Cuộc “tay bo” trên thị trường bán lẻ

Ngày 7/8/2014, Tập đoàn BJC của Thái Lan thông qua thương vụ mua lại hệ thống phân phối của Metro tại Việt Nam gồm 19 trung tâm bán buôn và 4.000 nhân viên với giá 876 triệu USD.

Cơn địa chấn BJC

Tin này được ví như một cơn địa chấn trong giới bán lẻ nước ta. Địa chấn không phải vì doanh số ngót tỷ đô của thương vụ, cũng không phải số lượng trung tâm Metro trải dài khắp nước, hay số nhân viên khủng của toàn hệ thống Metro tại Việt Nam.

Từ khi mở cửa thị trường bán lẻ vào năm 2007 theo cam kết khi gia nhập WTO, có rất nhiều phỏng đoán, suy luận về việc các doanh nghiệp bán lẻ nước ngoài sẽ “xâm thực” thị trường trong nước theo hai cách. Thứ nhất, họ sẽ liên doanh với doanh nghiệp bán lẻ nội địa, rồi “nuốt chửng” anh bạn đồng hành sau dăm bảy năm. Thứ hai, bằng sức mạnh tài chính và công nghệ, họ tạo ra một cuộc đua maraton, doanh nghiệp trong nước sẽ hụt hơi giữa đường, bỏ trống thị trường cho họ.

Hai kịch bản trên đã không xảy ra. 7 năm trôi qua, cùng với sự xuất hiện của các chuỗi phân phối có vốn ngoại như Metro, Big C, Daiso, Lotte, Lock & Lock, Aeon... các nhà bán lẻ trong nước như Intimex, Hapro, Fivimart, Saigon Co-opmart, Thiên Hòa, Chợ Lớn, Nguyễn Kim... cũng lớn mạnh không ngừng. Đến nay, cả nước đã có trên 700 siêu thị và gần 150 trung tâm thương mại, tạo ra trên thị trường nước ta một kênh bán lẻ hiện đại, hùng hậu với trên 20% thị phần, so với chưa đầy 10% vào năm 2007, khi mới gia nhập WTO.

Có thể nói, từ năm 2007, hệ thống bán lẻ vốn ngoại và nội cạnh tranh khá quyết liệt, song ở mức độ “chung sống hòa bình” không ai thôn tính ai. Chuyện mua lại phần vốn, hay cả hệ thống phân phối của nhau cũng đã xảy ra, nhưng chỉ ở dòng vốn ngoại. Vậy thì tại sao cũng là dòng vốn ngoại, thương vụ JBC mua lại Metro, lại gây lên cơn địa chấn?

Cuộc đổ bộ đường không?

Các chuyên gia bán lẻ lý giải rằng, đó là do thương vụ này tương tự như cuộc đổ bộ hàng không. Nghĩa là không chỉ thay dòng vốn ngoại mà có thể hàng Việt Nam được phân phối qua hệ thống Metro sẽ nhanh chóng bị BJC thay thế bằng hàng hóa từ Thái Lan.

Từ trước đến nay, các tên tuổi lớn như Metro của Đức, Big C của Pháp hay Lotte của Hàn Quốc, Aeon của Nhật Bản... vào thị Việt Nam không gây sự lo ngại, bởi khoảng cách địa lý với nước ta khá xa, nên việc hợp tác với các nhà cung cấp trong nước để đưa hàng vào siêu thị có lợi thế cạnh tranh hơn là đưa hàng nhập khẩu từ nước họ. Thường chỉ những mặt hàng tiêu dùng ở phân khúc cao cấp, Việt Nam chưa có mới nhập khẩu. Không có gì lạ khi hệ thống phân phối của Metro, Big C... có tới 90% là hàng Việt.

Vì thế, từ 2007 đến nay, hàng loạt doanh nghiệp nước ngoài đã và đang ồ ạt vào thị trường bán lẻ Việt Nam, và mới đây nhất, Tập đoàn bán lẻ số 1 Hàn Quốc - Lotte - đặt mục tiêu 60 siêu thị tại Việt Nam vào năm 2020; Aeon - ông lớn trong ngành bán lẻ Nhật Bản thông báo sẽ mở trung tâm thương mại thứ 2 vào tháng 10 này, đến năm 2020 sẽ mở 20 trung tâm thương mại tại Việt Nam; hay Auchan (Pháp) - tập đoàn bán lẻ quốc tế sở hữu bởi gia đình Mulliez - kinh doanh chủ yếu trên lĩnh vực siêu thị và đại siêu thị, dự kiến đầu tư 500 triệu USD vào Việt Nam trong 10 năm tới... cũng không gây nên sự xáo trộn nào trên thị trường bán lẻ nước ta.

