Đưa tỷ trọng dùng tiền mặt để thanh toán xuống dưới 10% vào năm 2020

Đến cuối năm 2020, đưa tỷ trọng dùng tiền mặt để thanh toán xuống dưới 10%. Đó là mục tiêu của Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2016 - 2020 vừa mới được Thủ tướng

Tại Đề án, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, đơn vị liên quan khuyến khích phát triển các loại thẻ đa dụng, đa năng, thẻ phi vật lý, thẻ không tiếp xúc (để thu phí cầu đường, mua xăng dầu, mua vé xe buýt, đi taxi, chi trả bảo biểm xã hội, thu học phí…); tăng tỷ lệ chi trả trợ cấp xã hội, lương hưu thông qua các phương tiện thanh toán điện tử, tài khoản thanh toán cho các đối tượng thụ hưởng, kết hợp với mở rộng các điểm tiếp cận tiền mặt (bưu điện, đại lý) và các hình thức thanh toán mới, hiện đại, tiện lợi, có chi phí hợp lý; tiếp tục mở rộng triển khai trả lương, thu nhập qua tài khoản; xây dựng kênh tiếp nhận, xử lý thông tin trực tuyến để người dân có thể phản ánh, cập nhật các hành vi tội phạm như gian lận, giả mạo, lừa đảo, biện pháp nhận biết rủi ro, cách phòng tránh và xử lý khi bị lợi dụng trong hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt…

Một trong các giải pháp để thực hiện mục tiêu trên là nghiên cứu triển khai một số biện pháp hành chính kết hợp với các biện pháp khuyến khích về lợi ích kinh tế nhằm phát triển thanh toán điện tử.

Đề án nêu rõ, đẩy mạnh thanh toán điện tử trong khu vực Chính phủ, dịch vụ hành chính công. Cụ thể, hoàn thiện, tăng cường kết nối xử lý giải pháp trao đổi thông tin dữ liệu giữa các cơ quan trong ngành Tài chính (Kho bạc Nhà nước, Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan) với hệ thống ngân hàng để đáp ứng tốt hơn yêu cầu phối hợp thu ngân sách nhà nước bằng phương thức điện tử; nhất là thu, nộp thuế điện tử để hỗ trợ công tác quản lý, thu thuế, tạo điều kiện thuận lợi cho Chính phủ, doanh nghiệp và người dân thực hiện đa dạng, linh hoạt các dịch vụ thanh toán điện tử trong việc thu, nộp thuế điện tử.

Thực hiện mục tiêu của Kế hoạch tổng thể phát triển thương mại điện tử giai đoạn 2016 - 2020, 100% các siêu thị, trung tâm mua sắm và cơ sở phân phối hiện đại có thiết bị chấp nhận thẻ và cho phép người tiêu dùng thanh toán không dùng tiền mặt khi mua hàng; 70% đơn vị cung cấp dịch vụ điện, nước, viễn thông và truyền thông chấp nhận thanh toán hóa đơn của các cá nhân, hộ gia đình qua các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt; 50% cá nhân, hộ gia đình ở thành phố lớn sử dụng phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt trong mua sắm, tiêu dùng. Cuối năm 2020, tỷ trọng tiền mặt trên tổng phương tiện thanh toán ở mức thấp hơn 10%; nâng tỷ lệ người dân từ 15 tuổi trở lên có tài khoản tại ngân hàng lên mức ít nhất 70%...

Ngoài ra, rà soát, bổ sung, sửa đổi các văn bản quy định về việc mở và sử dụng tài khoản thanh toán; xem xét bổ sung quy định các tổ chức, cá nhân có hoạt động kinh doanh phải mở tài khoản thanh toán tại các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán để thực hiện các giao dịch thanh toán.

Mục tiêu là có thể áp dụng thanh toán không dùng tiền mặt đối với giao dịch những tài sản có giá trị lớn như ô tô, xe máy, tàu thuyền và giao dịch mua bán bất động sản.

Theo nhiều chuyên gia ngân hàng đánh giá: “Tỷ lệ tiền mặt trên tổng phương tiện thanh toán dưới 10% vào năm 2020 hoàn toàn có thể đạt được. Số liệu được Vụ Thanh toán Ngân hàng Nhà nước công bố cho thấy, tỷ lệ tiền mặt trên tổng phương tiện thanh toán đang tiếp tục có xu hướng giảm dần và đã giảm còn 12% vào cuối năm 2013 so với con số 14% cuối năm 2010 và đã giảm còn 11% vào cuối năm 2015. Vào năm 2004, tỷ lệ này từng lên đến 20,3%. Trong mấy năm tới, tỷ lệ này giảm thêm 1% là hoàn toàn có thể. Tỷ lệ này giúp cho các nhà hoạch định chính sách theo dõi, đánh giá diễn biến khối lượng tiền tệ trong nền kinh tế, từ đó ra quyết định sử dụng các công cụ điều hành chính sách tiền tệ, kiểm soát cung ứng tiền tệ, duy trì sự ổn định của hệ thống ngân hàng, kiềm chế lạm phát và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế”.
Minh Anh