Đường về nội địa của các “đại gia” xuất khẩu

Trong bài viết này, chúng tôi không kể câu chuyện thành công của những ngành hàng “đánh đông dẹp bắc”, xuất khẩu cũng hay, tiêu thụ nội địa cũng tốt như may mặc, gạo, hay vật liệu xây dựng; mà muốn nó

Vị thế quốc tế cao, nhu cầu lớn...

Trong số những ngành hàng xuất khẩu chủ lực của ta, nhiều ngành hàng chiếm thứ hạng cao, sức cạnh tranh tốt trên thị trường quốc tế. Có thể kể trong số này là hạt điều, hồ tiêu, thủy sản, da giày, đồ gỗ...

Năm 2014 vừa qua là năm thứ 9 liên tiếp Việt Nam dẫn đầu thế giới về xuất khẩu hạt điều với 306.000 tấn nhân điều đi 50 nước, kim ngạch xuất khẩu trên 2 tỷ USD, chiếm khoảng 30% thị phần xuất khẩu thế giới.

Năm 2014, Việt Nam đã xuất khẩu trên 300 ngàn tấn nhân điều, song tiêu thụ trong nước chỉ vào khoảng 20.000 tấn. Ảnh: S.T

Vị thế của hạt tiêu nước ta còn cao hơn khi chiếm 41% sản lượng của các nước trồng hồ tiêu và 58% thị phần xuất khẩu hồ tiêu trên thế giới. Năm 2014 Việt Nam xuất khẩu hơn 156.000 tấn hạt tiêu đi hơn 100 nước, kim ngạch đạt mức kỷ lục là 1,2 tỷ USD và là năm thứ 14 liên tiếp dẫn đầu thế giới.

Đối với thủy sản, năm 2014, kim ngạch xuất khẩu của ngành đạt gần 8 tỷ USD, nằm trong danh sách Top 5 nhà sản xuất và xuất khẩu hàng đầu thế giới. Sản phẩm thủy sản “Made in Vietnam” đã có mặt và đứng vững tại 164 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, hỗ trợ đắc lực cho hơn 4,5 triệu việc làm trực tiếp và gián tiếp.

Con số 6,23 tỷ USD giá trị xuất khẩu trong năm 2014 cùng với vị trí thứ 2 trong danh sách các quốc gia xuất khẩu đồ gỗ nhiều nhất khu vực châu Á, chỉ sau Trung Quốc đã mang đến cho ngành chế biến gỗ Việt Nam một thương hiệu có uy tín với đối tác và bạn hàng của trên 100 thị trường khắp các châu lục.

Da giày cũng không là ngoại lệ, Việt Nam là nước xuất khẩu lớn thứ 3 trên thế giới về trị giá, sau Trung Quốc và Italia. Kết thúc năm 2014, ngành Da giày, túi xách về đích với doanh thu xuất khẩu hơn 12 tỷ USD, tăng hơn 19% so với 2013.

Không chỉ tạo dựng được uy tín trên thị trường quốc tế, các ngành nói trên còn nhận được sự hậu thuẫn hùng hậu của lực lượng tiêu thụ nội địa lên đến 90 triệu dân, là quốc gia có dân số đứng thứ 14 trên thế giới.

Với mức tiêu thụ bình quân 27 kg/người/năm, nhu cầu thị trường thủy sản nội địa lên tới 2,43 triệu tấn/năm, một con số có thể thỏa lòng mong ước của bất kỳ nước nào trong khu vực.

Với mặt hàng giày dép, khảo sát của Nielsen Việt Nam năm 2014 cho thấy, trung bình mỗi người dân nước ta sử dụng từ 1,5 - 3 đôi giày/năm, tổng lượng tiêu thụ khoảng 200 - 250 triệu đôi/năm, tập trung 80% vào sản phẩm da, giả da, với mức giá từ 150.000 đồng - 500.000 đồng/đôi, doanh thu nội địa hàng năm khoảng 1,5 tỷ USD.

Nhưng có lẽ đáng nể nhất là thị trường đồ gỗ, theo số liệu của Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (Vifores) bình quân tiêu dùng đồ gỗ thị trường nội địa trong 5 năm gần đây chiếm khoảng 40% tổng giá trị thương mại của đồ gỗ Việt Nam, với giá trị khoảng 2,5 tỷ USD/năm. Trong đó nhu cầu mua sắm đồ gỗ của các hộ gia đình là tương đối lớn, bình quân mỗi hộ gia đình cần mua sắm khoảng 6 triệu đồng cho đồ gỗ. Bên cạnh đó, nhu cầu đồ gỗ cho các khách sạn, văn phòng cho thuê và các khu đô thị mới cũng có xu hướng tăng nhanh.