Tuy nhiên, với BJC có thể câu chuyện sẽ khác. Khoảng cách địa lý với nước ta khá gần, lại được kết nối với những kho hàng lớn của Thái Lan hiện đang có mặt tại 2 nước láng giềng Việt Nam là Cam pu chia và Lào. Đáng quan tâm nhất, các mặt hàng gia dụng, nông sản, trái cây của Thái Lan trước kia chủ yếu do các chủ hàng Việt Nam “đánh” về, thì nay nghiễm nhiên tuôn chảy về 19 trung tâm thuộc hệ thống Metro. Đó là những lý do chủ yếu gây nên sự quan ngại trên thị trường bán lẻ.

Mặc dù cho đến lúc này, các lãnh đạo của Tập đoàn BJC đều khẳng định một cách chung chung rằng chiến lược dẫn đầu chuỗi cung ứng trong khu vực của họ vẫn nhằm vào 2 tiêu chí chất lượng hàng hóa và nhu cầu của người tiêu dùng. Ngụ ý của 2 tiêu chí này là không phân biệt xuất xứ hàng hóa, miễn là có chất lượng và phù hợp với nhu cầu của người tiêu dùng. Song đây cũng chỉ là sự trấn an của người muốn vào thị trường mới lạ một cách êm thấm. Và các nhà bán lẻ trong nước vẫn phấp phỏng rằng, sẽ có một cuộc đổ bộ đường không của hàng Thái sau khi BJC đã vững chân ở thị trường nước ta.

Bảo vệ chủ động

Năm 2007, khi ta mở cửa thị trường bán lẻ, nhiều nhà bán lẻ trong nước kêu gọi bảo vệ ngành bán lẻ nội địa. Lời kêu gọi ấy tạm lắng khi các nhà bán lẻ nội, ngoại “chung sống hòa bình” trong thế cạnh tranh suốt 7 năm qua, nay lại dấy lên với thương vụ BJC mua Metro. Một câu hỏi được đặt ra là vì sao phải bảo vệ cho ngành bán lẻ nội địa trong khi các chuỗi bán lẻ của nước ngoài hiệu quả hơn?

Cho đến nay, ngay đến người dân bình thường cũng biết hiệu ứng tích cực của các nhà bán lẻ nước ngoài khi họ đặt chân lên thị trường Việt Nam. Trước hết sự có mặt của những nhà phân phối hàng đầu thế giới như Metro, Big C hay Aeone... làm tăng tính hấp dẫn của thị trường Việt Nam. Tiếp đến, họ là chất kích thích giúp kênh bán lẻ hiện đại trong nước đổi mới quyết liệt trong tổ chức lại hệ thống phân phối theo chuỗi, trong không gian giao dịch, ứng dụng công nghệ thông tin, phát triển các dịch vụ phụ trợ... Cuối cùng, cùng với các nhà đầu tư FDI khác, họ tạo nên hình ảnh một nước Việt Nam thực hiện có hiệu quả những cam kết hội nhập kinh tế quốc tế, sẵn sàng tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Dù có những hiệu ứng tích cực như vậy, nhưng chúng ta (và mọi quốc gia khác) vẫn phải có chính sách bảo vệ nhà bán lẻ nội địa. Bởi lẽ bán lẻ đóng vai trò sống còn đối với sản xuất trong nước. Nhà sản xuất muốn đưa hàng đến tay người tiêu dùng phải thông qua các hệ thống bán lẻ - nếu hệ thống này nằm hoàn toàn trong tay nhà đầu tư nước ngoài, chắc chắn nhà sản xuất trong nước sẽ bị ảnh hưởng. Nhưng nếu bảo vệ thái quá, các nhà bán lẻ ngoại gặp trở ngại, sẽ không còn động lực cho nhà bán lẻ nội địa đổi mới, do đó bài toán ở đây là cân bằng.

Vậy chúng ta có công cụ gì để bảo vệ? Các cam kết WTO và FTAs của ta về mở cửa dịch vụ phân phối tương đối mở, nhưng có một chốt chặn rất hiệu quả là ENT (kiểm tra nhu cầu kinh tế). Nghĩa là nhà bán lẻ nước ngoài chỉ được tự do mở 1 điểm bán lẻ, từ điểm thứ 2 trở đi, Việt Nam có quyền cho phép hoặc từ chối dựa trên ENT. Song như trên đã nói, bài toán cân bằng khiến chúng ta không thể sử dụng ENT tùy tiện.

Chúng ta có nhiều cách bảo vệ nhà bán lẻ nội địa theo cách chủ động hơn, như việc Bộ Công Thương xây dựng Đề án Phát triển thị trường trong nước gắn với cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt thành Quyết định 634/QĐ-TTg ngày 29/4/2014, với 3 nhóm nhiệm vụ: Thông tin truyền thông; phát triển hệ thống phân phối; nâng cao năng lực cạnh tranh cho hàng hóa và doanh nghiệp trong nước; với mục tiêu đến 2020 tăng thị phần hàng Việt có thế mạnh tại các kênh phân phối lên trên 80%.

