Hancorp: Chuyển mình sau cổ phần hoá

Với nền tảng là nguồn nhân lực chất lượng cao, sau cổ phần hóa Tổng công ty Xây dựng Hà Nội - CTCP (Hancorp) đã có những bước đi vững chắc, khẳng định là thương hiệu uy tín trên thị trường xây dựng Vi

Sau cổ phần hoá, Hancorp tiếp tục xác định cho mình ngành nghề kinh doanh chính là xây lắp và kinh doanh bất động sản; đồng thời, nỗ lực thực hiện tái cơ cấu, với một trong những nhiệm vụ trọng tâm là thoái vốn đầu tư ngoài ngành. Với giá trị sản xuất, kinh doanh đạt 2.680 tỷ đồng, tỷ lệ cổ tức chi trả đạt 6%/năm trong năm 2015, đây là thành quả đáng ghi nhận sau 2 năm Hancorp chuyển sang hoạt động theo mô hình công ty cổ phần.

Khẳng định vị thế

Với vị thế là một trong những doanh nghiệp đầu ngành trong lĩnh vực thi công xây lắp, nhà đầu tư về hạ tầng và khu đô thị mới - nhà ở, sau khi hoàn thành việc đổi mới, sắp xếp lại và cổ phần hóa các doanh nghiệp trực thuộc, Hancorp đã tiến hành cổ phần hóa Công ty mẹ kết hợp tái cơ cấu tổ chức, phương thức quản trị doanh nghiệp và quy chế quản lý theo các thông lệ quốc tế. Hoạt động kinh doanh sau cổ phần hóa của Tổng công ty là tập trung vào lĩnh vực sản xuất, kinh doanh chính, phát huy tốt các nguồn lực, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh và năng lực cạnh tranh trên thị trường.

Chính vì vậy, chỉ tiêu sản xuất, kinh doanh năm 2015 của Hancorp đã đạt mục tiêu chính đề ra. Cụ thể, giá trị sản xuất, kinh doanh đạt 2.680 tỷ đồng (đạt 100% kế hoạch năm), trong đó, giá trị xây lắp đạt 1.413 tỷ đồng; giá trị kinh doanh nhà, hạ tầng đô thị đạt trên 1.200 tỷ đồng. Với doanh thu đạt 2.481 tỷ đồng, lợi nhuận đạt trên 124 tỷ đồng, tỷ lệ cổ tức chi trả cho các cổ đông đạt mức 6%/năm (đạt 100% kế hoạch năm).

Trong công tác đầu tư phát triển, Hancorp vẫn tập trung vào các dự án kinh doanh bất động sản tại Khu ngoại giao đoàn hiện đang được triển khai thi công như Khu hỗn hợp N01.T8; Khu hỗn hợp N01.T6-N01T7; Nhà văn phòng…

Đối với hoạt động xây lắp, trải qua trên 55 năm kinh nghiệm, đây vẫn là lĩnh vực thế mạnh của Tổng công ty Xây dựng Hà Nội. Trong công tác thị trường, năm 2015, Hancorp đã trúng thầu và chỉ định thầu 5 công trình với giá trị trên 3.000 tỷ đồng, bình quân mỗi công trình 600 tỷ đồng.

Cũng trong năm 2015, Tổng công ty đã và đang trực tiếp thi công 25 công trình và hạng mục công trình, trong đó có nhiều công trình trọng điểm như Bệnh viện Nhi Trung ương, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Sóc Trăng, gói thầu 7 Đại học Thủy lợi Hưng Yên…

Năm 2015 là năm cuối cùng Hancorp thực hiện đề án tái cơ cấu giai đoạn 2013 - 2015, Tổng công ty đã thành lập mới 2 công ty TNHH một thành viên, góp vốn thành lập Công ty CP Đầu tư khai thác nhà ga quốc tế Đà Nẵng, Ban điều hành dự án Nhà máy Nhiệt điện Sông Hậu 1… Trong năm 2015, Tổng công ty đã tiến hành thoái vốn thành công 8,1 tỷ đồng tại Công ty CP Đầu tư Lạc Hồng, nâng tổng số tiền thoái vốn từ lúc cổ phần hoá Tổng công ty lên trên 220 tỷ đồng để tập trung cho sản xuất chính. Hiện Tổng công ty cũng đang xây dựng phương án sắp xếp doanh nghiệp giai đoạn 2016 - 2020 (tái cơ cấu giai đoạn 2).

