Cùng Nhật Bản giải bài toán đầu ra cho nông sản

Hè năm 2014 là một mùa trái cây buồn ở các tỉnh miền Đông và Tây Nam bộ khi mà xoài, chôm chôm, sầu riêng, măng cụt... rớt giá thảm hại ngay khi vào mùa. Tỉnh Bắc Giang, vải thiều Lục Ngạn cũng vậy. T

Duyên nợ hai xứ sở

Nhật Bản và Việt Nam tìm đến nhau nhờ mối quan hệ tốt đẹp lâu bền giữa một nước nhiệt đới có ưu thế về các loại hoa quả, đa dạng, phong phú và một nước có nhu cầu cao về hoa quả cũng như thế mạnh về khoa học công nghệ, rất mạnh trong việc biết xây dựng cơ chế lưu thông của chuỗi giá trị nông sản - thực phẩm thông qua chế biến, tiêu thụ... Và hành động cụ thể của hai bên chính là triển khai hàng loạt các hoạt động hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp, trọng tâm là nâng cao năng suất, giá trị gia tăng, chế biến, bảo quản, tiêu thụ và phát triển sản phẩm nông sản cho nông sản Việt Nam trên cơ sở đầu tư mạnh mẽ, có sự kết hợp đầu tư “công - tư” của Nhật Bản vào Việt Nam. Đây cũng là nội dung chính được thông qua tại chương trình Đối thoại cấp cao Phê duyệt Đề cương Xây dựng tầm nhìn trung và dài hạn trong hợp tác nông nghiệp Việt Nam - Nhật Bản diễn ra vừa qua tại Hà Nội.

Ông Hayashi Yoshimasa, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp, Lâm nghiệp và Thủy sản Nhật Bản cùng các thành viên đoàn Nhật Bản nhất trí đánh giá Việt Nam có tiềm năng và điều kiện thiên nhiên ưu đãi để phát triển nông nghiệp. Mặc dù vậy, giá trị ngành nông nghiệp đóng góp trong GDP hiện còn thấp, chưa phát huy hết tiềm năng sẵn có, đặc biệt là năng suất và chất lượng nông sản, chưa xây dựng được cơ chế lưu thông của chuỗi giá trị nông sản - thực phẩm thông qua chế biến, tiêu thụ... Trên cơ sở đánh giá những hạn chế và mục tiêu hướng tới phát triển nền nông nghiệp Việt Nam theo hướng hiện đại, nâng cao giá trị gia tăng cũng như bảo vệ môi trường, tại cuộc đối thoại cấp cao giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam và Bộ Nông nghiệp, Lâm nghiệp và Thủy sản Nhật Bản, hai bên đã cùng nhau đưa ra khung hợp tác với hàng loạt các chương trình cụ thể, đặc biệt chú trọng vào lĩnh vực nâng cao chuỗi giá trị nông sản thực phẩm, cải thiện các vấn đề liên kết liên ngành trong nông nghiệp, đào tạo nhân lực...

Cụ thể đối với việc cải thiện chuỗi giá trị nông sản thực phẩm, phía Nhật Bản sẽ tập trung hỗ trợ và đầu tư vào Việt Nam ở 4 mảng chính với mục tiêu công nghiệp hóa nông nghiệp, bao gồm: Nâng cao năng suất, giá trị gia tăng cho nông sản; chế biến thực phẩm - phát triển sản phẩm; cải thiện phân phối và dây chuyền bảo quản lạnh; tiêu thụ sản phẩm - phát triển thị trường.

Đối với mảng nâng cao năng suất và giá trị gia tăng cho nông sản, trước mắt, phía Nhật Bản sẽ chú trọng đầu tư xây dựng hệ thống thủy lợi, quản lí tưới có sự tham gia của cộng đồng, sử dụng thích hợp thuốc trừ sâu, phân bón, tăng cường tổ chức nông dân trong sản xuất

Hào hứng thí điểm

Trước mắt, Nghệ An sẽ là địa phương đăng cai thực hiện thí điểm các dự án đầu tư về lĩnh vực này từ phía Nhật Bản, tập trung vào việc cải thiện hệ thống thủy lợi Bắc Nghệ An, các dự án quản lí nguồn nước theo hình thức nông dân cùng tham gia, trồng rau an toàn, tăng cường đào tạo và tổ chức nông dân trong sản xuất...

Về chế biến thực phẩm và phát triển sản phẩm nông sản, phía Nhật sẽ tăng cường thúc đẩy bằng việc gắn kết hợp tác giữa nông dân và ngành công thương và cả ngành du lịch...

Lâm Đồng, tỉnh có đặc thù phát triển mạnh về nông sản chất lượng cao và hiện đang có nhiều DN Nhật Bản đang đầu tư nông nghiệp sẽ là địa phương được lựa chọn triển khai thí điểm. Các chương trình, dự án đầu tư của phía Nhật sẽ tập trung vào việc xây dựng các hình thức chuỗi liên kết giữa các ngành liên quan, tập trung vào nông nghiệp - thực phẩm - du lịch, liên kết với ý tưởng thành lập Khu kinh tế đặc biệt tại TP. Đà Lạt...

Về mảng cải thiện phân phối, bảo quản lạnh, tiêu thụ và phát triển thị trường, ngoại thành các thành phố lớn như Hà Nội và TP. HCM được lựa chọn để triển khai các dự án thí điểm. Ban đầu sẽ tập trung cho việc khảo sát điều tra, nắm bắt tình hình phân phối thực phẩm, sau đó cân nhắc các giải pháp hỗ trợ của Nhật Bản thông qua liên kết đầu tư của khối tư nhân phối hợp với các chương trình khác của Bộ NN-PTNT...

Phía Nhật Bản cũng cân nhắc tới các vấn đề có tính liên ngành sẽ ảnh hưởng tới quá trình phát triển nông nghiệp Việt Nam mà hai yếu tố chính là ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và nguồn nhân lực. Vì vậy, các chương trình dự án đầu tư của Nhật Bản vào Việt Nam cũng sẽ chú trọng vào việc giảm phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính, phát triển nông nghiệp tiết kiệm nước, giải pháp đối phó với tình trạng xâm nhập mặn.

Các tỉnh ĐBSCL là những địa phương sẽ được tập trung đầu tư các dự án nhằm giảm thiểu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu. Phía Nhật Bản sẽ tăng cường các chương trình hỗ trợ nâng cao nguồn nhân lực phục vụ cho phát triển nông nghiệp của Việt Nam. Trường Đại học Cần Thơ dự kiến sẽ được lựa chọn để tăng cường hợp tác đào tạo đối với 3 ngành nông nghiệp, thủy sản và quản lí môi trường...

Bộ trưởng Hayashi Yoshimasa khẳng định, thông qua cơ chế đối thoại hợp tác nông nghiệp, Nhật Bản sẽ góp phần xây dựng thành công các chuỗi giá trị nông sản, thực phẩm, nâng cao hiệu quả kinh tế cho cả hai bên. Thực tế đáng mừng là Việt Nam đang thu hút ngày càng nhiều các DN Nhật Bản đến đầu tư, nhất là trong lĩnh vực nông sản.