Đẩy mạnh cải cách để lôi kéo dòng vốn

Những rối loạn trên thị trường vốn toàn cầu cuối năm 2015 đã đặt ra thách thức vô cùng lớn cho thị trường vốn Việt Nam năm 2016. Mặc dù so với chu kỳ khủng khoảng 2008, dòng vốn nước ngoài - bao gồm c

Để duy trì sức hấp dẫn của môi trường đầu tư nói chung và thị trường vốn nói riêng trong bối cảnh đó càng phải đẩy mạnh hơn nữa các cải cách đang đi đúng hướng. Xét cho cùng, dòng vốn thông minh trên thế giới vẫn luôn vận động và nơi nào có sức hấp dẫn, nơi đó vẫn thu hút được dòng vốn này.

Vốn vẫn vào

Mặc dù thị trường chứng khoán năm 2015 không thực sự đem lại niềm vui cho cộng đồng nhà đầu tư, cả trong lẫn ngoài nước, thậm chí còn chứng kiến dòng vốn nước ngoài rút ra mạnh mẽ trong quý 4, nhưng thị trường Việt Nam vẫn là một điểm sáng hiếm hoi.

Theo các số liệu thống kê, các nền kinh tế mới nổi đã phải đối mặt với sự giảm tốc và sự đảo chiều dòng vốn. Dòng vốn thực tế đổ vào các nền kinh tế mới nổi lần đầu tiên đã giảm kể từ năm 1988, với số vốn rút khỏi 30 nền kinh tế mới nổi năm 2015 khoảng là 540 tỷ USD, so với số vốn rót vào những nền kinh tế này chỉ là 32 tỷ USD trong năm 2014. Tình trạng thoái vốn khỏi các nền kinh tế mới nổi sẽ tiếp tục trong năm 2016 do triển vọng tăng trưởng kinh tế của các nền kinh tế mới nổi giảm sút, cũng như khả năng FED sẽ thắt chặt chính sách tiền tệ.

Trong bối cảnh đó, thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn thu hút được một lượng vốn ròng nhất định. Tổng giá trị huy động vốn đạt hơn 283 nghìn tỷ đồng, tăng 2% so với cùng kỳ năm 2014, trong đó phát hành cổ phiếu và cổ phần hóa (bao gồm cả phát hành riêng lẻ) là 51 nghìn tỷ đồng (tăng 37% so với 2014); huy động trái phiếu chính phủ đạt 232 nghìn tỷ đồng (giảm 3,5%).

Số lượng tài khoản nhà đầu tư đạt khoảng 1,505 triệu tài khoản, tăng hơn 105 nghìn tài khoản (tương đương 7%) so với cuối năm 2014. Trong 11 tháng năm 2015, dòng vốn nước ngoài ra ròng đạt gần 70,7 triệu USD. Giá trị danh mục tính đến cuối tháng 11 đạt 14,79 tỷ USD, tăng khoảng 1,3 tỷ USD so với cuối năm 2014.

Đó là những lát cắt đáng khích lệ trong giai đoạn khó khăn bất thường tác động lên thị trường chứng khoán. Dòng vốn FII tuy bị rút ra nhưng với mức độ không lớn và chủ yếu là thông qua các giao dịch thoái vốn ngắn hạn. Cần phải nhìn nhận công bằng, rằng dòng vốn nóng toàn cầu có tốc độ dịch chuyển rất cao và chủ yếu đầu cơ vào những tài sản có thanh khoản tốt như cổ phiếu. Việc dòng vốn này rút khỏi thị trường chứng khoán là điều không có gì bất ngờ. Trong bối cảnh toàn bộ các thị trường mới nổi đều bị rút vốn thì quy mô chảy ra của dòng vốn này quan trọng hơn.

Sự dịch chuyển ra của dòng vốn FII tại thị trường Việt Nam được bù đắp lại bằng dòng vốn FDI vào với mức kỷ lục. Số liệu từ Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KH&ĐT) cho biết, tính chung trong 12 tháng năm 2015, tổng vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm là 22,757 tỷ USD, tăng 12,5% so với cùng kỳ năm 2014.

Dòng vốn FDI khác biệt lớn với dòng vốn FII khi có chu kỳ đầu tư dài hạn và chủ yếu dựa trên nền tảng kinh tế vĩ mô trong dài hạn. Năm 2015, bối cảnh kinh tế vĩ mô của Việt Nam diễn biến tương đối ổn định và khả quan với tăng trưởng GDP ước đạt 6,5%, cao nhất trong vòng 5 năm qua; lạm phát được kiểm soát ở mức 5%, chỉ số CPI 11 tháng là 0,58%; tăng trưởng tín dụng ước tăng 17%...

Sự khác biệt trong vận động của dòng vốn FDI và FII cho thấy những triển vọng thu hút vốn của Việt Nam vẫn có cơ sở vững chắc là nội tại nền kinh tế đang trên đà phục hồi. Các nghiên cứu mới nhất của nhiều tổ chức quốc tế cũng ghi nhận điều này. Ngân hàng HSBC dự báo tăng trưởng GDP 2016 vẫn sẽ đạt 6,7%. ANZ thì dự báo mức tăng trưởng tới 6,9%. Cả hai tổ chức này đều nhìn nhận nhu cầu nội địa là nguyên nhân quan trọng cho sự tăng trưởng này, hỗ trợ cho tăng trưởng sản lượng của ngành dịch vụ. Về mặt tiêu dùng, mức tiêu thụ cả năm đã tăng 9,1% so với cùng kỳ, cao hơn nhiều so với mức tăng 6,5% trong năm 2014. Tăng trưởng trong công nghiệp và xây dựng tiếp tục dẫn đầu đà phục hồi của nền kinh tế. Lượng FDI giải ngân cao kỷ lục trong năm 2015 sẽ góp phần duy trì đà tăng trưởng mạnh mẽ trong năm 2016.

