Hai di sản, hai mạch sống… 

Hai di sản văn hóa phi vật thể cùng được vinh danh vào thời điểm năm 2009. Đến nay, sau 5 năm nhìn lại thì thấy Quan họ có nhiều may mắn hơn. Còn Ca trù việc giữ gìn hình như vẫn đang "phó thác" cho c
Vẹn nguyên những làn điệu Quan họ cổ 
Vào ngày này cách đây 5 năm trước, (30-9-2009), Quan họ Bắc Ninh đã được công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể và truyền khẩu của nhân loại. Quan họ xứ Kinh Bắc được Hội đồng chuyên môn của UNESCO đánh giá cao về giá trị văn hóa, đặc biệt về tập quán xã hội, nghệ thuật trình diễn, kỹ thuật hát, phong cách ứng xử văn hóa, bài bản, ngôn từ và trang phục.
Đồng nghiệp của tôi, một cây viết có thâm niên đeo bám Quan họ hơn 15 năm, mỗi khi thấy báo chí và các phương tiện truyền thông "xúm" lại chê Quan họ mất màu, anh bảo: đấy chẳng qua là người ta  chưa thực sự hiểu quan họ, chưa "ba cùng" với người Quan họ. Theo cái lý ấy thì lâu nay người ta cứ phê phán "Quan họ đoàn", "Quan họ karaoke", "Quan họ dịch vụ"; người ta có thể bóc tách quan họ cổ với quan họ mới; rồi nói về không gian diễn xướng bị đổi thay, về mục đích thương mại lệch lạc... Nhưng khi đã hiểu, đã yêu, người ta sẽ biết quan họ sinh ra từ lối sống và truyền thống văn hóa của người dân Kinh Bắc. Và cho dù cuộc sống có thay đổi thế nào, thì quan họ sẽ vẫn là Quan họ không thể khác được. Có một thực tế là nhiều năm qua, nhất là từ sau khi Quan họ được vinh danh, nhiều người tìm về hội Lim, nhiều người muốn được thưởng thức quan họ. Và cũng nhiều canh Quan họ "biến chất" đã hình thành. Đặc trưng của những đám hát này là hát thiếu lề lối, khách thích nghe bài nào là chiều bài đó. Người quan họ bảo, lề lối không được phép như vậy. Nhưng rồi từ chuyện canh quan họ không giữ lề lối, nhiều người lại phê chuyện thưởng tiền cho liền anh liền chị. Thực ra họ đâu biết rằng tiền "thướng" là lề lối cổ. Chơi quan họ mà không biết "thướng" thì phụ công người hát phục vụ mình lắm. Còn chuyện đưa tiền thì ắt phải có người ngửa nón vậy thôi. Chỉ có điều giờ mọi người hay để tiền "thướng" vào cái cơi trầu, trông cũng dễ nhìn hơn. Nhưng hát dưới thuyền thì vẫn đành phải ngửa nón…
Chính quyền và nhân dân cùng làm 
Người ta từng nhiều lần phê phán bệnh sính "kỷ lục" của người Việt. Trong đó có cả màn lập kỷ lục Quan họ ở Hội Lim vào năm 2012, với hàng ngàn người tham gia hát. Cho dù xuất phát từ mục đích muốn quảng bá Quan họ cho thế giới biết (như giải thích của Chủ tịch Hội những người yêu dân ca Quan họ Bắc Ninh) thì việc "ồn ào" hóa Quan họ cũng không được hoan nghênh lắm. 
Nhưng có một điểu ghi nhận, đó là những quan tâm từ phía chính quyền địa phương, sự tiếp sức cho một di sản văn hóa phi vật thể đã khiến cho Quan họ có sức lan tỏa, ít nhất là trong vòng 5 năm qua.  Đơn cử như trong năm 2013, HĐND tỉnh Bắc Ninh đã thông qua Quy định chế độ đãi ngộ đối với nghệ nhân Quan họ. Theo đó nghệ nhân được thụ hưởng mức hỗ trợ bằng mức lương tối thiểu hàng tháng, được hỗ trợ bảo hiểm y tế…Đây cũng là một trong những nhiệm vụ đã được tỉnh Bắc Ninh cam kết với UNESCO trong việc bảo vệ di sản Quan họ. Cùng với đó, những nghệ nhân giữ lửa Ca trù ở Bắc Ninh khi được Chủ tịch UBND tỉnh phong tặng danh hiệu cùng được hưởng mọi chế độ đãi ngộ như với nghệ nhân Quan họ. Trước đó, trong khi chờ quy định được thông qua từ địa phương, chờ được Nhà nước tôn vinh và ghi nhận ở cấp cao hơn thì từ năm 2010, tỉnh Bắc Ninh đã ban hành Quyết định về việc phong tặng danh hiệu "Nghệ nhân dân ca Quan họ Bắc Ninh" (đợt 1) cho 41 "liền anh, liền chị" tiêu biểu, kèm theo tiền thưởng 5 triệu đồng mỗi nghệ nhân. 
