Giá hàng hóa, dịch vụ tăng, giảm: Lỗi không ở giá xăng, dầu

Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, có một nghịch lý đang tồn tại là khi giá xăng dầu tăng thì hàng loạt mặt hàng tiêu dùng và dịch vụ vận tải bị đẩy giá lên cao. Nhưng đến nay, khi giá xăng dầu đã giả

Giá xăng, dầu giảm mạnh

Căn cứ diễn biến giá xăng dầu thế giới, cùng với kiến nghị của doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối, ngày 13/10, Bộ Tài chính vừa công văn yêu cầu các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu thực hiện điều chỉnh giảm giá bán xăng dầu. Do điều kiện diễn biến giá thế giới thuận lợi, Bộ Tài chính yêu cầu, các doanh nghiệp giảm mức trích Quỹ bình ổn giá khoảng 200 đồng/lít, kg, từ 300 đồng/lít,kg xuống còn 100 đồng/lít, kg đối với tất cả các chủng loại xăng, dầu.

Sau khi giảm trích Quỹ, Bộ Tài chính yêu cầu các doanh nghiệp phải giảm giá tương ứng mức chênh lệch giữa giá cơ sở và giá bán lẻ, cụ thể như đối với xăng, mức giảm tối thiểu là 669 đồng/lít, đối với dầu diezen, giảm tối thiểu phải là 878 đồng/lít, dầu hoả tối thiểu giảm 848 đồng/lít và dầu madut, giảm tối thiểu 724 đồng/kg.

Cùng ngày, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) đã tính toán và giảm giá xăng 670 đồng/lít, còn 22.890 đồng/lít, giá dầu diezen là 880 đồng/lít, còn 20.240 đồng/lít, giá dầu hoả được giảm làm tròn là 850 đồng/lít, còn 20.500 đồng/lít. Dầu madut giảm 730 đồng/kg, còn mức giá bán lẻ là 17.030 đồng/kg.

Petrolimex cho biết, mức giá bán lẻ mới được áp dụng tại tất cả hệ thống phân phối trên lãnh thổ Việt Nam, gồm: các cửa hàng xăng dầu Petrolimex và các cửa hàng xăng dầu thuộc đại lý, tổng đại lý của Petrolimex. Mức giá bán lẻ tại vùng 2 là mức giá tối đa. Tổng giám đốc Petrolimex trao quyền Giám đốc Công ty Xăng dầu thành viên Petrolimex quyết định mức giá bán lẻ cụ thể tại vùng 2 theo nguyên tắc không được vượt mức giá tại vùng 2 nêu trên và phù hợp với địa bàn ghi tại Quyết định số 83/PLX-QĐ-TGĐ ngày 07/3/2012.

Theo lãnh đạo Petrolimex, việc giảm giá xăng dầu lần này xuất phát từ thực tiễn diễn biến giá xăng dầu thành phẩm trên thị trường thế giới trong chu kỳ tính giá, phù hợp với nguyên tắc xác định giá bán tại Nghị định số 84/2009/NĐ-CP ngày 15/10/2009 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu (NĐ 84) và các văn bản hướng dẫn thi hành NĐ 84 của Liên bộ Tài chính - Công Thương.

Lỗi không ở giá xăng, dầu

Tính từ đầu năm, đây là lần thứ 7 giá xăng dầu trong nước hạ nhiệt. Đây được coi là tín hiệu đáng mừng cho thị trường khi chứng kiến lần giảm giá xăng dầu liên tiếp trong khoảng hơn 2 tháng qua. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia kinh tế, có một nghịch lí đang tồn tại là khi giá xăng dầu tăng thì hàng hóa và dịch vụ tăng vùn vụt theo, nhưng đến thời điểm hiện tại, giá xăng đã giảm đến lần thứ 7 song đến nay chưa có tác động nhiều đến thị trường. Giá các loại hàng hóa chịu ảnh hưởng tác động trực tiếp từ việc tăng giảm giá xăng, dầu cũng như cước vận tải không có biến động tương ứng.



