Công bố Chiến lược phát triển và quy hoạch ngành Công nghiệp ô tô Việt Nam giai đoạn 2020- 2035

Sáng nay, ngày 26/8/2014, thực hiện chỉ đạo của Lãnh đạo Bộ Công Thương, Vụ Công nghiệp nặng, Viện nghiên cứu Chiến lược Chính sách Công nghiệp và Tạp chí Công Thương phối hợp tổ chức Hội nghị Công bố
Ngày 16/7/2014, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1168/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược phát triển ngành công nghiệp ôtô Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035 với mục tiêu phát triển ngành công nghiệp ô tô trở thành ngành công nghiệp quan trọng của đất nước, đáp ứng tối đa nhu cầu thị trường nội địa về các loại xe tải, xe khách thông dụng và một số loại xe chuyên dụng; phấn đấu trở thành nhà cung cấp kinh kiện, phụ tùng và một số cụm chi tiết có giá trị cao trong chuỗi sản xuất công nghiệp ô tô thế giới.

Trên cơ sở phê duyệt về Chiến lược phát triển ngành công nghiệp ôtô Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035, ngày 27/7/2014, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1211/QĐ-TTg Phê duyệt Quy hoạch phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Đây là hai văn bản hết sức quan trọng để xây dựng, phát triển và quản lý ngành công nghiệp ô tô Việt Nam.

Xuất khẩu khoảng 90.000 chiếc vào năm 2035

Mục tiêu tổng quát của Chiến lược làxây dựng ngành công nghiệp ô tô Việt Nam trở thành ngành công nghiệp quan trọng, đáp ứng nhu cầu thị trường nội địa về các loại xe có lợi thế cạnh tranh, tham gia xuất khẩu, tạo động lực thúc đẩy sự phát triển của các ngành công nghiệp khác và nâng cao năng lực cạnh tranh để trở thành nhà cung cấp linh kiện, phụ tùng trong chuỗi sản xuất công nghiệp ô tô thế giới.

Đông đảo doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh ô tô tham dự Hội nghịĐông đảo doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh ô tô tham dự Hội nghị

 Mục tiêu đặt ra là năm 2035, tổng sản lượng xe đạt khoảng 1.531.400 chiếc, trong đó: xe đến 9 chỗ khoảng 852.600 chiếc, từ 10 chỗ trở lên khoảng 84.400 chiếc, xe tải khoảng 587.900 chiếc, xe chuyên dụng khoảng 6.500 chiếc. Tỷ lệ số xe sản xuất lắp ráp trong nước chiếm khoảng 78% so với nhu cầu nội địa.

Về phát triển công nghiệp hỗ trợ, giai đoạn đến năm 2020, cơ bản hình thành ngành công nghiệp hỗ trợ cho sản xuất ô tô; phấn đấu đáp ứng khoảng 35% (tính theo giá trị) nhu cầu về linh kiện, phụ tùng cho sản xuất lắp ráp ô tô trong nước. Giai đoạn 2026 - 2035 đáp ứng trên 65% nhu cầu về link kiện, phụ tùng cho sản xuất lắp ráp ô tô trong nước.

Ưu tiên dòng xe chuyên dụng và thân thiện môi trường

Theo Chiến lược, sẽ ưu tiêncác nhóm sản phẩm gồm: xe tải và xe khách từ 10 chỗ trở lên; xe chở người đến 9 chỗ; xe chuyên dụng và công nghiệp hỗ trợ. Cụ thể, đối với xe tải và xe khách từ 10 chỗ trở lên sẽ chú trọng phát triển dòng xe tải nhỏ đa dụng phục vụ cho sản xuất nông nghiệp, nông thôn và các loại xe khách tầm trung và tầm ngắn chạy liên tỉnh, huyện, nội đô... phù hợp với điều kiện địa hình, hạ tầng giao thông trong nước với giá thành hợp lý, an toàn và tiện dụng.

Đối với xe chở người đến 9 chỗ sẽ tập trung vào dòng xe cá nhân kích thước nhỏ, tiêu thụ ít năng lượng phù hợp với hạ tầng giao thông và thu nhập của người dân.

