Cơn khát tài nguyên toàn cầu và những nước cờ mới của Trung Quốc

Những nước cờ nhằm tăng cường vị thế của Trung Quốc trên bản đồ tài nguyên thế giới đang diễn ra trong bối cảnh bất ổn địa kinh te, địa chính trị sâu rộng. Nắm trong tay nguồn tài nguyên chính là con

Từ cơn khát tài nguyên…

Trong nhiều năm, Trung Quốc tìm mọi cách để tăng cường khai thác kim loại, dầu mỏ và các nguồn tài nguyên khác, không chỉ trong phạm vi lãnh thổ của Trung Quốc mà còn tại nhiều khu vực khác trên thế giới nhằm phục vụ cỗ máy sản xuất công nghiệp khổng lồ và dân số ngày càng gia tăng của họ. Cơn khát tài nguyên của họ đã kéo theo sự bùng nổ trong khai thác khoáng sản trên toàn cầu. Chi lê - nước có sản lượng đồng lớn nhất thế giới đã mở rộng mỏ đồng lớn nhất của họ ở phía Bắc, tăng sản lượng khai thác thêm 1,7 tỷ tấn, ngay cả trong giai đoạn giá đồng giảm mạnh trên toàn cầu. Ấn Độ xây dựng đường sắt nối các mỏ than đá với các khu dân cư đông đúc bất chấp rủi ro về tài nguyên và môi trường. Australia tăng cường khai thác khí tự nhiên với mức tăng 150% trong vòng 4 năm trở lại đây.

Đến nay, Trung Quốc đã trở thành nước tiêu thụ tài nguyên lớn nhất trên thế giới và dẫn dắt nhu cầu trên hàng loạt thị trường tài nguyên thiên nhiên. Trung Quốc chiếm tới 98% tổng xuất khẩu tài nguyên của Nam Su-đăng. Tỷ trọng này lần lượt vào khoảng 80% ở Hàn Quốc và Siera Leone. Một số nước phụ thuộc lớn vào Trung Quốc trong xuất khẩu tài nguyên hóa thạch, như Lào (95%), Su-đăng (65%). Với vai trò dẫn dắt nhu cầu và thị trường, sự lựa chọn đối tác thương mại của Trung Quốc có ảnh hưởng rất lớn đến các nước cung ứng này.

Tới chiến lược dài hơi của Trung Quốc...

Trung Quốc đang chuyển dịch cơ cấu tăng trưởng theo hướng chậm hơn nhưng chất lượng hơn, trong khi phải đối mặt với những thách thức lớn về suy cạn tài nguyên và an ninh môi trường.

Thực ra, ngay từ khi ban hành kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm lần đầu tiên vào năm 1953, Trung Quốc đã xây dựng và phát triển chiến lược dài hạn về nguồn lực tự nhiên. Đến năm 1982, Bộ Địa chất và Khoáng sản đã được thành lập và nhận trách nhiệm quản lý nhà nước về khoáng sản. Năm 1996, Ủy ban Tài nguyên khoáng sản quốc gia được thành lập để đảm bảo rằng Nhà nước sẽ là chủ sở hữu hợp pháp của tất cả các nguồn tài nguyên khoáng sản của đất nước.

Song song với chiến lược về khoáng sản trên cạn, chiến lược kiểm soát các nguồn tài nguyên dưới biển, trong đó có dầu mỏ và khí đốt tự nhiên đã hình thành. Năm 1982, Trung Quốc đã thông qua Luật về quản lý vùng biển cũng như các quy định khác nhau về khai thác tài nguyên dầu khí ngoài khơi. Hiện nay, Bộ Đất đai và Tài nguyên Trung Quốc giám sát tất cả các dự án trên đất liền và trên biển liên quan đến yêu cầu tài nguyên thiên nhiên. Trung Quốc đã nghiên cứu và lên kế hoạch cho việc kiểm soát tối đa các nguồn lực tự nhiên, kể cả khoáng sản, đất hiếm, tinh dầu, và khí đốt tự nhiên trong hơn 60 năm qua, với sự vươn dài ra nhiều nguồn tài nguyên ngoài lãnh thổ Trung Quốc. Đặc biệt, nhằm thỏa mãn cơn khát tài nguyên cho quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và suốt một thời gian dài, phục vụ nền kinh tế này như một công xưởng lớn của thế giới.

Trên phạm vi toàn cầu, tăng trưởng không bền vững và những biến động về địa kinh tế, địa chính trị đã dẫn đến những thay đổi trên thị trường hàng hóa. Trong khi đó, Trung Quốc đang tham gia ngày càng chủ động hơn vào các cuộc chơi lớn trên toàn cầu, từ các chương trình với nhóm G20 đến những hợp tác song phương, đa phương trong khai thác tài nguyên tại châu Mỹ Latinh và châu Phi.

Trong sự bùng nổ hoạt động đầu tư mua lại và khai thác tài nguyên của Trung Quốc trong thập kỷ qua, các nhà hoạch định chính sách và các doanh nghiệp Trung Quốc có sức ảnh hưởng lớn đến ngành khai khoáng các nước và thị trường tài nguyên trên thế giới. Thậm chí nhiều ngành sản xuất lớn trên thế giới hiện nay đang dần phụ thuộc vào Trung Quốc về các nguồn tài nguyên quan trọng.

