Hoàn thiện nội dung và phương pháp lập báo cáo lưu chuyển tiền tệ theo hướng tiếp cận quốc tế và IFRS

DƯƠNG THỊ THANH HIỀN (Khoa Kế toán, Trường Đại học Duy Tân)

TÓM TẮT:

Báo cáo lưu chuyển tiền tệ (BCLCTT) là một trong những báo cáo quan trọng của báo cáo tài chính (BCTC), là báo cáo bắt buộc được quy định trong Chuẩn mực kế toán Việt Nam số 24 (VAS 24), nhằm cung cấp thông tin về dòng tiền của DN cho các đối tượng quan tâm. Với xu thế hội nhập, hiện nay nhiều quốc gia đã chủ động và tích cực tham gia bằng cách áp dụng Chuẩn mực kế toán quốc tế (IAS)/IFRS một phần hoặc toàn bộ. Tuy vậy, nhiều DN Việt Nam vẫn chưa nhận thức đúng tầm quan trọng của BCLCTT trong việc cung cấp thông tin hữu ích cho người sử dụng. Thực trạng lập và trình bày BCLCTT ở Việt Nam chủ yếu theo phương pháp gián tiếp, nhiều chỉ tiêu trên báo cáo chưa phù hợp với thực tiễn và quốc tế. Do đó, rất cần những giải pháp thiết thực để hoàn thiện nội dung và phương pháp lập BCLCTT cho các DN hiện nay, kết hợp tiệm cận với IAS/IFRS, cụ thể là Chuẩn mực kế toán quốc tế về BCLCTT - IAS 7, để hội nhập và phát triển. Các giải pháp cụ thể như: hoàn chỉnh VAS24; linh hoạt hơn trong việc phân loại các luồng tiền; hoàn thiện quy trình lập BCLCTT…

Từ khóa: Báo cáo lưu chuyển tiền tệ, Chuẩn mực kế toán Việt Nam, VAS 24, IAS7.

1. Một số đặc điểm cơ bản của BCLCTT theo VAS 24 và IAS 7

Tại Việt Nam, cùng với sự ra đời và phát triển của thị trường chứng khoán và các công ty cổ phẩn thì vai trò của thông tin ngày càng được khẳng định, nhất là thông tin về tình hình tài chính của doanh nghiệp (DN). Các báo cáo tài chính của DN chính là nguồn cung cấp thông tin về tài chính của DN một cách cơ bản nhất. Đây là những báo cáo tổng hợp về tình hình tài sản, nguồn vốn, công nợ, cũng như kết quả kinh doanh trong kỳ của DN. Trong đó, BCLCTT là báo cáo tài chính tổng hợp phản ánh luồng tiền vào, luồng tiền ra, tình hình huy động và sử dụng tiền trong kỳ báo cáo cụ thể. Theo VAS 24, đây là báo cáo bắt buộc phải lập nhằm cung cấp thông tin về dòng tiền thực tế, có tác dụng quan trọng trong việc phân tích, đánh giá, dự báo khả năng tạo tiền tệ, khả năng đầu tư, khả năng thanh toán của DN.

BCLCTT lần đầu tiên được đề cập đến như là mẫu biểu báo cáo trong hệ thống báo cáo của chế độ kế toán DN Việt Nam ban hành kèm theo Quyết định số 1141/QĐ-CĐKT ngày 01/01/1995. Theo Quyết định này, Báo cáo LCTT chưa phải là báo cáo bắt buộc. Đến thời điểm hiện nay, BCLCTT là bắt buộc, cùng với Thông tư số 161/2007/TT-BTC, hướng dẫn thực hiện VAS 24 một cách tương đối đầy đủ. BCLCTT phản ánh được tình hình lưu chuyển tiền theo ba loại hoạt động: kinh doanh, đầu tư và tài chính. Xét tổng thể toàn DN sẽ thấy đồng tiền được điều hòa như thế nào giữa ba hoạt động đó: hoạt động nào mang lại nhiều tiền nhất, hoạt động nào sử dụng tiền nhiều nhất và sử dụng như vậy có đúng không, hiệu quả như thế nào. DN được trình bày các luồng tiền từ ba hoạt động này theo cách thức phù hợp nhất với đặc điểm kinh doanh của mình. Về bản chất, quá trình lưu chuyển tiền tệ trong DN dựa trên quan hệ cân đối của dòng tiền trong kỳ và được thể hiện qua phương trình:

