Động lực phát triển các làng nghề ở Hòa Bình

Tỉnh Hòa Bình là địa phương có nhiều nét văn hóa truyền thống đặc trưng. Gắn liền với sự phát triển những văn hóa đó là các làng nghề (LN) với những sản phẩm truyền thống nổi tiếng như dệt thổ cẩm, nấ

Thực trạng phát triển các làng nghề

Theo số liệu thống kê, hiện toàn Tỉnh có khoảng 20.612 cơ sở tham gia sản xuất ngành nghề nông thôn với số lao động là 50.056 người; có 13 làng nghề và 30 loại hàng thủ công mỹ nghệ khác nhau; có khoảng 1.000 nghề, trong đó có một số nghề truyền thống (NTT) nổi tiếng như dệt thổ cẩm, nấu rượu, mây tre đan, đá cảnh,... Tuy nhiên, sự phát triển các LN vẫn mang tính tự phát; gần 80% các cơ sở không đủ vốn để đầu tư đổi mới kỹ thuật, mở rộng quy mô sản xuất; tuy là tỉnh miền núi với diện tích rừng tự nhiên rộng lớn, nhưng vẫn thiếu nguyên liệu tại chỗ và nguồn nguyên liệu đa số phải chuyển từ nơi khác về; thị trường tiêu thụ chưa được mở rộng, một mặt do các sản phẩm thủ công còn đơn điệu về mẫu mã, mặt khác do chất lượng sản phẩm chưa cao, hầu hết các sản phẩm lưu thông trên thị trường chưa có nhãn hiệu hàng hoá nên sức cạnh tranh còn kém.

Trao đổi với chúng tôi, ông Hà Công Thẻ - Phó chủ tịch UBND huyện Mai Châu cho biết “những năm qua, huyện Mai Châu đang là điểm đến của hàng trăm ngàn khách du lịch mỗi năm, và được biết đến với các sản phẩm đậm đà bản sắc dân tộc như dệt thổ cẩm, rượu cần cùng với các truyền thống văn hóa mường. Tuy nhiên, thực trạng sản phẩm của các LN ở Mai Châu hiện nay đang bị mai một. Một trong những nguyên nhân cơ bản là do chưa có vùng nguyên liệu. Nguyên liệu đầu vào thiếu, phụ thuộc vào các hộ dân, phải mua nguyên liệu từ các nhà máy và khu vực lân cận. Mặt khác, do các sản phẩm của Trung Quốc giá rẻ, chất lượng sản phẩm kém đang có mặt trên thị trường khiến người tiêu dùng và du khách đang nhầm lẫn giữa sản phẩm của địa phương với sản phẩm thương mại”. Theo ông Thẻ “Phải quyết tâm giữ nghề. Tỉnh và các cơ quan chức năng cần đầu tư cơ sở hạ tầng, quy hoạch vùng nguyên liệu tại địa phương; đào tạo nghề, gắn nhãn mác cho sản phẩm. Đối với Mai Châu mà không có thổ cẩm và nhà sàn chắc du khách sẽ ít đến Mai Châu”. Cùng chung những trăn trở như Phó chủ tịch UBND huyện Mai Châu, là Chủ tịch UBND xã Chiềng Châu - ông Hà Trọng Lưu “Muốn phát triển NTT thì phải gắn với phát triển du lịch, phải đầu tư cơ sở hạ tầng, đào tạo nghề tại chỗ, xây dựng vùng nguyên liệu; vận động bà con sử dụng nguyên liệu cổ truyền; cần tạo ra những sản phẩm truyền thống có chất lượng để xây dựng thương hiệu riêng cho sản phẩm của địa phương mình”.

Một số sản phẩm của HTX Dệt thổ cẩm và Dịch vụ Du lịch Chiềng Châu

Được sự giới thiệu, chúng tôi đã gặp cơ sở Bảo trợ xã hội Thuận Hòa, xã Chiềng Châu, huyện Mai Châu. Theo chị Vi Thị Thuận – Chủ cơ sở Bảo trợ cho biết “Cơ sở bắt đầu hoạt động từ năm 2008 với mục đích giúp đỡ những người khuyết tật; giữ gìn nghề dệt thổ cẩm truyền thống địa phương. Cơ sở thường xuyên có 23 người làm việc và công việc là nhận thêu, may các sản phẩm thổ cẩm. Doanh thu của cơ sở từ 70 triệu – 100 triệu/tháng và lương của người lao động trung bình 1,5 triệu đồng/người/tháng. Đối với nguồn nguyên liệu: Nếu là sợi tơ, thì chỉ có 1/3 là nguyên liệu địa phương, còn 2/3 là phải mua từ nơi khác về; còn nếu là sợi bông, thì mua từ nơi khác về là 50%”. Chị Thuận mong muốn, làm sao ở địa phương có thể trồng được vùng nguyên liệu bông, tơ, để giảm bớt chi phí cho việc mua các nguyên liệu sản xuất, từ đó sản phẩm có tính cạnh tranh cao hơn trên thương trường”. Còn ở xã Yên Nghiệp, huyện Lạc Sơn, Công ty TNHH MTV Lục Nghiệp Thành đang được biết đến là cơ sở chuyên sản xuất hàng thổ cẩm truyền thống dân tộc. Theo Giám đốc Công ty Dương Thị Bin cho biết “Nghề dệt thổ cẩm ở nơi này đã được khôi phục hơn 10 năm. Được sự quan tâm của các cấp chính quyền địa phương, làng Lục là nơi khơi dậy nghề dệt thổ cẩm đầu tiên và Công ty được thành lập nhằm giữ gìn và phát huy nghề truyền thống. Với quy mô sản xuất bằng hơn 100 khung dệt, Công ty đã tạo công ăn việc làm thường xuyên cho nhiều bà con trong vùng với sản phẩm là quần áo, vải, chăn thổ cẩm… Các sản phẩm của Công ty hiện đã có mặt ở nhiều nơi trong Tỉnh và một số tỉnh lân cận, được khách hàng đánh giá cao về chất lượng sản phẩm”. Hiện bà Bin mong muốn được các cơ quan chức năng giới thiệu thị trường tiêu thụ; tổ chức lớp học để nâng cao tay nghề cho những người lao động; hỗ trợ đầu tư để mở rộng qui mô sản xuất”.

