Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng theo hướng bền vững

Chiều ngày 07 tháng 01 năm 2015, tại Hà Nội, Cục Quản lý cạnh tranh, Bộ Công Thương đã tổ chức Hội nghị tổng kết công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng giai đoạn 2011 - 2015. Thứ trưởng Bộ Công Thư

Báo cáo tại Hội nghị, ông Trịnh Anh Tuấn - Phó Cục trưởng Cục Quản lý cạnh tranh cho biết, trong giai đoạn 2011-2015 công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đã đạt được một số kết quả nổi bật như đã xây dựng được hệ thống văn bản pháp luật tương đối hoàn chỉnh; công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật được thực hiện ngày càng đa dạng và phong phú; đã hình thành hệ thống cơ quan quản lý Nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng từ Trung ương tới địa phương. Công tác kiểm soát hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung dần được triển khai hiệu quả trên thực tế, góp phần cân bằng quan hệ giữa người tiêu dùng và các tổ chức. Công tác thu hồi sản phẩm khuyết tật từng bước được triển khai giúp hạn chế những thiệt hại tới người tiêu dùng. Các tổ chức xã hội tham gia công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đã có nhiều nỗ lực, cố gắng triển khai hoạt động, dần khẳng định vai trò là cầu nối giữa người tiêu dùng với cơ quan quản lý Nhà nước và cộng đồng doanh nghiệp.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng vẫn còn những tồn tại. Cụ thể như hệ thống cơ quan quản lý Nhà nước chưa hoàn thiện khiến cho việc phối hợp và triển khai công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng gặp nhiều khó khăn. Công tác giải quyết tranh chấp giữa người tiêu dùng và tổ chức cá nhân kinh doanh chưa hiệu quả. Hoạt động của các tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng gặp nhiều khó khăn. Nguồn lực hỗ trợ cho hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tại cả Trung ương và địa phương còn nhiều hạn chế.

Từ những khó khăn còn tồn tại, ông Trịnh Anh Tuấn cho rằng, để tăng cường công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong giai đoạn tới, Bộ Công Thương cần hoàn thiện khung khổ pháp luật, hoàn thiện về tổ chức hệ thống cơ quan quản lý nhà Nước, nâng cao năng lực cho các cơ quan thực thi, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, tăng cường công tác thanh kiểm tra, hỗ trợ hoạt động cho các tổ chức xã hội. Đối với Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cần xây dựng văn bản hướng dẫn chỉ đạo về công tác bảo vệ quyền uyền lợi người tiêu dùng trên địa bàn; bố trí nhân lực và tài chính để đảm bảo công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Hoàn thiện hệ thống cơ quan quản lý Nhà nước. Đối với các Hội bảo vệ lợi người tiêu dùng, cần thống nhất mô hình, tên gọi, và xây dựng các cơ chế hoạt động cho các Hội bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trên toàn quốc phù hợp với quy định pháp luật hiện hành; chủ động xây dựng và đề xuất các hoạt động hợp tác; tăng cường công tác tư vấn, hướng dẫn người tiêu dùng, kết nối với hệ thống tư vấn, hướng dẫn của các cơ quan quản lý Nhà nước, v.v…

Phát biểu tham luận tại Hội nghị, ông Nguyễn Thanh Hải, Phó giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết, đối với hoạt động kiểm tra, kiểm soát thị trường, tính bình quân hàng năm, lực lượng quản lý thị trường Hà Nội đã kiểm tra trên 8.000 vụ vi phạm, xử lý trên 7.500 vụ, thu về số tiền xử phạt trên 100 tỷ đồng. Trong công tác giải quyết các khiếu nại, tố cáo, thời gian qua, Hà Nội đã tiếp nhận 9 vụ phản ánh của người tiêu dùng qua đường dây nóng và qua đơn thư khiếu nại. Tuy nhiên, ông Nguyễn Thanh Hải cũng nhấn mạnh, nhìn về tổng thể, các vụ việc khiếu nại còn ít so với số lượng vụ vi phạm mà cơ quan quản lý thị trường đã kiểm tra, xử lý và diễn biến thực tế trên thị trường. Đồng thời qua thực tế tư vấn, giải quyết khiếu nại cho thấy vẫn còn một số tổ chức, cá nhân kinh doanh chưa thực hiện tốt việc giải quyết khiếu nại cho người tiêu dùng theo quy định của pháp luật, còn né tránh, trì hoãn, kéo dài thời gian gây thiệt hại cho người tiêu dùng cả về kinh tế, công sức và thời gian. Chính vì vậy, ông Nguyễn Thanh Hải cho rằng, trong thời gian tới, càn tuyên truyền phổ biến rộng rãi hơn nữa về Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, cần tăng cường thông tin cho người tiêu dùng nhận biết về hàng giả, hàng kém chất lượng một cách thường xuyên hơn. Tăng cường giám sát các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực hiện pháp luật về đo lường, chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm. Đồng thời, cần kiện toàn và phát triển mạng lưới Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Báo cáo tại Hội nghị, ông Trần Vinh Nhung - Phó giám đốc Sở Công Thương thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ, công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng là nhiệm vụ hết sức phức tạp, rộng lớn có liên quan đến các lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội. Tuy nhiên do vấn đề định biên đối với số lượng cán bộ, công chức nên chỉ mới bố trí được một công chức tại Sở thực hiện công tác này. Ở cấp huyện, hầu như chưa bố trí được cán bộ, công chức thực hiện chức năng này. Ngoài ra, do hạn chế về nhân lực nên chưa thực hiện tốt công tác hậu kiểm đối với lĩnh vực đăng ký hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung.

