Đề xuất giải pháp khắc phục những bất cập trong kế toán công ở Việt Nam

ThS. NGUYỄN THỊ HẰNG (Khoa Kế toán - Trường Đại học Kinh tế Kỹ thuật Công nghiệp)

TÓM TẮT:

Thực tế đã chứng minh, vai trò của kế toán trong đơn vị là vô cùng quan trọng để duy trì nền tảng tài chính vững mạnh. Trong xu thế hội nhập hiện nay, nhu cầu có được thông tin về kế toán công chính xác, đầy đủ, có thể so sánh với các quốc gia khác trên thế giới là vô cùng cấp thiết. Vai trò của kế toán công đang dần được khẳng định. Tuy nhiên, tại Việt Nam, hệ thống kế toán công đang bộc lộ nhiều điểm bất cập, chưa phù hợp với chuẩn mực kế toán công quốc tế (IPSAS). Do đó, việc đưa ra các giải pháp khắc phục những bất cập trong kế toán công hiện nay tại Việt Nam là cần thiết.

Từ khóa: Kế toán công, chuẩn mực kế toán công quốc tế (IPSAS), đơn vị hành chính sự nghiệp, bất cập, giải pháp.

I. Một số vấn đề về chuẩn mực kế toán công quốc tế và sự phát triển kế toán công ở Việt Nam

1. Giới thiệu chung về chuẩn mực kế toán công quốc tế

Chuẩn mực kế toán công là những quy định và hướng dẫn về những nguyên tắc, nội dung, phương pháp và thủ tục kế toán cơ bản, chung nhất, đầy đủ, làm cơ sở ghi chép kế toán và lập báo cáo tài chính nhằm đạt được sự đánh giá trung thực, hợp lý, khách quan về thực trạng tài chính và kết quả hoạt động của các đơn vị kế toán.

Chuẩn mực kế toán công quốc tế được áp dụng chính thức từ ngày 01/01/2005 bao gồm 32 chuẩn mực được soạn thảo bởi hội đồng chuẩn mực kế toán công quốc tế. IPSAS được ban hành nhằm trợ giúp cho các đơn vị trong lĩnh vực công, áp dụng và thực hiện trong công tác kế toán và lập báo cáo tài chính. Theo đó, các đơn vị hoạt động trong lĩnh vực công hàng năm phải lập báo cáo tài chính là các đơn vị có thể sử dụng ngân sách nhà nước hoạt động theo nguyên tắc cân đối thu chi. IPSAS được ban hành trên cơ sở kế toán tiền mặt và kế toán dồn tích để có thể phù hợp với chuẩn mực lập báo cáo tài chính quốc tế.

Mục tiêu của chuẩn mực kế toán công quốc tế là: Thông tin có chất lượng và có thể so sánh với các nước trên thế giới; Tính minh bạch thể hiện qua các báo cáo khác nhau trong đơn vị có thể kiểm chứng được và giúp cho người sử dụng phân tích, đánh giá để có quyết định kinh tế phù hợp; Tính thống nhất thể hiện qua việc lập, trình bày báo cáo tài chính; Trách nhiệm giải trình giúp các đơn vị kiểm toán nhà nước dễ dàng hơn khi kiểm toán trong các đơn vị hành chính sự nghiệp; Chuẩn mực kế toán công quốc tế cung cấp một quy trình quản lý khoa học và có độ tin cậy cao.

2. Sự phát triển kế toán công ở Việt Nam

Theo Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF): “Kế toán công là công cụ và phương tiện quản lý tài sản, các quỹ và thực hiện các giao dịch của Chính phủ”. Tại Việt Nam, kế toán công là một trong những bộ phận không thể thiếu của hệ thống kế toán. Hệ thống kế toán công được áp dụng tại các đơn vị có sử dụng nguồn ngân sách, các quỹ tài chính của Nhà nước; có vai trò là một công cụ phục vụ cho quá trình quản lý ngân sách nhà nước (NSNN), phục vụ cho các quyết định của đơn vị, là công cụ để kiểm tra, giám sát hoạt động kinh tế - tài chính của Nhà nước, chứng minh việc chấp hành chế độ sử dụng ngân sách của các đơn vị hành chính sự nghiệp. Trong xu hướng toàn cầu hóa, kế toán công của Việt Nam đã trải qua nhiều giai đoạn phát triển, cải cách, đổi mới để tiếp cận gần nhất với những thông lệ quốc tế.

