Hoàn thiện kế toán trách nhiệm chi phí tại các công ty than trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh

ThS. MAI THANH HẰNG - ThS. TRƯƠNG THỊ NHUNG (Khoa Kế toán - Trường Đại học Kinh tế Kỹ thuật Công nghiệp)

TÓM TẮT:

Hệ thống kế toán trách nhiệm (KTTN) được thiết lập nhằm đưa ra các công cụ, chỉ tiêu đánh giá và hướng các nhà quản lý ở các bộ phận đến thực hiện các mục tiêu chung của tổ chức. Các doanh nghiệp nếu có sự phân cấp rõ ràng và biết cách vận dụng KTTN vào quá trình thực tế chắc chắn sẽ giúp cho doanh nghiệp có sự kiểm soát, quản lý các bộ phận một cách có hiệu quả. Việc quy trách nhiệm cho từng đối tượng, từng bộ phận cụ thể sẽ giúp nâng cao tinh thần trách nhiệm cho từng nhà quản lý đến các bộ phận, cá nhân cụ thể. Qua đó, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp bền vững.

Từ khóa: Kế toán trách nhiệm, chi phí, công ty than, tỉnh Quảng Ninh.

1. Mở đầu

Nền kinh tế Việt Nam hiện đang có những biến đổi lớn trong quá trình hội nhập với kinh tế thế giới. Các đơn vị quốc doanh đang chuyển dần từ kinh tế nhà nước sang chế độ tự chủ và từng bước cổ phần hóa trên thị trường vốn trong và ngoài nước. Do đó, Nhà nước cần xác định rõ việc phân quyền và trách nhiệm cho từng cá nhân, từng đơn vị. Đồng thời, đo lường và đánh giá được khả năng hoạt động sản xuất kinh doanh của từng bộ phận, từng doanh nghiệp. Muốn vậy, doanh nghiệp (DN) cần tổ chức hệ thống đo lường, báo cáo đánh giá các hoạt động từ cấp độ thấp nhất đến cấp độ cao nhất.

KTTN được coi là một trong những công cụ tài chính hữu ích cho việc kiểm soát và điều hành hoạt động kinh doanh của các nhà quản trị DN. Việc chú trọng thực hiện nội dung KTTN sẽ giúp cho DN phát huy tối đa nguồn lực hiện có và phát triển một cách bền vững.

Những năm gần đây, thị trường năng lượng thế giới đứng trước nhiều bất ổn, kinh tế thế giới vẫn chưa phục hồi, việc các nước xuất khẩu than tăng nguồn cung ra thị trường khiến cho giá than xuống thấp. Đặc biệt trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh - mũi nhọn cung cấp than cho các ngành công nghiệp nặng trong nước và xuất khẩu nước ngoài, tình hình tài nguyên than ngày càng cạn kiệt khiến cho các công ty khai thác và chế biến than gặp nhiều khó khăn. Để tiếp tục tồn tại và phát triển, các DN cần có hướng đi và quyết sách đúng đắn, tiếp tục hoàn thiện công tác kế toán nói chung và đặc biệt là kiểm soát được kế toán chi phí nói riêng nhằm tối thiểu hóa chi phí nhằm mục tiêu tối đa hóa lợi nhuận.

2. Những vấn đề về kế toán trách nhiệm chi phí

KTTN là một trong những công cụ tài chính hữu ích cho việc kiểm soát và điều hành hoạt động kinh doanh của các nhà quản trị trong doanh nghiệp. Việc chú ý thực hiện nội dung KTTN, sẽ giúp doanh nghiệp phát huy tối đa nguồn lực hiện có và phát triển một cách bền vững.

KTTN được xem như là hệ thống thu thập, xử lý và truyền đạt các thông tin tài chính và phi tài chính có thể kiểm soát theo phạm vi trách nhiệm của từng nhà quản trị nhằm đạt được mục tiêu chung của tổ chức; KTTN là một trong những nội dung cơ bản trong kế toán quản trị tại DN và là một trong những công cụ quản lý kinh tế tài chính có vai trò quan trọng trong điều hành, kiểm soát cũng như đánh giá hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh của đơn vị.

Bản chất của KTTN là mỗi bộ phận được phân cấp quản lý trong bộ máy quản lý có quyền kiểm soát, chỉ đạo và chịu trách nhiệm về những nghiệp vụ riêng biệt thuộc phạm vi phân cấp quản lý của mình. KTTN chỉ được thực hiện ở DN có cơ cấu tổ chức bộ máy quản lý được phân quyền một cách rõ ràng. Tùy thuộc vào đặc điểm cơ cấu tổ chức, mức độ phân cấp quản lý và mục tiêu của nhà quản trị DN mà chia ra thành các trung tâm trách nhiệm tương ứng. Mỗi trung tâm trách nhiệm trong một tổ chức có toàn quyền kiểm soát các hoạt động của trung tâm mình như quản lý về chi phí, doanh thu và các khoản đầu tư. Các trung tâm trách nhiệm tạo ra mối liên hoàn trong hệ thống quản lý.

