Diễn đàn Xúc tiến Đầu tư - Thương mại Việt Nam - Nhật Bản

Trong 7 tháng đầu năm 2015, thành phố Hồ Chí Minh đứng đầu trong cả nước về thu hút đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, với chính sách ưu đãi, đầu tư linh hoạt, thành phố tiếp tục là thị trường giàu tiềm

Diễn đàn xúc tiến thương mại - đầu tư Việt Nam Nhật Bản diễn ra tại TP. Hồ Chí Minh ngày 31/7, do UBND TP tổ chức, có sự tham dự của ông Võ Văn Thưởng - Phó Bí thư thường trực Thành ủy TP. Hồ Chí Minh, ông Lê Thanh Liêm - Phó Chủ tịch UBND TP, ông Nakajima Satoshi - Tổng Lãnh sự quán Nhật Bản tại TP. Hồ Chí Minh.

Tham dự diễn đàn còn có Liên đoàn kinh tế Keidanren của Nhật Bản cùng với 30 Tập đoàn kinh tế lớn đến từ Nhật Bản theo lời mời của UBND TP và gần 50 doanh nghiệp Nhật Bản đang đầu tư tại TP. Hồ Chí Minh.

Phó Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Lê Thanh Liêm phát biểu tại Diễn đàn

Phát biểu tại diễn đàn, Phó Chủ tịch UBND TP Lê Thanh Liêm cho biết, hiện đang có làn sóng đầu tư mới từ Nhật Bản vào Việt Nam và mong muốn tiếp tục nhận được sự hợp tác hỗ trợ tích cực từ Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp Nhật Bản trong hợp tác và đầu tư. Đặc biệt là trong các lĩnh vực đường sắt đô thị, xử lý nước thải và thương mại nhằm góp phần đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế của TP. Hồ Chí Minh.

Tính đến hết năm 2014, Nhật Bản có tổng vốn đầu tư là 37,3 tỷ USD vào Việt Nam. Riêng tại TP. Hồ Chí Minh, có gần 780 doanh nghiệp Nhật Bản đang đầu tư. Trong 6 tháng đầu năm 2015, thương mại hai chiều giữa TP. Hồ Chí Minh và Nhật Bản đạt gần 3 tỷ USD, trong đó TP xuất khẩu 1,8 tỷ USD.

Ông Mukuta Satoshi - Giám đốc điều hành cấp cao Keidanren phát biểu tại diễn đàn

Tại diễn dàn, ông Mukuta Satoshi - đại diện Liên đoàn kinh tế Keidanren Nhật Bản tin tưởng rằng, khi Cộng đồng kinh tế chung ASEAN bắt đầu vào cuối năm 2015, thì Việt Nam được xem là cửa ngõ quan trọng vào ASEAN của Nhật Bản và đóng vai trò lớn trong chiến lược chuỗi cung ứng toàn cầu.

Đồng quan điểm với các ý kiến trên, nhiều doanh nghiệp đi cùng với đoàn Keidanren Nhật Bản cho biết, họ rất mong chờ đến đầu tư vào Việt Nam, do môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam hiện ngày càng minh bạch và thông thoáng hơn, nhờ sự chỉ đạo điều hành quyết liệt của Chính phủ Việt Nam.

Bên cạnh lĩnh vực công nghiệp, nhiều nhà đầu tư Nhật Bản còn đặc biệt quan tâm đến tiềm năng phát triển của nhiều ngành dịch vụ tại TP. Ngoài ra, đầu tư phát triển hạ tầng giao thông cũng là lĩnh vực quan trọng đối với các công ty Nhật Bản.

Tại diễn đàn xúc tiến đầu tư thương mại Việt Nam - Nhật Bản, Trung tâm Xúc tiến Thương mại - Đầu tư TP. Hồ Chí Minh đã tổ chức buổi kết nối đầu tư, thương mại giữa các doanh nghiệp Việt Nam - Nhật Bản, thuộc các nhóm lĩnh vực gồm: Công nghiệp, nông nghiệp, công nghiệp chế biến thực phẩm, giao nhận vận tải, xây dựng, bất động sản, môi trường, tài chính, ngân hàng, bảo hiểm… Nội dung trao đổi gắn liền với hoạt động giao thương và xây dựng môi trường đầu tư giữa hai nước trong thời gian tới.

