Đã đến lúc người tiêu dùng Việt phải được sử dụng sản phẩm nông sản đảm bảo chất lượng

“Bộ Công Thương luôn ủng hộ, chia sẻ, sẵn sàng kết nối giữa các cơ quan quản lý, Bộ, ngành liên quan nhằm hỗ trợ địa phương, DN, người dân trong quy hoạch canh tác, sản xuất, tiêu thụ nông sản, hướng

Hội nghị do Sở Công Thương Hà Nội phối hợp với Sở Công Thương tỉnh Hải Dương tổ chức. Tham dự Hội nghị còn có lãnh đạo Vụ Thị trường trong nước, lãnh đạo Sở Công Thương Hà Nội, Sở Công Thương Hải Dương và các doanh nghiệp tiêu thụ, kinh doanh sản phẩm nông nghiệp.

Hội nghị Xúc tiến thương mại, kết nối giao thương tiêu thụ trái cây và các mặt hàng nông sản giữa TP. Hà Nội và tỉnh Hải Dương

Kết nối chặt chẽ hơn nữa giữa chính quyền, doanh nghiệp và người dân

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh khẳng định ý nghĩa của Hội nghị, đồng thời cho rằng, đây chính là mô hình quan trọng để tạo nên sự gắn kết tiêu thụ nông sản trong thị trường nội địa và phát triển bền vững trong kinh tế nông nghiệp.

Thứ trưởng Trần Tuấn Anh nhấn mạnh, chúng ta đang đứng trước những yêu cầu và nhiệm vụ đặt ra trong phát triển thị trường các mặt hàng, trong đó có nông sản, rau quả trái cây. Đây là vấn đề thu hút được sự quan tâm thường xuyên của không chỉ lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Bộ, ngành mà còn của người dân và của dư luận xã hội. Đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam đang hội nhập kinh tế sâu rộng, với nhiều cơ hội để phát triển thông qua hội nhập, tiếp cận thị trường thế giới. Hội nhập đồng nghĩa sẽ có thêm nhiều con đường rộng lớn để Việt Nam tiêu thụ nông sản, tiêu thụ rau quả trái cây, nhưng đồng thời Việt Nam cũng đang chứng kiến những áp lực lớn trong cạnh tranh ngay cả ở thị trường nội địa đối với những sản phẩm vốn là thế mạnh, trong đó có trái vải nói riêng và rau quả trái cây nói chung. Chính vì vậy, những bấp cập còn tồn tại trong sản xuất, tiêu thụ, xuất khẩu nông sản đòi hỏi phải sự phối hợp giải quyết giữa cơ quan quản lý, doanh nghiệp (DN), người dân quyết liệt hơn nữa. Các vấn đề liên quan đến tiêu thụ sản phẩm nông sản có tính mùa vụ để làm sao đảm bảo được lợi ích của người nông dân, lợi ích của DN và đồng thời đáp ứng được yêu cầu của thị trường, của người tiêu dùng cũng đang là vấn đề lớn đặt ra cho cả chính quyền, cơ quan quản lý cũng như người nông dân và DN.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh phát biểu chỉ đạo Hội nghị

Thứ trưởng Trần Tuấn Anh tin tưởng rằng, với nội dung khuôn khổ Hội nghị lần này, cơ quan quản lý, chính quyền địa phương, DN và nông dân sẽ có điều kiện kết nối chặt chẽ hơn nữa để đạt được những mục tiêu, kế hoạch, cũng như tìm ra những giải pháp cụ thể trong thời gian tới.

Báo cáo về tình hình tiêu thụ nông sản, ông Vũ Doãn Quang, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Hải Dương cho biết, Hải Dương là một tỉnh vùng đồng bằng Sông Hồng, nằm ở vị trí trung tâm giao thông, giao thương của các tỉnh phía Bắc Việt Nam, cách Thủ đô Hà Nội 60 km về phía Đông, cách thành phố cảng Hải Phòng 45 km về phía Tây. Hải Dương có 12 đơn vị hành chính trực thuộc, gồm 1 thành phố, 1 thị xã và 10 huyện, trung tâm hành chính của tỉnh là TP. Hải Dương.