 

Theo ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Thành phố Hà Nội, với taxi là loại phương tiện nhạy cảm, thường khi giá xăng dầu tăng ở mức khoảng 7% thì các hãng mới tăng giá cước. Nhưng khi giá xăng dầu giảm thì việc giảm giá cước lại rất cầm chừng, đặc biệt là ở các hãng taxi lớn. Từ đầu năm đến nay, do mức tăng giá của những lần điều chỉnh không cao, nên không tác động đến giá cả của các hãng taxi. Còn với tuyến cố định liên tỉnh, gần như các hãng vận tải của Hà Nội từ năm ngoái đến nay không tăng giá bởi muốn tăng giá các hãng vận tải cũng phải làm rất nhiều thủ tục nên họ rất thận trọng. Xuất phát từ thực tế đó, ông Bùi Danh Liên cho rằng, lần điều chỉnh giá xăng, dầu lần này sẽ không tác động nhiều đến giá cả của hoạt động vận tải trên địa bàn.

Ông Bùi Danh Liên nhận định, việc giảm giá lần này sẽ không tác động đến giá cả hàng hóa nói chung trên thị trường, vì trong yếu tố cấu thành giá của hàng hóa trên cơ sở giá vận tải là rất nhỏ. Bên cạnh đó, trong hoạt động vận tải, xăng dầu chỉ chiếm khoảng 40% yếu tố chi phí, cho nên việc tăng giảm giá xăng dầu có ảnh hưởng không đang kể. Trong khi đó, thời gian qua các yếu tố về ảnh hướng đến giá cũng đang tăng lên, như bảo hiểm, kiểm tra sức khỏe định kỳ lái xe; các loại phí; lương cho cán bộ nhân viên, v.v… Vì vậy không thể đơn độc điều chỉnh giá cả vận tải xuống khi xăng dầu điều chỉnh xuống.

Khẳng định xăng, dầu chỉ là một yếu tố nhỏ trong việc tác động đến giá cả thị trường, ông Võ Văn Quyền, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương cho rằng, dù giá xăng đã 7 lần giảm giá liên tục, nhưng hiện nay, xăng, dầu cũng chỉ chiếm 0,17% trong việc tính toán chỉ số CPI. Chính vì thế, xăng, dầu cũng chỉ là một trong nhiều mặt hàng đầu vào thiết yếu tác động đến hàng hoá trên thị trường, dù nhìn vào thực tế, xăng, dầu sẽ tác động đến dịch vụ hàng hoá, cụ thể là dịch vụ vận tải và một số ngành sản xuất sử dụng dầu DO.

Cũng theo ông Võ Văn Quyền, phải khẳng định, ngoài những mặt hàng như xăng, điện hiện nay vẫn do Nhà nước định giá và giám sát theo hướng, tăng, giảm phải có ý kiến của Liên bộ, thì hiện nay hầu hết các sản phẩm hàng hoá trên thị trường đều đã vận hành theo cơ chế thị trường. Vì vậy, việc tăng, giảm giá phải phụ thuộc vào cung - cầu của thị trường. Chúng ta không thể áp đặt mệnh lệnh hành chính để buộc kéo giá xuống. Cơ chế thị trường là bàn tay vô hình mà ở đó cạnh tranh tạo ra bức tranh thị trường. Khi có sự cạnh tranh giữa các sản phẩm thì bắt buộc cần tăng sẽ tăng, phải giảm ắt sẽ giảm. Ngoài ra, một loạt các vấn đề khác cũng tác động không nhỏ đến thị trường như: hàng tồn kho, các nhiên, nguyên, vật liệu khác ngoài xăng, lãi suất ngân hàng, nợ khó đòi v.v... Tất cả những yếu tố này cũng tác động lên giá cả, khiến thị trường hàng hoá biến động theo chiều hướng tăng.