Đi qua Tây Nguyên

Đêm Buôn Mê nồng nàn hương cà phê, gió lồng lộng giăng mây nhòa phố núi.Chưa nói lời chia tay mà mắt ai vương bụi, Để ta một lần thức trọn với Buôn Mê...(Trần Dũng)

Chuyến đi Tây Nguyên của tôi khởi đầu bằng một sự nhầm lẫn: đinh ninh máy bay sẽ hạ cánh ở Pleiku sau khoảng 1 giờ bay. Vì tôi suy diễn thời gian bay từ Hà Nội tới Thành phố Hồ Chí Minh mất gần 2 tiếng, Pleiku nằm ở giữa quãng đường dĩ nhiên chỉ mất 1 tiếng. Đến khi ở trên máy bay hơn 1 tiếng vẫn chưa thấy tín hiệu báo hạ thấp độ cao để hạ cánh, thắc mắc thì cô tiếp viên vừa cười vừa giải thích: đây là máy bay nhỏ, chỉ chở được hơn 60 hành khách, bay với tốc độ bằng nửa máy bay to nên mất nhiều thời gian hơn.

Cảm giác đầu tiên khi đặt chân xuống sân bay Pleiku lúc 4 giờ rưỡi chiều là sự nhẹ nhõm, sau khi xuống cầu thang máy bay, hành khách đi bộ một quãng vào thẳng nhà ga. Phóng tầm mắt ra bên ngoài thấy những mảng nắng rực lên theo sườn núi, hoa lau trắng xiêu xiêu theo gió mát hiu hiu. Có phải tôi may mắn vì đến đúng vào ngày đẹp trời? Người bạn ra đón trả lời: khí hậu Tây Nguyên về cơ bản quanh năm như thế. Vào mùa khô, cữ trưa có chút nắng nóng nhưng càng về chiều càng mát dần và đến tối thì se lạnh. Quả đúng vậy, sau khi trời tối thì nhiệt độ ngoài trời chỉ khoảng 25 - 26 độ. Vốn dĩ được rèn luyện với cái lạnh cắt da cắt thịt ở miền Bắc, tôi chỉ phong phanh sơ mi nên tối đầu tiên ở Gia Lai, tôi ngạc nhiên khi gặp bạn bè thấy ai cũng mang áo khoác, nhiều quán nhậu mới hơn 8 giờ tối đã khá vắng. Chủ quán và nhân viên cũng không nhiệt tình, vồ vập náo nức như một số đô thị mà tôi đã từng đến. Không hẳn muốn đuổi khách nhưng ý như mời các bác ăn nhanh uống nhanh để chúng em còn nghỉ. Cũng có cái hay, thay vì phải uống đến đêm, chơi tới bến như khi tụ bạ bạn bè ở miền Tây hay thành phố Hồ Chí Minh, tôi được ngắm cái nhịp sống êm ả của thành phố cao nguyên khi đi qua những đường phố đang chìm dần vào giấc ngủ.

Và không riêng Pleiku. Những nơi tôi đến trong chuyến đi đều phảng phất cái nhịp điệu chậm chậm, không bon chen như thế. Có thể tôi sai, vì dù sao chỉ là người đến đây lần đầu. Trước chuyến đi, tôi cũng hình dung về vùng đất này theo những công thức được các nhà thơ, nhạc sĩ, hay những phượt thủ lừng danh đã đúc kết: mãnh liệt, hào phóng, nguyên sơ hoang dại nhưng cũng gần gũi v.v... Bởi vậy tôi vẫn thử tìm thêm xem có gì khẳng định cảm nhận của mình hay không. Một tối ở Buôn Ma Thuột, đi tìm để nếm thử hương vị cà phê, bất ngờ được chị chủ quán rất xinh đẹp, nhẹ nhàng bê ra mời "uống trà Bắc" bằng bộ khay, ấm và chén có hình thù giống kiểu Ba Tư được trang trí cầu kỳ, dùng uống cà phê thì hợp hơn. Chủ quán giải thích lý do rằng lâu mới nghe giọng người Bắc nên chị thấy xúc động. Chị kể quê ở Vĩnh Phúc, làm ăn ở Hà Nội, cưới xong theo chồng vào đây lập nghiệp. Tôi khen chị may mắn và hạnh phúc khi được sống ở một thành phố đẹp, khí hậu tuyệt vời và sở hữu cơ ngơi rất đáng mơ ước. Chị tán thành nhưng khoát tay chỉ mặt bằng quán rộng ngót nghét tới hơn trăm mét vuông lưa thưa khách, thậm chí ở góc có khách hàng còn tranh thủ ngả lưng làm một giấc, nói thêm: "Ở đây nhịp sống chậm chậm vậy đó. Dễ chịu nhưng riết rồi mình tự nhiên thấy bằng lòng, không còn khí thế như khi ở Hà Nội, lúc đó tôi kiếm tiền ác lắm...". Gặp chị và một số gia đình gốc Bắc, Trung lập nghiệp ở đây, tôi liên tưởng tới hình ảnh những người đi khai hoang, kinh tế mới bồng bế, tay xách nách mang thỉnh thoảng vẫn ghé vào nhà tôi ở con phố gần ga Hàng Cỏ xin nước uống cách đây vài chục năm. Họ nghỉ chân chốc lát rồi thất thểu lên đường. Có lần nghe họ nói rằng sẽ đi vào tận Đắk Lắk, rừng thiêng nước độc xa xôi nhưng ít ra còn nhiều đất hơn ở quê, may ra sống được. Hay một người bạn quê gốc Bình Định kể rằng, với một công ty xe du lịch chạy không hết việc cộng thêm chục héc ta cao su, điều, cây ăn quả… bây giờ, không ai tin nổi gần 20 năm trước anh và gia đình dắt díu nhau ngược theo quốc lộ 19 lên Gia Lai để tìm kế mưu sinh chỉ với vài bộ quần áo và gói cơm nắm. Với những khởi đầu tưởng chừng vô vọng ấy, đất Tây Nguyên lại mang đến cho họ cơ hội để có một cuộc sống hoàn toàn khác. Tôi từng gặp một gia đình ở Đắk Lắk trúng vụ cà phê, đã tự đánh "xế khủng" chở theo rất nhiều tiền đi Hà Nội chơi để mua sắm cho đã. Có khi nào họ ở trong số những người tôi đã gặp ngày xưa không?

Tôi tạm biệt Tây Nguyên ở sân bay Liên Khương - Đà Lạt trong buổi trưa rực nắng với bầu trời xanh ngắt, lộng lẫy mây trắng. Một chuyến đi quá ngắn để đến hết những nơi tôi muốn. Và thực tế, tôi cũng chứng kiến không chỉ toàn những điều êm ả, lãng mạn như vừa kể trên. Song đó lại là vấn đề khác. Hôm trước khi quay về Hà Nội, tôi được nghe một anh lái taxi kể, mấy năm trước chỉ định ghé qua Đà Lạt, Lâm Đồng một lần chơi cho biết nhưng rồi trong nháy mắt đã quyết định xin việc để gắn bó lâu dài. Anh tỏ ra hoàn toàn hài lòng với cơ duyên của mình với câu ví von "một khi lòng đã ưng rồi là yêu". Tôi nghĩ chỉ riêng cái khoáng đạt này thôi đã là món quà vô giá của miền đất Tây Nguyên bao dung tặng cho mỗi con người, dù sinh sống ở đây, hay đến rồi đi như tôi.
Thái Anh