Gỡ bỏ trần chi phí quảng cáo: Thời điểm đã chín muồi

Trong phiên làm việc chiều 8/10/2014 về sửa đổi một số chính sách thuế, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí cao cần bỏ hết trần chi phí quảng cáo, khuyến mãi tiếp thị để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp

Trong một lần trò chuyện với N. cán bộ phòng marketing của Công ty CP Thực phẩm Bích Chi, anh bảo vấn đề đau đầu nhất đối với Công ty chuyên sản xuất thực phẩm ăn liền này là tiếp thị cho những sản phẩm mới ra lò. Nếu năm nào có 1-2 sản phẩm mới thì có thể “khéo co” được, còn trên số đó thì cầm chắc chuyện đội chi phí quảng cáo, khuyến mãi.

Khống chế mức chi phí quảng cáo, khuyến mại ở mức 10%, rồi nới rộng lên 15% là một quy định có từ năm 1997, trong bối cảnh lo ngại doanh nghiệp FDI quảng cáo theo kiểu “dội bom” chèn ép doanh nghiệp trong nước. Tuy nhiên, theo N. quy định này không quản được các doanh nghiệp FDI tại Việt Nam. Anh giải thích, các doanh nghiệp FDI không thiếu “chiêu” để lách luật. Ví dụ, chi phí sản xuất một clip quảng cáo chiếm tới 80% toàn bộ chi phí quảng cáo; song, họ sản xuất clip này ở nước ngoài và khi về Việt Nam thì chỉ là thuê phương tiện phát sóng, truyền tải nên chi phí giảm rất nhiều. Mặt khác, khi chúng ta khống chế chi phí quảng cáo thì các công ty nước ngoài thuê các kênh truyền hình nước ngoài để quảng cáo và các kênh này được phát sóng ở Việt Nam thì không thể kiểm soát được.

Vì khó kiểm soát và bất hợp lý nên quy định này đã nhiều lần được đề nghị dỡ bỏ. Đã có hàng trăm cuộc hội thảo góp ý, trong đó đều nhấn mạnh đến sự cần thiết phải dỡ bỏ trần các chi phí quảng cáo, khuyến mại, tiếp thị. Bởi thực chất các chi phí này đều được tính vào chi phí bán hàng, giá vốn của doanh nghiệp, do đó doanh nghiệp phải tự tính toán, điều chỉnh, cân đối; nếu đẩy mức chi lên cao, giá bán cao thì sức cạnh tranh kém.

Cho đến nay, việc e ngại doanh nghiệp lợi dụng chính sách, hạch toán không đúng, đẩy chi phí quảng cáo, ảnh hưởng đến thu ngân sách đã được các chuyên gia và cơ quan quản lý thống nhất nhận định là chưa có cơ sở.

Hiện các doanh nghiệp đang hoạt động trong cơ chế thị trường. Nếu chi quá mức, giá hàng cao, người tiêu dùng sẽ quay lưng lại sản phẩm và doanh nghiệp sẽ không tồn tại được. Mặt khác, nếu doanh nghiệp gian dối trong quảng cáo sẽ có các công cụ pháp lý khác để quản lý như: cơ quan quản lý thị trường, luật quản lý cạnh tranh…

Khi đưa Luật thuế thu nhập doanh nghiệp ra sửa đổi tháng 6/2013, đại diện các ngành hàng có doanh thu cao đã lên tiếng đề nghị dỡ bỏ trần quảng cáo. Ông Lê Bá Cơ, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bia, rượu, nước giải khát cho rằng, nên để doanh nghiệp chủ động chi phí quảng cáo. Sự chủ động của các doanh nghiệp sẽ bảo đảm sự cân bằng chi phí thu chi, tạo điều kiện cạnh tranh lành mạnh theo đúng nghĩa. Còn theo TS. Nguyễn Hữu Dũng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản, nếu bỏ giới hạn trần quảng cáo thì sẽ khuyến khích khả năng sáng tạo, kinh doanh và thu lợi nhuận của doanh nghiệp. Cùng với đó, Nhà nước cũng không thất thu bởi khoản chi của doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh đồng thời là khoản thu của doanh nghiệp quảng cáo và Nhà nước vẫn đánh thuế với khoản thu này.

Tại phiên họp UBTV Quốc hội nói trên, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng đưa ra 2 phương án sửa đổi. Phương án 1 là bỏ quy định khống chế chi quảng cáo, tiếp thị, khuyến mãi, khánh tiết… nếu doanh nghiệp có đủ hóa đơn chứng từ thì được khấu trừ khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp. Phương án 2 là khống chế 15% đối với chi phí quảng cáo nhưng bỏ khống chế các khoản chi khác.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho biết, cả Ủy ban nhất trí với phương án 1, bởi việc bỏ quy định chi phí quảng cáo tạo môi trường lành mạnh, phù hợp thông lệ thế giới, tạo điều kiện thuận lợi khi đàm phán hiệp định thương mại tự do.

Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội Trương Thị Mai đề nghị: “Chính phủ còn băn khoăn khâu kiểm soát thì nên quy định tiêu chí đối với chi phí quảng cáo và phạm vi. Như vậy vừa chống được lạm dụng, tiêu cực mà vẫn đáp ứng theo được xu hướng kinh tế thị trường, thông lệ quốc tế”.

Gỡ bỏ rào cản khống chế chi phí quảng cáo đã tạo được sự đồng thuận trong xã hội, từ cơ quan quản lý, giới chuyên gia đến doanh nghiệp. Do vậy, anh N. tin rằng, khi Bộ Tài chính trình nội dung này ra Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIII bắt đầu khai mạc ngày 20/10/2014, sẽ được đa số các đại biểu tán thành ở mức cao.

Lê Văn