Đến năm 2020, Việt Nam sẽ hình thành hàng triệu chủ doanh nghiệp

Sáng ngày 19/10/2016, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức Hội thảo báo chí về dự thảo Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) nhằm giới thiệu, cung cấp thông tin chính thức, đầy đủ về dự thảo Luật cho c
Luật được xây dựng nhằm thiết lập đồng bộ các chính sách, chương trình hỗ trợ DNNVV chọn lọc, phù hợp với mục tiêu và định hướng phát triển kinh tế của đất nước, lợi thế cạnh tranh của từng địa phương, quốc gia và nguồn lực có thể bố trí trong từng thời kỳ. Qua đó, nâng cao sức cạnh tranh và chất lượng hoạt động của khu vực DNNVV. Đồng thời, tạo khung pháp lý để huy động khu vực kinh tế tư nhân và các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước tham gia cùng Chính phủ thực hiện hỗ trợ DNNVV.

Dự thảo Luật gồm 6 chương với 45 điều, được thiết kế với hai phần quan trọng. Các nội dung hỗ trợ cơ bản (Chương II, từ Điều 7 đến Điều 18): bao gồm các quy định về gia nhập và rút khỏi thị trường, tiếp cận tín dụng, tài chính, công nghệ, mặt bằng sản xuất, xúc tiến và mở rộng thị trường, mua sắm công, thông tin và tư vấn, đào tạo, ươm tạo và cung cấp dịch vụ hỗ trợ. Đây là những hỗ trợ cơ bản, thiết yếu đối với tất cả các DNNVV. Tuy nhiên, không hỗ trợ tài chính trực tiếp hoặc bao cấp cho DNNVV mà những hỗ trợ cơ bản này thực hiện chủ yếu thông qua việc tạo cơ chế chính sách, điều kiện thuận lợi để các tổ chức trung gian cung cấp dịch vụ hỗ trợ cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Các chương trình hỗ trợ trọng tâm (Chương III, từ Điều 19 đến Điều 32): là những hỗ trợ có mục tiêu, trọng điểm theo định hướng chuyển đổi mô hình tăng trưởng và tái cơ cấu nền kinh tế, góp phần thúc đẩy tăng trưởng, nâng cao năng lực cạnh tranh và tự chủ của nền kinh tế. Cụ thể, gồm 3 chương trình hỗ trợ trọng tâm (hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi từ hộ kinh doanh; hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; và hỗ trợ doanh nghiệp tham gia cụm liên kết ngành) và các chương trình khác do Chính phủ quy định phù hợp với mục tiêu, định hướng phát triển và điều kiện ngân sách nhà nước trong từng thời kỳ.

Theo báo cáo của Ban soạn thảo, tính đến tháng 10/2016, Việt Nam có 590.000 doanh nghiệp đang hoạt động và đang thực hiện các nghĩa vụ thuế (trong tổng số 959.000 doanh nghiệp đã đăng ký kinh doanh). Với mục tiêu sẽ có 1 triệu doanh nghiệp thực sự đi vào sản xuất kinh doanh và có thực hiện các nghĩa vụ về thuế vào năm 2020, sẽ có thêm 410.000 doanh nghiệp mới được thành lập và thực sự đi vào hoạt động trong vòng 4 năm tới. Các doanh nghiệp này sẽ tham gia vào quá trình sản xuất kinh doanh, góp phần thúc đẩy quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao năng suất kinh tế qua chuyển dịch kinh tế ngành. Với quy mô vốn đăng ký bình quân của doanh nghiệp hiện nay là 7.5 tỷ đồng/doanh nghiệp thì sẽ có có ít nhất 3.075 ngàn tỷ đồng (136.7 tỷ đô la Mỹ) được đưa vào đầu tư sản xuất kinh doanh. Nếu con số này được hiện thực hóa trong 4 năm tới (tính đến năm 2020), mỗi năm sẽ có khoảng 34,17 tỷ đô la Mỹ được các doanh nghiệp trong nước đăng ký đưa vào sản xuất kinh doanh (chưa bao gồm con số tăng vốn của các doanh nghiệp hiện tại do các chính sách hỗ trợ DNNVV trở lên thuận lợi hơn). Con số này cao gấp 1,5 lần mức vốn FDI đăng ký đầu tư vào Việt Nam năm 2015 và gấp hơn 2 lần vốn FDI thực hiện trong cùng năm. Con số này càng có ý nghĩa hơn khi các nguồn lực cho phát triển từ nguồn vốn ODA ngày càng thu hẹp. Nguồn nội lực quan trọng này, nếu được giải phóng, sẽ góp phần trực tiếp cho việc nâng cao năng lực sản xuất, khả năng cung ứng dịch vụ, đóng góp trực tiếp tạo ra sản lượng (yield) và GDP.

