Dõi theo một người đi vào tâm bão

Một người hành động, sẵn sàng lãnh nhận trách nhiệm như ông cũng đang bình yên ở trong tâm bão theo triết lý cổ xưa “tay làm tâm bình”. Ông cũng mới đi hết 1 phần 5 nhiệm kỳ, nên hẳn có nhiều điều để

Lãnh nhận trách nhiệm

Năm 2016 là một năm đặc biệt với 2 lần Quốc hội phê chuẩn thành viên Chính phủ nhiệm kỳ 2016-2021 vào tháng 4 và tháng 7. Chính phủ mới cũng hết sức đặc biệt, ngay trong phiên họp đầu tiên vào ngày 4 tháng 5, các thành viên Chính phủ đã phải nghe và thảo luận một báo cáo về xử lý sự cố môi trường gây chết cá ở một số tỉnh ven biển miền Trung; như một dự cảm cho những tháng ngày không mấy êm ả đang chờ ở phía trước.

Sau đó, hàng loạt các tổ chức kinh tế thế giới WB, ECB, ADB, Bloomberg, Reuter, HSBC… lần lượt đánh giá lại theo hướng kinh tế thế giới sẽ phục hồi chậm hơn dự đoán hồi đầu năm.

Trong số các tân bộ trưởng Chính phủ nhiệm kì này, có lẽ, Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh là người chịu áp lực nặng nề nhất. Tư lệnh một bộ kinh tế đa ngành, bao quát đến 70% GDP đất nước, ông hàng ngày hàng giờ phải đối mặt với làn sóng tin tức, từ giá dầu thô giảm sâu; giảm phát ở thị trường xuất khẩu chính nước ta; sự biến tướng của bán hàng đa cấp… đến những bất cập nội tại của ngành như bộ máy cồng kềnh, công tác cán bộ, kỷ luật hành chính, những dự án quy mô nghìn tỷ đang gặp khó khăn, những quy định vấp phải sự phản ứng nhiều chiều của doanh nghiệp…

Đến nay một năm nhìn lại,  Bộ Công Thương được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đánh giá là bộ đi đầu trong cải cách thủ tục hành chính, đi đầu trong cơ cấu lại bộ máy, đi đầu trong xây dựng thể chế để thực hiện Chính phủ kiến tạo, phục vụ người dân và doanh nghiệp.

Tôi không liệt kê những việc mà người tư lệnh ngành như ông phải làm và đã làm, bởi trong thời buổi bùng nổ truyền thông và sự lan tỏa của mạng internet, tất cả đều được cập nhật hàng ngày.

Nhưng tôi, cũng như phần đông chúng ta, đôi lúc sẽ có những giây phút tĩnh lặng nào đó, bất giác tự hỏi, một năm là khoảng thời gian không nhiều, lại thêm những tháng ngày bàn giao, chuyển tiếp giữa 2 nhiệm kỳ, ông và cộng sự trong bộ máy lãnh đạo đã làm những gì, để “ổn  định” tình hình và bước đầu ghi được dấu ấn khả quan?

Là người theo sát chân ông tại các hội thảo, hội nghị, họp giao ban hay xuống làm việc trực tiếp tại đơn vị… từ thời ông mới chuyển công tác từ Phó chủ tịch UBND tỉnh Cần Thơ về làm Thứ trưởng Bộ Công Thương, tôi có thể đoan chắc, trong những thành quả bước đầu ấy, có dấu ấn của tính cách sẵn sàng  nhận trách nhiệm nơi ông.

Khi  làm cấp trưởng, dấu ấn tính cách ấy nhanh chóng hòa mình trong môi trường Chính phủ kiến tạo mà Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khởi xướng. Ông khơi gợi ra xung quanh bộ máy của mình, từ cộng sự lãnh đạo đến các đơn vị thuộc cấp tinh thần sẵn sàng nhận trách nhiệm.

Tinh thần ấy khiến ông và bộ máy luôn xuất hiện kịp thời ở những điểm nóng, từ “xóa sổ” hàng loạt công ty đa cấp bất chính; thu hồi các quyết định bổ nhân sự đến đồng loạt kiểm tra, động kinh doanh hóa chất nhỏ lẻ...

Tinh thần ấy khiến ông yêu cầu trách nhiệm tham mưu của cấp cục, vụ; cầu thị lắng nghe người dân, doanh nghiệp, các chuyên gia độc lập dẫn đến bãi bỏ, sửa đổi, bổ sung một loạt văn bản pháp quy theo hướng tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân yên tâm bỏ vốn làm ăn.

