Cục Quản lý cạnh tranh khuyến cáo: Doanh nghiệp cần chủ động trong các vụ kiện

Cục Quản lý cạnh tranh - Bộ Công Thương luôn sẵn sàng hỗ trợ doanh nghiệp trong việc gửi các bản bình luận phản đối cuộc điều tra tới cơ quan điều tra nước ngoài, cập nhật và thông báo các thông tin t

Đa dạng hơn, phức tạp hơn

Tính phức tạp của các vụ việc phòng vệ thương mại (PVTM) trong thời gian gần đây thể hiện ở sự đa dạng của các loại hình vụ việc; đa dạng hóa các quốc gia tiến hành điều tra và sự đa dạng của sản phẩm bị điều tra. Bên cạnh các sản phẩm có kim ngạch xuất khẩu lớn bị điều tra trước đây như giày mũ da, cá tra - basa, tôm đông lạnh, thì gần đây các mặt hàng có kim ngạch nhỏ, công nghệ thấp… cũng là đối tượng của các vụ điều tra PVTM từ nước ngoài.

Trước tình hình đó, Cục Quản lý cạnh tranh, cơ quan phụ trách xử lý các vụ việc PVTM đã đại diện cho Bộ Công Thương phối hợp với các bộ, ngành liên quan cùng với Hiệp hội và các doanh nghiệp xuất khẩu tích cực trong việc ứng phó. Trong một số vụ việc (đặc biệt là các vụ việc điều tra chống trợ cấp), sự phối hợp chặt chẽ đã đem lại thuế suất thấp hơn cho doanh nghiệp, một số vụ việc được cơ quan điều tra nước ngoài hủy bỏ điều tra, một số vụ việc đã đi đến kết luận không áp thuế như vụ Hoa Kỳ kiện sản phẩm ống thép. Trong tất cả các vụ kiện, Cục Quản lý cạnh tranh luôn thông báo kịp thời các thông tin, quyết định của cơ quan điều tra nước ngoài, hỗ trợ doanh nghiệp trong quá trình trả lời bảng câu hỏi cũng như tham gia thẩm tra.

Đối với các vụ kiện chống trợ cấp, thay vì phải thuê luật sư tư vấn toàn bộ vụ việc, Cục Quản lý cạnh tranh đã bước đầu tìm hiểu và thực hiện các công tác như thu thập thông tin, hoàn thiện bản trả lời, gửi bản trả lời, làm đầu mối tổ chức các cuộc họp trù bị và họp thẩm tra. Đối với các vụ việc điều tra chống bán phá giá, mặc dù Chính phủ không phải là một bị đơn của vụ việc, nhưng Cục luôn có những hỗ trợ cần thiết cho doanh nghiệp.

Hiện Cục đã xây dựng Đề án tổng thể về giải quyết tranh chấp trong thương mại quốc tế đến năm 2020 trong đó làm rõ vai trò, cơ chế phối hợp giữa các cơ quan chính phủ, doanh nghiệp và hiệp hội.

Các chiến lược ứng phó

Các vụ việc PVTM đối với hàng xuất khẩu nước ta sẽ ngày càng gia tăng với tính chất và mức độ gay gắt hơn, khó khăn hơn là điều không thể tránh khỏi. Chính vì vậy, Cục Quản lý cạnh tranh thường khuyến cáo các doanh nghiệp Việt Nam nâng cao nhận thức để tham gia chủ động và tích cực hơn trong quá trình kháng kiện.

Chủ động trong quá trình kháng kiện

Kinh nghiệm các vụ việc PVTM cho thấy những doanh nghiệp nào tích cực tham gia vào công tác kháng kiện một cách nghiêm túc, hợp tác đầy đủ với cơ quan điều tra thì luôn đạt được kết quả khả quan; giữ được bạn hàng và thậm chí mở rộng thị trường xuất khẩu nhờ những lợi thế cạnh tranh mà doanh nghiệp mình có được thông qua việc tham gia xử lý các vụ việc điều tra chống bán phá giá. Chúng ta có thể thấy rõ điều này qua vụ việc chống bán phá giá cá tra - basa, tôm của Việt Nam tại thị trường Hoa Kỳ.

Đoàn kết và thống nhất

Sự đoàn kết và thống nhất tạo ra một chiến lược kháng kiện chung trong một vụ việc là rất quan trọng và có tính chất quyết định đến kết quả của vụ việc, điều này đòi hỏi các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam dưới sự chủ trì của các Hiệp hội ngành hàng cần liên kết chặt chẽ và thống nhất với nhau trong việc xây dựng và triển khai chiến lược ứng phó với các vụ điều tra PVTM của nước ngoài, như đóng góp tài chính, hỗ trợ nguồn nhân lực, chia sẻ thông tin, phối hợp với liên minh có cùng lợi ích với Việt Nam tại nước sở tại… Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng nên thông báo và liên hệ kịp thời với Chính phủ để hỗ trợ doanh nghiệp trong việc triển khai công tác vận động hành lang, quan hệ công chúng để có thể bảo vệ tốt hơn quyền và lợi ích hợp pháp của cả ngành hàng xuất khẩu Việt Nam.

Cạnh tranh bằng chất lượng thay cạnh tranh bằng giá

Nhằm giảm thiểu tối đa nguy cơ bị khởi kiện điều tra, doanh nghiệp cần đa dạng hóa thị trường, đa dạng hóa sản phẩm, tránh tăng trưởng xuất khẩu quá nóng vào một thị trường, chuyển dần từ chiến lược cạnh tranh bằng giá sang cạnh tranh bằng chất lượng và thương hiệu.

Năm 2010, Cục Quản lý cạnh tranh đã xây dựng và vận hành hệ thống cảnh báo sớm các vụ kiện chống bán phá giá đối với 12 ngành xuất khẩu chủ lực của Việt Nam (thủy sản, giày dép, dệt may và phụ kiện, giấy, chất dẻo, cao su, linh kiện điện tử, máy móc, thiết bị điện, thép và đồ nội thất) tại 8 thị trường Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Canada, Úc và Brazil. Hệ thống cảnh báo sớm hiện đang vận hành trên trang web: canhbaosom.vn.

Thu Hoài - Nguyễn Văn

Năm 2010, Cục Quản lý cạnh tranh đã xây dựng và vận hành hệ thống cảnh báo sớm các vụ kiện chống bán phá giá đối với 12 ngành xuất khẩu chủ lực của Việt Nam (thủy sản, giày dép, dệt may và phụ kiện, giấy, chất dẻo, cao su, linh kiện điện tử, máy móc, thiết bị điện, thép và đồ nội thất) tại 8 thị trường Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Canada, Úc và Brazil. Hệ thống cảnh báo sớm hiện đang vận hành trên trang web: canhbaosom.vn.