Hoàn thiện chính sách cho phát triển gạch không nung

Trong khuôn khổ Dự án Tăng cường sản xuất và sử dụng gạch không nung ở Việt Nam, sáng nay 17/11/2016, Bộ Khoa học và Công nghệ đã tổ chức Hội thảo Hoàn thiện các chính sách phát triển gạch không nung.
Báo cáo đánh giá hiện trạng các cơ chế chính sách hiện tại, ông Phạm Văn Bắc – Phó Vụ trưởng Vụ Vật liệu xây dựng, Bộ Xây dựng – chủ trì nhóm nghiên cứu cho rằng, nhìn chung, hệ thống các văn bản pháp lý về khuyến khích sản xuất và sử dụng gạch không nung trong thời gian ngắn cơ bản đã được xây dựng tương đối đầy đủ; Hệ thống các tiêu chuẩn về sản phẩm, hướng dẫn thi công, định mức sử dụng cơ bản đã được xây dựng, bổ sung, soát xét (dù tới nay vẫn còn thiếu); Nhận thức của các bộ, ngành, địa phương đối với việc sản xuất và sử dụng gạch không nung đã có nhiều thay đổi, nên các cấp đã chủ động và quyết liệt hơn trong việc xóa bỏ các lò gạch thủ công và tăng cường khuyến khích sản xuất gạch không nung.

Tuy nhiên, báo cáo cũng nhìn nhận, nhiều chính sách đưa ra chưa cụ thể nên khi đưa vào áp dụng tại các địa phương chưa thực hiện được. Hay do hiểu biết không đầy đủ về gạch không nung nên nhiều tỉnh còn trì hoãn việc áp dụng các qui định của nhà nước trong việc xây dựng các công trình ngân sách. Còn phía các nhà đầu tư, nhà thầu xây dựng do không nắm chắc kỹ thuật thi công nên các công trình sử dụng gạch không nung cho chất lượng không đồng đều dẫn đến ảnh hưởng uy tín của loại vật liệu này. Phía các nhà sản xuất do thiếu vốn, thiếu kinh nghiệm nhập các dây chuyền sản xuất gạch không nung trình độ trung bình, thiếu đồng bộ nên chất lượng không ổn định, không tuân thủ đúng qui trình lưu kho, vận chuyển nên đã ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm khi đưa vào công trình…

Nhóm nghiên cứu cũng đã đưa ra một số đề nghị sửa đổi Thông tư 09/2012/TT-BXD ngày 28/11/2012 Quy định sử dụng vật liệu xây không nung trong các công trình xây dựng, theo hướng nâng cao tỉ lệ sử dụng gạch nhẹ trong các công trình cao tầng lên tới 70-80%; đề nghị Thủ tướng Chính phủ ban hành chỉ thị “Tiếp tục tăng cường sản xuất và sử dụng vật liệu xây không nung, hạn chế sản xuất và sử dụng gạch đất sét nung”; chỉnh sửa Nghị định 121/2013/NĐ-CP ngày 10/10/2013 Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động xây dựng, kinh doanh bất động sản; khai thác, sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng; quản lý công trình hạ tầng kỹ thuật; quản lý phát triển nhà và công sở. Đồng thời kiến nghị chỉnh sửa, xây dựng và ban hành các chỉ dẫn thi công và nghiệm thu tường xây bằng vật liệu không nung… hay soát xét xây dựng lại định mức sử dụng vật liệu xây không nung cho phù hợp với điều kiện thực tế…

Trong phần tranh luận với ý kiến đóng góp của các đại biểu, đa phần đã đi sâu vào các tồn tại để sửa đổi sao cho phù hợp với thực tế và phù hợp với từng địa phương, doanh nghiệp.

PGS.TS. Dương Đức Long – Viện trưởng Viện Vật liệu xây dựng, Bộ Xây dựng cho rằng, cần làm thế nào để trong các văn bản chính thức chỉ ra được hai ưu điểm của gạch không nung là tiết kiệm năng lượng và thân thiện môi trường. Bởi trên thực tế, chúng ta vẫn nói như vậy, nhưng trong các văn bản pháp quy lại không có câu nào thể hiện điều đó, như thế sẽ khó có tính thuyết phục, từ nhà đầu tư đến nhà thầu, nên sẽ khó để có thể triển khai vào các công trình. Theo ông Long cũng nên ban hành Sổ tay tất cả các vấn đề liên quan đến ưu đãi như hệ thống chính sách, các nguồn vốn vay… để doanh nghiệp chủ động tìm hiểu và lên kế hoạch phù hợp.