Như vậy chính sách bảo vệ nhà bán lẻ trong nước đã cơ bản đầy đủ, cả về thụ động (ENT) và chủ động (Quyết định 634). Và dường như thương vụ mua lại Metro của BJC đã đẩy cuộc cạnh tranh lên một tầm mức mới, có thể ví như một cuộc “tay bo” giữa hệ thống bán lẻ trong và ngoài nước, nhằm quyết định xem ai là người tác động chủ yếu đến sản xuất trong nước, ai là người phát luồng hàng chủ yếu, và ai là người có tiếng nói cuối cùng đến định hướng tiêu dùng trên thị trường Việt Nam.

Các siêu thị nước ngoài hoạt động tại Việt Nam như Metro, BigC là những tên tuổi lớn, tương đối quen thuộc với người tiêu dùng, họ sử dụng phần lớn hàng hoá Việt Nam, hoặc xuất xứ ở Việt Nam.

Đối với trường hợp doanh nghiệp của Thái nhận chuyển nhượng của Metro, tôi nghĩ rằng, nếu hàng Việt Nam chất lượng tốt, mẫu mã thu hút được người tiêu dùng, giá cả phải chăng, chắc chắn họ sẽ dùng hàng Việt Nam tiêu thụ trong hệ thống của họ.

(Trích phát biểu của Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng trong Chương trình “Dân hỏi-Bộ trưởng trả lời” phát sóng trên VTV tối 5/10).

Cẩn trọng lựa chọn đối tác

Chúng tôi lựa chọn hợp tác với nhà bán lẻ ngoại trong lĩnh vực kinh doanh đại siêu thị bởi vì đại siêu thị là mô hình kinh doanh quy mô rất lớn, cần có nguồn vốn dồi dào, đối tác giàu kinh nghiệm, nắm vững công nghệ bán lẻ hiện đại. Thứ hai, chúng tôi đã chọn đối tác là Tập đoàn NTUC FairPrice (Singapore), một hợp tác xã kinh doanh bán lẻ số 1 của Singapore. Do cùng là hợp tác xã, FairPrice và Co.opMart sẽ dễ dàng tìm được tiếng nói chung hơn.

Cuối cùng, nhưng không kém phần quan trọng, chúng tôi đã cân nhắc rất kỹ về tỷ lệ vốn góp. Saigon Co.op nắm giữ 64% vốn, dùđối tác sẵn sàng góp nhiều hơn, nhưng chúng tôi khống chế tỷ lệở mức đó và ràng buộc ngay từđầu trong hợp đồng liên doanh là chúng tôi luôn luôn phải nắm cổ phần chi phối trong mọi trường hợp. Đó là hướng đi của chúng tôi, có thể chưa phải tối ưu đối với các doanh nghiệp khác. Nhưng nếu không muốn bị thôn tính, tôi vẫn muốn nhấn mạnh một lần nữa yêu cầu cực kỳ quan trọng là lựa chọn đối tác. Đi với một người khổng lồ cũng có cái hay, nhưng có cái cần phải cẩn trọng, lường trước các tình huống xảy ra với mình.

(TS. Nguyễn Ngọc Hòa - Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Chủ tịch HĐQT Saigon Co.op)

Không ngại đối đầu doanh nghiệp ngoại

Nhiều năm qua, dù các nhà đầu tư nước ngoài đã và đang tiếp tục đầu tư vào Việt Nam nhưng doanh nghiệp (DN) bán lẻ trong nước vẫn hoạt động và phát triển tốt. Họ vừa đẩy nhanh quy mô siêu thị vừa liên kết với nước ngoài để mở trung tâm thương mại. Riêng Citimart, chúng tôi không ngại đối đầu với các DN nước ngoài vì có một lượng khách hàng nhất định. Tôi không sợ bị các DN nước ngoài cạnh tranh vì sự xuất hiện của họ chính là cơ hội để mình phát triển hơn, hoàn thiện hơn. Phải “đối đầu” với họ, mới có thể biết rõ hướng đi của họ như thế nào và họ cần cái gì.

Vào giữa năm 2010, chúng tôi mạnh dạn mua lại siêu thị mini Family Mart của Malaysia. Tôi chưa bao giờ nghĩ chỉ có nhà đầu tư nước ngoài mới thâu tóm DN trong nước mà các thương hiệu trong nước cũng có thể làm điều ngược lại. Người Việt Nam nên ủng hộ mua hàng ở những siêu thị của Việt Nam. Thứ hai, các DN phải liên kết để có tiếng nói chung chứ không nên “mạnh ai nấy làm”, cùng xây dựng chiến lược chung về kế hoạch bán hàng. Phải có kế hoạch phát triển lâu dài, bền vững mới có thể đương đầu với các đối thủ nước ngoài.

(Bà nguyễn Thị Ánh Hoa, Tổng giám đốc hệ thống siêu thị Citimart)

Trung Văn