Với tinh thần ấy, guồng máy hành chính Bộ Công Thương đề cao trách nhiệm giải trình trước Quốc hội, Chính phủ và nhân dân về mọi hoạt động của mình, dù là những việc đơn lẻ như cán bộ đi lễ chùa vào giờ hành chính, tin đồn thổi mất 20.000 USD cho giấy phép xuất khẩu gạo hay những chuyện quốc gia đại sự như tổ chức hội nghị lấy ý kiến các bộ ngành, chuyên gia về vận hành hồ thủy điện an toàn; thuê công ty nước ngoài tư vấn quy hoạch ngành thép…

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đi thăm và kiểm tra công tác đảm bảo điện Tết Kỷ Dậu tại Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia

Để đi đến tận cùng sự việc, ông không nề hà sử dụng những công cụ có trong tay. Xét về hình thức, đó có thể là những công cụ rất “đẳng cấp” như viết công thư đề nghị Ấn Độ, Australia dỡ bỏ lệnh cấm nhập khẩu một số mặt hàng xuất chính nước ta (và đã đạt kết quả tốt đẹp); đó có thể là công cụ bình dân như hóa trang vi hành kiểm tra hoạt động của doanh nghiệp cung cấp dịch vụ công trực tuyến; đó có thể là những cuộc vừa đi thăm động viên, kết hợp với giao nhiệm vụ như các cuộc đến EVN, Petrolimex nhân dịp Tết Kỷ Dậu…

Tinh thần lãnh nhận trách nhiệm khiến ông không mấy băn khoăn về công cụ sử dụng. Tính chất công việc thế nào thì sử dụng công cụ ấy. Tất cả chỉ để phục vụ sứ mệnh: “Tôi phải làm và tôi sẽ làm”.

Nhà ngoại giao kinh tế

Tôi đặt tạm thế, bởi rất khó phân biệt ông là nhà ngoại giao làm kinh tế hay là nhà kinh tế sử dụng công cụ ngoại giao?

Thống kê sơ bộ, kể từ khi lên làm Bộ trưởng Công Thương đến nay, ông có hàng trăm cuộc tiếp xúc với người đồng cấp, các chính khách, chuyên gia kinh tế nước bạn, nhân dịp tháp tùng các chuyến thăm của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ; tham gia các hội nghị, diễn đàn kinh tế đa phương. Ở trong nước là các buổi tiếp các quan khách ngoại giao, đại sứ, các tổ chức kinh tế, tiền tệ, lãnh đạo các tập đoàn kinh tế đa quốc gia…

Ông tận dụng các cơ hội này để tìm kiếm đối tác, nguồn lực cho phát triển công nghiệp và thương mại nước ta. Ở mỗi cuộc gặp, ông bao giờ cũng có những đề nghị cụ thể cho sự hợp tác đó.

Tháng 4 năm 2017, trong chuyến tháp tùng Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm Nhật Bản, ông đã tới trụ sở của Toyota tại tỉnh Aichi và đề nghị Tập đoàn này tập trung nghiên cứu đầu tư sản xuất 1 đến 2 mẫu xe phục vụ thị trường Việt Nam và có tính đến việc xuất khẩu với tỉ lệ nội địa hóa cao, trong bối cảnh thuế suất thuế nhập khẩu ô tô trong khu vực sẽ về 0% đối với các dòng xe đạt tỷ lệ nội địa hóa trên 40% vào năm 2018.; đồng thời hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất linh kiện, phụ tùng của Việt Nam tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu của Toyota.

Tại buổi tiếp Bộ trưởng Thương mại, Du lịch và Đầu tư Úc Keith Pitt sang thăm và làm việc tại Việt Nam, ông cũng đề nghị người đồng cấp quan tâm đến việc hợp tác Việt - Úc trong các lĩnh vực công nghiệp than đá, dầu mỏ nhằm đảm bảo an ninh năng lượng cho Việt Nam.

Tại cuộc gặp với Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc Chung Sơn đầu tháng 5, ông nêu những vấn đề còn tồn tại trong quan hệ thương mại, hợp tác công nghiệp giữa hai bên, đồng thời đưa ra các phương án giải quyết các vấn đề một cách cụ thể như thúc đẩy thành lập Văn phòng XTTM tại Việt Nam tại Hàng Châu; mở cửa thị trường Trung Quốc cho các mặt hàng nông sản, thúc đẩy ký kết thỏa thuận dài hạn về thương mại gạo giữa các doanh nghiệp lớn hai nước; tháo gỡ rào cản kỹ thuật đối với xuất khẩu than tồn kho của Việt Nam và thúc đẩy giải quyết vướng mắc của một số dự án hợp tác công nghiệp...

