GDP, sản xuất công nghiệp, tiêu dùng tăng cao nhất trong 5 năm gần đây

Tại cuộc họp báo thường kỳ Chính phủ ngày 01/10/2015, Bộ trưởng, Chủ nhiệm văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên cho biết, trong phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9/2015, các thành viên Chính phủ nhất

Theo Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), kinh tế Việt Nam 9 tháng năm 2015 diễn ra trong bối cảnh thị trường toàn cầu có nhiều biến động mạnh. Thị trường hàng hóa quốc tế, đặc biệt là dầu thô giảm giá liên tục và giảm ở mức sâu trong những tháng qua, chủ yếu do nguồn cung tăng, tác động tích cực tới tăng trưởng của các nước nhập khẩu dầu nhưng đối với các nước xuất khẩu dầu, tăng trưởng bị ảnh hưởng do doanh thu xuất khẩu giảm... Trước diễn biến phức tạp của kinh tế toàn cầu, Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt các Bộ, ngành, địa phương thực hiện đồng bộ các giải pháp, chính sách, nhất là chính sách tài khóa, tiền tệ nhằm bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, duy trì mức tăng trưởng hợp lý.

Vì thế, nền kinh tế nước ta phục hồi khá rõ nét, đạt tốc độ tăng trưởng cao so với kế hoạch đề ra và cao hơn so với dự báo trước đây. Tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý sau cao hơn quý trước. So với cùng kỳ năm 2014, quý I tăng 6,12%; quý II tăng 6,47%; quý III tăng 6,81%; 9 tháng tăng 6,5%, Trong mức tăng 6,5% của toàn nền kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,08%, đóng góp 0,36 điểm phần trăm; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 9,57%, đóng góp 3,12 điểm phần trăm; khu vực dịch vụ tăng 6,17%, đóng góp 2,38 điểm phần trăm.

Trong khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản, ngành lâm nghiệp đạt mức tăng cao nhất với 7,89% so với cùng kỳ năm 2014 do sản lượng gỗ khai thác tăng cao ở mức 11,8%; ngành thủy sản tăng 2,11%. Riêng ngành nông nghiệp chỉ tăng 1,77%, nguyên nhân chủ yếu do ảnh hưởng của thời tiết không thuận, giá cả một số vật tư phục vụ sản xuất nông nghiệp không ổn định và có xu hướng tăng nên sản lượng lúa đạt thấp (ước tính sản lượng lúa cả năm 2015 đạt 45,1 triệu tấn, chỉ tăng 0,3% so với năm 2014).

Trong khu vực công nghiệp và xây dựng, ngành công nghiệp tăng 9,69% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn nhiều mức tăng cùng kỳ của một số năm gần đây trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo đạt mức tăng cao với 10,15%, góp phần quan trọng vào mức tăng trưởng chung (đóng góp 1,58 điểm phần trăm); ngành khai khoáng tăng 8,15%. Ngành xây dựng 9 tháng tăng 9,00%.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 9 tháng tăng 9,8%, loại trừ yếu tố giá còn tăng 9,2%, cao nhất kể từ năm 2011, thể hiện niềm tin tiêu dùng và cầu của nền kinh tế tăng lên.

Loại trừ yếu tố giá, tiêu dùng 9 tháng tăng 9,2%, cao nhất kể từ năm 2011

Với những kết quả trên, tăng trưởng trên các mặt GDP, sản xuất công nghiệp và tiêu dùng đều có mức tăng cao nhất trong 5 năm trở lại đây. Với đà này, ước cả năm GDP sẽ đạt mức tăng trưởng trên 6,5%, mức tăng cao nhất trong vòng 8 năm qua.

Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9/2015, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá kết quả đạt được rất đáng mừng trong bối cảnh nền kinh tế đối diện không ít khó khăn, thách thức. Tuy nhiên, Thủ tướng yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương tiếp tục theo dõi sát và chủ động ứng phó chính sách kịp thời, phù hợp với diễn biến tình hình trong nước và quốc tế; quyết liệt, sâu sát, tăng cường phối hợp giữa các ngành các cấp trong chỉ đạo điều hành, nhất là trong điều hành kinh tế vĩ mô; tập trung chỉ đạo thực hiện đồng bộ, quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra theo Nghị quyết 01, Nghị quyết 19 và các Nghị quyết phiên họp thường kỳ của Chính phủ; phấn đấu hoàn thành cao nhất kế hoạch phát triển KT-XH năm 2015 và 5 năm 2011-2015.

“Từ nay đến cuối năm, cần tiếp tục nỗ lực, phát huy những gì đã đạt được, khắc phục khó khăn, hạn chế để đạt kết quả cao hơn nữa”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu các Bộ, ngành chức năng tiếp tục bám sát mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, tập trung cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo mọi thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp.

Theo dõi sát tình hình kinh tế thế giới và trong nước, nhất là các động thái của các quốc gia có tác động lớn đến Việt Nam để phối hợp thực hiện đồng bộ, kịp thời các chính sách tài khóa, tiền tệ và các chính sách khác nhằm thực hiện mục tiêu đã đề ra từ đầu năm.

Điều hành lãi suất phù hợp với diễn biến lạm phát và tình hình kinh tế vĩ mô, ổn định giá trị đồng tiền Việt Nam, kiểm soát tỷ giá, thị trường ngoại hối.

Tăng cường chỉ đạo điều hành thực hiện nhiệm vụ tài chính - ngân sách nhà nước. Theo dõi sát diễn biến của giá xăng dầu thế giới để chủ động có những giải pháp ứng phó kịp thời.

Tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân, nhất là các công trình hạ tầng giao thông quan trọng, công trình thủy lợi cấp bách, qua đó làm tăng tổng cầu và thúc đẩy sản xuất - kinh doanh phát triển.

Đề xuất các giải pháp, chính sách nhằm đa dạng hóa các hình thức thu hút và huy động nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển; thúc đẩy mạnh mẽ hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Tăng cường quản lý giá cả, thị trường, phòng chống gian lận thương mại, hàng giả, hàng kém chất lượng. Chuẩn bị tốt các điều kiện để khai thác có hiệu quả các lợi thế trong các Hiệp định thương mại tự do (FTA), nhất là FTA với EU và TPP trong thời gian tới. Kiểm soát nhập khẩu phù hợp với thông lệ và các cam kết quốc tế.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng yêu cầu các Bộ, ngành tập trung chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ các nhiệm vụ giải pháp thực hiện các đột phá chiến lược, cơ cấu lại nền kinh tế và đổi mới mô hình tăng trưởng, trong đó, tập trung vào tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước mà trọng tâm là cổ phần hóa; Ngân hàng Nhà nước tập trung chỉ đạo tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại các tổ chức tín dụng, nhất là các tổ chức tín dụng yếu kém và xử lý hiệu quả nợ xấu.

Nguyễn Văn