Và cũng trong năm 2013, Bắc Ninh đã  phê duyệt đề án Bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể dân ca Quan họ Bắc Ninh và ca trù giai đoạn 2013-2020 với tổng mức kinh phí đầu tư gần 65 tỷ đồng, trích từ ngân sách của tỉnh, với rất nhiều hạng mục đầu tư. Tất nhiên, từ dự án đến thực tiễn vẫn có những khoảng cách đáng kể. Những liền anh liền chị mà chúng tôi gặp chia sẻ rằng: Từ khi Quan họ được UNESCO công nhận đến giờ, mỗi làng quan họ cổ được 300 triệu để mua tăng âm, loa đài, một chút thì may quần áo, chút nữa thì bồi dưỡng cho những người dạy hát cho các cháu. Tiền ấy nghe thì lớn với những người làm nông, nhưng để gìn giữ cả một di sản văn hóa phi vật thể đồ sộ thì lại như "muối bỏ bể". Vậy người quan họ xoay sở thế nào? Xin thưa rằng họ làm ruộng, đi xe ôm, bán hàng xén… Có mấy người giỏi hơn thì làm dịch vụ. Không yêu quan họ, thì họ chẳng giữ câu ca, chẳng ai được nghe quan họ nữa. Lúc đấy quan họ sẽ "chết" thật. Trách sao những người chỉ biết phê mà chẳng biết chơi Quan họ.
Chạnh lòng ca Trù 
Ngày 1-10-2009,  Ca trù được công nhận là Di sản Phi vật thể và Truyền khẩu của nhân loại cần bảo vệ khẩn cấp. Đây là di sản văn hóa thế giới có vùng ảnh hưởng lớn nhất ở Việt Nam, có phạm vi tới 15 tỉnh, thành ở phía Bắc. Theo cam kết với UNESCO, sau 5 năm (tức là tính đến năm năm 2014), Việt Nam phải hoàn thành nhiệm vụ đưa di sản này vượt qua ranh giới "cần được bảo vệ khẩn cấp". Song ghi nhận từ thực tế cho thấy, việc bảo tồn Ca trù dường như còn bỏ ngỏ và di sản này vẫn sống được, ấy là đang nhờ vào những nỗ lực từ cộng đồng. Nhiều năm qua, các CLB, các nhóm ca trù như CLB Ca trù Hà Nội, CLB ca trù Thăng Long, nhóm Ca trù Tràng An… vẫn gắng đỏ đèn biểu diễn phục vụ khán giả. Các CLB đã chọn đình Kim Ngân ( phố Hàng Bạc- quận Hoàn Kiếm) làm nơi biểu diễn. Ca trù kén khán giả, nhưng thật mừng là mấy năm qua, đình Kim Ngân đã trở thành một địa chỉ văn hóa với khán giả trong và ngoài nước. Nhìn lại 5 năm từ khi Ca trù được vinh danh là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại, nhạc sỹ Đặng Hoành Loan bảo rằng so với khoảng thời gian năm 2008, hiện Ca trù đã đủ điều kiện để được chuyển khỏi danh sách "cần bảo vệ khẩn cấp". Nhưng ông cũng ngậm ngùi cho hay,  năm 2009, khi được UNESCO vinh danh, chúng ta chỉ có 20 nghệ nhân trong toàn quốc và không có người biết hát Ca trù (ngoài 20 nghệ nhân này) thì đến nay, 18 nghệ nhân đã ra đi. Ở thời điểm hiện nay chúng ta có một đội ngũ những người biết hát ca trù, lớp nghệ sỹ kế cận (khoảng vài ba trăm người). Nhưng  nếu so với các nghệ nhân cao tuổi- những "báu vật nhân văn sống" thì lớp trẻ còn cần phải có thêm nhiều thời gian rèn luyện. 
Hai câu chuyện liên quan đến di sản văn hóa phi vật thể, một thuộc loại hình di sản phi vật thể đại diện của nhân loại, một thuộc loại hình di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp, nhưng cũng đủ để người ta nhìn rõ hơn về những vấn đề còn tồn tại của di sản sau vinh danh. Theo các chuyên gia nghiên cứu về di sản- văn hóa, nếu chúng ta cứ mải chạy theo số lượng  di sản-  giống như tiếp thị kinh tế thì sẽ chỉ làm hỏng văn hóa. Các quy tắc bảo vệ di sản nói chung của UNESCO rất nghiêm ngặt. Trên giới thế cũng đã có di sản được công nhận rồi lại bị tước danh hiệu. Ví như năm 2009, UNESCO đã tước danh hiệu Di sản thế giới của Thung lũng Elbe ở Dresden (Đức) do nơi đây đã tiến hành xây dựng cây cầu 4 làn đường bắc qua sông, phá hỏng cảnh quan của thung lũng này. Trước đó 2 năm, khu bảo tồn Arabian Oryx của Oman cũng bị tước danh hiệu khi để tình trạng săn bắn trộm diễn ra tràn lan và nạn ô nhiễm môi trường khiến các loài vật quý hiếm ở đây suy giảm mạnh.
Vì vậy, đứng trước thực trạng lúng túng sau vinh danh di sản, và cuộc đua danh hiệu hiện nay, hỏi không lo lắng sao đành.