Giảm lãi suất cho vay: Kẹt tứ bề!

Cuộc gặp gỡ cộng đồng doanh nghiệp của Tân Thủ tướng cuối tháng 4 vừa rồi như một làn gió mới tạo hi vọng. Ngoài các vấn đề chính sách, câu chuyện lãi suất nóng ran vì các doanh nghiệp đang rất khát v

Như một động thái quyết đoán, ngay tại buổi gặp gỡ đó, hàng loạt ngân hàng thông báo giảm lãi suất cho vay như BIDV, Vietcombank, Vietinbank... Lãi suất cho vay trung và dài hạn giảm 0,3 - 0,5% và được cam kết về dưới 10%/năm. Đại diện Ngân hàng Nhà nước cũng cho biết các ngân hàng phấn đấu giảm 1% lãi suất trong năm nay.

Thế nhưng đã hơn nửa tháng trôi qua, chưa biết hiệu quả của việc giảm lãi suất cho vay đến đâu thì lại có một làn sóng ngầm nâng lãi suất huy động.

Sức ép tứ bề

Song song với việc giảm lãi suất, các ngân hàng lại lần lượt nâng lãi suất huy động ở các kỳ hạn ngắn. Chẳng hạn Vietinbank huy động kỳ hạn 3 - 6 tháng với lãi suất 5,5%/năm - kịch trần cho phép hiện tại, kỳ hạn 6 - 9 tháng là 5,8%/năm, kỳ hạn trên 36 tháng là 7%/năm. Các ngân hàng khác cũng đều tăng lãi suất kỳ hạn ngắn để cạnh tranh và cuộc chơi này không chỉ bó hẹp ở các ngân hàng cổ phần.

Ngân hàng là một định chế tài chính trung gian, đi vay để cho vay lại. Nói một cách dân dã thì ngân hàng là tổ chức đi “buôn” với hàng hóa là tiền. Mà đã đi buôn thì chênh lệch giá vốn và giá bán chính là lợi nhuận. Nếu các ngân hàng tự nâng lãi suất huy động lên thì chẳng khác nào tự chặt vào chân mình, nếu không phải bắt buộc làm như vậy.

Một logic kinh doanh đơn giản là lãi suất huy động cao lên, việc giảm lãi suất cho vay cũng chính là tự hạn chế lợi nhuận của mình. Vì thế không nên hồ hởi quá mức đối với quyết định giảm lãi suất cho vay như những phát ngôn từ phía ngân hàng. Đơn giản là có hàng ngàn cách để khiến cho việc vay được những món tiền theo đúng cam kết lãi suất cho vay nói trên trở nên khó khăn, từ chỗ chỉ giới hạn với khách hàng thân thiết, tới xây dựng tiêu chí khách hàng đáng tin cậy, hay quá trình thẩm định gây nản lòng.

Nhu cầu giảm lãi suất cho vay là có thực vì doanh nghiệp luôn mong muốn có được chi phí vốn đầu vào cho sản xuất ở mức thấp. Tuy nhiên đối với ngân hàng, bài toán kinh doanh cũng quan trọng không kém. Đó là câu chuyện giữa mong muốn chủ quan và cách thức vận hành theo cung cầu của thị trường vốn. Làm sao mà một ngân hàng thiếu vốn huy động lại có thể cho vay được nhiều với lãi suất thấp? Lãi suất huy động lại chịu sức ép của nhiều yếu tố, mà lạm phát đang là mối đe dọa chính.

Việc tăng giá dịch vụ y tế, giá vật liệu xây dựng tăng, thiên tai khiến giá lúa gạo tăng là nguyên nhân chính dẫn đến mức tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 4 vừa rồi tăng 0,33% so với tháng 3 và tăng 1,33% so với cùng kỳ. CPI 4 tháng đầu năm cũng đã tăng 1,41% so với cùng kỳ, khiến dự báo lạm phát 2016 ước tính tới 3 - 5% so với 0,63% năm 2015. Lạm phát cao đương nhiên dẫn đến kỳ vọng của người dân về một mức lãi suất tiền gửi cao.