Chúng ta cũng có thể nói đến sức mạnh tiêu thụ hùng hậu của thị trường nội địa với nhân điều, hồ tiêu, hay nhiều mặt hàng khác.

... và nỗi lo hiển hiện

Mặc dù vậy, những tháng gần đây, nhiều doanh nghiệp thuộc các ngành trên bày tỏ sự lo ngại khi Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) được thành lập vào cuối năm 2015 với 5 yếu tố cơ bản: (i) Tự do lưu chuyển hàng hóa; (ii) Tự do lưu chuyển dịch vụ, (iii) Tự do lưu chuyển đầu tư, (iv) Tự do lưu chuyển vốn, (v) Tự do lưu chuyển lao động có kỹ năng.

5 yếu tố này là những động lực chính thúc đẩy sự tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam với các nước ASEAN với thuế suất về 0%-5%, nhưng đồng thời, cũng là động lực cho các đối tác của ASEAN xuất khẩu vào Việt Nam.

Cho đến nay, nhiều tập đoàn đồ gỗ lớn từ các nước Thái Lan, Malaysia, Singapore đã hiện diện tại Việt Nam. Trong vòng 5 năm qua, họ đã âm thầm tìm mua các hệ thống phân phối có thương hiệu nổi tiếng của Việt Nam, nhất là tại TP. Hồ Chí Minh. Theo số liệu của Vifores, trong số 2,5 tỷ USD, chỉ có khoảng 20% doanh số tiêu thụ đồ gỗ trong nước thuộc về các sản phẩm của doanh nghiệp Việt Nam, còn lại 80% là sản phẩm của Malaysia, Singgapore, Thái Lan, Trung Quốc, Đài Loan…

Trong 5 năm gần đây, chế biến thủy sản tiêu thụ nội địa có tốc độ tăng trưởng về sản lượng cũng như giá trị. Sản lượng các sản phẩm nội địa tăng lên từ 424.000 tấn năm 2010 lên 478.000 tấn vào năm 2014, bình quân tăng 5,5%/năm. Về giá trị, tăng từ 8.417 tỷ đồng lên 13.146 tỷ đồng, bình quân tăng 13%/năm. Sự tăng nhanh về giá trị so với sản lượng là do các sản phẩm thủy sản chế biến nội địa ngày càng đa dạng về chủng loại, chất lượng được nâng cao, đồng thời còn do xu thế giá các mặt hàng thủy sản cũng không ngừng tăng. Tuy nhiên, nếu so với nhu cầu 2,43 triệu tấn/năm, thì đáp ứng của doanh nghiệp trong nước mới đạt 19% nhu cầu nội địa.

Trong ngành hàng da giày, mặt hàng giày, dép giả da giá rẻ của Trung Quốc chiếm lĩnh áp đảo ở thị trường nông thôn và miền núi. Hai năm nay, dòng sản phẩm này còn tạo ra trào lưu “giày dép vỉa hè” ven một số đường cao tốc với giá bán chỉ 100 ngàn đồng/đôi giày, dép. Ở phân khúc trung và cao cấp, không kể các thương hiệu thời trang nổi tiếng của Italia, Hoa Kỳ hay Pháp, các thương hiệu giày dép của Thái Lan như Adda, Kito, Papilo, Monobo; của Malaysia như Nose, Royale Baby, Kell; của Singapore như Visela, Chalrles n Keith, Pazzion... cũng đã có mặt tại Việt Nam và có chỗ đứng nhất định trong giới tiêu dùng trung lưu, thượng lưu.

Chỉ có hạt điều và hồ tiêu, sự khó khăn của thị trường nội địa không phải đến từ các doanh nghiệp nước ngoài, mà do ta chưa tạo ra thói quen tiêu thụ mạnh. Theo ông Nguyễn Đức Thanh - Chủ tịch Hiệp hội Điều Việt Nam (VINACAS), hiện nay, tiêu thụ nội địa hạt điều chỉ chiếm khoảng 7% sản lượng xuất khẩu. Năm 2014, Việt Nam đã xuất khẩu trên 300 ngàn tấn nhân điều, song tiêu thụ trong nước chỉ vào khoảng 20.000 tấn. Với hạt tiêu, nhu cầu trong nước cũng chỉ dao động trong mức 5%.

Đi mãi thành đường

Vì sao các ngành hàng “đường đường một đấng anh hào” trên thị trường quốc tế lại có chỉ số đáp ứng nhu cầu trong nước không lấy gì làm oanh liệt cho lắm? Phải chăng họ chưa quan tâm đúng mức đến thị trường nội địa?