Ông Vũ Doãn Quang cho biết, tỉnh Hải Dương có nhiều sản phẩm nông sản phong phú như vải, lúa gạo, hành, tỏi, rau củ, đáp ứng được nhu cầu của thị trường trong nước và một phần xuất khẩu. Nhận định Hà Nội là một thị trường còn nhiều dư địa để phát triển và để việc cung ứng hàng hoá nông sản của Hải Dương cho Hà Nội ngày càng phát triển trong thời gian tới, tỉnh Hải Dương đề xuất UBND TP. Hà Nội tiếp tục chỉ đạo các cơ quan chức năng, hỗ trợ tuyên truyền, quảng bá các sản phẩm nông sản của Hải Dương đến đông đảo tầng lớp người tiêu dùng, nhất là đến với các DN tại Hà Nội để nắm bắt thêm những thông tin về sản phẩm, vùng trồng chủ lực, lượng hàng hoá có thể cung ứng ra thị trường; Thường xuyên quan tâm, hỗ trợ, tạo môi trường thuận lợi để các thương nhân tại hai địa phương có cơ hội giao thương, tìm hiểu, nắm bắt những lĩnh vực hoạt động chính của từng đơn vị. Qua đó, tăng cường liên kết kinh tế, ký kết và thực hiện những hợp đồng tiêu thụ nông sản đạt hiệu quả. Lãnh đạo Sở Công Thương Hải Dương cũng đề nghị UBND TP. Hà Nội chỉ đạo các cơ quan chức năng quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi cho các thương nhân, DN của Hải Dương trong việc vận chuyển, tập kết, tiêu thụ nông sản nhằm hạn chế đến mức thấp nhất những tổn thất sau thu hoạch của nhóm hàng nông sản, qua đó nâng cao hiệu quả kinh tế cho DN cũng như góp phần cải thiện, nâng cao đời sống nhân dân; Quan tâm giới thiệu, tuyên truyền, hướng dẫn các DN, các nhà đầu tư có tiềm lực về vốn đầu tư, về công nghệ, các DN phân phối lớn, các siêu thị, trung tâm thương mại trên địa bàn Thủ đô Hà Nội nghiên cứu, tổ chức các quầy trưng bày hàng nông sản tổng hợp, được sản xuất ở Hải Dương, đảm bảo tiêu chuẩn về an toàn vệ sinh nhằm cung cấp sản phẩm nông sản đa dạng của Hải Dương, thuận tiện tới tay người tiêu dùng Hà Nội.

DN chủ động tiêu thụ sản phẩm

Theo ông Lê Hồng Thăng, Giám đốc Sở Công Thương TP. Hà Nội, để công tác xúc tiến thương mại, tiêu thụ trái cây, nông sản có thế mạnh và đặc biệt là vải thiều Thanh Hà của tỉnh Hải Dương trong thời gian tới đạt hiệu quả, Sở Công Thương Hà Nội đã chủ động nắm bắt thông tin về tình hình thị trường, khả năng cung ứng các loại trái cây, nông sản, các DN kinh doanh… của tỉnh Hải Dương và nhu cầu của người tiêu dùng Thủ đô về mẫu mã, thị hiếu đối với các loại nông sản nhằm kết nối cung cầu sản phẩm hàng hóa. Sở cũng thông báo danh sách các DN, trung tâm thương mại, siêu thị, chợ đầu mối… của Hà Nội để các DN của tỉnh Hải Dương có thể kết nối, tiêu thụ sản phẩm. Đối với việc tiêu thụ trái vải thiều Thanh Hà mùa vụ 2015, Sở Công Thương Hà Nội sẽ trực tiếp chỉ đạo Ban quản lý các chợ đầu mối, trung tâm thương mại… tích cực hỗ trợ bán vải thiều trong mùa vụ chín rộ; tạo điều kiện sắp xếp các vị trí đất trống trong chợ phù hợp để DN, thương lái kinh doanh vải thiều của tỉnh Hải Dương có thể đưa xe về bán trực tiếp tại các điểm đã được thông báo. Lực lượng Chi cục quản lý thị trường Hà Nội cũng sẽ hỗ trợ DN, thương lái tỉnh Hải Dương đưa sản phẩm vải vào Hà Nội, tạo điều kiện thuận lợi cho các điểm bán hàng, đảm bảo an ninh trật tự, v.v…