Đối với xe chuyên dụng, lựa chọn sản xuất, lắp ráp một số chủng loại xe có nhu cầu lớn (xe chở beton, xe xitec, xe phục vụ an ninh, quốc phòng ...); khuyến khích sản xuất xe nông dụng nhỏ đa chức năng (kết hợp vận tải hàng hoá với một hay nhiều tính năng như làm đất, bơm nước, phát điện, phun thuốc sâu...) để đáp ứng nhu cầu của đồng bào vùng nông thôn và miền núi.

 Các đại biểu đặt câu hỏi xung quanh kế hoạch thực hiện Chiến lược - Quy hoạch

Các đại biểu đặt câu hỏi xung quanh kế hoạch thực hiện Chiến lược

Về công nghiệp hỗ trợ, sẽ tiếp cận và ứng dụng công nghệ để chế tạo được các chi tiết, linh kiện quan trọng như bộ truyền động, hộp số, động cơ, thân vỏ xe... cho một vài chủng loại xe; tăng cường hợp tác với các hãng ô tô lớn để lựa chọn chủng loại phụ tùng, linh kiện mà Việt Nam có thể sản xuất để đảm nhận vai trò mắt xích trong chuỗi sản xuất - cung ứng toàn cầu, trên cơ sở đó đầu tư công nghệ tiên tiến, sản xuất phục vụ xuất khẩu.

Hình thành trung tâm, cụm liên kết công nghiệp ô tô tập trung

Hai điểm mới của Chiến lược: Một là, khuyến khích sản xuất dòng xe thân thiện môi trường (xe tiết kiệm nhiên liệu, xe hybrid, xe sử dụng nhiên liệu sinh học, xe chạy điện...), đáp ứng các yêu cầu về tiêu chuẩn khí thải theo lộ trình đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Hai là, đồng thời hình thành một số trung tâm/cụm liên kết công nghiệp ô tô tập trung trên cơ sở tổ chức, sắp xếp lại sản xuất; đẩy mạnh hợp tác - liên kết giữa các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô, các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ, các cơ sở nghiên cứu - triển khai và các cơ sở đào tạo thuộc mọi thành phần kinh tế để nâng cao hiệu quả đầu tư và tăng cường khả năng chuyên môn hoá...

Các đại biểu đã chia sẻ nhiều ý kiến tại Hội nghị. Dưới đây là một số ý kiến xung quanh Chiến lược và Quy hoạch.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Lê Dương Quang: "Chúng tôi tin rằng với sự vào cuộc quyết liệt, Chiến lược sẽ đáp ứng được yêu cầu"

Thứ trưởng Bộ Công Thương Lê Dương QuangÔng Lê Dương Quang -
Thứ trưởng Bộ Công Thương

Việc hỗ trợ thị trường trong nước sẽ được đảm bảo sao cho đồng bộ với mọi vấn đề khác như hạ tầng giao thông. Chúng tôi tin rằng với sự vào cuộc quyết liệt, Chiến lược sẽ đáp ứng được yêu cầu. Chúng ta cũng nên nhìn vào tương lai lâu dài, Việt Nam có dân số trẻ và đông nên là một thị trường nhiều hứa hẹn.

Về việc giảm thiểu thủ tục hành chính, tôi khẳng định đây là chủ trương của Chính phủ, của Bộ Công Thương. Đề nghị VAMA và tất cả các doanh nghiệp khác, trong quá trình điều hành, nếu có những vướng mắc về thủ tục hành chính ở bất kể đâu phải có phản ứng ngay với Bộ Công Thương, Bộ Công Thương sẽ có trách nhiệm giải quyết nhanh và chuẩn xác.

Về kiến nghị tăng cường liên kết hợp tác giữa các doanh nghiệp với các tập đoàn, công ty, tôi cho rằng đây là vấn đề sống còn nhưng cần phải trên cơ sở tự nguyện, tự làm việc và tự thỏa thuận. Các doanh nghiệp nhỏ muốn có những liên kết với tập đoàn lớn, trước mắt phải đảm bảo năng lực của mình, khẳng định uy tín. Tôi cho rằng, việc liên kết này nên thông qua “kênh” hiệp hội là phù hợp nhất vì nếu cùng là thành viên của hiệp hội sẽ có chung tiếng nói, chung lợi ích, qua đó sẽ dễ nhìn ra đang cần gì và thiếu gì. Tương tự như vậy, doanh nghiệp nào muốn tham gia chuỗi giá trị cung ứng cũng vậy. Các tập đoàn lớn đều tán thành việc tham gia này, nếu chúng ta sản xuất được một số linh kiện để tham gia chuỗi cung ứng này thì hoàn toàn ủng hộ.