Tiền tồn đầu kỳ + Tiền thu trong kỳ = Tiền chi trong kỳ + Tiền tồn cuối kỳ

VAS 24 quy định rằng, DN có thể báo cáo các luồng tiền từ hoạt động kinh doanh theo một trong hai phương pháp: trực tiếp và gián tiếp. Hai phương pháp này giống nhau ở luồng tiền từ hoạt động đầu tư và luồng tiền từ hoạt động tài chính, chúng chỉ khác nhau ở luồng tiền từ hoạt động kinh doanh. Đối với phương pháp trực tiếp, tính dòng tiền từ hoạt động kinh doanh được thực hiện bằng cách lấy những dòng thực thu trừ (-) cho những dòng thực chi một cách trực tiếp. Còn phương pháp gián tiếp thì điều chỉnh từ lợi nhuận ròng để tính dòng tiền thuần từ hoạt động kinh doanh. Dù phương pháp tính nào, dòng tiền thuần từ hoạt động kinh doanh cũng cho kết quả như nhau.

IAS 7 Báo cáo lưu chuyển tiền tệ (Cash flow statement) được Hội đồng chuẩn mực kế toán quốc tế (IASB) ban hành lần đầu tiên vào tháng 12/1992. Đến tháng 9/2007, đổi tên IAS 7 từ Cash flow statement thành Statement of Cash Flow. IAS 7 được cập nhật, sửa đổi lần gần nhất đây là tính đến tháng 1/2016. Mục tiêu của IAS 7 là trình bày các thông tin về sự thay đổi lịch sử về tiền mặt và các khoản tương đương tiền của một tổ chức theo báo cáo lưu chuyển tiền tệ, phân loại luồng tiền trong kỳ theo hoạt động kinh doanh, đầu tư và hoạt động tài chính.

Theo IAS 7, khi lập BCLCTT, đối với phương pháp trực tiếp, được thực hiện dựa trên cơ sở kế toán tiền. Phương pháp này cho thấy các khoản mục ảnh hưởng đến luồng tiền và các tác động của luồng tiền. Các khoản tiền thu vào và các khoản tiền chi ra và nguồn gốc cụ thể của nó (chẳng hạn như khách hàng và nhà cung cấp) được thể hiện cụ thể. Các đơn vị kinh doanh được khuyến khích lập BCLCTT theo phương pháp trực tiếp. Trái ngược với phương pháp trực tiếp là phương pháp gián tiếp, tức là dựa trên cơ sở dồn tích, với cách chuyển đổi lợi nhuận (hoặc lỗ) đến các thông tin về luồng tiền bằng một chuỗi các khoản cộng và các khoản khấu trừ.

Các đặc điểm khác nhau cơ bản của VAS 24 và IAS 7 được tổng hợp như:

Về cách lấy số liệu:

Theo VAS 24: Lấy số liệu lập BCLCTT từ sổ quỹ tiền mặt và sổ cái tiền gửi ngân hàng tương ứng với tài khoản đối ứng; từ Bảng cân đối phát sinh các tài khoản liên quan. Còn theo IAS 7 thì theo thông lệ quốc tế việc lập BCLCTT chỉ căn cứ thuần túy các số liệu trên bảng cân đối kế toán số đầu kỳ và cuối kỳ, báo cáo kết quả (và có thể có thêm một vài thông tin từ sổ cái), sau đó làm các động tác điều chỉnh là sẽ ra các chỉ tiêu trên báo cáo LCTT.

Về cách lập:

Theo VAS 24: Không ủng hộ phương pháp trực tiếp hay gián tiếp mà cho phép sử dụng cả 2 phương pháp lập: trực tiếp và gián tiếp. Còn theo IAS 7 lại ủng hộ phương pháp trực tiếp.