- Giai đoạn từ năm 1997 đến năm 2003: Hệ thống kế toán công được mở rộng ra nhiều đơn vị khác nhau như: Hệ thống kế toán kho bạc nhà nước hạch toán thu, chi NSNN theo mục lục NSNN; Hệ thống kế toán thuế; Hệ thống kế toán hải quan; Hệ thống kế toán hành chính sự nghiệp (HCSN); Hệ thống kế toán NSNN và một số hệ thống đơn vị khác. Trong giai đoạn này, tất cả những vấn đề kinh tế của kế toán công được thực hiện theo Luật NSNN năm 1996.

- Giai đoạn từ năm 2004 đến năm 2015: Nền kinh tế Việt Nam luôn luôn phát triển theo xu hướng chung của nền kinh tế thế giới. Để phù hợp với những thay đổi chung của toàn xã hội, kế toán khu vực công luôn tuân thủ những quy tắc, quy định áp dụng tại Việt Nam để hòa nhập với những thông lệ quốc tế. Năm 2002, Luật NSNN được thông qua và chính thức áp dụng cho các đơn vị công từ năm 2004. Cùng với sự ra đời của Luật Kế toán năm 2003, kế toán công đã có nhiều đổi mới so với giai đoạn trước. Hệ thống kế toán kho bạc nhà nước và hệ thống kế toán NSNN được hợp nhất thành hệ thống kế toán NSNN và nghiệp vụ kho bạc nhà nước dựa trên cơ sở là Luật NSNN và Luật Kế toán. Hiện nay, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư 08/2013/TT-BTC hướng dẫn thực hiện kế toán nhà nước áp dụng cho Hệ thống thông tin quản lý ngân sách và kho bạc (TABMIS); Các hệ thống kế toán khác tiếp tục được sửa đổi và hoàn thiện.

Như vậy, có thể thấy, kế toán công được thực hiện ở nhiều hệ thống đơn vị khác nha, chính vì vậy mà thông tin kế toán thu thập được chưa khớp nhau do thiếu đồng bộ, căn cứ pháp lý và cơ sở khoa học. Điều này dẫn đến những hạn chế trong quản lý NSNN, dẫn đến nhiều hoạt động tài chính của Nhà nước chưa được phản ánh đầy đủ.

II. Thực trạng bất cập của kế toán công ở Việt Nam

Thứ nhất, hiện nay ở Việt Nam chế độ kế toán áp dụng cho các đơn vị công đang thực hiện song song hai nguyên tắc kế toán đó là cơ sở kế toán tiền mặt và cơ sở kế toán dồn tích. Tại các đơn vị công nguồn kinh phí hoạt động bao gồm nguồn kinh phí thường xuyên và nguồn kinh phí không thường xuyên thuộc ngân sách nhà nước cấp sẽ vận dụng theo nguyên tắc cơ sở tiền mặt để thực hiện các nghiệp vụ tiếp nhận và sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước cấp. Tuy nhiên, hệ thống chuẩn mực quốc tế về kế toán công được xây dựng trên cơ sở hệ thống chuẩn mực kế toán trong lĩnh vực tư và được thực hiện trên cơ sở kế toán dồn tích. Việc ứng dụng IPSAS cũng cần tiêu tốn chi phí khá lớn trong nhiều năm để thực hiện chuyển đổi thống nhất một hệ thống thông tin kế toán trên cơ sở kế toán tiền mặt sang cơ sở kế toán dồn tích. Đây là những khó khăn không chỉ của Việt Nam mà còn của rất nhiều các nước đang phát triển trên thể giới khi áp dụng IPSAS nhằm đáp ứng yêu cầu của xu thế hội nhập và toàn cầu hoá.

Thứ hai, hệ thống pháp lý áp dụng cho kế toán công quá phức tạp, chưa nhất quán, một số nội dung quy định không hoàn toàn tuân theo IPSAS dẫn đến khó khăn khi hạch toán.

