Đồng Nai: Năm 2015 tạo bước tiến mới trong thu gom và xử lý chất thải

Năm 2015, ngành Tài nguyên và Môi trường tỉnh Đồng Nai đề ra chỉ tiêu: 100% khu công nghiệp đang hoạt động trên địa bàn có trạm xử lý nước thải tập trung đạt chuẩn môi trường; 100% khu công nghiệp có

Ông Nguyễn Ngọc Thường, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Đồng Nai cho biết, tính đến đầu tháng 11/2014, lượng thu gom chất thải sinh hoạt và công nghiệp không nguy hại trên toàn tỉnh đã đạt 95%, tăng khoảng 4% so với cùng kỳ 2013. Cụ thể, hiện lượng chất thải rắn sinh hoạt và chất thải công nghiệp không nguy hại trên địa bàn tỉnh phát sinh trung bình 2.605 tấn/ngày; lượng thu gom, xử lý là 2.469 tấn rác/ngày, đạt 95%; lượng chất thải nguy hại trên địa bàn tỉnh phát sinh trung bình 236,3 tấn/ngày và lượng thu gom, xử lý được là 213 tấn rác/ngày, đạt 90,2%; chất thải y tế phát sinh trung bình 10 tấn/ngày và đã thu gom, xử lý được 100%.

Thu gom chất thải y tế

Như vậy, tỷ lệ rác thải chưa được thu gom xử lý còn khoảng 130 tấn/ngày. Đối với lượng rác chưa được thu gom một phần được người dân ở các vùng sâu, vùng xa thu gom lại đốt, chôn trong vườn; được đem bán phế liệu để tái chế và một phần còn vất bừa bãi tại những nơi công cộng, như ven đường, gần chân cầu, dưới kênh rạch...

Trong năm qua, trên địa bàn tỉnh đã thu hút được 14 dự án tại 9 khu xử lý chất thải. Kết quả, đến nay đã có 8 dự án tại 7/9 khu xử lý chất thải đang hoạt động với tổng công suất xử lý chất thải rắn sinh hoạt là 890 tấn/ngày và đối với chất thải nguy hại là 96 tấn/ngày. Hiện còn 6 dự án tại 3/9 khu xử lý đang triển khai các thủ tục về đầu tư, xây dựng.

Hiện tại, trên địa bàn tỉnh còn 28 bãi rác tạm cần xử lý, trong đó có 14 bãi rác tạm do Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì xử lý và 14 bãi rác tạm do UBND cấp huyện chủ trì xử lý. Sở Tài nguyên và Môi trường Đồng Nai đã chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo xử lý và đôn đốc các địa phương đẩy nhanh tiến độ xử lý. Toàn tỉnh hiện có 29 khu công nghiệp đang hoạt động đã xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung; trong đó 24/29 khu công nghiệp đã có hệ thống xử lý nước thải tập trung hoạt động ổn định; 3/29 khu công nghiệp đã có hệ thống xử lý nước thải tập trung nhưng chưa có đủ nước thải để vận hành ổn định; 2/29 khu công nghiệp đã xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung nhưng chưa vận hành do chủ đầu tư chưa hoàn thành việc bồi thường giải tỏa để có thể thi công xây dựng hệ thống tuyến cống thu gom nước thải. Ngoài ra, ngành đã tiến hành quan trắc nước thải sau xử lý tại 24 khu công nghiệp có hệ thống xử lý nước thải tập trung cho thấy hầu hết đều vận hành ổn định: đến tháng 8/2014 có 21/24 khu công nghiệp xử lý đạt quy chuẩn (đạt 87,5%); 3 khu công nghiệp là Nhơn Trạch 1, Hố Nai, Long Đức việc xử lý còn từ 1 đến 2 thông số chưa đạt quy chuẩn. Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 18/24 khu công nghiệp vận hành ổn định hệ thống xử lý nước thải tập trung, đã lắp đặt trạm quan trắc tự động. Riêng 5 khu công nghiệp đã vận hành ổn định hệ thống xử lý nước thải tập trung, gồm Tân Phú, Định Quán, Long Đức, Dầu Giây, Nhơn Trạch 2 - Lộc Khang chưa lắp đặt thiết bị quan trắc tự động do hiện nay tiếp nhận lượng nước thải đấu nối xử lý ít (dưới 50% công suất thiết kế của hệ thống xử lý nước thải tập trung).

Theo ông Lê Viết Hưng, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Đồng Nai, năm 2015, ngành đề ra chỉ tiêu: 100% lượng chất thải y tế trên địa bàn, 100% lượng chất thải nguy hại, 96% chất thải rắn sinh hoạt và chất thải công nghiệp không nguy hại được thu gom và xử lý; 100% khu công nghiệp đang hoạt động trên địa bàn có trạm xử lý nước thải tập trung đạt chuẩn môi trường; 100% khu công nghiệp có hệ thống nước thải ổn định được lắp đặt hệ thống quan trắc nước thải tự động. Để đạt mục tiêu trên, ngành Tài nguyên và Môi trường tăng cường quản lý việc cấp phép, thu gom, vận chuyển và xử lý các chất thải, nhất là đối với các doanh nghiệp tại các khu công nghiệp, các doanh nghiệp có nguồn thải lớn ngoài khu công nghiệp thu gom, xử lý theo đúng quy định về bảo vệ môi trường; tập trung xử lý dứt điểm các bãi rác tạm gắn với đẩy nhanh tiến độ xây dựng các khu xử lý. Đến quý II/2015 tất cả các khu xử lý rác sinh hoạt trên địa bàn tiếp nhận rác thải sinh hoạt theo quy hoạch, tuyệt đối không để xảy ra tình trạng phát sinh các bãi rác tạm mới trên địa bàn tỉnh.

Ngoài ra, Sở Tài nguyên và Môi trường Đồng Nai còn tham mưu cho UBND tỉnh ban hành quyết định về danh mục và việc xử lý các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng; chứng nhận hoàn thành biện pháp xử lý ô nhiễm môi trường đối với những cơ sở đủ điều kiện.
Thu Hường