Cho rằng các cơ chế chính sách hiện hành là chưa đầy đủ, TS. Thái Duy Sâm – Phó Chủ tịch Hội Vật liệu xây dựng Việt Nam đánh giá, chính sách mới khuyến khích nhà đầu tư sản xuất, mà chưa khuyến khích người sử dụng sản phẩm gạch không nung, dẫn đến tình trạng sản xuất đã đạt chỉ tiêu đề ra, nhưng việc tiêu thụ còn khó khăn, các cơ sở không phát huy hết công suất, thậm chí phải ngừng hoạt động. Do đó, cần nghiên cứu ban hành cơ chế ưu đãi đối với người sử dụng gạch không nung nhằm giảm chi phí công trình để khuyến khích sử dụng.

Theo ông Nguyễn Thế Hùng – Phó Chủ tịch Hội bê tông Việt Nam, chính sách nên áp dụng xây dựng trên từng địa phương cho phù hợp. Công nghệ mới đã có thể sản xuất gạch nung từ đất sét đồi (lò nung tuynel). Vùng nào không có sẵn cốt liệu (chất thải công nghiệp), phải chở từ nơi xa về, trong khi địa phương có sẵn đất sét đồi thì phải để địa phương ưu tiên sử dụng gạch nung.

Hầu hết đại biểu đều đồng ý với ý kiến rằng, khi sử dụng gạch không nung, lợi ích từ việc bảo vệ tài nguyên đất sét là điều không có gì phải bàn cãi. Tuy nhiên, một lợi ích lớn hơn chính là tận dụng được các chất thải công nghiệp, đặc biệt là tro xỉ của các nhà máy nhiệt điện đang là vấn đề đau đầu của ngành Điện. Chỉ cần có đầu ra, có một thị trường rộng mở thì các vấn đề về ô nhiễm môi trường từ các chất thải công nghiệp có thể được giải quyết triệt để. Muốn vậy, Bộ Xây dựng cần nhanh chóng xây dựng và ban hành các tiêu chuẩn, tiêu chí, định mức liên quan đến sản xuất và sử dụng gạch không nung để nhà sản xuất, nhà đầu tư, nhà thầu yên tâm sử dụng loại sản phẩm này. Mặt khác, trên thị trường chủ yếu là sử dụng gạch bê tông cốt liệu, nhưng các chính sách thì lại nghiêng về sản phẩm gạch nhẹ, bê tông khí chưng áp ACC, là chưa phù hợp. Đồng thời, các chế tài hiện chưa đủ mạnh, nên thậm chí, có những nhà đầu tư tại TP.HCM chấp nhận chịu phạt chứ nhất định không sử dụng gạch không nung. Hay như, mỗi nhà sản xuất có một tỉ lệ phối trộn cốt liệu khác nhau, cần một đơn vị trung gian kiểm soát chất lượng, chuyển giao công nghệ cho các đơn vị sản xuất…

Tiếp thu ý kiến của các đại biểu, trưởng nhóm nghiên cứu Phạm Văn Bắc khẳng định, sẽ cố gắng hoàn thiện hệ thống chính sách phát triển gạch không nung làm sao đảm bảo hài hòa lợi ích của tất cả các bên từ nhà quản lý, nhà đầu tư, nhà sản xuất đến người tiêu dùng.