Tiến sĩ Dương Đình GiámTiến sĩ Dương Đình Giám

TS. Dương Đình Giám – Viện trưởng Viện nghiên cứu Chiến lược Chính sách Công nghiệp (Bộ Công Thương):Để phát triển công nghiệp hỗ trợ ô tô Việt Nam rất cần tạo sự liên kết giữa doanh nghiệp FDI với doanh nghiệp nội địa.

Tôi cho rằng hiện nay, điều kiện ưu đãi của Chính phủ Việt Nam mới dừng ở tài chính, tín dụng, thuế khóa. Để phát triển công nghiệp hỗ trợ ô tô Việt Nam rất cần tạo sự liên kết giữa doanh nghiệp FDI với doanh nghiệp nội địa. Thế giới xếp loại các doanh nghiệp theo từng lớp, các doanh nghiệp Việt Nam chưa thể xếp vào lớp 1, có chăng là lớp 3, lớp 4 thôi. Có phải các doanh nghiệp FDI không muốn liên kết hay không hay vấn đề là sự tương đồng về công nghệ, trình độ, chất lượng, giá thành sản phẩm… Trong thời gian tới, các doanh nghiệp phải nâng cao năng lực, tiếp theo là sẽ tham vấn nhiều hơn. Cũng đề nghị các quý vị suy nghĩ về các đề xuất về cơ chế chính sách cùng chúng tôi.

Ông Trần Bá Dương, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Công ty CP ô tô Trường Hải:"Để phát triển công nghiệp chúng ta không chỉ chăm chăm bảo hộ thị trường, mà chúng ta phải khuyến khích phát triển trong nước"

Ông Trần Bá DươngÔng Trần Bá Dương

Chiến lược đưa ra hai vấn đề cần làm rõ, đó là lộ trình giảm thuế xe nhập khẩu nguyên chiếc và vấn đề xuất khẩu. Hai vấn đề này rất quan trọng vì là định hướng để nhà sản xuất yên tâm, đồng thời tìm kiếm khả năng xuất khẩu. Có một cái mới nữa của Chiến lược là đề hướng vào các nhà đầu tư trong các dự án lớn mà tại đó người ta khuyến khích nỗ lực phát triển công nghiệp hỗ trợ. Trong điều kiện thị trường đang lớn, chưa lớn, nên có ưu đãi phù hợp với thông lệ quốc tế và ưu đãi phù hợp với hội nhập.

Tôi biết rằng, để phát triển công nghiệp chúng ta không chỉ chăm chăm bảo hộ thị trường, mà chúng ta phải khuyến khích phát triển sản xuất trong nước, thông qua các hàng rào kỹ thuật phù hợp với hội nhập để kiểm soát, có như vậy thì doanh nghiệp trong nước và nước ngoài mới mạnh dạn vào Việt Nam, mới cảm thấy được ưu đãi. Đối với định hướng sản phẩm, quan trọng nhất hiện nay là thuế, nhất thiết phải có lộ trình giảm thuế tiêu thụ đặc biệt, cụ thể là sẽ định hướng vào các sản phẩm mà chiến lược đã đề ra. Và cái này cũng phải làm nhanh vì nếu làm không nhanh, thị trường sẽ không phát triển nhanh và kịp thời với sự đầu tư của các nhà đầu tư.

Về vấn đề xe bus từ 16- 24 chỗ hiện đang chịu thuế tiêu thụ đặc biệt là 15%, nhưng nó lại không phải là loại xe thương mại, xe kinh doanh, vậy thì không có cớ gì áp thuế cao thế để cản trợ sự tiêu thụ của nó. Vì vậy, cần phải ưu tiên giải quyết ngay. Hãy dùng công cụ của nó là thuế để điều chỉnh thuế tiêu thụ đặc biệt đối với các sản phẩm đang được Chiến lược khuyến khích.