“Đòn bẩy” cho các làng nghề phát triển

Để các làng nghề có cơ hội phát triển và phát huy hiệu quả cao cho kinh tế xã hội địa phương, Nghị quyết số 11/NQ-TU ngày 13/6/2014 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hòa Bình về phát triển nghề truyền thống, làng nghề, làng nghề truyền thống đến năm 2020 được coi như "đòn bẩy", tạo niềm tin và nhiều điều kiện thuận lợi cho các LN phát triển. Trong đó, Nghị quyết đưa ra một số mục tiêu và giải pháp: Bảo tồn, xây dựng và phát triển các NTT, LN, LNTT có tiềm năng lợi thế; tạo ra các sản phẩm mang tính bản sắc, gắn liền với giá trị truyền thống văn hóa lâu đời của đồng bào dân tộc trong tỉnh. Năm 2015 sẽ công nhận thêm 5 LN, LNTT và giai đoạn 2016- 2020 công nhận thêm 10 LN, NTT; tốc độ tăng trưởng bình quân về giá trị sản xuất các ngành nghề chế biến bảo quản nông, lâm, thủy sản đạt 14%/năm; các ngành sản xuất vật liệu xây dựng, đồ gỗ, mây tre đan, thủy tinh, dệt may, cơ khí nhỏ đạt 12%/năm; các ngành hàng thủ công mỹ nghệ đạt 31%/năm...; trung bình mỗi năm sẽ đào tạo nghề cho khoảng 4 nghìn lao động, đến năm 2020 giải quyết được 85,3 nghìn lao động có việc làm ổn định tại các cơ sở ngành nghề nông thôn. Về giải pháp: Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền nhằm tạo sự chuyển biến tích cực đối với cán bộ ở cơ sở và nhân dân về phát triển LN; hỗ trợ nguồn vốn cho các tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng tại các cụm CN, LN; chuyển giao ứng dụng các dây chuyền thiết bị quy mô nhỏ và vừa; hỗ trợ xây dựng vùng nguyên liệu; hỗ trợ 50 triệu đồng cho 01 cơ sở nghề, LNTT sau khi được UBND tỉnh công nhận; hỗ trợ tham gia xúc tiến thương mại và quảng bá sản phẩm; hình thành các cụm tiểu thủ công nghiệp, trung tâm thương mại đầu mối ở nông thôn để tiêu thụ sản phẩm; xây dựng các LN văn hóa du lịch, phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ tại các LN để làm nòng cốt cho sự phát triển.

Với chức năng hỗ trợ, thúc đẩy phát triển công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp nông thôn, những năm qua, Sở Công Thương Hòa Bình đã luôn tích cực cố gắng tham mưu cho UBND tỉnh về phát triển LN. Hàng năm tổ chức nhiều hội chợ, các chương trình xúc tiến thương mại, tổ chức các lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn…; luôn bám sát các cơ sở LN để kịp thời tư vấn, hướng dẫn và hỗ trợ các cá nhân, đơn vị thực hiện các hoạt động đầu tư phát triển nghề và LN sao cho có hiệu quả cao nhất; phối hợp với các cơ quan chức năng giải quyết các vướng mắc, tạo những điều kiện thuận lợi nhất để thúc đẩy phát triển các LN. Trong năm 2013 đã tham mưu cho UBND tỉnh công nhận 2 làng nghề truyền thống là LN dệt thổ cẩm và du lịch Bản Lác, xã Chiềng Châu, huyện Mai Châu và LN dệt thổ cẩm làng Lục, xã Yên Nghiệp huyện Lạc Sơn; ngoài ra đã thực hiện xuất bản hơn 1.000 bản tin Công Thương Hòa Bình, tổ chức thành công 5 hội chợ có qui mô lớn, tổ chức 2 phiên chợ đưa hàng Việt về nông thôn; tổ chức điều tra, khảo sát sơ bộ các sản phẩm nông nghiệp như ngọn susu, cá Dầm xanh, rượu Mai Hạ, tỏi tía. Trong 6 tháng đầu năm 2014, Sở Công Thương đã thực hiện: Phát hành 150 bản tin và cập nhật 500 tin, bài đưa lên website của Sở; phối hợp với các đơn vị tổ chức thành công 4 hội chợ; hỗ trợ và hướng dẫn các doanh nghiệp trong Tỉnh tham gia các hội chợ ở nhiều nơi trên toàn quốc; tổ chức 2 phiên chợ đưa hàng Việt về nông thôn; triển khai các hoạt động khuyến công với tổng kinh phí là 561 triệu đồng; thực hiện chương trình sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả với kinh phí là 140 triệu đồng…

Sự ra đời của Nghị quyết số 11 đã mở ra một hướng đi mới, tạo một động lực mới thúc đẩy các làng nghề của Hòa Bình vươn vai, trỗi dậy phát triển. Qua đó, cũng là cơ sở quan trọng để các cơ quan chức năng phối hợp hiệu quả hơn; các thành phần kinh tế yên tâm đầu tư và đặc biệt là tạo được sự ủng hộ mạnh mẽ của các thành phần trong xã hội tham gia.