Đắk Glei đổi thay từ ngày có điện

Đăk Glei ngày mới - nay đã hoàn toàn đổi khác. Điện đi trước một bước, tiếp đến là đường…

Đắk Glei là huyện miền núi vùng cao, vùng xa, hẻo lánh phía Bắc tỉnh Kon Tum, có núi Ngọc Linh, ngọn núi cao nhất Tây Nguyên với chiều cao hơn 2.600m so với mặt nước biển, cùng với cây thuốc quý hiếm là Sâm Ngọc Linh. Đây là vùng căn cứ địa cách mạng nổi tiếng những năm tháng chống Pháp và chống Mỹ. Nơi đây có di tích lịch sử Quốc gia Ngục Đăk Glei (còn có tên Ngục Tố Hữu) là nơi thực dân Pháp giam giữ các chiến sỹ cách mạng Việt Nam trong những năm 1932–1954, trong đó có nhà thơ Tố Hữu. Đắk Glei có diện tích 1.439,6 km2, dân số 40.420 người, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 90 %; có 12 đơn vị hành chính trực thuộc (11 xã, 01 thị trấn huyện lỵ).

 

Lưới điện thị trấn Đắk GleiLưới điện thị trấn Đắk GleiĐầu năm 1996, Công ty Điện lực 3 (nay là Tổng Công ty Điện lực miền Trung – EVNCPC) là chủ đầu tư xây dựng dự án: Đường dây 22kV Ngọc Hồi – Đắk Glei, đưa điện về vùng đất nghèo khó Đắk Glei. Dự án do Ban QLDA lưới điện miền Trung quản lý điều hành, với quy mô xây dựng mới 47km đường dây 22kV, các TBA phụ tải với tổng dung lượng 360 kVA; giá trị quyết toán 7,24 tỉ đồng. Cái khó thời đó là địa hình quá hiểm trở. Từ Ngọc Hồi đến thị trấn Đắk Glei chỉ 52km nhưng xe con phải bò mất một buổi. Đường gập ghềnh, khúc khuỷu với những cú xóc nhớ đời. Ở giữa là đường, còn một bên là núi và bên kia là sông Pô Cô quanh co uốn khúc. Địa hình này ảnh hưởng lớn trước hết là công tác thiết kế, bởi đường điện đi gần đường giao thông, ảnh hưởng hành lang giao thông đường bộ, nhưng nếu dịch vào thì vướng núi đá cao, dịch ra thì vướng sông sâu. Để giải quyết vướng mắc lại phải khảo sát, thiết kế, điều chỉnh tuyến. Đường giao thông đi lại khó khăn ảnh hưởng không nhỏ đến việc vận chuyển vật tư thiết bị phục vụ thi công. Ngoài ra, khí hậu thời tiết rất khắc nghiệt... Khắc phục mọi khó khăn, trở ngại, dự án vẫn đảm bảo tiến độ thi công và hoàn thành đóng điện đưa vào vận hành ngày 02/02/1997 sau một năm triển khai.

 

Người dân Đắk Glei bao đời khát điện hả hê đón điện lưới quốc gia về. Có điện, bộ mặt huyện Đắk Glei không ngừng đổi thay. Cùng với điện là đường giao thông. Cuối năm 1977, quốc lộ 14 từ Ngọc Hồi đến Đắk Glei và Đà Nẵng được triển khai nâng cấp, rải nhựa và thông tuyến. Nếu như trước đây từ Đà Nẵng đến Đắk Glei bằng đường cũ qua các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Gia Lai, Kon Tum theo quốc lộ 1A, quốc lộ 19 và quốc lộ 14 dài 610km, thì nay đi tắt qua Quảng Nam bằng quốc lộ 14 (đường Hồ Chí Minh) chỉ còn 190 km, rút ngắn hơn 2/3 chặng đường.

Ngoài dự án điện nói trên, EVNCPC còn triển khai dự án cấp điện cho các thôn buôn chưa có điện cùng với việc đầu tư, nâng cấp hàng năm của Công ty Điện lực Kon Tum và các nguồn vốn đầu tư khác, đến nay Điện lực Đắk Glei đang quản lý 184,7km đường dây trung áp; 100,3km đường dây hạ áp; 131 TBA phụ tải với tổng dung lượng 10.120kVA, cung ứng điện cho 8.383 khách hàng. Sản lượng điện thương phẩm năm 2012 đạt 11,3 triệu kWh, tăng 26,8% so với năm 2011, trong đó tỉ lệ điện cho quản lý, tiêu dùng: 47,3%; sản xuất công nghiệp: 52,7 % (Nhà máy sản xuất tinh bột sắn Phương Hoa, các nhà máy xay đá…); sản lượng điện thương phẩm 4 tháng đầu năm 2013 đạt 3,95 triệu kWh, tăng 4,3% so với cùng kỳ năm 2012. Tổn thất điện năng giảm rõ rệt: Năm 2011 là 7,53%; năm 2012: 7,46%; 4 tháng đầu năm 2013 chỉ còn 5,36%.

Ông Nguyễn Văn Thắng, Giám đốc Điện lực Đắk Glei chia sẻ: Địa bàn quản lý của đơn vị rộng, chủ yếu là các xã vùng sâu, vùng xa, đi qua nhiều vùng đồi núi cao, địa hình hiểm trở, dễ bị sạt lở trong mùa mưa lũ, ảnh hưởng không nhỏ đến công tác quản lý, vận hành, xử lý sự cố và kinh doanh điện năng. Vượt qua mọi khó khăn, đến nay Điện lực Đắk Glei đã cung ứng điện cho 12/12 xã (thị trấn) đạt 100 %; số hộ sử dụng điện đạt 97,2 %, góp phần mở rộng sản xuất, xóa đói giảm nghèo, tạo sự ổn định về chính trị, là động lực phát triển kinh tế - xã hội của huyện.

Nhắc đến Đắk Glei, người ta hình dung đến cảnh không đường, không điện của một huyện nghèo khó ở vị trí ngõ cụt tỉnh Kon Tum, nơi“ rừng thiêng, nước độc” cùng câu ca một thời gian khó“ Ruồi vàng, bọ chó, gió Đắk Glei”. Đó chỉ là cảnh tượng của nhiều năm về trước. Đăk Glei ngày mới - nay đã hoàn toàn đổi khác. Điện đi trước một bước, tiếp đến là đường… Cửa khẩu quốc tế Bờ Y và đường Hồ Chí Minh thông thương, tạo cho Đăk Glei trở thành khu vực khởi đầu của hội nhập, điểm trung chuyển quan trọng trên tuyến thương mại quốc tế, nối đông bắc Thái Lan - Hạ Lào với khu vực Tây Nguyên, duyên hải miền Trung và Đông Nam bộ. Đây là tuyến hành lang kinh tế Đông - Tây ngắn nhất thông qua cửa khẩu quốc tế Bờ Y, mở ra vận hội mới để Đăk Glei vươn lên, thoát cảnh đói nghèo. Đồng thời, đây cũng là thách thức lớn cho huyện Đăk Glei trong định hướng phát triển kinh tế - xã hội, gắn ổn định phát triển kinh tế với giữ vững an ninh - quốc phòng và bảo vệ môi trường sinh thái.
Xuân Tư