Về cách phân loại các luồng tiền:

Theo VAS 24: Hướng dẫn chi tiết, cụ thể về việc phân loại luồng tiền từ hoạt động kinh doanh cho các ngân hàng, tổ chức tài chính, tổ chức tín dụng và các công ty bảo hiểm. Còn theo IAS 7, lại không hướng dẫn, phân loại chi tiết. IAS 7 cho phép DN tự điều chỉnh, linh hoạt trong việc phân loại, đặc biệt là dòng tiền liên quan đến lãi vay và cổ tức.

Về cách trình bày các luồng tiền đầu tư vào công ty con, công ty liên doanh, liên kết, đồng kiểm soát:

Theo VAS 24: Không đề cập đến vấn đề này. Còn theo IAS 7 thì, khi hạch toán một khoản đầu tư vào công ty liên kết hoặc công ty con sử dụng phương pháp giá gốc hoặc phương pháp vốn chủ sở hữu, nhà đầu tư chỉ trình bày trên BCLCTT các dòng tiền phát sinh giữa bên đầu tư và bên được đầu tư. Đối với công ty đồng kiểm soát, việc trình bày phụ thuộc vào phương pháp hợp nhất áp dụng (hợp nhất tỷ lệ hoặc hợp nhất theo phương pháp vốn chủ sở hữu) khi báo cáo khoản đầu tư vào công ty đồng kiểm soát cho mục đích trình bày lưu chuyển chuyển tiền tệ hợp nhất hợp lý.

Giống như tình hình chung của các nước, nước ta cũng tồn tại sự khác biệt trong việc lập BCLCTT so với IAS/IFRS. Khác biệt này chủ yếu nằm trong việc phân loại các khoản mục liên quan đến luồng tiền. Nhưng nhìn một cách tổng quát, sự khác biệt chủ yếu của VAS và IAS về chuẩn mực BCLCTT chính là tính linh hoạt trong phân loại, trình bày và hướng dẫn. Mặt dù VAS hướng dẫn chi tiết, cụ thể việc phân loại các khoản mục của báo cáo, tạo được sự thống nhất giữa các doanh nghiệp trong nước, nhưng đồng thời cũng tạo ra tính cứng nhắc, thiếu linh hoạt. Trong khi đó, IAS 7 mang nhiều tính chủ động và linh hoạt, để các DN có thể điều chỉnh theo hướng phù hợp với từng dòng tiền. Ngoài ra, mặc dù VAS 24 cho phép sử dụng các phương pháp trực tiếp và gián tiếp khi lập BCLCTT, nhưng không khuyến khích sử dụng phương pháp trực tiếp; trong khi đó IAS 7 lại ủng hộ phương pháp trực tiếp - dựa trên cơ sở nguyên tắc kế toán tiền. Một lợi thế quan trọng của phương pháp trực tiếp là nó cho phép người sử dụng BCTC hiểu một cách dễ dàng hơn mối quan hệ giữa lợi nhuận và luồng tiền của DN, giúp dự đoán được luồng tiền tương lai.

2. Thực trạng lập và trình bày Báo cáo lưu chuyển tiền tệ tại Việt Nam

Tại Việt Nam, đa số các doanh nghiệp niêm yết lập BCLCTT theo phương pháp gián tiếp, trong khi đó các doanh nghiệp nhỏ và vừa thì phương pháp trực tiếp lại được sử dụng nhiều hơn. Đối với các BCTC được kiểm toán thì đa số BCLCTT được lập theo phương pháp gián tiếp vì hầu hết các công ty kiểm toán xây dựng công cụ lập BCLCTT theo phương pháp gián tiếp và lập theo phương pháp gián tiếp cũng đơn giản hơn nhiều so với phương pháp trực tiếp.