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh tiếp Bộ trưởng Thương mại, Du lịch và Đầu tư Úc Keith Pitt

Với cái nhìn nhạy bén của một tư lệnh bộ kinh tế đa ngành, liên quan nhiều đến sự hợp tác quốc tế, khi tình hình thế giới có sự biến động, ông đã có sự chỉ đạo chuyển hướng kịp thời.

Tại cuộc họp giao ban tuần đầu tiên của Tết Nguyên Đán Kỷ Dậu, ngày 6 tháng 2, sau khi nghe Cục XNK thông báo kết quả đáng khích lệ của tháng 1 năm 2017, ông lưu ý, năm nay xuất khẩu là lĩnh vực rất “nóng”, chúng ta không chỉ phải đối đầu với xu thế bảo hộ mậu dịch trên thế giới với quy mô và mức độ lớn hơn, mà còn chịu tác động bởi chính quyền mới Hoa Kỳ có nhiều thay đổi trong chính sách thương mại. Từ đó, yêu cầu các đơn vị tham mưu xem xét lại hình thức hợp tác của Hội đồng Thương mại và Đầu tư TIFA Việt Nam - Hoa Kỳ.

Gần 2 tháng sau, trong buổi tiếp xã giao bà Barbara Weisel, Trợ lý Bộ Thương mại cùng đoàn Hoa Kỳ tới Việt Nam tham dự phiên họp Hội đồng Thương mại và Đầu tư TIFA Việt Nam - Hoa Kỳ, hai bên nhất trí cho rằng, trao đổi song phương qua kênh Hội đồng Thương mại và Đầu tư TIFA được tái khởi động là một hình thức phù hợp trong bối cảnh Hoa Kỳ có nhiều thay đổi trong cách tiếp cận và đánh giá các vấn đề quốc tế, chuyển từ đàm phán đa phương sang song phương. Đây sẽ được coi là diễn đàn để hai bên có thể trao đổi cụ thể, trực tiếp và bàn phương hướng giải quyết những vấn đề trong quan hệ kinh tế, thương mại và đầu tư giữa hai nước.

Nhắc lại cuộc họp tổng kết ngành đầu năm, Thủ tướng khen Bộ Công Thương đạt được nhiều tiến bộ, một người bạn hỏi tôi rằng, liệu những tiến bộ ấy, có khả năng chuyển hóa thành công Kế hoạch hành động của Bộ Công Thương thực hiện Nghị quyết 19 của Chính phủ hay không?

Trong Kế hoạch này, đến năm 2020, nước ta đạt điểm số trung bình của nhóm ASEAN 4 trên các nhóm chỉ tiêu về Năng lực cạnh tranh, về Đổi mới sáng tạo và thực hiện Chính phủ điện tử.

Tôi nghĩ, bản chất của Kế hoạch hành động đến năm 2020 là một cuộc đua marathon. Mình khởi động, các đối tác, đối thủ của chúng ta cũng khởi động; mình nước rút, họ cũng nước rút; rất khó để xác quyết điều gì. Nhưng với tính cách của một tư lệnh ngành sẵn sàng lãnh nhận trách nhiệm; tinh thần tận dụng mọi kênh ngoại giao tìm đối tác, nguồn lực cho sự hợp tác phát triển, ông đã xuất phát đúng hướng trong việc hướng đến giữ gìn kỷ cương phép nước về quản lý con người, bộ máy cũng như đổi mới cách tiếp cận trong khai thác nguồn lực đất nước.

Cổ nhân có câu rằng “tay làm tâm bình”. Anh làm thì anh biết người, biết việc, biết diễn tiến, biết kết quả, nên trong lòng bình yên, không còn lo âu, hồ nghi hay thắc mắc gì nữa. Chuyện này cũng đúng với quy luật của thiên nhiên, nơi bình yên nhất chính là tâm bão.

Tôi nghĩ, một người hành động, sẵn sàng lãnh nhận trách nhiệm như ông cũng đang bình yên ở trong tâm bão theo triết lý cổ xưa “tay làm tâm bình”. Ông cũng mới đi hết 1 phần 5 nhiệm kỳ, nên hẳn có nhiều điều để mọi người kỳ vọng, dõi theo ông trong cái tâm bão ấy.


Nguyễn Văn