Đông thành phố

Bài thơ “Đông thành phố” đem cảm xúc của tác giả ùa vào tâm trí của người đọc. Chắc hẳn sự ưu tư bên trong chất chứa đến mức ý tưởng chợt đến là tác giả để bài thơ hình thành một cách tự nhiên, không

Thành phố vào đông,

gió đầu mùa ngác ngơ vụng dại

xào xạc góc phố bờ cây

len lén xám chiều mê mải.

Người quét đường

khắc khoải,

Quét lá vàng

quét cả mùa thu đi...

Thành phố vào đông

mái nâu khô khốc lặng câm

phố oằn mình trong vắng

vạc chiều xôn xao

hoàng hôn nhợt nắng

nhợt lá vàng

cành trắng rưng rưng.

Đông thành phố

quang gánh trĩu nặng mưu sinh

thị thành lê bước chân đồng ruộng

co ro áo sờn trong lặng

đèn vàng bóng đổ liêu xiêu.

Đông nhẩn nha cà phê

vòng khói cuộn ủ

hư không


tóc hai mầu rối bời hoang hoải

lạnh chưa về nghe giá trong tim,

đông hoang mang đi tìm

tìm ai, tìm đâu...vô định

tháng ngày dài rộng

ơ hờ, giọt thời gian ngừng rơi.

Cất tiếng gọi tôi ơi

bàng hoàng đông chẳng còn đâu...

tiếng vọng.





Thơ hay về mùa đông có rất nhiều. Bởi mùa đông ở miền Bắc và Hà Nội có những ngày đẹp, nắng hanh vàng như mật, rét ngọt về đêm và sáng sớm, dễ cấu tứ, gắn với chuyện lãng mạn, se sắt...v.v. Nhưng sáng tác để tránh sáo mòn là điều không đơn giản.

Với Trần Tuấn Anh, không rõ cách tiếp cận chủ đề của “Đông thành phố” có phải chủ ý của tác giả không, nhưng thấy rõ bài thơ “ập” thẳng vào tâm trí người đọc giống như khi ta có việc bắt buộc phải mở cửa ngôi nhà ấm vào những ngày mưa rét, bất chợt cảm nhận đầy đủ hơi giá lạnh lùa tới.

Thành phố vào đông,

gió đầu mùa ngác ngơ vụng dại

xào xạc góc phố bờ cây

len lén xám chiều mê mải.

Với những câu thơ mở đầu này, tôi thiên về hình dung tác giả như đang tự họa lại cả tâm trạng của mình trong một buổi chiều đông. Nó bao hàm vẻ ngại ngần khi để những gì sâu kín trong tâm hồn mình bộc lộ trước ngoại cảnh. Ở 3 câu thơ đầu, dễ nhầm rằng có lẽ tâm hồn tác giả đang xốn xang với chút hoài cảm thường có khi người ta đã bước vào một ngưỡng của tuổi đời. Nhưng đến câu thơ thứ tư thì thấy rõ mọi chuyện không đơn giản như vậy.

Người quét đường

khắc khoải,

Quét lá vàng

quét cả mùa thu đi...

Người lao động nghèo lẽ dĩ nhiên không ai thích mùa đông, nếu cứ mát mẻ, nhẹ nhõm như mùa thu thì khỏe. Mùa đông rét mướt, mưa dầm lạnh quắt tai trong nhọc nhằn mưu sinh đòi hỏi sức chịu đựng gấp nhiều lần. Còn với riêng tác giả, chắc rằng mùa thu đi qua cũng để lại tiếc nuối một cái gì dịu nhẹ, còn mùa đông đang báo trước những khắc nghiệt hoặc đứng trước sự chuyển tiếp. Ở đoạn thơ sau, dòng suy tư của tác giả được tiếp tục mở rộng trước ngoại cảnh

Thành phố vào đông

mái nâu khô khốc lặng câm

phố oằn mình trong vắng

vạc chiều xôn xao

hoàng hôn nhợt nắng

nhợt lá vàng

cành trắng rưng rưng.