Khéo léo trong chính sách để lôi kéo dòng vốn

Những chuyển biến tích cực của nền kinh tế 2015 là tiền đề tốt cho năm 2016 trong khả năng thu hút dòng vốn đầu tư. Tuy nhiên những biến số mới của nền kinh tế toàn cầu có thể khiến nhiệm vụ trở nên nặng nề hơn trong năm nay. Các khuyến nghị quốc tế đều nhấn mạnh vào vai trò quản lý chính sách vĩ mô cần khéo léo hơn nữa để duy trì đà tăng trưởng.

Đặc biệt khó khăn trong nhiệm vụ hút dòng vốn nước ngoài nằm ở chính thị trường vốn, nơi dòng vốn FII có tính linh hoạt rất cao. Điểm mới nhất là cơ chế điều hành tỷ giá mới linh hoạt hơn vừa được áp dụng, sẽ tác động rất mạnh lên dòng vốn này.

Khác với dòng vốn FDI khi tỷ giá thấp có thể tạo nên sức hấp dẫn, dòng vốn FII lại nhạy cảm với sự thay đổi của tỷ giá. Điều này đã được chứng minh trong quý 4/2015, khi dòng vốn ngoại rút mạnh khỏi thị trường chứng khoán do nhìn thấy áp lực giảm giá đồng nội tệ rất cao. Việc duy trì cam kết cứng về tỷ giá đã khiến nguồn dự trữ ngoại tệ hao hụt đáng kể. Theo một ước tính của Công ty Chứng khoán Rồng Việt thì Ngân hàng nhà nước ít nhất đã phải dùng 10 tỷ USD để ổn định tỷ giá trong nửa sau năm 2015. Trước đó, ước tính của Quỹ Tiền tệ quốc tế thì cho rằng con số này khoảng 6,7 tỷ USD.

Tính linh hoạt của cơ chế tỷ giá mới khiến tỷ giá có thể thay đổi hàng ngày, tạo nên những đợt giảm giá tiền đồng với mức độ thấp thay vì tạo sự dồn ép qua thời gian dài để tiến đến một đợt giảm giá lớn. Sức ép của kỳ vọng do đó cũng sẽ giảm đi. Cơ chế mới được kỳ vọng rất cao sẽ làm giảm áp lực tỷ giá trong năm 2016, dù việc giảm giá tiền đồng là không thể tránh khỏi.

Liệu có thể đem lại tính dài hạn cho dòng vốn ngắn hạn như FII hay không? Điều đó cũng có thể thực hiện được trên thị trường chứng khoán khi thực hiện tốt hơn những cải cách. Năm 2015, nhà đầu tư nước ngoài không tham gia đấu giá cổ phần hóa do tỷ lệ bán ra thấp, không khiến các tổ chức nước ngoài nắm được vị thế điều hành để thay đổi doanh nghiệp. Bán cổ phần trọn lô, sử dụng giá đấu giữa các tổ chức thay vì đấu giá công khai, kèm theo những cam kết dài hạn có thể biến dòng vốn FII thành dòng vốn FDI đồng hành dài hạn cùng doanh nghiệp.

Việc lôi kéo dòng vốn vào thị trường chứng khoán cũng đã được triển khai một bước quan trọng với Nghị định 60 ban hành năm 2015, tăng tỷ lệ sở hữu cho nhà đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên những vướng mắc quan trọng vẫn phải tháo gỡ, là giới hạn sở hữu 51% bị coi là nhà đầu tư nước ngoài theo Luật Đầu tư với các chế tài riêng, và danh mục ngành nghề có điều kiện vẫn chưa được ban hành.

Để vượt qua những vướng mắc đó cần sự vào cuộc của nhiều bộ ngành liên quan chứ không chỉ riêng Bộ Tài chính hay cơ quan quản lý thị trường chứng khoán. Những đề xuất mới nhất bao gồm độ mở ban đầu là 65% và nắm giữ liên tục tỷ lệ này trên 6% mới bị coi là doanh nghiệp nước ngoài. Doanh nghiệp có thể tự đề xuất tỷ lệ mở sở hữu cho nhà đầu tư nước ngoài và sẽ được hướng dẫn cụ thể. Tuy nhiên đó cũng chỉ là những giải pháp tình thế.

Một nhiệm vụ quan trọng nữa để thu hút dòng vốn, là nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam từ “ngoại biên” lên “mới nổi”. Khác biệt chính giữa hai dạng thị trường này là độ mở đối với nhà đầu tư nước ngoài và các cam kết tuân thủ, chẳng hạn công bố thông tin bằng tiếng Anh. Do thông lệ quốc tế phân hạng thị trường để đặt ra các tiêu chuẩn phân bổ vốn đầu tư, việc nâng hạng thị trường sẽ giúp các tổ chức lớn có cơ sở để rót vốn nhiều hơn vào thị trường Việt Nam.

Với những khó khăn mới trong bối cảnh quốc tế nhiều biến động năm 2016, công cuộc cải cách cấu trúc thị trường, ban hành khung pháp lý trong năm 2016 càng phải làm quyết liệt hơn để lôi kéo dòng vốn. Sức ép từ bên ngoài cũng chính là cơ hội để đẩy nhanh quá trình này vì điều hấp dẫn dòng vốn, suy cho cùng vẫn là các cơ hội đầu tư tốt.