Về vấn đề giải quyết khiếu nại người tiêu dùng, đây là vấn đề có tính chất quan trọng, quyết định trong công tác bảo vệ người tiêu dùng, nhưng hiện nay chủ yếu được giao cho Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và Ủy ban nhân dân cấp quận, huyện. Tuy nhiên, đây là vấn đề phức tạp, liên quan đến hầu hết các ngành, lĩnh vực nên ở các đơn vị này rất khó để thực hiện tốt nhiệm vụ. Chính vì vậy, ông Trần Vinh Nhung kiến nghị, Cục Quản lý cạnh tranh, Bộ Công Thương cần thành lập Trung tâm hòa giải trên cả nước theo hướng bố trí một số ít nhân lực cơ bản để thực hiện công việc chủ yếu, điều hành hàng ngày, nhân lực còn lại được sử dụng nguồn tại chỗ ở các địa phương theo hướng cộng tác, kiêm nhiệm để thực hiện tốt hơn công tác giải quyết khiếu nại cho người tiêu dùng.

Tại Hội nghị, ông Nguyễn Mạnh Hùng - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam nhấn mạnh, trong 5 năm qua Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đã tiếp nhận gần 8.000 vụ vi phạm, thành công trên 3.500 vụ, đạt tỷ lệ trên 80%. Các vụ khiếu nại, tố cáo chủ yếu thuộc các lĩnh vực như thực phẩm ăn uống, dịch vụ, v.v… Ông Nguyễn Mạnh Hùng cũng cho rằng, chưa bao giờ hệ thống pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng ở nước ta đầy đủ, mang tính pháp lý cao như hiện nay. Đây là giai đoạn mà công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng được xã hội quan tâm nhiều nhất. Có sự chuyển biến tích cực cả về nhận thức và hành động. Công tác thực thi đã đạt được những kết quả bước đầu, góp phần giảm thiệt hại cho người tiêu dùng. Các doanh nghiệp có ý thức hơn trong việc giải quyết khiếu nại, vị thế người tiêu dùng được nâng lên. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng vẫn còn những hạn chế nhất định. Cụ thể, pháp luật vẫn còn những điểm bất cập, chưa thực sự là công cụ bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng một cách hữu hiệu. Hiểu biết pháp luật còn hạn chế. Kết quả đấu tranh ngăn chặn những hành vi vi phạm quyền lợi người tiêu dùng còn hạn chế. Quyền lợi người tiêu dùng vẫn đang bị thách thức. Vai trò của tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đã được pháp luật thừa nhận nhưng sự quan tâm, tạo điều kiện hoạt động còn hạn chế.

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh nhấn mạnh, trong 5 năm qua, công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đã đạt được kết quả bước đầu đáng khích lệ trên một số khía cạnh: Xây dựng hệ thống pháp luật tương đối đồng bộ. Công tác tuyên truyền được thực hiện, số người tiêu dùng gọi điện khiếu nại tăng lên đáng kể. Dù chưa phải là con số lớn so với bức xúc của người tiêu dùng nhưng đã cho thấy công tác bảo vệngười tiêu dùng được nâng lên. Người tiêu dùng có ý thức hơn về quyền lợi của mình.

Tuy nhiên, bên cạnh đó, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh cũng chỉ ra những hạn chế, bất cập còn tồn tại trong công tác bảo vệ người tiêu dùng giai đoạn 2011-2015. Trong đó phải kể đến sự quan tâm của các cấp chính quyền đối với công tác này chưa được như kỳ vọng của các Hội cũng như người tiêu dùng. Hệ thống văn bản, các quy định giải quyết tranh chấp chưa hoàn thiện. Đặc biệt hoạt động của các Hội đang gặp vướng mắc, trở ngại nếu như không được giải quyết sớm thì sự nhiệt tình của các cá nhân hoat động trong các Hội bảo vệ quyền lợingười tiêu dùng sẽ bị nguội bởi nhiều Hội hiện nay đang hoạt động nhờ vào sự nhiệt tình của cá nhân.

Trên cơ sở tiếp thu các ý kiến tham luận tại Hội nghị, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh tán thành ý kiến của Phó giám đốc Sở Công Thương thành phố Hồ Chí Minh. Thứ trưởng cho rằng, để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cần định vị khái niệm người tiêu dùng trong bối cảnh hội nhập. Người tiêu dùng hiện nay không chỉ sử dụng hàng hóa của các nhà sản xuất trong nước mà còn sử dụng hàng hóa, dịch vụ của các nhà cung cấp nước ngoài, liên quan đến các nhà cung cấp nước ngoài. Chính vì vậy, Thứ trưởng nhấn mạnh, cần phải xem lại Luật Bảo vệ người tiêu dùng được thực hiện như thế nào trong bối cảnh hội nhập.

Thứ hai, Thứ trưởng lưu ý, các cơ quan liên quan cần làm rõ công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng không chỉ là công tác của riêng ngành Công Thương, Cục Quản lý cạnh tranh hay của các Hội bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng các tỉnh mà là việc của rất nhiều cơ quan, hay nói cách khác của toàn xã hội. Bên cạnh đó, cần phải giải thích chính xác về pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Thứ trưởng Trần Quốc Khánh cũng đề nghị Cục Quản lý cạnh tranh phố hợp với Sở Công Thương, Hội bảo vệ người tiêu dùng xác định hệ thống bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng thì chức năng nhiệm vụ chính là gì. Khi đã rõ chức năng nhiệm vụ thì sẽ rõ nguồn lực, tài chính.

Thứ trưởng cũng nhấn mạnh, trong thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ phối hợp với các Sở Công Thương, Hội bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng hội làm rõ vị trí địa lý của các Hội, làm rõ mô hình, nguồn lực, mối quan hệ của các tổ chức Hội để cho Hội bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng phát triển bền vững hơn nữa trong tương lai.