Nhân lực là nền tảng

Theo kế hoạch, năm 2016, Hancorp sẽ tập trung vào các ngành nghề sản xuất chính như xây lắp, ưu tiên phát triển nhà và các dự án nhà ở tại Khu ngoại giao đoàn… Tổng công ty cũng thống nhất mục tiêu đạt 2.950 tỷ đồng về sản xuất, kinh doanh, 2.700 tỷ đồng về doanh thu và tỷ lệ cổ tức chi trả đạt 6%/năm…

Để thực hiện tốt nhiệm vụ đã đề ra, thời gian tới Hancorp sẽ tiếp tục tăng cường công tác tiếp thị, tìm kiếm dự án có điều kiện tốt về nguồn vốn, điều kiện hợp đồng, thi công. Tổng công ty cũng tập trung vào các dự án nhà ở chính sách, nhà cho người thu nhập thấp của các địa phương như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh…

“Xác định hiệu quả sản xuất, kinh doanh là thước đo hàng đầu của doanh nghiệp, Tổng công ty sẽ không ngừng tăng cường khả năng tiếp cận thị trường cả về đầu tư, xây lắp, sản xuất vật liệu xây dựng và các lĩnh vực có liên quan và là thế mạnh của doanh nghiệp, phấn đấu tăng tỷ trọng nhận tổng thầu, thầu chính cũng như các hình thức BT, EPC; tham gia liên danh với các nhà thầu khác để trúng thầu các công trình công nghiệp lớn như nhiệt điện, lọc hóa dầu có vốn đầu tư của nước ngoài…” - ông Bùi Xuân Dũng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Hancorp chia sẻ.

Chính vì vậy, Hội đồng quản trị, Ban Tổng giám đốc cùng các phòng ban đã xây dựng đề án tái cơ cấu trong 5 năm, trong đó có đầu tư ngắn, trung, dài hạn. Tiếp tục phối hợp cùng các bộ, ban, ngành đẩy mạnh công tác thoái vốn, nâng cao quản trị doanh nghiệp, tiếp tục đẩy mạnh thương hiệu của Tổng công ty. Qua đó, tìm kiếm các đối tác, dự án đầu tư trung, dài hạn nhằm đẩy mạnh nguồn lực tài chính, mở rộng môi trường kinh doanh. Trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản, hiện Hancorp cũng đang tìm kiếm và đề xuất với UBND TP. Hà Nội thực hiện các dự án nhà ở xã hội, cải tạo chung cư cũ thành các khu đô thị…, tiếp tục xây dựng, đẩy mạnh thương hiệu Hancorp ngày càng vững mạnh.

“Một trong những yếu tố thành công, giúp Hancorp khẳng định được vị thế của mình trên thị trường xây dựng Việt Nam là yếu tố con người. Chính truyền thống Đoàn kết - Sáng tạo - Đổi mới để phát triển bền vững đã giúp Tổng công ty luôn vững vàng mặc cho những khó khăn ảnh hưởng từ nền kinh tế thế giới và khu vực. Với gần 30.000 CBCNV, Hancorp luôn tự hào bởi bằng sự sáng tạo của đội ngũ CBCNV, cộng với công nghệ tiên tiến đã xây dựng nên các công trình kiến trúc vừa có tính kế thừa, vừa bắt kịp được với cuộc sống hiện đại nhưng không phá vỡ cảnh quan đô thị. Đây cũng chính là nguồn lực quan trọng nhất tạo nên thành công của Hancorp trong tương lai” - ông Bùi Xuân Dũng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Hancorp nhấn mạnh.

Lê Hoa