Tuy nhiên, gần đây, các nước sản xuất bắt đầu hạn chế xuất khẩu khoáng sản, dẫn đến sự gia tăng tranh chấp đầu tư. Khi các nguồn tài nguyên đã được khai thác cạn kiệt, các nhà đầu tư nước ngoài rút đi, để lại các nước sản xuất phải đối mặt với áp lực kinh tế từ các khoản thu và các khoản đầu tư giảm. Nhiều tổ chức quốc tế đã kêu gọi các chính phủ bỏ trợ cấp cho nhiên liệu hóa thạch và các nguồn tài nguyên thiên nhiên khác trong khi giá thấp. Các cuộc tranh luận chính sách quốc tế đang chuyển sang những thách thức lớn về trách nhiệm bảo vệ tài nguyên toàn cầu và những vấn đề địa chính trị căng thẳng xung quanh việc tranh chấp tài nguyên.

Và câu hỏi chiến lược cho các nước...


Thủ tướng Nhật Bản SHINZO Abe: “Ngày nay môi trường chiến lược tại châu A - Thái Bình Dương đã thay đổi. Thắt chặt quan hệ với Đông Nam Á sẽ đóng góp quan trọng cho sự ổn định của khu vực và đảm bảo lợi ích cho Nhật Bản”.


Tổng thống Mỹ Barack Obama: “Chúng ta cần thúc đẩy nhanh quá trình thay thế nguồn năng lượng gây ô nhiễm bằng các nguồn năng lượng sạch. Cần đầu tư cho tương lai, giảm sự phụ thuộc vào nguồn tài nguyên hóa thạch hữu hạn. Đó là tại sao tôi thúc đẩy những thay đổi trong cách thức quản lý nguồn tài nguyên để xứng đáng với cái giá mà người nộp thuế và hành tinh này phải trả.















Trong khi Hoa Kỳ mong muốn chuyển sang nguồn năng lượng sạch như phát biểu của Tổng thống Barack Obama thì họ cũng không thể phủ nhận được tầm ảnh hưởng của Trung Quốc. Một ví dụ tiêu biểu là đất hiếm, nguồn tài nguyên được xem như là một giải pháp "xanh" cho nhu cầu năng lượng toàn cầu ngày càng tăng, bởi vì loại khoáng sản này được sử dụng trong các tua-bin gió, tấm pin mặt trời, pin hybrid và bóng đèn tiết kiệm năng lượng. Đất hiếm đóng vai trò quan trọng trong việc giảm phát thải khí nhà kính. Tuy nhiên, Hoa Kỳ phải dựa vào Trung Quốc để có được nguồn đất hiếm cho sản xuất công nghệ xanh. Không thể phủ nhận mối ràng buộc giữa các nước kiểm soát thị trường đất hiếm và các nước nêu cao khẩu hiệu sản xuất xanh để bảo vệ môi trường.

Trong trường hợp của Nhật Bản, đã đến lúc họ thừa nhận những bước đi của Trung Quốc trong thập kỷ qua đang khiến tương quan lực lượng tại châu Á - Thái Bình Dương thay đổi và Nhật Bản phải ứng phó với điều đó.

Đầu những năm 1999, Nhật Bản chiếm 15% GDP thế giới, đến năm 2008 chỉ còn 10% và dự báo chỉ còn 6% vào năm 2030. Trong khi đó, tỷ trọng của Trung Quốc dự báo sẽ tăng từ 2% năm 1990 lên 25% vào 2030. Sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, Trung Quốc đã thay thế Nhật Bản để trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, chấm dứt 6 thập kỷ dẫn đầu về kinh tế của Nhật Bản tại châu Á. Trong cuộc chiến tranh giành tài nguyên và tầm ảnh hưởng trên bản đồ tài nguyên toàn cầu với Nhật Bản, chỉ cần nhìn lại năm 2010 khi Trung Quốc đánh đổi việc cung cấp đất hiếm cho Nhật Bản để tàu đánh cá Trung Quốc được hoạt động tại một số vùng biển tranh chấp với Nhật Bản. Đất hiếm mà Nhật Bản cần thiết để sản xuất xe hybrid của mình cũng như đối với việc sản xuất các tên lửa dẫn đường phụ thuộc lớn vào nhà cung cấp hàng đầu là Trung Quốc. Đồng thời, Trung Quốc bắt đầu cắt giảm hạn ngạch xuất khẩu trên toàn thế giới và đưa ra một hệ thống giá mới thống nhất nhằm kiểm soát tốt hơn sự sẵn có, cung cấp, và giá cả của các nguồn tài nguyên quan trọng. Rõ ràng, nắm trong tay tài nguyên là con át chủ bài để Trung Quốc đạt được nhiều thỏa thuận có lợi cho họ.

Một trong những khẩu hiệu nổi tiếng của Trung Quốc là "Không cần đánh cũng thắng". Thông qua sự kiểm soát nguồn tài nguyên quan trọng, và kiểm soát hầu hết các ngành công nghiệp dựa vào tài nguyên thiên nhiên. Nói cách khác, chiến lược tài nguyên thiên nhiên của Trung Quốc không chỉ là về khoáng sản hoặc dầu mỏ, mà là sự tranh giành quyền lực và ảnh hưởng mà không cần đến thuốc súng.

Linh Lâm