Phương pháp trực tiếp cung cấp các thông tin có thể hữu ích trong việc ước tính về các dòng tiền trong tương lai mà phương pháp gián tiếp không thể mang lại được, các thông tin hiển thị trên phương pháp trực tiếp tương đối liên quan và dễ hiểu hơn phương pháp gián tiếp. Các công ty được khuyến khích báo cáo dòng tiền từ hoạt động kinh doanh sử dụng phương pháp trực tiếp. Những người ủng hộ phương pháp trực tiếp cho rằng sự hiểu biết về các nguồn tiền cụ thể thu được và mục đích của các khoản chi của hoạt động kinh doanh đã thực hiện trong quá khứ là hữu ích trong việc ước tính dòng tiền hoạt động kinh doanh trong tương lai. Hơn nữa, thông tin về các dòng thu, chi chủ yếu của hoạt động kinh doanh sẽ hữu ích hơn thông tin tổng hợp về mặt số học của chúng (dòng tiền thuần từ hoạt động kinh doanh). Thông tin này sẽ cho biết khả năng của một công ty trong việc tạo ra đủ tiền từ hoạt động kinh doanh để thanh toán các khoản nợ của mình; để tái đầu tư vào các hoạt động kinh của mình và để chi trả cho các chủ sở hữu. Nhiều công ty cho rằng họ không thể thu thập thông tin theo cách thức để cho phép họ xác định các khoản thu từ khách hàng hay chi cho nhà cung cấp một cách trực tiếp từ hệ thống kế toán của mình. Nhưng những người ủng hộ phương pháp trực tiếp lập luận rằng chi phí phát sinh thêm để xác định các khoản thu và chi từ hoạt động kinh doanh là không lớn.

VAS 24 chỉ ra rằng, theo phương pháp trực tiếp, các doanh nghiệp có thể tính toán dòng tiền hoạt động kinh doanh theo 1 trong 2 cách: (1) Phân tích và tổng hợp trực tiếp các khoản tiền thu và chi theo từng nội dung thu, chi từ các ghi chép kế toán của doanh nghiệp. (2) Điều chỉnh doanh thu, giá vốn hàng bán và các khoản mục khác trong báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh cho: Các thay đổi trong kỳ của hàng tồn kho, các khoản phải thu và các khoản phải trả từ hoạt động kinh doanh; Các khoản mục không phải bằng tiền khác; Các luồng tiền liên quan đến hoạt động đầu tư và hoạt động tài chính. Tuy nhiên, theo hướng dẫn tại Thông tư số 200/2014/TT-BTC, Thông tư số 133/2016/TT-BTC thì chỉ phương pháp (1) được hướng dẫn chi tiết, trong khi phương pháp (2) - còn gọi là phương pháp trực tiếp suy diễn - không được đề cập. Điều này là hợp lý vì đa số các doanh nghiệp Việt Nam dùng phần mềm kế toán Việt Nam hoặc Excel, hạch toán theo đối ứng tài khoản 1 nợ - 1 có, 1 nợ - nhiều có, hoặc nhiều nợ - 1 có. Với cách hạch toán này thì kế toán có thể dễ dàng tổng hợp dữ liệu từ các đối ứng trên sổ kế toán các tài khoản 111, 112, 113 để lập được báo cáo lưu chuyển tiền tệ (tất nhiên phải có các điều chỉnh hoặc thiết kế các tài khoản công nợ hợp lý thì mới chính xác).

Đối với phương pháp gián tiếp, tập trung vào sự khác biệt giữa lợi nhuận thuần và dòng tiền thuần từ hoạt động kinh doanh. Từ đó, cung cấp thông tin hữu ích về mối quan hệ giữa BCLCTT với Báo cáo kết quả kinh doanh và Bảng cân đối kế toán. Phương pháp gián tiếp dễ dàng áp dụng hơn phương pháp trực tiếp vì nó đi trực tiếp từ sổ sách kế toán. Nhiều công ty lập luận rằng chi phí để điều chỉnh từ lợi nhuận thuần để có được dòng tiền thuần hoạt động kinh doanh (phương pháp gián tiếp) sẽ ít tốn kém hơn so với báo cáo dòng tiền gộp các khoản thu và chi hoạt động kinh doanh (phương pháp trực tiếp). Những người ủng hộ phương pháp gián tiếp cũng cho rằng phương pháp trực tiếp, phương pháp mà báo cáo thu nhập dựa theo cơ sở tiền hơn là theo cơ sở dồn tích, có thể làm cho người sử dụng nhầm tưởng rằng dòng tiền thuần từ hoạt động kinh doanh là thước đo kết quả hoạt động cũng tốt như, hay thậm chí tốt hơn, lợi nhuận thuần. Trong phương pháp gián tiếp, lợi nhuận ròng từ Báo cáo kết quả hoạt động (BCKQHĐ) (tên cũ là Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh) được sử dụng để tính toán luồng tiền từ hoạt động kinh doanh. Khi BCKQHĐ được chuẩn bị trên cơ sở dồn tích, tức doanh thu được ghi nhận khi phát sinh chứ không phải khi thực tế thu được, do đó lợi nhuận ròng không đại diện cho luồng tiền thuần từ hoạt động kinh doanh. Từ đó dẫn đến sự cần thiết để điều chỉnh lợi nhuận trước thuế và lãi vay (EBIT) cho những khoản mục mà có ảnh hưởng đến lợi nhuận ròng, mặc dù không thực sự đã trả tiền hoặc nhận tiền.

