Đưa hàng Việt Nam sang châu Âu

Sau các cuộc tiếp xúc, thảo luận của doanh nghiệp 2 bên, cả 4 tập đoàn bán lẻ của Italia và Pháp đều cam kết sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để đưa hàng Việt Nam vào hệ thống phân phối của họ.

Với mục tiêu hỗ trợ các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam kết nối với các doanh nghiệp, hệ thống phân phối bán lẻ lớn tại Pháp và Italia; từ ngày 28/5/2016 đến 5/6/2016, Bộ Công Thương tổ chức Đoàn Xúc tiến thương mại do Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa dẫn đầu.

Đây là lần đầu tiên Việt Nam tổ chức chương trình quảng bá hàng Việt Nam quy mô lớn và kết nối doanh nghiệp trong nước gặp gỡ, tiếp xúc với hai hệ thống phân phối lớn nhất của Italia và Pháp. Tham gia Đoàn có 20 doanh nghiệp hoạt động trong các ngành hàng: Thực phẩm (đông lạnh đóng gói, đóng hộp, khô); Nước giải khát; Nông sản, hoa quả tươi (đặc biệt là vải, dứa, xoài); Cà phê, chè, gia vị; Gỗ và sản phẩm gỗ; Hàng công nghiệp; Hàng gia dụng…

Hơn 1 tuần tại Italia và Pháp, Đoàn đã phối hợp với đối tác nước bạn tổ chức hàng loạt các sự kiện, như Chương trình Giới thiệu sản phẩm Việt Nam tại trụ sở vùng Emilia, Romagna; Chương trình kết nối giao thương doanh nghiệp B2B với hệ thống thu mua CONARD và COOP Italia; Chương trình Tuần hàng Việt Nam tại Hệ thống siêu thị lớn của Pháp - Casino Lyon; Chương trình kết nối giao thương giữa doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp Pháp.

Đặc biệt, Đoàn doanh nghiệp Việt Nam đã làm việc trực tiếp với 4 tập đoàn bán lẻ hàng đầu châu Âu và thế giới. Cụ thể, Đoàn đã có buổi làm việc trực tiếp với hai nhà phân phối lớn là CONARD và COOP; làm việc với các giám đốc phụ trách mua hàng, phân phối của hai hệ thống siêu thị, tham quan siêu thị Ipermercato của Coop; và thống nhất phương án hợp tác, đưa hàng Việt vào hệ thống siêu thị thuộc 2 nhà bán lẻ Coop Italia và Conad.

Coop Italia và Conad là chuỗi bán lẻ thực phẩm với các siêu thị và trung tâm thương mại hàng đầu của Italia, thị phần lần lượt là 20% và 12%. Doanh số bán lẻ của 2 tập đoàn này khoảng 25 tỷ Euro, chiếm 1/3 thị phần bán lẻ tại thị trường nước này.

Tại Pháp, đoàn doanh nghiệp nước ta cũng kết nối trực tiếp với 2 tập đoàn bán lẻ khổng lồ là Casino, và Seb. Cả hai tập đoàn này đều có kinh nghiệm kinh doanh tại Việt Nam.

Sau các cuộc tiếp xúc, thảo luận của doanh nghiệp 2 bên, cả 4 tập đoàn bán lẻ của Italia và Pháp đều cam kết sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để đưa hàng Việt Nam vào hệ thống phân phối của họ.

Ông Giancarlo Ferrary, Tổng giám đốc Tập đoàn bán lẻ Coop Italia khẳng định: “Chúng tôi sẵn sàng chào đón vào hệ thống phân phối của mình nhiều loại hàng hóa của Việt Nam như thực phẩm tươi sống; các loại hoa quả miền nhiệt đới, hàng dệt may, đồ chơi, cà phê hay đồ gỗ ngoài trời…”.

Còn ông Jacques Fourvel, cố vấn cao cấp của Tập đoàn bán lẻ Casio (đã từng sở hữu chuỗi bán lẻ Big C tại Việt Nam) cho biết: “Sau lần tiếp xúc trực tiếp này với các doanh nghiệp Việt Nam, chúng tôi sẽ mở rộng phân phối các mặt hàng khác của Việt Nam như xoài, dứa, thanh long, vải… Thực tế những năm qua, doanh số bán hàng Việt Nam của chúng tôi ngày càng tăng, chứng tỏ người tiêu dùng Pháp ngày càng ưa chuộng hàng Việt Nam vì chất lượng đảm bảo với giá cả phải chăng”.

Các doanh nghiệp Việt Nam tham gia đoàn xúc tiến thương mại cũng hào hứng với kết quả của chuyến đi. Nhiều doanh nghiệp cho rằng, kết nối trực tiếp với thị trường bán lẻ khó tính như châu Âu là giải pháp nhanh và hiệu quả để đưa sản phẩm của Việt Nam ra nước ngoài.

Nhiều doanh nghiệp hy vọng, sản phẩm của mình sẽ xuất hiện tại các siêu thị trong khối EU trong một ngày không xa. Thứ trưởng Bộ Công Thương, Hồ Thị Kim Thoa nhận định: “Tham gia đoàn lần này, có những doanh nghiệp sẽ có kết quả cụ thể; có những doanh nghiệp sẽ học được cách cải tiến chất lượng, mẫu mã hàng hóa của mình, sao cho đáp ứng được với yêu cầu của người tiêu dùng nơi đây”.

Giám đốc Công ty trà Tâm Lan, Nguyễn Thế Tâm cho biết: “Được trực tiếp tham quan các siêu thị tại đây, và tiếp xúc với nhà phân phối; chúng tôi hiểu hơn cách đánh giá và quản lý chất lượng của thị trường châu Âu. Hơn nữa, lại có cơ hội trưng bày sản phẩm cho khách hàng dùng thử, tôi rất tự tin về việc đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng và nắm rõ được thị hiếu tiêu dùng để trong thời gian tới, trà Tâm Lan sẽ có chỗ đứng trong các siêu thị”.

Bà Nguyễn Thái Quỳnh Lê - Giám đốc Dự án, Công ty Điện Quang cũng tin tưởng: “Đây là cơ hội rất tốt để mình và đối tác hiểu nhau hơn về cách thức, đường đi của chuỗi hàng hóa từ khâu lựa chọn đầu vào, sản xuất, khâu phân phối đến tay người tiêu dùng”

Đề án “Thúc đẩy doanh nghiệp Việt Nam tham gia trực tiếp các mạng phân phối nước ngoài, giai đoạn đến 2020” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1513/QĐ-TTG ngày 3/9/2015, với mục tiêu đến 2020, hàng hóa Việt Nam sẽ được xuất khẩu trực tiếp vào các hệ thống phân phối lớn tại châu Âu, Bắc Mỹ, Đông Nam Á và Đông Bắc Á.


Tiền Huân