Thông thường có 4 trung tâm trách nhiệm, bao gồm: Trung tâm chi phí, trung tâm doanh thu, trung tâm lợi nhuận, trung tâm đầu tư. Các trung tâm trách nhiệm được hình thành trên đặc điểm cơ cấu bộ máy quản lý và mục tiêu của nhà quản trị. Trong thực tế, việc lựa chọn trung tâm thích hợp cho một bộ phận trong tổ chức không phải là điều dễ dàng. Cơ sở để xác định một bộ phận trong một tổ chức là trung tâm gì đều phải căn cứ trên cơ sở nguồn lực, trách nhiệm, quyền hạn mà nhà quản lý đó được giao. Do vậy, việc phân biệt rõ ràng các KTTN trong một đơn vị chỉ mang tính tương đối và phụ thuộc vào quan điểm nhà quản trị cấp cao nhất. Cụ thể:

- Trung tâm chi phí: Đây là trung tâm có trách nhiệm về chi phí đầu vào của DN. Mục tiêu của KTTN chi phí chính là tối thiểu hóa chi phí. Đầu vào của trung tâm là các chỉ tiêu phản ánh các yếu tố sản xuất như nguyên vật liệu, tiền công, tình hình sử dụng máy móc thiết bị… và có thể được đo đạc bằng nhiều cách khác nhau. Để xác định đầu ra của trung tâm chi phí sẽ dựa vào các chỉ tiêu phản ánh kết quả sản xuất kinh doanh như số lượng, chất lượng sản phẩm, các chỉ tiêu chi phí sản xuất và giá thành sản phẩm…

- Trung tâm doanh thu: Trung tâm này thường phát sinh ở các bộ phận tạo ra doanh thu cho DN như: Các cửa hàng, siêu thị, phòng kinh doanh…. Trên thực tế, một trung tâm thuần túy về doanh thu rất ít tồn tại. Thông thường, các cấp quản lý thường vẫn phải làm kế hoạch và kiểm soát một số chi phí thực tế phát sinh trong trung tâm doanh thu.

- Trung tâm lợi nhuận: Là một trung tâm trách nhiệm mà trong đó người quản lý của trung tâm này sẽ chịu trách nhiệm cả về chi phí và doanh thu cũng như chênh lệch giữa đầu ra và đầu vào chính là lợi nhuận. Thông thường, trung tâm trách nhiệm thường gắn với bậc quản lý cấp trung gian, tuy nhiên nhà quản trị trung tâm này có thể quyết định toàn bộ các vấn đề từ chiến lược hoạt động đến thực hành tác nghiệp của DN. Mục tiêu phải thực hiện của trung tâm này là tối đa hóa lợi nhuận. Do đó, trung tâm lợi nhuận không chỉ có trách nhiệm ở doanh thu mà còn có cả trách nhiệm về chi phí.

- Trung tâm đầu tư: Là trung tâm mà ở đó nhà quản lý chịu trách nhiệm cả về doanh thu, chi phí và xác định vốn hoạt động cũng như các quyết định đầu tư vốn. Trung tâm đầu tư thường đại diện cho mức độ quản lý cấp cao nhất. Nhà quản trị của trung tâm đầu tư có trách nhiệm trong việc lập kế hoạch, tổ chức và kiểm soát mọi hoạt động sản xuất kinh doanh kể cả việc đầu tư trong DN.

Trong bài viết, nhóm tác giả tập trung nghiên cứu về trung tâm chi phí. Trung tâm chi phí thường là các phân xưởng, đội sản xuất, tổ sản xuất gắn với trách nhiệm của quản đốc phân xưởng, tổ trưởng tổ sản xuất... Mục tiêu của trung tâm trách nhiệm chi phí là tối thiểu hóa chi phí. Trách nhiệm của các nhà quản trị đối với mục tiêu thể hiện:

- Hoàn thành kế hoạch sản xuất đáp ứng cho nhu cầu tiêu thụ sản phẩm và kiểm soát được định mức, dự toán chi phí;

- Kiểm soát chi phí trong mối quan hệ với doanh thu góp phần giảm tỷ lệ chi phí trên doanh thu để tăng lợi nhuận;

- Xác định các nguyên nhân tác động đến tình hình thực hiện định mức và dự toán chi phí.

KTTN chi phí có nhiệm vụ kiểm soát các khoản mục và yếu tố chi phí phát sinh theo định mức và dự toán đã xây dựng. Lập các báo cáo chi phí sản xuất, giá thành sản phẩm theo yêu cầu quản trị. Phân tích sự biến động các định mức chi phí từ đó đưa ra biện pháp giảm chi phí thấp nhất.