Thực tế cho thấy, đa số các doanh nghiệp Việt Nam ưa chuộng lập BCLCTT theo phương pháp gián tiếp. Một phần do đặc thù kế toán Việt Nam là dựa trên cơ sở dồn tích, mặt khác do tính chất chi tiết, cụ thể của từng chỉ tiêu. Một số tập đoàn lớn tại Việt Nam như Vingroup, Hoàng Anh Gia Lai Group, Vinamilk đang sử dụng phương pháp gián tiếp để lập BCLCTT. Tuy nhiên, các tập đoàn này cũng đã và đang áp dụng song song BCTC theo VAS và IFRS một cách hiệu quả nhất, để phù hợp với quá trình hợp tác và làm ăn với các DN nước ngoài.

Đối với cách trình bày BCLCTT, hầu hết các DN đều tuân thủ trình bày lưu chuyển tiền theo ba hoạt động, gồm: Lưu chuyển tiền từ hoạt động kinh doanh; Lưu chuyển tiền từ hoạt động đầu tư và Lưu chuyển tiền từ hoạt động tài chính. Dòng tiền từ hoạt động kinh doanh là lượng tiền được tạo ra từ doanh thu của các hoạt động kinh doanh. Và do đó, lượng tiền phát sinh từ hoạt động kinh doanh là một chỉ số rất quan trọng với tính thanh khoản, khả năng hoàn trả vốn vay và khả năng đầu tư vào sự phát triển của doanh nghiệp. Lưu chuyển tiền tệ từ hoạt động đầu tư là dòng tiền có liên quan đến việc mua hoặc bán lại tài sản dài hạn và các khoản đầu tư khác (không liên quan tới việc tổ chức kinh doanh). Các dòng tiền từ hoạt động đầu tư gồm: Tiền mua sắm tài sản, máy móc, thiết bị; tiền thu từ việc nhượng bán, thanh lí tài sản, máy móc thiết bị; tiền thu được từ việc bán cổ phần của một công ty khác (không nhằm mục đích thương mại). Lưu chuyển tiền từ hoạt động tài chính thể hiện dòng tiền liên quan đến việc thay đổi về quy mô, kết cấu cho các hoạt động hoặc các khoản đầu tư của doanh nghiệp và có khả năng hoàn trả tiền mặt cao (cho dù là các cổ đông hoặc là các tổ chức tài chính). Các dòng tiền từ hoạt động tài chính gồm: Hóa đơn hoặc tiền chi trả cho các khoản nợ, Tiền chi trả vốn góp cho các chủ sở hữu tiền chi trả nợ thuê tài chính… Dù tách ra làm ba hoạt động rõ ràng khi thể hiện lưu chuyển dòng tiền thuần, nhưng quan trọng nhất vẫn là dòng tiền từ hoạt động kinh doanh, nó nói lên việc doanh nghiệp hoạt động thực sự như thế nào. Còn hoạt động đầu tư và hoạt động tài chính là thứ yếu, một số doanh nghiệp không có dòng tiền lưu chuyển thuần từ hoạt động tài chính hoặc hoạt động đầu tư; điều này là hoàn toàn bình thường đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa, siêu nhỏ.