Bà Lê Thị Huỳnh Mai - Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP cho biết, TP đã thành lập tổ công tác vùng Kansai để thu hút các nhà đầu tư Nhật Bản, đến tìm hiểu môi trường đầu tư kinh doanh tại TP. Bên cạnh đó, TP đã chuẩn bị Khu công nghiệp Việt - Nhật tại Hiệp Phước, với quy mô 13 ha, dự kiến đến cuối năm 2015 sẽ phát triển 100 ha để sẵn sàng tạo quỹ đất cho các nhà đầu tư Nhật Bản đến đầu tư và sản xuất ngay tại TP.

Ngoài ra, để đón các làn sóng đầu tư, TP hiện đang có 17 Khu chế xuất & Khu công nghiệp với diện tích trên 4.000 ha, trong đó có 02 khu Công nghệ cao, cùng một khu Nông nghiệp công nghệ cao. Dự kiến, TP sẽ thành lập thêm 07 Khu công nghiệp mới với diện tích hơn 2.000 ha, với những cơ sở hạ tầng đang hoàn thiện, các doanh nghiệp khi đầu tư vào có thể bắt tay ngay sản xuất.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, 7 tháng đầu năm nay, TP. Hồ Chí Minh là địa phương thu hút vốn đầu tư nước ngoài nhiều nhất, với tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm là 2,42 tỷ USD, chiếm 27,5% tổng vốn đầu tư đăng ký của cả nước.

Doanh nghiệp Việt Nam - Nhật Bản tìm hiểu trao đổi tại diễn đàn

Tại diễn đàn, nhận định của nhiều chuyên gia kinh tế cho biết, các doanh nghiệp Nhật Bản là những nhà đầu tư khó tính, tuy nhiên số dự án còn hiệu lực và ngày càng có nhiều đoàn doanh nghiệp Nhật Bản đến TP. Hồ Chí Minh để tìm hiểu môi trường đầu tư cho thấy, TP vẫn có sức thu hút lớn với các doanh nghiệp Nhật Bản.

Tính từ năm 1988 đến ngày 15/7/2015, Nhật Bản hiện có 788 dự án còn hiệu lực trên địa bàn TP, với tổng vốn đầu tư 2,72 tỷ USD. Các lĩnh vực thu hút vốn đầu tư từ Nhật Bản vào TP. Hồ Chí Minh nhiều nhất là: Bất động sản, công nghiệp chế biến, chế tạo; Bán buôn và bán lẻ; Sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy và xe có động cơ khác; Khoa học công nghệ.

Ông Hirotaka Yasuzumi - Giám đốc JETRO tại TP. Hồ Chí Minh phát biểu tại diễn đàn

Theo ông Hirotaka Yasuzumi - Giám đốc điều hành cơ quan xúc tiến Ngoại thương Nhật Bản (JETRO) tại Thành phố Hồ Chí Minh, hiện nay, trong xu hướng lựa chọn các quốc gia để đầu tư, các công ty Nhật Bản có xu hướng lựa chọn thêm hình thức: Thái +1 và Trung Quốc + 1, tức là có nhà máy tại Thái Lan và Trung Quốc thì sẽ mở thêm một nhà máy ở các nước Đông Nam Á, trong đó, Việt Nam được chọn là ưu tiên hàng đầu.

Toàn cảnh diễn đàn xúc tiến Đầu tư & Thương mại Việt Nam - Nhật Bản 2015 tại TP. Hồ Chí Minh

Ngoài ra, khi các nhà đầu tư Nhật Bản chọn đầu tư tại thị trường Việt Nam có 02 lý do, đặc biệt là TP. Hồ Chí Minh, do Thành phố là trung tâm kinh tế có dân số đông, thị trường tiêu thụ rộng lớn. Thứ hai là trong quá trình toàn cầu hóa mạng lưới sản xuất của doanh nghiệp Nhật Bản, họ rất chú trọng khu vực ASEAN, trong đó có Việt Nam, đặc biệt là TP. Hồ Chí Minh, nơi mà ở đây, cơ sở hạ tầng và môi trường đầu tư ngày càng thuận tiện.


Hồng Lực