Kết luận Hội thảo, ông Nguyễn Đình Hậu cho biết, hoàn thiện cơ chế chính sách cho phát triển gạch không nung là vấn đề nóng suốt từ năm 2010 đến nay. Đây chỉ là một trong những rào cản trong sự phát triển gạch không nung. Hội thảo đã thu được nhiều thông tin quan trọng về tài chính, chuyển giao công nghệ, hay sửa đổi cái gì, như thế nào. Ông Hậu cũng cam kết, Ban quản lý Dự án sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan ban ngành, địa phương, doanh nghiệp để rà soát, hoàn thiện hệ thống cơ chế chính sách sao cho phù hợp với, đồng thời Dự án sẽ tiếp tục tổ chức các hội thảo chuyên sâu để hoàn thiện các vấn đề của Dự án. Ông Hậu cũng đề nghị các đơn vị, doanh nghiệp tiếp tục quan tâm phối hợp để Ban quản lý Dự án có nhiều thông tin nhằm hoàn thiện cơ chế chính sách hướng tới mục tiêu lớn nhất là tạo điều kiện thuận lợi phát triển gạch không nung.

TS. Trần Bá Việt – Phó Viện trưởng Viện KHCN Xây dựng: Cần tích hợp các chính sách vào giá

Chính sách rất quan trọng, nó tạo hành lang pháp lý cũng như điều kiện phát triển gạch không nung theo xu thế chung của thế giới, tận dụng được các vật liệu sẵn có của Việt Nam, tiết kiệm năng lượng, giảm ô nhiễm môi trường và thực tế đang phát triển tốt.

TS. Trần Bá Việt
 Phó Viện trưởng Viện KHCN Xây dựng Nhưng ở góc nhìn của tôi thì quan trọng nhất là bài toán kinh tế, chứ không phải các vấn đề về hành chính.

Sản phẩm này của chúng ta không có gì cao cấp hay ưu việt hơn so với các vật liệu nung truyền thống. Chính vì thế, khi làm việc với nhà thầu họ chỉ quan tâm giá là bao nhiêu, ít nhất phải bằng gạch nung truyền thống thì mới cạnh tranh được. Tất cả những áp lực hành chính là không bền vững.

Tôi xin đưa ra một số liệu cụ thể:

Tại Đà Nẵng, tính trên đơn vị tường đơn, gạch nung giá 610.000 đ/m3; tại Hà Nội khoảng 750.000 đ/m3; tại TP.HCM khoảng 930-950.000 đ/m3. Trong khi gạch bê tông cốt liệu của Công ty CP Gạch Khang Minh đang có giá 600-750.000 đ/m3 tùy loại. Đây là mức giá hoàn toàn cạnh tranh được. Nhưng loại gạch nhẹ bê tông khí chưng áp ACC thì có giá khoảng 950.000 đ/m3, rất khó đi vào các công trình.

Tất cả chính sách chỉ tập trung vào đây. Quyết định cuối cùng là nhà thầu, nhà thầu sẽ quyết định dùng cái gì. Vì vậy, đề nghị Vụ Vật liệu có nghiên cứu để tích hợp chính sách vào giá, làm sao để gạch không nung thực sự cạnh tranh được với sản phẩm gạch truyền thống về giá.

Tôi đề nghị nên có qui định, đô thị lớn từ loại mấy trở lên thì bắt buộc sử dụng gạch không nung. Vùng nông thôn hoặc đô thị loại 4 thì có thể dùng gạch nung. Nếu không bắt buộc được, thì phải có lộ trình và trong thời gian thực hiện lộ trình thì đánh thuế môi trường, thuế tài nguyên thật mạnh, như thế sẽ đẩy giá gạch nung lên và gạch không nung sẽ cạnh tranh được.

Ông Đặng Việt Lê – Chủ tịch HĐQT Công ty CP Gạch Khang Minh: Khi xây dựng văn bản cần tôn trọng yếu tố thị trường
Ông Đặng Việt Lê
 Chủ tịch HĐQT Công ty CP Gạch Khang Minh

Trước khi sản xuất gạch bê tông cốt liệu chúng tôi đã nghiên cứu cả gạch bê tông nhẹ khí chưng áp, nhưng sau đó chỉ tập trung vào sản xuất gạch cốt liệu thôi. Vì sản phẩm này có lợi thế cạnh tranh rất mạnh về lợi ích kinh tế. Bên cạnh giá cạnh tranh được với gạch nung, gạch bê tông cốt liệu còn tận dụng được nguồn nguyên liệu dồi dào tận thu từ các mỏ đá, nhà máy nhiệt điện, dẫn đến giá thành sản xuất vừa phải đáp ứng được chỉ tiêu kinh tế. Khi nhà thầu làm việc với chúng tôi họ cảm thấy rất dễ chịu.