Việc nhận thức được những lợi ích của việc hòa hợp chuẩn mực kế toán nói chung và chuẩn mực về BCLCTT nói riêng là tiên quyết quan trọng. Để các doanh nghiệp Việt Nam có thể niêm yết trên thị trường chứng khoán nước ngoài, cũng như giao dịch với các đối tác nước ngoài thì vấn đề được đặt ra là làm sao để các BCTC được lập và trình bày theo chuẩn mực kế toán Việt Nam có thể tiệm cận và phù hợp với IAS/IFRS, trong đó BCLCTT đóng vai trò quan trọng và then chốt nhất. Từ đó, xây dựng các giải pháp nhằm hoàn thiện nội dung và phương pháp lập BCLCTT theo hướng tiếp cận với quốc tế và IFRS.

3. Giải pháp hoàn thiện nội dung và phương pháp lập Báo cáo lưu chuyển tiền tệ theo hướng tiếp cận quốc tế và IFRS

Trong thời đại toàn cầu hóa, sự khác biệt giữa chuẩn mực kế toán Việt Nam chuẩn mực kế toán quốc tế sẽ kìm hãm sự phát triển của hoạt động kinh doanh nói riêng và từ đó kìm hãm sự phát triển của doanh nghiệp nói chung. Ngoài ra, điều tiên quyết để Việt Nam thu hút đầu tư nước ngoài và hợp tác kinh doanh là phải hòa hợp với quốc tế trên mọi phương diện, trong đó đẩy mạnh tiến trình hòa hợp chuẩn mực kế toán quốc tế là điều quan trọng nhất. Một số giải pháp đề xuất để BCLCTT được hoàn thiện và tiệm cận với quốc tế:

Thứ nhất, hoàn thiện VAS 24 theo hướng phù hợp IAS 7:

Tuy VAS 24 kế thừa gần như toàn bộ IAS 7, nhưng vẫn còn một số đặc thù mà VAS 24 không đề cập đến, cần được bổ sung, điều chỉnh cho phù hợp. (1) VAS 24 nên kết hợp sử dụng phương pháp giá gốc và phương pháp vốn chủ sở hữu. VAS 24 sử dụng phương pháp giá gốc để tính toán các luồng tiền liên quan đến các công ty con, phương pháp này có nhược điểm là không thể hiện được giá trị hiện tại. Mặc dù Thông tư số 200/2013 và Luật Kế toán 2015 có đề cập đến giá trị hợp lý, nhưng tính chất áp dụng vào BCLCTT chưa cụ thể, rõ ràng. Trong khi đó, IAS 7 kết hợp thêm phương pháp vốn chủ sở hữu để làm rõ hơn các luồng tiền liên quan đến công ty con. Để khắc phục điều này, VAS 24 nên kết hợp sử dụng phương pháp giá gốc và phương pháp vốn chủ sở hữu. (2) VAS 24 cần đề cập đến trường hợp lãi và lỗ chưa thực hiện phát sinh từ những thay đổi trong tỷ giá hối đoái (TGHĐ). Theo IAS 7, lãi và lỗ chưa thực hiện phát sinh từ những thay đổi trong TGHĐ không phải là luồng tiền. Tuy nhiên, ảnh hưởng của thay đổi về TGHĐ về tiền và các khoản tương đương tiền hoặc ngoại tệ được trình bày trong BCLCTT nhằm dung hòa tiền và các khoản tương đương tiền đầu kỳ và cuối kỳ. Số tiền này phải được trình bày riêng biệt từ các luồng tiền từ hoạt động kinh doanh, hoạt động đầu tư và hoạt động tài chính, bao gồm sự khác biệt, nếu có, những luồng tiền được báo cáo TGHĐ cuối kỳ. (3) VAS 24 cần linh hoạt hơn trong việc phân loại cá khoản mục ảnh hưởng đến các luồng tiền. VAS 24 quy định cụ thể cách phân loại tiền lãi, cổ tức theo từng hoạt động. Theo đó, IAS 7/ IFRS lại khuyến khích sự linh hoạt phân loại luồng tiền. Sự linh hoạt này khiến nhiều chỉ tiêu được trình bày chủ động và phù hợp với thực tiễn hơn - điều mà VAS 24 có thể cân nhắc, điều chỉnh. Cụ thể như chỉ tiêu cổ tức đã trả có thể được phân loại như một luồng tiền từ hoạt động tài chính, vì đây là chi phí từ nguồn lực tài chính. Ngoài ra, cổ tức đã trả có thể được phân loại như luồng tiền từ hoạt động kinh doanh nhằm giúp người sử dụng xác định khả năng của một đơn vị kinh doanh có thể trả cổ tức ra khỏi luồng tiền từ hoạt động kinh doanh. (4) VAS 24 cần bổ sung các thông tin liên quan cần thiết cho người sử dụng, để hiểu hơn về tình hình tài chính và khả năng thanh toán của DN. Các thông tin có thể được khuyến khích như thông tin về luồng tiền từ mỗi hoạt động kinh doanh, đầu tư, tài chính liên quan đến lợi ích trong công ty liên doanh phải được trình bày trong báo cáo hợp nhất…