Ông Jesus Metelo N. Arias Jr. , Chủ tịch Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA): "Phát triển thị trường trong nước để đáp ứng tiềm năng của chính nó và cung ứng cho nền kinh tế"
Chủ tịch VAMAChủ tịch VAMA
Chúng tôi đánh giá cao nỗ lực của Bộ Công Thương, của Chính phủ trong việc xây dựng chiến lược phát triển kinh tế đất nước, cụ thể là chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô tô. Đây là hướng đi đúng và VAMA đồng quan điểm.

Xây dựng ngành công nghiệp mang tính cạnh tranh cao để đạt được những mục tiêu có thể nói là tham vọng này, tôi cho rằng cần phải bắt đầu ngay từ bây giờ. Hỗ trợ sự phát triển của thị trường trong nước, tôi cũng đề nghị được giảm thiểu các phiền hà từ những thủ tục hành chính, nhằm tạo sân chơi bình đẳng trong ngành công nghiệp ô tô. Và cuối cùng, tôi xin thay mặt VAMA nhắc lại những yêu cầu về mặt chính sách, đó là: Phát triển thị trường trong nước để đáp ứng tiềm năng của chính nó và cung ứng cho nền kinh tế. Tiếp theo là thu hẹp chênh lệch chi phí sản xuất trong một thị trường có sản lượng nhỏ như Việt Nam.

Ông Bùi Ngọc Huyên, Tổng giám đốc Công ty cổ phần ô tô Xuân Kiên (Vinaxuki): Công nghiệp ô tô 95% quyết định là từ công nghiệp phụ trợ. 
Ông Bùi Ngọc HuyênÔng Bùi Ngọc Huyên


Tôi nghĩ là Quy hoạch lần này cụ thể và mới hơn so với quy hoạch cũ. Cái lo của người dân Việt Nam là gì, muốn mua ô tô giá rẻ. Vậy thì họ sẽ làm gì nếu giá ô tô cứ đắt như vậy? Chính sách cần phải đi vào lòng đa số nhân dân. Chính sách của chúng ta không đồng bộ, Bộ Công Thương muốn phát triển ô tô, Bộ Giao thông thì chưa hẳn vì điều kiện hạ tầng chưa chuẩn bị kịp. Tiếp đến là vấn đề với ngân hàng, vì ít vốn nên ngân hàng chỉ cho vay ít. Mà làm ô tô mà chỉ được vay vốn ngắn hạn từ 1- 3 năm thì sao làm được. Thuế cần phải cụ thể hơn, khuyến khích các nhà đầu tư hơn chứ nếu cứ chung chung như vậy thì sẽ vẫn là công nghiệp ô tô trên giấy mà thôi. Tiếp theo phải cải tiến chính sách. Công nghiệp ô tô 95% quyết định là từ công nghiệp phụ trợ. Mà muốn làm được công nghiệp phụ trợ thì phải có vốn, có công nghệ và kỹ năng con người. Nhà nước phải chú trọng giải quyết 3 vấn đề quan trọng này.

Tiếp theo, tác giả soạn thảo Chiến lược này đúng vào lúc tình hình ô tô đang đi xuống nên để mức tăng trưởng là 10- 15%, như vậy là quá thấp, sẽ ảnh hưởng đến sự đầu tư của các nhà đầu tư sẽ . 2025 ít nhất là tiêu thụ được 5- 600 nghìn xe, sau đấy tăng trưởng hơn nữa.


Những mục tiêu cụ thể trong Chiến lược và Quy hoạch

- Số lượng xe sản xuất trong nước:

+ Năm 2020, tổng sản lượng xe đạt ~ 227.500 chiếc, trong đó: xe đến 9 chỗ ~ 114.000 chiếc, từ 10 chỗ trở lên ~ 14.200 chiếc, xe tải ~ 97.960 chiếc, xe chuyên dụng ~ 1.340 chiếc.

+ Năm 2025, tổng sản lượng xe đạt ~ 466.400 chiếc, trong đó: xe đến 9 chỗ ~ 237.900 chiếc, từ 10 chỗ trở lên ~ 29.100 chiếc, xe tải - 197.000 chiếc, xe chuyên dụng ~ 2.400 chiếc.

+ Năm 2035, tổng sản lượng xe đạt ~ 1.531.400 chiếc, trong đó: xe đến 9 chỗ ~ 852.600 chiếc, từ 10 chỗ trở lên ~ 84.400 chiếc, xe tải - 587.900 chiếc, xe chuyên dụng - 6.500 chiếc.