Không phải như vậy. Thực ra họ cũng từng nếm trái đắng khi thị trường thế giới chao đảo; họ cũng từng trải qua những giờ phút lao đao, khi thị trường thế giới tụt dốc; họ cũng biết rằng thị trường nội địa là “âu tàu” neo đậu khi có sóng lớn từ ngoài khơi. Nói ngắn gọn lại, họ đã tìm cách thâm nhập thị trường nội địa, nhưng đường về sao mà xa xăm, nẻo đi chưa thành lối.

Hạ tầng kỹ thuật và trình độ công nghệ chắc chắn không phải là trở lực chính, vì tất cả những ngành hàng trên đều vượt qua được những hàng rào thương mại và hàng rào kỹ thuật của những thị trường thuộc loại kỹ tính nhất là Hoa Kỳ, Nhật Bản, EU, Hàn Quốc. Cái khó của họ tựu trung lại ở 2 vấn đề hệ thống phân phối và thiết kế sản phẩm.

Cho đến nay, hệ thống phân phối trên thị trường nội địa của các ngành hàng trên đều thuộc loại tự phát. Lý giải chuyện này, ông Nguyễn Tôn Quyền, Tổng Thư ký Vifores, ông Nguyễn Trọng Thừa - Cục trưởng Cục Chế biến, Thương mại Nông lâm thủy sản và Nghề muối, bà Phan Thị Thanh Xuân, Tổng Thư ký Hiệp hội Da giày túi xách Việt Nam (Lefaso) hay ông Đỗ Hà Nam - Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam đều cho rằng, vì làm xuất khẩu “quen rồi”, khâu phân phối do đối tác nhập khẩu đảm nhiệm, giờ mình phải lo nên lúng túng.

Với thủy sản, cái khó này còn gay gắt hơn do người tiêu dùng trong nước hiện vẫn ưa chuộng hàng thủy sản tươi sống mà các doanh nghiệp chủ yếu sản xuất hàng thủy sản đông lạnh, chế biến sẵn. Các sản phẩm này được tiêu thụ nhiều nhất qua kênh siêu thị tập trung ở các tỉnh, thành phố lớn, còn gần như không thể vào các chợ truyền thống, bởi các chợ không được đầu tư phương tiện bảo quản sản phẩm đông lạnh, nếu đầu tư thì giá bán sẽ bị đội lên cao hơn.

Mặc dù có những điển hình về xây dựng hệ thống phân phối như đồ gỗ có Hoàng Anh Gia Lai, Trường Thành; da giày có Giày Thượng Đình, Da giày Thụy Khê, Biti’s; Thủy sản có Minh Phú, Hùng Vương, Bình An... nhưng nhìn chung chưa đủ sức lôi cuốn tới mức trở thành một xu hướng.

Vấn đề thứ hai là thiết kế sản phẩm. Cũng vẫn câu chuyện làm xuất khẩu “quen rồi”, nhưng còn khó khăn hơn ở chỗ, với những sản phẩm mang tính thời trang như da giày hay đồ gỗ, vấn đề thiết kế không chỉ là mẫu mã, mà còn phụ thuộc vào những cuộc điều tra quy mô lớn, thí dụ như nhân trắc học bàn chân người Việt Nam, mà có lẽ khó doanh nghiệp trong nước nào có đủ tài chính, chuyên môn đảm đương được.

Khó khăn là thế, nhưng không làm sẽ bỏ lỡ cơ hội “năng suất hóa”. Nghĩa là, nếu đứng trên hai chân xuất khẩu và nội địa thì dung lượng sản xuất lớn hơn, tối ưu hóa được đầu vào trên một đơn vị sản phẩm hơn, dẫn đến năng suất lao động cao hơn.

Khi trở về nội địa, ngành hàng may mặc cũng phải trải qua những công đoạn xây dựng hệ thống phân phối và thiết kế sản phẩm dựa trên nhân trắc học người Việt Nam. Nhưng khi thành công rồi, thì may mặc không chỉ đứng chân vững chắc trên một thị trường có số dân đứng thứ 14 thế giới, mà còn nhanh chóng trưởng thành từ mô hình từ sản xuất cắt may gia công lên sản xuất trọn gói (FOB) và tiến lên cao hơn là sản xuất trọn gói kèm thiết kế (ODM). Bài học của ngành may mặc là tự mình mở lối mà đi. Hay nói như văn hào Lỗ Tấn: “Kì thực trên mặt đất vốn làm gì có đường. Người ta đi mãi thì thành đường thôi”.