Ông Lê Hồng Thăng, Giám đốc Sở Công Thương TP. Hà Nội

Tại Hội nghị, các DN kinh doanh các mặt hàng nông sản, đại diện các siêu thị, trung tâm thương mại đều cam kết sẽ ưu tiên, hỗ trợ các mặt hàng nông sản của tỉnh Hải Dương chứ không chỉ đối với mặt hàng vải thiều mùa vụ năm 2015. Đồng thời cũng đưa ra nhiều đề xuất cụ thể nhằm mở rộng tiêu thụ sản phẩm nông sản của tỉnh Hải Dương ở địa bàn TP. Hà Nội.

Trao đổi tại Hội nghị, bà Nguyễn Thị Mậu, Giám đốc Công ty chế biến và xuất khẩu nông sản Thanh Hà cho biết, vải thiều Thanh Hà là sản phẩm được nhiều thị trường không chỉ trong nước mà ngoài nước đánh giá cao. Điều đó được thể hiện ở việc Công ty không chỉ tiêu thụ được sản phẩm ở thị trường nội địa mà đã xuất khẩu được sang một số thị trường các nước châu Âu và châu Á. Tuy nhiên, việc thiếu thông tin từ các thị trường này cũng đã "gây khó" cho DN xuất khẩu. Vì vậy, bà Nguyễn Thị Mậu mong muốn sẽ được Bộ Công Thương, cụ thể là Thương vụ Việt Nam tại các nước tích cực hỗ trợ DN trong xuất khẩu sản phẩm.

Mong muốn là kênh phân phối các mặt hàng nông sản của các tỉnh, thành trong cả nước, bà Mai Phương Anh, Giám đốc Tổng công ty Thương mại Hà Nội chia sẻ kinh nghiệm, bản thân DN cũng cần phải chủ động, tích cực tiếp cận với địa phương để tìm nguồn cung ứng sản phẩm cho thị trường. "Vụ mùa vải năm nay, lãnh đạo Tổng công ty chúng tôi đã xuống tận Thanh Hà, Hải Dương để phối hợp và trở thành nhà phân phối sản phẩm vải Thanh Hà tại Hà Nội" - Bà Phương Anh nhấn mạnh.

Bà Mai Phương Anh, Giám đốc Tổng công ty Thương mại Hà Nội

Bà Nguyễn Thị Hậu, Giám đốc Công ty CP Nhất Nam thì khẳng định, Công ty đã chủ động trong khâu kết nối tiêu thụ sản phẩm vải thiều vào siêu thị Fivimart. Công ty đã mang phương tiện vận tải về tại Thanh Hà để thu mua sản phẩm chuyển về hệ thống siêu thị, vì thế giá thành cũng rẻ hơn so với thị trường, thu hút được sự quan tâm của người tiêu dùng. Tuy nhiên bà Nguyễn Thị Hậu cũng nhấn mạnh đến việc cần phải xây dựng thương hiệu, quảng bá sản phẩm để người tiêu dùng tin tưởng chọn lựa các sản phẩm thông qua kênh bán lẻ.

