Gỡ những nút thắt thủ tục quản lý chuyên ngành Hải quan

Để thời gian thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu được cắt giảm theo mục tiêu đặt ra tại Nghị quyết 19/NQ-CP ngày 12/3/2015 của Chính phủ, đòi hỏi tất cả các cơ quan liên quan, bao gồm các cơ quan quản

Quản lý chuyên ngành: Còn nhiều trùng lặp

Theo Nghị quyết 19/NQ-CP, Hải quan là một trong những lĩnh vực trọng tâm cải cách, với mục tiêu đến cuối năm 2016 giảm thời gian hoàn thành thủ tục xuất khẩu xuống còn dưới 10 ngày và thời gian nhập khẩu xuống còn dưới 12 ngày, ngang bằng mức trung bình của các nước ASEAN-4, so với mức 21 ngày cho cả xuất và nhập khẩu như đánh giá của Ngân hàng Thế giới năm 2013. Tuy nhiên, vướng mắc lớn nhất hiện nay trong thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu là thủ tục quản lý chuyên ngành, gắn với trách nhiệm của nhiều bộ ngành và cơ quan liên quan.

Trong quá trình làm thủ tục cho hàng hóa xuất nhập khẩu, cơ quan hải quan chỉ là một trong những đơn vị liên quan trong quá trình làm thủ tục thông quan. Theo kết quả đó, trong năm 2013, thời gian hàng hóa từ khi được đăng ký tờ khai cho đến khi có quyết định thông quan giải phóng hàng của cơ quan hải quan chiếm chỉ chiếm 28% lượng thời gian, 72% thời gian còn lại thuộc các cơ quan của các bộ, ngành khác. Để đạt mục tiêu cắt giảm thủ tục và tạo đột phá của ngành hải quan, thì cần có sự chung sức vào cuộc của những cơ quan liên quanh, mà ngay cảcác đơn vị vận tải, cácdoanh nghiệp cũng phải chủ động trong quá trình sản xuất, kinh doanh để giảm thời gian giải phóng hàng hóa. Vì thế, “nếu chỉ mình cơ quan hải quan làm thì dù có nỗ lực đến đâu thì cũng không thể giảm thời gian thông quan được” - bà Lê Như Quỳnh, Phó trưởng Ban chỉ đạo cải cách thủ tục hành chính hải quan (Tổng cục Hải quan) đề nghị tại Tọa đàm trực tuyến “Đột phá thủ tục quản lý chuyên ngành với hải quan” do Cổng thông tin điện tử Chính phủ tổ chức ngày 2/4/2015.

Ông Phạm Thanh Bình, chuyên gia tư vấn hải quan nêu thực trạng, trên thực tế, vẫn còn một số việc trùng lặp trong quản lý chuyên ngành như một mặt hàng phải chịu quản lý của nhiều chính sách, trùng lặp trong kiểm tra chuyên ngành, trùng lặp về hình thức quản lý (quy chuẩn, giấy phép, giám định, kiểm định,…) trong kiểm tra hàng hóa. Nguyên nhân nữa là chưa có sự phối hợp quản lý nhà nước nhịp nhàng giữa các bộ ngành trong quản lý chuyên ngành trong thực hiện kiểm tra nhà nước về chất lượng, đặc biệt với hải quan. Đây là một trong những nguyên nhân khiến cho doanh nghiệp cùng một công việc nhưng phải “chạy” gõ cửa tới nhiều cơ quan khác nhau dù cùng một nội dung công việc khiến cho thời gian thông quan tăng lên, tăng chí phí và gây thêm khó khăn cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu.

Ông Bình thẳng thắn, nếu thủ tục hải quan và sự chồng lấn trong quản lý chuyên ngành cấp thông quan hàng hóa của doanh nghiệp không có sự liên kết với nhau thì rất khó có thể có đột phát thủ tục quản lý chuyên ngành với hải quan.
 

Nghị quyết 19 tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho hoạt động cải cách

Nghị quyết 19/NQ-CP chỉ rõ, trong thời gian tới Chính phủ yêu cầu các bộ ban ngành cần tập trung cải thiện môi trường kinh doanh, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, rút ngắn quy trình xử lý, giảm số lượng và đơn giản hóa nội dung hồ sơ, giảm thời gian và chi phí thực hiện thủ tục hành chính; bảo đảm công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình của các cơ quan hành chính nhà nước; cải cách toàn diện các quy định về quản lý chuyên ngành đối với hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu, nhập khẩu, phù hợp với thông lệ quốc tế, chuyển mạnh sang hậu kiểm.

Chính phủ đặt mục tiêu phấn đấu năm 2015, các chỉ tiêu về môi trường kinh doanh của Việt Nam đạt và vượt mức trung bình của các nước ASEAN-6; năm 2016 tối thiểu đạt mức trung bình của nhóm nước ASEAN-4 trên một số chỉ tiêu chủ yếu theo thông lệ quốc tế.