3. Hoàn thiện kế toán trách nhiệm chi phí tại các công ty than trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh

KTTN ngày nay càng thể hiện vai trò và vị trí quan trọng trong hoạt động quản lý kinh tế tại các DN ở các quốc gia trên thế giới, nhất là đối với những nước có nền kinh tế phát triển. Tại Việt Nam, việc vận dụng các nội dung của kế toán quản trị còn chưa được sự quan tâm nhiều của các DN. Việc nghiên cứu và tổ chức KTTN là một yêu cầu cấp thiết đối với các DN nói chung, đặc biệt là các DN trong ngành khai thác, biến than. Thông qua KTTN, các nhà quản trị DN có thể đánh giá hiệu quả hoạt động từ những bộ phận của đơn vị. Nhằm làm rõ thêm vấn đề này, bài viết đã tiến hành khảo sát tại Công ty Tuyển than Hòn Gai - Vinacomin với chức năng kinh doanh chế biến, sàng tuyển than nguyên khai thành than sạch.

Hoạt động sản xuất của công ty được tổ chức theo từng phân xưởng sản xuất. Các phân xưởng chính thực hiện nhiệm vụ sàng và tuyển than. Các phân xưởng phụ trợ giúp cho các phân xưởng chính triển khai hoạt động như: Phân xưởng cơ giới, phân xưởng xây dựng, phân xưởng KCS,… Tại các địa điểm này, kế toán tập hợp chứng từ về chi phí phát sinh và chuyển về phòng kế toán để tập hợp chi phí. Tuy nhiên, tại Công ty vẫn chưa tổ chức các phân xưởng thành trung tâm chi phí.

Để xây dựng trung tâm chi phí thì cần tiến hành theo các bước sau:

- Bước 1: Xác định mô hình tổ chức trung tâm chi phí tại Công ty

Với đặc điểm cơ cấu tổ chức của Công ty, xây dựng mô hình tổ chức gồm 4 cấp:

+ Cấp 1 (Cấp thấp nhất): Dây chuyền sản xuất;

+ Cấp 2: Phân xưởng sản xuất;

+ Cấp 3: Nhà máy;

+ Cấp 4: (Cấp cao nhất): Công ty.

- Bước 2: Xác định bộ máy nhân sự của trung tâm chi phí

- Bước 3: Xác định công việc của trung tâm chi phí

+ Hoàn thiện công tác lập dự toán;

+ Lập báo cáo.

Tại trung tâm chi phí, từ cấp thấp hơn sẽ chuyển báo cáo trực tiếp lên cấp trên. Cụ thể: (Xem bảng)

- Bước 4: Xây dựng các chỉ tiêu đánh giá hoạt động của trung tâm chi phí

Để đánh giá hoạt động của trung tâm chi phí cần xem xét việc thực hiện các mục tiêu cụ thể trung tâm chi phí đã đạt được đến đâu.

+ Hoàn thành kế hoạch sản xuất;

+ Hoàn thành định mức và dự toán chi phí;

+ Kiểm soát chi phí trong mối quan hệ với doanh thu ước tính gớp phần tăng lợi nhuận;

+ Cung cấp các báo cáo so sánh chi phí dự toán và thực hiện. Phân tích, xác định nguyên nhân chủ quan, khách quan tác động đến tình hình thực hiện các định mức và dự toán chi phí.

Một số chỉ tiêu đánh giá hoạt động của trung tâm chi phí:

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. PGS. TS. Nguyễn Quang Ngọc (2010) “Kế toán quản trị doanh nghiệp” - Nhà xuất bản Đại học Kinh tế quốc dân.

2. Thái Anh Tuấn (2014) “Vận dụng kế toán trách nhiệm trong trường đại học” - Tạp chí Tài chính 4/2014.

3. TS. Phan Đức Dũng (2012), Kế toán quản trị, Nhà xuất bản Lao động xã hội.

IMPROVING ACCOUNTANTS LIABILITY STANDARDS IN COAL COMPANIES OPERATING IN QUANG NINH PROVINCE

MA. MAI THANH HANG

MA. TRUONG THI NHUNG

Faculty of Accounting, University of Economic Technical Industries

ABSTRACT:

Accountants liability standards are established to provide tools, evaluation criteria and guidelines for managers in different levels of an organization in order to reach general goals of the organization. If the organization has a clear hierarchy structure and employs accountants liability standards rightly, the organizational management will be improved significantly. The assignment of responsibilities for each department and unit would enhance the sense of responsibility of managers in an organization. As a result, the performance of the organization would be improved sustainably.

Keywords: Accountants liability, cost, coal companies, Quang Ninh province.