Tác giả đã khiến cái không khí vắng lặng, se sắt của chiều đông đến mức như có thể sờ thấy được. Họa sĩ Bùi Xuân Phái từng chia sẻ khi người ta hỏi ông vì sao phố cổ Hà Nội trong tranh ông không đúng như thực tế nhưng ai cũng thấy gần gũi, cũng thấy như của mình. Ông trả lời đại ý: Quan trọng không phải vẽ đúng, mà là vẽ trúng. Ở khổ thơ này của Trần Tuấn Anh, sự “trúng” được thể hiện rất đắt qua những từ ngữ giản dị như “khô khốc”, “oằn”, “rưng rưng”.

Đông thành phố

quang gánh trĩu nặng mưu sinh

thị thành lê bước chân đồng ruộng

co ro áo sờn trong lặng

đèn vàng bóng đổ liêu xiêu.

Sự ưu tư không còn bảng lảng nữa mà nó có đối tượng sẻ chia cụ thể, là sự tiếp nối một cách rõ ràng hơn cho cảm giác ở khổ thơ đầu. Đến đây, tác giả tránh được sự khiên cưỡng khi không đề cập thêm đến vấn đề chênh lệch giàu nghèo, giải quyết vấn đề ra sao hay thêm đôi dòng triết lý, cảm khái mang tính nhân văn dễ dãi. Tác giả quay trở lại soi rọi vào tâm tư của bản thân để nhìn rõ hơn thế giới bên ngoài.

Đông nhẩn nha cà phê

vòng khói cuộn ủ

hư không

tóc hai mầu rối bời hoang hoải

lạnh chưa về nghe giá trong tim,

đông hoang mang đi tìm

tìm ai, tìm đâu...vô định

tháng ngày dài rộng

ơ hờ, giọt thời gian ngừng rơi.

Cất tiếng gọi tôi ơi

bàng hoàng đông chẳng còn đâu...

tiếng vọng.

Tôi sẽ dừng lại không đi sâu phân tích từng câu từng chữ của khổ thơ cuối vì tôi chợt nghĩ đến câu thơ của Xuân Diệu: “ai đem phân chất một mùi hương...”. Khổ thơ cuối của “Đông thành phố” cũng vậy. Đó có thể là sự mất mát, tiếc nuối khi thời gian trôi đi không thể níu kéo. Hoặc nó giống như sự cố gắng tìm lời giải đáp về bản ngã, về niềm vui và nỗi buồn của đời người. Mà xét theo nghĩa này thì giữa một cá nhân với những số phận khác trong cộng đồng, liệu ai dám chắc về định nghĩa hạnh phúc nếu đem so sánh.

Không khó lắm để nhận biết bài thơ này ra đời khi người viết đang có nhiều suy tư, và rất buồn. Nhưng nó cũng cho thấy một khía cạnh khác của con người tác giả, đó là sự dũng cảm khi đối diện với tâm hồn mình, nhưng vẫn đủ sự tiết chế để mỗi người khi đọc có thể tự tìm cho mình lời giải đáp riêng được tác giả chắt lọc từ trải nghiệm vui buồn của bản thân trao tặng lại cuộc đời như một món quà tri âm. Với một nhà thơ, chắc rằng không có niềm hạnh phúc nào lớn hơn thế. Như nhà thơ Ra-xun Gam-za-tốp đã nói về công việc sáng tạo: “Đối với nhà thơ thì cách viết, bút pháp của anh ta là một nửa việc làm. Dù bài thơ thể hiện ý tứ độc đáo đến đâu, nó cũng nhất thiết phải đẹp. Không chỉ đơn giản là đẹp mà còn đẹp một cách riêng. Đối với nhà thơ, tìm cho ra bút pháp của mình - nghĩa là trở thành nhà thơ”.

Ngọc Thu