Thứ ba, công tác kế toán NSNN chưa tập trung, thống nhất về tổ chức, phạm vi và phương pháp kế toán. Điều này dẫn đến sự khác biệt về số liệu giữa các đơn vị báo cáo. Việc tổng hợp và thống nhất số liệu chưa đáp ứng được yêu cầu phân tích dữ liệu phục vụ cho mục đích quản lý ngân sách.

Thứ tư, về mặt giá trị, kế toán công ở Việt Nam ghi nhận theo phương pháp giá gốc trong khi kế toán công ở các nước thế giới lại ghi nhận theo giá trị hợp lý. Điều này cho thấy, kế toán công ở Việt Nam chưa thực sự hòa hợp với chuẩn mực quốc tế.

Thứ năm, theo IPSAS, kế toán công được đánh giá và ghi nhận hiệu quả hoạt động của các tổ chức, các cơ quan trong lĩnh vực Nhà nước, từ đó cung cấp thông tin giúp cho nhà quản trị, lãnh đạo đưa ra những quyết định phù hợp nhất. Tuy nhiên, kế toán quản trị trong đơn vị công tại Việt Nam chưa thực sự phát huy được hiệu quả dẫn đến việc đánh giá kết quả hoạt động của đơn vị công dựa trên thông tin kế toán là rất khó.

III. Giải pháp khắc phục những bất cập trong kế toán công ở Việt Nam

Từ những vấn đề bất cập được phân tích ở trên cho thấy, việc ban hành những quy định chung áp dụng cho các đơn vị công ở Việt Nam hiện nay là vô cùng cần thiết. Các giải pháp đặt ra phải dựa trên cơ sở vận dụng IPSAS vào kế toán công ở Việt Nam một cách hợp lý nhất.

Một là, xây dựng và ban hành hệ thống chuẩn mực kế toán công đưa ra các nguyên tắc cơ bản, các khái niệm áp dụng cho kế toán một cách có hệ thống. Hệ thống chuẩn mực này phải có mối liên hệ chặt chẽ, đảm bảo tính nhất quán, linh hoạt để phù hợp với sự vận động liên tục của nền kinh tế quốc tế; Hệ thống chuẩn mực ban hành phải đáp ứng được yêu cầu của người sử dụng trên cơ sở thống nhất quan điểm giữa người làm ra chuẩn mực và người sử dụng chuẩn mực; Nội dung chuẩn mực nên có tính định hướng, cho phép đơn vị được lựa chọn phương án giải quyết phù hợp với tình hình thực tế. Có như vậy, các đơn vị sẽ linh hoạt hơn trong việc tìm các chính sách kế toán phù hợp. Tuy nhiên, để tránh hiện tượng các đơn vị sử dụng điểm này để điều chỉnh thông tin kế toán theo hướng chủ quan thì chuẩn mực cũng cần đưa ra các biện pháp để kiểm soát. Bên cạnh đó, Bộ Tài chính cần phải đảm bảo các hướng dẫn cần thiết để có thể nâng cao độ tin cậy của các chuẩn mực kế toán, tránh những vấn đề có thể phát sinh trong quá trình thực hiện.

Hai là, hệ thống kế toán công của Việt Nam cần chuyển đổi từ cơ sở kế toán tiền mặt sang cơ sở kế toán dồn tích. Kế toán dồn tích là phương pháp kế toán dựa trên cơ sở dự thu, dự chi. Ưu điểm của kế toán dồn tích đã được Liên đoàn Kế toán quốc tế xác định là cung cấp đòn bẩy cho việc nâng cao công tác quản lý, là một nguồn lưu trữ thông tin, nâng cao tính minh bạch và hiệu quả của hoạt động trong đơn vị công nên nó là một công cụ chỉ đạo quản lý và điều hành rất hữu hiệu. Tuy nhiên, ở một số đơn vị công của Việt Nam chỉ có các hoạt động thu từ NSNN và chi cho hoạt động sự nghiệp nên tại các đơn vị này cần có sự kết hợp cơ sở kế toán tiền mặt với kế toán dồn tích và được thể hiện chủ yếu trong hệ thống báo cáo kế toán.

