Dự báo Xuất khẩu năm 2015 đạt kim ngạch 166 tỷ USD

Bộ Công Thương dự báo cả năm 2015 tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước sẽ đạt khoảng 165 - 166 tỷ USD, tăng 10% so với năm 2014, đạt chỉ tiêu Quốc hội thông qua.

Xuất khẩu năm 2015 tăng 10%

Số liệu được Bộ Công Thương công bố tại Hội nghị giao ban, tình hình xuất khẩu (XK) 9 tháng đầu năm diễn ra tại TP. Hồ Chí Minh ngày 12/10 vừa qua cho thấy, trong 9 tháng đầu năm 2015 kim ngạch XK đạt 120,7 tỷ USD, tăng 9,6% so với cùng kỳ năm 2014. Nhập siêu 9 tháng đầu năm 2015, ước khoảng 3,86 tỷ USD, bằng 3,2% tổng kim ngạch XK.

Điểm qua các số liệu liên quan đến XNK 9 tháng đầu năm, Thứ trưởng Trần Tuấn Anh phân tích: “Nếu chỉ nhìn vào con số tăng trưởng 9,6% của XK của 9 tháng, chúng ta chỉ mới thấy được một yếu tố là có khoảng cách so với mục tiêu tăng trưởng mà Quốc hội đã thông qua. Nhưng trên thực tế, những diễn biến qua từng quý và từng tháng thì chúng ta thấy sự tích cực của hoạt động XNK. Theo quy luật chung của hoạt động XNK hàng năm, thì 6 tháng cuối năm luôn có tốc độ tăng trưởng cao hơn 6 tháng đầu năm, theo đó những diễn biến qua các con số trên nó vẫn phù hợp với năm 2015 này”.

Một điểm sáng khác của bức tranh XK 9 tháng đầu năm 2015 được nhắc đến chính là sự tăng trưởng của một số nhóm các ngành hàng chủ lực đã khẳng định vị thế của mình cho nhiều ngành công nghiệp. Chẳng hạn như nhóm hàng công nghiệp chế biến đạt kim ngạch XK khoảng 94,96 tỷ USD, tăng 19,2% so với cùng kỳ.

Về thị trường, một số thị trường lớn vẫn duy trì mức độ tiêu thụ hàng hóa Việt Nam khá ổn định. Mỹ đang là thị trường XK lớn của Việt Nam trong 9 tháng qua đạt mức tăng kim ngạch đến 19,6% và chiếm khoảng 20,6% tổng kim ngạch XK của cả nước, tiếp đến là XK sang thị trường Trung Quốc với kim ngạch tăng 12,5%, chiếm 10,4%; sang EU, kim ngạch tăng 12,4%, chiếm 18,9%...

Tuy đạt được nhiều kết quả tích cực như nói trên, nhưng vẫn còn có một điều đáng lo ngại đối với nhiều ngành sản xuất, nhất là lĩnh vực nông nghiệp, các mặt hàng nông sản, thủy sản tiếp tục có sự chững lại. Nhóm hàng nông, thủy sản XK có kim ngạch sụt giảm là do nguồn cung của các nước dồi dào tạo nên sự cạnh tranh gay gắt trên thị trường. Ngoài ra, đồng USD lên giá so với nhiều đồng tiền khác trên thế giới. Một yếu tố khác như, hiện đang có nhiều đối thủ cạnh tranh trong XK với Việt Nam như Ấn Độ (XK tôm), Braxin (XK cà phê) đã tạo thêm sức ép cạnh tranh cho nông, thủy sản của Việt Nam.

Theo nhận định của các tổ chức hiệp hội, các địa phương, trong những năm qua, kim ngạch XK tăng trưởng bình quân khá cao, thị trường XK luôn được mở rộng. Tuy nhiên, phía sau sự thành công là một loạt những khó khăn, một số ngành chủ lực được nhận định sẽ rất khó vượt qua, kéo theo sự sụt giảm về kim ngạch XK.

Ông Đỗ Hà Nam, Phó Chủ tịch Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt Nam cho biết, mặc dù sắp bước vào vụ mới nhưng lượng cà phê tồn kho vẫn chiếm đến 1/3 tổng sản lượng cà phê Việt Nam. Nguyên nhân là do giá cà phê của Brazil giảm đến 70% khiến cho cà phê của Việt Nam không bán ra được, tồn kho tăng cao.

Tiếp tục hỗ trợ xuất khẩu

Theo đại diện của Cục quản lý cạnh tranh Bộ Công Thương, trong thời gian tới, thị trường trong nước vẫn còn tiếp tục nhiều khó khăn hơn, do các nước phát triển và các thị trường lân cận như: Malaysia, Indonesia, Thái Lan… đang ngày càng gia tăng theo xu hướng phòng vệ thương mại, để tạo rào cản, bảo hộ sản xuất trong nước. Do đó, các doanh nghiệp XK của Việt Nam cần nắm chắc pháp lý, nhất là những khung pháp lý khi nhập khẩu vào các thị trường đang cạnh tranh hàng hóa với Việt Nam.

Bà Mai Thị Ánh Tuyết, Giám đốc Sở Công Thương An Giang khẳng định, muốn đẩy mạnh XK cần có giải pháp cụ thể cho các doanh nghiệp được tiếp cận nguồn vốn. Các hiệp hội ngành hàng cần thể hiện rõ vai trò trong việc hỗ trợ doanh nghiệp mở rộng thị trường, quảng bá thương hiệu. Ngoài ra, bản thân các doanh nghiệp cũng phải xác định vai trò của thị trường nội địa để có hướng thâm nhập hiệu quả, tạo đầu ra ổn định cho hàng hóa sản xuất.

Trong thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục tăng cường phối hợp với các bộ, ngành liên quan, các hiệp hội ngành hàng, để kịp thời giải quyết, tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ hoạt động XK của doanh nghiệp, tư vấn cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ tiếp cận vốn để phát triển sản xuất. Bộ Công Thương sẽ rà soát, đánh giá tác động của các biện pháp phòng vệ thương mại, các biện pháp bảo hộ thương mại của các nước hiện đang áp dụng với hàng hóa XK của Việt Nam, từ đó, chủ động làm việc với các cơ quan chức năng của nước sở tại, để giải quyết, khắc phục, tháo gỡ các rào cản này.


Hồng Lực