Các doanh nghiệp mới thành lập này sẽ hoạt động chủ yếu trong các ngành chế biến, chế tạo, dịch vụ, công nghiệp… và do vậy sẽ góp phần quan trọng cho việc chuyển đổi cơ cấu ngành, dịch chuyển lực lượng sản xuất sang các ngành và lĩnh vực có hiệu suất sử dụng vốn, lao động, đất đai cao hơn. Điều này sẽ đóng góp trực tiếp cho việc cải thiện nâng cao năng suất của Việt Nam và hỗ trợ đắc lực cho quá trình chuyển đổi, tái cơ cấu nền kinh tế.

Với mức nộp ngân sách nhà nước (NSNN) của một DNNVV trung bình đạt khoảng 0,5 tỷ đồng/năm thì 410.000 doanh nghiệp mới thành lập và đi vào hoạt động sẽ hình thành một cơ sở nguồn thu thuế mới (tax base) mới vô cùng quan trọng trong trung hạn. Dự kiến, số DNNVV có hoạt động xuất nhập khẩu trực tiếp cũng sẽ tăng gấp đôi từ khoảng 52.000 doanh nghiệp hiện nay lên hơn 100.000 doanh nghiệp trong 10 năm tới. Điều này sẽ góp phần quan trọng cho việc tăng cường tính kết nối giữa cộng đồng doanh nghiệp trong nước và ngoài nước, giúp DNNVV trực tiếp nắm bắt các cơ hội kinh doanh từ USBTA, WTO, AEC, TPP, EVFTA và các hiệp định thương mại khác mang lại.

Với các DNNVV mới được thành lập và đi vào hoạt động, dự báo tới năm 2020 sẽ có thêm khoảng 7 triệu việc làm mới được tạo ra bởi các DNNVV, đóng góp quan trọng cho việc mở rộng số lượng lao động trong vực chính thức. Đây sẽ là nền tảng quan trọng để góp phần làm tăng độ che phủ bảo hiểm y tế từ 70 triệu người lên 78,2 triệu người (đạt độ bao phủ 85,5% so với mức 76,5% hiện nay) và tăng độ che phủ bảo hiểm xã hội lên 50% và độ che phủ bảo hiểm thất nghiệp lên 35% lực lượng lao động.Với hơn triệu việc làm được tạo ra góp phần chuyển dịch hơn 7 triệu lao động từ khu vực nông thôn sang khu vực công nghiệp, dịch vụ. Do các hiệu ứng của việc nâng cao năng suất qua chuyển đổi cơ cấu kinh tế ngành, năng suất lao động tổng thể của nền kinh tế Việt Nam, một vấn đề đáng lo ngại khác của nền kinh tế Việt Nam hiện nay, cũng sẽ được cải thiện đáng kể.Theo một số nghiên cứu ban đầu, với thực tế hiện nay là thu nhập tại khu vực phi nông nghiệp cao gấp 3,2 lần khu vực nông nghiệp (4,8 triệu/năm so với 1,5 triệu/năm) tổng thu nhập tăng thêm của người dân nhờ quá trình chuyển dịch lao động từ khu vực nông nghiệp, nông nghiệp thuần túy sang khu vực doanh nghiệp trong 4 năm tới dự kiến là 22.400 tỷ đồng (1 tỷ đô la Mỹ).

Với 1 triệu doanh nghiệp được thành lập và duy trì hoạt động, Việt Nam sẽ hình thành hàng triệu chủ doanh nghiệp, nhà quản lý doanh nghiệp, nhà đầu tư vào các doanh nghiệp… Điều này hỗ trợ cho việc hình thành một tầng lớp trung lưu tại Việt Nam. Tầng lớp trung lưu này sẽ có mức chi tiêu và tiêu dùng cao hơn và góp phần trực tiếp cho việc mở rộng tiêu dùng, hỗ trợ cho phát triển kinh tế cũng như các mục tiêu về gắn kết xã hội.

Dưới đây là một số hình ảnh của các đại biểu phát biểu tại Hội thảo:







Hoàng Long