Ba là, cần phải thay đổi cơ cấu hiện tại của hệ thống kiểm soát nhấn mạnh khung pháp lý về kiểm soát nội bộ các cấp. Khung pháp lý này cần phải dựa trên cơ sở thiết lập môi trường kiểm tra tập trung vào các lĩnh vực có rủi ro cao và kiểm tra đại diện.

Bốn là, áp dụng các chuẩn mực kế toán công quốc tế từng bước một phù hợp với tình trạng thực tế của Việt Nam. Để thực hiện được điều này cần phải có sự hợp tác chặt chẽ của các đơn vị liên quan. Ngoài ra, Việt Nam cũng cần phải tham khảo kinh nghiệm của các quốc gia trên thế giới đã áp dụng IPSAS.

Năm là, về phương pháp tính giá cần phân biệt giữa đơn vị công và các doanh nghiệp. Việt Nam là một nước có nền kinh tế đang phát triển, để các doanh nghiệp có thể hòa nhập với nền kinh tế khu vực và trên thế giới, các doanh nghiệp cần áp dụng theo giá trị hợp lý, trong khi các đơn vị công, nếu áp dụng theo giá trị hợp lý sẽ khiến cho việc hạch toán gặp khó khăn. Chính vì vậy, kế toán công nên áp dụng tính giá theo phương pháp giá gốc để đảm bảo hiệu quả.

IV. Kết luận

Kế toán công đóng một vai trò quan trọng trong việc đáp ứng nhu cầu thông tin và nâng cao trách nhiệm tài chính của Chính phủ. Trong những năm gần đây, kinh tế Việt Nam đã có những phát triển mạnh mẽ theo kinh tế thị trường và hội nhập với kinh tế thế giớ. Trong bất cứ điều kiện nào, tuân thủ những nguyên tắc và thể lệ chung về kế toán là điều kiện cần thiết để có được hệ thống thông tin đầy đủ và đáng tin cậy để quản lý. Kế toán công của Việt Nam, giữa điều kiện toàn cầu hóa đã có những bước tiến để phù hợp với thông lệ quốc tế. Bài viết đã phản ánh thực trạng những bất cập trong kế toán công hiện nay và đề xuất một số giải pháp khắc phục để hệ thống kế toán công của Việt Nam phù hợp với quốc tế và phù hợp với đặc điểm nền kinh tế của Việt Nam.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. Luật Ngân sách nhà nước năm 1996.

2. Luật Ngân sách nhà nước năm 2003.

3. TS. Ngô Thanh Hoàng, Vận dụng chuẩn mực kế toán công quốc tế vào Việt Nam trong giai đoạn hiện nay, Tạp chí Nghiên cứu tài chính kế toán số 02 (127)-2014.

4. TS. Ngô Thanh Hoàng, Hệ thống kế toán công ở Việt Nam - Thực trạng và kiến nghị, Tạp chí Nghiên cứu tài chính kế toán số 12 (137)-2014.

5. ThS. Phạm Quang Huy, Kế toán khu vực công và chu trình quản trị tài chính công hiện đại, Tạp chí Phát triển và Hội nhập, số 10 (20) - Tháng 5-6/2013.

SOLUTIONS TO ADDRESS DRAWBACKS OF VIETNAM’S

PUBLIC ACCOUNTING REGIME

MA. NGUYEN THI HANG

Faculty of Accounting, University of Economic and Technical Industries

ABSTRACT:

Accountants play an essential role in retaining the financial conditions of enterprises. In the context of current integration process of Vietnam, the demand for accurate and full accounting information related to the public sector is urgently gorwing. The public accounting regime of Vietnam, which is showing many shortcomings, is not fit for International Public Sector Accounting Standards (IPSAS). Therefore, it is important for Vietnam to attain viable solutions to address drawbacks of the country’s public accounting regime.

Keywords: Public accounting, International Public Sector Accounting Standards (IPSAS), administrative units, solutions.

Xem toàn bộ ấn phẩm Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ số 04 + 05 tháng 04/2017 tại đây