Bà Nguyễn Thị Hậu, Giám đốc Công ty CP Nhất Nam

Đã đến lúc người tiêu dùng được sử dụng sản phẩm nông sản chất lượng

Ghi nhận ý kiến của các đại biểu, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết, trong thời gian vừa qua, với vai trò, trách nhiệm của mình, Bộ Công Thương cũng đã nghiên cứu xây dựng và tổ chức thực hiện rất nhiều chủ trương, chính sách lớn của Nhà nước trong tiêu thụ và phát triển thị trường, đặc biệt cho sản phẩm nông sản. Đồng thời, Bộ Công Thương luôn ủng hộ, cũng như kết nối với các Bộ, ngành để tiếp tục đồng hành với các địa phương, tiếp tục tạo điều kiện cao nhất để hỗ trợ cho DN, tạo điều kiện thuận lợi hỗ trợ cho người nông dân không chỉ trong tiêu thụ sản phẩm mà còn hướng tới tổ chức lại sản xuất nông nghiệp, canh tác nông nghiệp theo hướng phát triển bền vững. Bộ Công Thương sẵn sàng lắng nghe ý kiến của địa phương để tiếp tục nghiên cứu, sửa đổi chính sách, tạo ra những mối liên hệ chặt chẽ, sâu rộng hơn nữa giữa chính quyền của các địa phương, giữa vùng nguyên liệu, vùng sản xuất và tiêu thụ.

Thứ trưởng Trần Tuấn Anh mong muốn, thời gian tới, với sự liên kết giữa vùng sản xuất và tiêu thụ, sự liên kết của DN với người dân, sự tham gia của chính quyền địa phương, đặc biệt là vai trò của các cơ quan quản lý Nhà nước trong việc tổ chức thực hiện sản xuất theo quy hoạch nông nghiệp và đảm bảo chất lượng sản phẩm đầu ra, sẽ tạo ra sự ổn định trong sản xuất, chế biến, cung ứng nông sản phục vụ cho thị trường nội địa và cho xuất khẩu, đảm bảo cho xuất khẩu sản phẩm có chất lượng, có sự cạnh tranh trên thị trường quốc tế.

 

Các sản phẩm nông sản của tỉnh Hài Dương trưng bày tại Hội nghị

Đối với thị trường nội địa, Thứ trưởng Trần Tuấn Anh nhấn mạnh "Đã tới lúc chúng ta phải nhìn nhận khách quan rằng, không thể để cho người tiêu dùng Việt Nam ăn những trái vải hay những sản phẩm rau quả trái cây với hàm lượng, dư lượng thuốc trừ sâu, chất bảo quản, thuốc bảo vệ thực vật cao hơn những sản phẩm dành cho xuất khẩu. Chúng ta không thể chấp nhận việc người tiêu dùng trong nước sẽ tiếp tục tiêu thụ những sản phẩm rau quả hạng hai với các sản phẩm không đủ quy cách, phẩm chất".

Thứ trưởng Trần Tuấn Anh cũng khẳng định, thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ tập trung chỉ đạo các đơn vị chức năng của Bộ chú trọng nghiên cứu các thông tin về thị trường và cung cấp thông tin một cách đầy đủ, kịp thời cho các DN, cũng như cho các cơ quan quản lý của hai địa phương để có sự điều chỉnh chính sách cũng như tổ chức thực hiện kịp thời; chủ động xây dựng các chương trình xúc tiến thương mại, đặc biệt hướng tới các mặt hàng rau quả trái cây và các mặt hàng nông sản, đặc biệt là trái vải, đảm bảo tiêu thụ bền vững trong các năm sắp tới; tổ chức các lớp tập huấn, đào tạo cán bộ quản lý để đảm bảo đáp ứng yêu cầu hội nhập cũng như tổ chức thực hiện liên kết phát triển sản xuất theo chuỗi và theo các chương trình, đề án của Chính phủ, Bộ, ngành đã thông qua thời gian vừa qua.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cũng đề nghị các DN có những trao đổi cụ thể với chính quyền địa phương để kết nối tiêu thụ sản phẩm. Đối với những vấn đề có liên quan đến trách nhiệm của Bộ, Chính phủ, đề nghị DN chủ động phối hợp cùng Bộ Công Thương và các Bộ, ngành khác, có phản ánh và yêu cầu cụ thể, đặc biệt là trong việc tạo điều kiện thuận lợi cho DN trong khai thác, phát huy các thế mạnh của mình thông qua việc hỗ trợ về chính sách, tín dụng, thông tin, phát triển thị trường, đổi mới ứng dụng công nghệ... để nâng cao khả năng khai thác, tổ chức sản xuất, hướng tới đảm bảo phát triển bền vững và hiệu quả.