Báo cáo thường niên kinh tế Việt Nam 2016 do Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) công bố mới đây cũng nhận định lạm phát cao trong năm 2016 có khả năng quay lại nên mục tiêu tăng trưởng tín dụng 18% cho năm nay là quá cao, đồng thời đề xuất giảm xuống 15%.

“Mặt bằng lãi suất huy động - cho vay nhiều khả năng sẽ chịu áp lực lớn nếu lạm phát tăng lên trong năm 2016. Cho nên, cần sớm dỡ bỏ trần lãi suất huy động, hoặc chỉ áp dụng trần lãi suất với các kỳ hạn huy động rất ngắn (dưới 1 tháng) để thị trường có thể linh hoạt tự điều chỉnh, cân đối cung cầu về vốn. Việc duy trì trần lãi suất tiết kiệm dưới 6 tháng (5,5%/năm) dẫn đến khó khăn trong việc thu hút tiền gửi của các ngân hàng, đồng thời làm gia tăng tiêu dùng và đẩy dòng vốn tiết kiệm vào các thị trường tài sản có mức sinh lời kỳ vọng cao hơn. Điều này có thể là nguyên nhân gây mất cân bằng trên thị trường vốn”, báo cáo này nhận định.

Một nguyên nhân nữa mang tính kỹ thuật, nhưng rất quan trọng khiến các ngân hàng phải tăng lãi suất huy động là mức cho vay so với tổng tiền gửi của hệ thống đều đã đến ngưỡng giới hạn, thậm chí là vượt ngưỡng theo quy định. Báo cáo đến hết tháng 2/2016 của Ngân hàng Nhà nước cho thấy tỷ lệ cho vay trên tổng tiền gửi của cả hệ thống đã lên đến 87,71%. Trong đó, riêng khối ngân hàng gốc nhà nước là 97,35%, trong khi quy định tỷ lệ dư nợ trên vốn huy động hiện tại là 90%.

Cho vay quá nhiều vượt quy định nên để cải thiện, ngân hàng chỉ còn cách đẩy mạnh huy động nhiều hơn. Đây không phải là câu chuyện thanh khoản của hệ thống như trước kia, mà là để giải quyết hậu quả của việc cho vay quá mạnh từ năm 2015.

Áp lực lợi nhuận của hệ thống ngân hàng cũng là sức ép mới. Hầu hết các ngân hàng lớn trên thị trường hiện tại đều đã cổ phần hóa. Lãi hàng ngàn tỷ đồng được báo cáo mà cổ đông không có lấy một đồng cổ tức hay giá cổ phiếu cứ lẹt đẹt ở mức thấp là điều họ không tài nào hiểu nổi và thông cảm được. Nếu giảm lãi suất theo chỉ đạo trong khi phải tự giải quyết mâu thuẫn huy động đầu vào sẽ khiến lợi nhuận giảm. Như đại hiện BIDV từng nói thẳng: “Mức lãi suất cho vay bình quân 8,5% một năm khiến mức biên lợi nhuận (NIM) của các ngân hàng rất thấp, chỉ khoảng 0,69%. Hiện giá vốn là 7,8%, gồm lãi suất huy động 4,9%, dự phòng rủi ro 1,22%, dự trữ thanh toán 0,5%, chi phí quản lý hoạt động ngân hàng là 1,75%, NIM ròng chỉ 0,69% trong khi đó tỷ lệ này của các ngân hàng trong ASEAN từ 2,2 - 2,5%".

