trì danh tiếng và chất lượng của sản phẩm, hạn chế những tác động tiêu cực của thị trường tiêu thụ, cung vượt cầu.

Chứng nhận Chỉ dẫn địa lý cam Cao Phương được coi là một "tài sản trí tuệ" cần phải được bảo vệ, xây dựng và giữ gìn - Ảnh: Thùy Anh

Huyện Cao Phong cần tập trung chỉ đạo áp dụng các biện pháp kỹ thuật chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh nâng cao chất lượng quả. Trong quản lý thương hiệu phải hướng tới xây dựng các nhóm hộ hoặc hội cam để nâng cao hiệu quả sử dụng chỉ dẫn địa lý.

Các hộ trồng cam - chủ thể chính tạo nên thương hiệu cam Cao Phong, cũng là những người được hưởng lợi từ chỉ dẫn địa lý Cao Phong - cần nâng cao ý thức tự bảo vệ uy tín, chất lượng cho sản phẩm của mình; gắn quyền lợi với trách nhiệm bảo vệ danh tiếng của sản phẩm; chủ động trong quản lý, phát triển chỉ dẫn địa lý Cao Phong thông qua việc nâng cao chất lượng sản phẩm đầu vào (đầu tư mua giống tốt, phân bón tốt), tự đào tạo nâng cao kỹ thuật canh tác sản phẩm theo quy trình đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, tự kiểm soát chất lượng sản phẩm tại chỗ... Đồng thời, cần mạnh dạn tiếp cận và mở rộng thị trường. Có như vậy, cam Cao Phong sẽ không chỉ là một đặc sản ở tỉnh Hòa Bình mà sẽ còn trở thành một hướng phát triển kinh tế hiệu quả của tỉnh và ngày càng mang lại giá trị kinh tế cao cho chính những người dân nơi đây đúng như mục đích cuối cùng của việc bảo hộ chỉ dẫn địa lý mang lại.

Theo thống kê của Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam, hiện nay tỉnh Hòa Bình có một số sản phẩm đặc sản như: Mía tím Hòa Bình, dệt thổ cẩm Mai Châu, rượu cần Hòa bình, hạt dổi Lạc Sơn, quả lặc lày hữu cơ Lương Sơn đã được đăng ký bảo hộ tại Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam thuộc đối tượng nhãn hiệu tập thể. Xác định tầm quan trọng đặc biệt của chỉ dẫn địa lý đối với việc nâng cao uy tín cho sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ hàng hóa, đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, tháng 11/2013 Sở KH&CN tỉnh Hòa Bình đã xúc tiến và hoàn thiện hồ sơ đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý “Cao Phong” cho sản phẩm cam của huyện Cao Phong. Sau gần 1 năm thẩm định hoàn thiện, ngày 05/11/2014 Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam đã ký Quyết định cấp giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý Cao phong cho sản phẩm cam của huyện Cao Phong. Như vậy, Cao Phong là địa danh đầu tiên của tỉnh Hòa Bình được cấp Giấy chứng nhận bảo hộ chỉ dẫn địa lý. Đây là bước đột phá mang tính chiến lược trong phát triển tài sản trí tuệ, cũng như góp phần vào phát triển KT – XH của địa phương. Bởi đây là hình thức bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ cao nhất dùng cho sản phẩm có chất lượng đặc thù, do các điều kiện địa lý tự nhiên và con người của khu vực đó quyết định. Chỉ dẫn địa lý chính là công cụ nhằm thỏa mãn các thông tin về nguồn gốc xuất xứ, chất lượng sản phẩm, phương thức sản xuất trước yêu cầu ngày càng khắt khe của người tiêu dùng.

Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Quân đã chia sẻ niềm vui và chúc mừng tới nhân dân tỉnh Hòa Bình nói chung và huyện Cao Phong nói riêng về cam Cao Phong được cấp Chứng nhận Chỉ dẫn địa lý. Trong thời đại hội nhập quốc tế như hiện nay, việc bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ dần trở thành công cụ thương mại quan trọng để Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh, thâm nhập vào thị trường trong nước và quốc tế. Bộ trưởng yêu cầu tỉnh Hòa Bình sau khi nhận Chứng nhận Chỉ dẫn địa lý, cần giữ gìn và nâng cao chất lượng sản phẩm cam Cao Phong cũng như bảo vệ thương hiệu, nâng tầm danh tiếng và mở rộng thị trường đối với sản phẩm của địa phương.