Với chỉ tiêu như vậy trong Nghị quyết đã hầu như giải quyết tất cả những tồn tại lâu nay trong quản lý chuyên ngành. Cụ thể là rà soát và đánh giá lại các quy định về quản lý chuyên ngành; tiếp đó là sửa đổi bổ sung danh mục hàng hóa quản lý chuyên ngành đang quá rộng nhưng trong thực tế vẫn còn thiếu; quy định các quy chuẩn, tiêu chuẩn và phương thức thực hiện…

Ông Trần Quốc Tuấn - Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng sản phẩm hàng hóa (Bộ Khoa học Công nghệ) quả quyết: Điểm mới của Nghị quyết là công nhận chứng nhận kiểm tra của các quốc gia khu vực có tiêu chuẩn kỹ thuật cao, ở những nhà sản xuất nổi tiếng. Trong một chừng mực, điều kiện nhất định, đáp ứng những yêu cầu nhất định chúng ta có thể “đơn phương công nhận”. Tức là chúng ta thấy đó phù hợp với pháp luật của mình, có lợi cho mình thì chúng ta công nhận. Đây là cơ sở để các bộ thực hiện. Một các tiếp cận mới của Nghị quyết nữa là quy định cụ thể những vấn đề phải sửa, quy định giao cho từng bộ từng ngành. “Đây là Nghị quyết của những con số cụ thể, có sơ sở để đo lường kết quả sau này. Và cũng là một Nghị quyết khá toàn diện và khoa học. Nếu triển khai tốt sẽ tạo sự chuyển biến đột phá về quản lý chuyên ngành trong lĩnh vực hàng hóa xuất nhập khẩu hiện nay” - ông Tuấn khẳng định.

Nhiều giải pháp giảm thời gian thông quan

Bà Lê Như Quỳnh cho biết, thời gian qua ngành Hải quan đã rất quyết liệt triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, có chương trình hành động cụ thể: Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành, nâng cao mức độ tự động hóa của hệ thống, triển khai một loạt các phương pháp hải quan hiện đại, trong đó nhấn mạnh vấn đề quản lý rủi ro, quản lý tuân thủ, đẩy mạnh hoạt động kiểm soát hải quan, bắt đầu giám sát bằng phương tiện trực tuyến. Bên cạnh đó là nâng cao xây dựng lực lượng hướng đến làm sao để thủ tục hành chính được ban hành trên cơ sở văn bản nhưng phải đi vào thực tế. Cán bộ công chức khi thực hiện các thủ tục này hạn chế đến mức thấp nhất tiêu cực. "Trong thời gian tới, ngành Hải quan tập trung 3 giải pháp lớn, tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp. Tập trung trước mắt là hoàn thiện thể chế chính sách về kiểm tra chuyên ngành, đảm bảo chuẩn mực quốc tế, cũng như các thông lệ quốc tế; xã hội hóa để phục vụ kiểm tra chuyên ngành; đầu tư cơ sở vật chất nâng cao mức độ tự động hóa của hệ thống, trong đó phải kể đến cơ chế một cửa quốc gia, một cửa ASEAN" - bà Quỳnh nói.

Bà Đỗ Thị Thu Hương, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, hiện nay những mặt đang quản lý theo Nghị định 187 chủ yếu là những nhóm hàng được quản lý chuyên ngành phải đảm bảo an toàn cho sức khỏe con người, động vật, thực vật, an ninh, thuần phong mỹ tục; một số mặt hàng thì quản lý theo các cam kết của Việt Nam với các công ươc quốc tế. Thực hiện theo chỉ đạo của Nghị quyết 19, Bộ Công Thương đang rà soát lại toàn bộ danh mục mặt hàng, quy trình cấp phép đối với nhóm hàng quản lý chuyên ngành. “Hiện nay chỉ có 1/3 mặt hàng, nhóm mặt hàng được quản lý theo hình thức giấy phép, còn lại là quản lý theo quy định về điều kiện xuất nhập khẩu, quy định đăng ký kiểm nghiệm. Những mặt hàng nào thấy không cần thiết nữa thì chuyển sang hình thức quản lý khác như điều kiện quy chuẩn, điều kiện nhập khẩu để giảm tối đa lượng mặt hàng hiện nay đang chịu quản lý chuyên ngành của các bộ; rà soát quy trình cấp phép để giảm thời gian, giảm giấy tờ, chứng từ. Thực hiện kết nối cơ chế một cửa quốc gia với Tổng cục Hải quan, góp phần giảm số giờ thông quan tại cửa khẩu”, bà Hương nhấn mạnh.

Liên quan đến những giải pháp quản lý chuyên ngành, ông Trần Quốc Tuấn cho biết: Bộ Khoa học và Công nghệ đã triển khai rất nhiềugiải pháp, trong đó có các giải pháp về cơ chế chích sách, mà cụ thể là thực hiện Luật chất lượng sản phẩm hàng hóa, các văn bản dưới luật khác; hoàn thiện các quy chuẩn chất lượng để phục vụ cho việc quản lý chất lượng hàng hóa; rà soát lại quy định pháp luật liên quan đến kiểm tra chất lượng hàng hóa xuất khẩu. Tuy nhiên, để rút ngắn thời gian thông quan hàng hóa, ông Tuấn cũng đề nghị phổ biến và yêu cầu các doanh nghiệp chủ động đánh giá chất lượng hàng hóa xuất nhập khẩu trước khi đến cơ quan quản lý chất lương hàng hóa chuyên ngành. Đồng thời cần có sự phối hợp nhịp nhàng giữa cơ quan quản lý chất lượng với tổ chức đánh giá chất lượng phù hợp được chỉ định; đẩy mạnh thừa nhận lẫn nhau đánh giá sự phù hợp và yêu cầu doanh nghiệp cũng tích cực thực hiện.

Trong thời gian tới các cơ quan liên quan cần ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và kết nối với nhau (chính phủ điện tử) để để làm sao rút ngắn được thời gian thông quan hàng hóa một cách nhanh nhất, tạo thuận lợi nhất cho doanh nghiệp, đảm bảo cải thiện môi trường kinh doanh theo tinh thần Nghị quyết 19 của Chính phủ.

Với Nghị quyết này, Chính phủ đã đặt mình vào thế cạnh tranh toàn cầu để cải cách. Tuy nhiên, để Nghị quyết thực sự phát huy hiệu quả thực tế, cần bảo đảm việc thực thi pháp luật của đội ngũ công chức, viên chức của các cơ quan quản lý nhà nước.
Minh Anh