Sức ép cho chính sách

Điều đương nhiên là các ngân hàng mong muốn thị trường lãi suất được vận hành hoàn toàn theo cơ chế thị trường, nhưng điều đó là không thể. Sự định hướng và can thiệp hành chính vẫn luôn xuất hiện, chẳng hạn như trần lãi suất huy động và cho vay, chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng… Chính vì thế mỗi khi gặp mâu thuẫn giữa mong muốn chủ quan và thực tế thị trường, các chính sách luôn bị gây sức ép.

Không chỉ khiến các doanh nghiệp bất động sản lo mất ăn mất ngủ, dự thảo sửa đổi Thông tư 36 về quy định các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của tổ chức tín dụng cũng khiến các ngân hàng lo lắng. Nhất là vào thời điểm câu chuyện lãi suất huy động và cho vay đang nóng lên từng ngày, vài điểm kỹ thuật mấu chốt của dự thảo sửa đổi Thông tư này được dịp bị điểm mặt chỉ tên để tạo sức ép.

Cần phải nói rõ rằng việc sửa đổi Thông tư 36 đã có từ lâu và tinh thần của Thông tư mới là xiết chặt hơn các tiêu chí an toàn của hệ thống ngân hàng. Điều đương nhiên là càng bị xiết chặt, các ngân hàng càng khó chịu và càng bị bó trong hoạt động. Mâu thuẫn lợi ích là điều đương nhiên.

Chẳng hạn tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn đang là 60% sẽ bị áp xuống 40%. Từ thực tế cuộc đua lãi suất ngắn hạn đang diễn ra, có thể thấy việc ngân hàng huy động vốn ngắn hạn dễ hơn nhiều so với huy động vốn dài hạn. Bản thân việc người dân gửi tiền kỳ hạn ngắn cũng nhiều hơn. Do đó đây là khoản bù đắp vốn đầu vào rất hiệu quả và nhanh.

Khi tỷ lệ này bị giảm xuống 40%, nghĩa là khả năng dùng vốn huy động ngắn hạn để cho vay sẽ thấp xuống. Đang có sức ép kiến nghị giữ nguyên tỷ lệ hoặc giảm có lộ trình cho điều khoản này. Ví dụ, 12 tháng đầu tiên khi Thông tư mới áp dụng, có thể giảm tỷ lệ này từ 60% xuống 50% và chỉ áp dụng 40% sau 24 tháng. Hoặc như tỷ lệ dự trữ thanh toán cũng nên là 8% thay vì là 10%.

Thậm chí đã có kiến nghị như giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc tới 1% - một công cụ chính sách phát đi tín hiệu nới lỏng tiền tệ rất mạnh mẽ. Hoặc như đề nghị Chính phủ giảm tỷ lệ phát hành trái phiếu với lý do Bộ Tài chính lại là khách hàng vay lớn nhất của hệ thống ngân hàng và rõ ràng là mức độ tín nhiệm cao hơn nhiều khách hàng cá nhân, doanh nghiệp, lãi suất trả lại cao. Tuy nhiên việc phát hành trái phiếu lại liên quan đến chi tiêu ngân sách và đầu tư công.

Thực ra các biện pháp nói trên không có gì mới, vẫn là những công cụ tình thế như đã từng áp dụng nhiều năm trước. Câu chuyện thúc đẩy tăng trưởng đi kèm với tăng cung tín dụng và áp lực giảm lãi suất vay lúc nào cũng diễn ra. Tính thị trường vẫn vận hành tốt, chẳng hạn như doanh nghiệp khỏe lúc nào cũng có thể vay được tiền với chi phí hợp lý, thậm chí còn dư giả tiền gửi; ngân hàng tốt có thể tiết giảm chi phí quản lý để giảm giá thành vốn cho vay, từ đó giảm lãi suất. Hay như hàng trăm ngàn tỷ đồng nợ xấu vẫn nằm chất đống - kéo theo là áp lực trích lập dự phòng - mà không thể chuyển thành nguồn lực cho đầu tư xã hội, chỉ vì không chịu chấp nhận một cơ chế thị trường trong giao dịch mua bán.

Hoàng Nguyên