Mặt khác, trong những năm vừa qua, từ khi bắt tay sản xuất viên gạch đầu tiên là năm 2011 đến nay đã 5 năm, Khang Minh đã trải qua rất nhiều lần cải tiến, nâng cấp kỹ thuật. Rất mừng là những cải tiến đó một là được thị trường đón nhận và tiếp theo là được các cơ quan quản lý đón nhận. Tuy nhiên, tôi cho rằng vẫn còn thiếu. Để gạch không nung phát triển mạnh hơn bằng yếu tố thị trường chứ không phải là chính sách, tôi xin kiến nghị:

+ Hiện nay, Viện KHCN Xây dựng đã cùng chúng tôi ban hành hướng dẫn thi công gạch bê tông cốt liệu, nhưng mới dừng ở tiêu chuẩn cơ sở của Khang Minh, chưa có tiêu chuẩn quốc gia, dẫn đến nhà thầu mua gạch chúng tôi và sử dụng theo cách của họ, tại nhiều vùng miền khác nhau nên chất lượng công trình không được đồng nhất. Do đó, cần ban hành hướng dẫn thi công chuẩn mực mang tiêu chuẩn quốc gia để cả nước sử dụng một cách đồng nhất, từ đó mang lại uy tín cho gạch không nung trên các công trình xây dựng.

+ Cần có định mức kinh tế kỹ thuật chuẩn cho khối xây bằng gạch không nung.

+ Trong Thông tư 09 sắp sửa đổi, cần phải sửa đổi theo hướng có yếu tố thị trường chứ không đơn thuần là cho một nhóm sản phẩm nào cả. Chỉ cần qui định từ bao nhiêu tầng trở lên thì phải sử dụng gạch không nung. Ví dụ trong bản sửa đổi yêu cầu sử dụng vật liệu nhẹ, (dưới 1000 kg/m3). Hiện nay thực tế chứng minh gạch bê tông cốt liệu Khang Minh đang được bán rất nhiều cho các công trình cao tầng và họ không chọn gạch nhẹ. Nếu chỉ nói gạch nhẹ thì chung chung và phiến diện quá. Theo đơn vị khối, tôi có thể chứng minh tổng trọng lượng của chúng tôi không kém gạch nhẹ, thậm chí có thể nhẹ hơn, khối lượng xây giảm, diện tích phong thủy căn hộ gia tăng, đó là nguyên nhân để gạch này được lựa chọn xây căn hộ nhiều nhất. Thêm nữa, trong tương lai có thể có nhiều loại sản phẩm khác như tấm tường bằng nhiều nhiều nguồn nguyên liệu khác. Vì vậy, nếu Thông tư ấn định là nhà cao tầng phải xây bằng gạch nhẹ thì sẽ không phù hợp trong thời gian tới.

Gạch bê tông cốt liệu hiện có lợi ích kinh tế lớn nhất trong tất cả nhóm gạch không nung. Yếu tố không nung, yếu tố bảo vệ đất nông nghiệp là rõ ràng rồi, nhưng còn yếu tố khác là tận dụng phế thải công nghiệp đã đem lại lợi ích lớn nhất cho việc bảo vệ môi trường. Vì thế khi xây dựng các văn bản cần chú ý tới yếu tố thị trường, cho khách hàng được quyền lựa chọn, chịu trách nhiệm về quyết định của mình. Công trình gì, sử dụng gạch nào cho phù hợp sẽ do nhà thầu và nhà sản xuất bàn bạc đưa ra quyết định.

Sau 5 năm thực hiện chương trình, tổng công suất thiết kế của 03 loại sản phẩm chính đến năm 2015 đạt khoảng 6,6 tỉ viên QTC/năm, sản xuất đạt 5,5 tỉ viên, chiếm khoảng 24% so với tổng sản lượng vật liệu xây năm 2015 ước đạt 23 tỉ viên. Như vậy, hàng năm tiết kiệm được 8,5 triệu m3 đất sét (tương đương 412 ha đất khai thác ở độ sâu 2m), 825.000 tấn than và giảm phát thải 3,1 triệu tấn CO2 ra môi trường.

Hồ Nga