Đồng bằng sông Cửu Long và TP. Hà Nội: Kết nối hiệu quả tiêu thụ nông sản Việt

Vốn được mệnh danh là “vựa” của hàng loạt những loại nông lâm thủy sản có chất lượng cao như gạo, thủy hải sản, trái cây… cái “bắt tay” giữa các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) và TP. Hà Nội sẽ g

Cầu nối thành công giữa người tiêu dùng và các sản phẩm nông sản


Gạo Cần Thơ, hành tím Sóc Trăng, xoài cát Hòa Lộc, vú sữa Lò Rèn… là những đặc sản đặc trưng của vùng ĐBSCL. Không những xuất khẩu thành công sang nhiều quốc gia, các sản phẩm này còn được người tiêu dùng trong nước rất ưa chuộng. Tuy nhiên, giống như nhiều sản phẩm nông sản Việt khác, các sản phẩm nông sản ĐBSCL rất dễ rơi vào tình trạng “được mùa, mất giá”, đầu ra không ổn định.


Là một trong những địa phương có sức tiêu thụ hàng đầu cả nước, TP. Hà Nội có nhu cầu rất lớn với các sản phẩm nông sản của ĐBSCL. Trong những năm qua, Hà Nội đã triển khai công tác liên kết với các tỉnh, thành phố khu vực ĐBSCL như An Giang, Tiền Giang, Cần Thơ… giúp các doanh nghiệp (DN) Hà Nội tìm hiểu vùng nguyên liệu, đồng thời tiêu thụ các sản phẩm thế mạnh của địa phương. Năm 2015, ngành Công Thương Hà Nội đã hỗ trợ nông dân tỉnh Sóc Trăng tiêu thụ 105 tấn hành tím. Bên cạnh đó, với các hội chợ đặc sản vùng miền được tổ chức thường xuyên, một lượng lớn hoa quả, nông sản, thủy sản của ĐBSCL đã được đưa về Hà Nội tiêu thụ.


Nhằm hỗ trợ DN ĐBSCL và Hà Nội hợp tác tiêu thụ sản phẩm, mới đây, TP. Hà Nội đã ký Thỏa thuận chương trình hợp tác xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch với Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ, trong đó nêu rõ, Hà Nội sẽ đẩy mạnh phối hợp, thông tin, định hướng giúp các địa phương vùng ĐBSCL nâng cao hơn nữa chất lượng sản phẩm, đáp ứng các tiêu chuẩn theo quy định, đảm bảo nguồn cung hàng hóa... Chương trình này được kỳ vọng sẽ khuyến khích người dân ĐBSCL không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm, DN bán lẻ Thủ đô cũng có ý thức đẩy mạnh tiêu thụ các mặt hàng nông sản ĐBSCL tại hệ thống phân phối, từ đó hình thành chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm, nông sản giữa Hà Nội và vùng ĐBSCL ổn định, lâu dài.

 

Cần nhiều hỗ trợ cụ thể


Mặc dù đã bắt đầu có những hợp tác cụ thể nhưng thực tế, hoạt động kết nối tiêu thụ nông, thủy sản cho người dân khu vực ĐBSCL thời gian qua còn bộc lộ nhiều bất cập. Cụ thể, khoảng cách xa về địa lý khiến cước phí vận tải tăng cao. Khả năng đóng gói, vận tải và bảo quản hạn chế đã làm giảm sức hấp dẫn của sản phẩm địa phương, nhất là đối với hàng nông, thủy sản. Đơn cử như với sản phẩm hành tím, giá hành loại 1 tại Sóc Trăng là 9.000 đồng/kg, chi phí vận chuyển đến Hà Nội là 2.500 đồng/kg, giá bán là 13.000 đồng/kg, trong khi hao hụt thường từ 7 - 10%. Do đó, DN gần như không có lãi.


Bên cạnh đó, các địa phương còn thiếu vắng những DN lớn làm đầu mối thu mua hàng hóa cho bà con nông dân. Trong khi các hộ gia đình, HTX vẫn sản xuất hàng hóa theo tập quán truyền thống. Điều này dẫn đến nhiều loại nông sản chưa đáp ứng được các yêu cầu về thủ tục giấy tờ đăng ký, kiểm định chất lượng, phương thức thanh toán, mẫu mã bao bì sản phẩm, thu gom, bảo quản, vận chuyển…

Những khó khăn trong quá trình tiêu thụ nông sản ĐBSCL cho thấy, để tiêu thụ nông sản ĐBSCL bền vững, xây dựng chuỗi liên kết tiêu thụ, nâng cao giá trị sản phẩm là giải pháp quan trọng hàng đầu.


Xây dựng chuỗi liên kết tiêu thụ, nâng cao giá trị sản phẩm là giải pháp quan trọng hàng đầu trong tiêu thụ nông sản ĐBSCL.

Theo Sở Công Thương Hà Nội, trong quá trình hỗ trợ người dân khu vực ĐBSCL tiêu thụ sản phẩm, các sở, ngành khu vực ĐBSCL cần đẩy mạnh phối hợp, thông tin, định hướng cung - cầu; hướng dẫn DN, cơ sở sản xuất áp dụng các tiêu chuẩn đã được chứng nhận như ISO để nâng cao chất lượng hàng nông, thủy sản; đẩy mạnh liên kết, nhanh chóng xây dựng chuỗi cung ứng sản phẩm bền vững từ đầu vào đến đầu ra để giảm giá thành sản phẩm.