- Tỷ lệ số xe sản xuất lắp ráp so với nhu cầu nội địa:

+ Năm 2020, xe sản xuất lắp ráp trong nước chiếm ~ 67%, trong đó: xe đến 9 chỗ đạt ~ 60%, từ 10 chỗ trở lên đạt ~ 90%, xe tải đạt - 78%, xe chuyên dụng đạt ~ 15%.

+ Năm 2025, xe sản xuất lắp ráp trong nước chiếm ~ 70%, trong đó: xe đến 9 chỗ đạt ~ 65%, từ 10 chỗ trở lên đạt ~ 92%, xe tải đạt ~ 78%, xe chuyên dụng đạt ~ 18%.

+ Năm 2035, xe sản xuất lắp ráp trong nước chiếm ~ 78%, trong đó: xe đến 9 chỗ đạt ~ 75%, từ 10 chỗ trở lên đạt ~ 94%, xe tải đạt ~ 82%, xe chuyên dụng đạt ~ 23%.

- Phát triển công nghiệp hỗ trợ:

+ Giai đoạn đến năm 2020, cơ bản hình thành ngành công nghiệp hỗ trợ cho sản xuất ô tô. Phấn đấu đáp ứng ~ 35% (tính theo giá trị) nhu cầu về linh kiện, phụ tùng cho sản xuất lắp ráp ô tô trong nước.

+ Giai đoạn 2021 - 2025 bắt đầu sản xuất được một số chi tiết quan trọng trong bộ phận truyền động, hộp số, động cơ (nhất là cho xe khách và xe tải nhẹ), từng bước tham gia hệ thống cung ứng sản phẩm hỗ trợ trong chuỗi giá trị toàn cầu của ngành công nghiệp ô tô thế giới.

+ Giai đoạn 2026 - 2035, tiếp tục phát triển công nghiệp hỗ trợ cho sản xuất ô tô, phấn đấu trở thành nhà cung cấp quan trọng nhiều loại linh kiện, phụ tùng cho ngành công nghiệp ô tô khu vực và thế giới. Đáp ứng trên 65% (tính theo giá trị) nhu cầu về linh kiện, phụ tùng cho sản xuất lắp ráp ô tô trong nước.

Cụ thể tỷ lệ giá trị sản xuất chế tạo trong nước đối với sản xuất ô tô: đến năm 2020, xe đến 9 chỗ đạt 30 - 40%, từ 10 chỗ trở lên đạt 35 - 45%, xe tải đạt 30 - 40%, xe chuyên dụng đạt 25 - 35%; đến năm 2025, xe đến 9 chỗ đạt 40 - 45%, từ 10 chỗ trở lên đạt 50 - 60%, xe tải đạt 45 - 55%, xe chuyên dụng đạt 40 - 45%; đến năm 2035, xe đến 9 chỗ đạt 55 - 60%, từ 10 chỗ trở lên đạt 75 - 80%, xe tải đạt 70 - 75%, xe chuyên dụng đạt 60 - 70%.

- Về xuất khẩu:

+ Năm 2020, tổng lượng xe xuất khẩu đạt ~ 20.000 chiếc, trong đó: xe đến 9 chỗ ~ 5.000 chiếc, từ 10 chỗ trở lên ~ 5.000 chiếc, xe tải ~ 10.000 chiếc. Giá trị xuất khẩu linh kiện và phụ tùng đạt ~4 tỷ USD.

+ Năm 2025, tổng lượng xe xuất khẩu đạt ~ 37.000 chiếc, trong đó: xe đến 9 chỗ ~ 15.000 chiếc, từ 10 chỗ trở lên ~ 7.000 chiếc, xe tải ~ 15.000 chiếc. Giá trị xuất khẩu linh kiện và phụ tùng đạt ~ 5 tỷ USD.

+ Năm 2035, tổng lượng xe xuất khẩu đạt ~ 90.000 chiếc, trong đó: xe đến 9 chỗ ~ 50.000 chiếc, từ 10 chỗ trở lên ~ 15.000 chiếc, xe tải ~ 25.000 chiếc. Giá trị xuất khẩu linh kiện và phụ tùng đạt ~ 10 tỷ USD.