Thứ hai, BCLCTT hợp nhất có thể được lập dựa trên cơ sở kết hợp cả hai phương pháp lập (gián tiếp, trực tiếp)

Theo nguyên tắc ghi nhận của kế toán hiện nay là ghi nhận trên cơ sở kế toán dồn tích nên việc lập BCLCTT theo phương pháp trực tiếp sẽ gặp nhiều khó khăn. Vì thế, trong thực tế, có DN lập theo phương pháp trực tiếp, có DN lập theo phương pháp gián tiếp. Trong quá trình lập BCLCTT, phương pháp trực tiếp hay gián tiếp đều bộc lộ những hạn chế nhất định. Tuy nhiên, nhiều DN Việt Nam, đặc biệt là những DN lớn đều lập theo phương pháp gián tiếp, do tính chất cụ thể và phù hợp của nó. Tuy nhiên, nếu áp dụng cả hai phương pháp lập BCLCTT sẽ giúp các tập đoàn dễ dàng hơn trong quá trình lập, khắc phục được những hạn chế nhất định, thông tin cung cấp sẽ chính xác và có giá trị cao đối với người sử dụng.

Trên thế giới, áp dụng IAS hầu như chuộng phương pháp trực tiếp; tại Việt Nam phù hợp với cơ sở kế toán dồn tích là phương pháp gián tiếp. Do đó, hướng điều chỉnh để tiệm cận với IAS là có thể kết hợp một cách linh hoạt như sau: Luồng tiền từ hoạt động kinh doanh chỉ được lập theo phương pháp gián tiếp (không áp dụng phương pháp trực tiếp) trên cơ sở sử dụng Báo cáo kết quả hoạt động và Báo cáo tình hình tài chính (Bảng cân đối kế toán) - xác định phần chênh lệch giữa số đầu kỳ và cuối kỳ của từng chỉ tiêu, sau đó điều chỉnh cho các giao dịch liên quan. Luồng tiền từ hoạt động đầu tư và hoạt động tài chính được lập theo phương pháp trực tiếp hoặc trực tiếp có điều chỉnh. Điều chỉnh này là hoàn toàn phù hợp, tạo ra sự linh hoạt, không những tiết kiệm chi phí cho các DN, mà còn tạo tiền đề cho việc niêm yết trên thị trường chứng khoán các nước khác.

Thứ ba, để BCLCTT được chuẩn hóa theo quốc tế, điều cần thiết là các chuẩn mực và và văn bản hướng dẫn phải thống nhất với các IFRS liên quan, kết hợp với các giải pháp toàn diện khác.

Tăng cường rà soát, ban hành những chuẩn mực kế toán còn thiếu so với các chuẩn mực IFRS, đồng thời xem xét việc áp dụng chuẩn mực đối với các DN đặc thù.

Đẩy mạnh lộ trình chuẩn hóa kế toán Việt Nam theo chuẩn kế toán quốc tế, đảm bảo sự tương thích, phù hợp với trình độ đội ngũ kế toán viên, phù hợp với tiến trình hòa hợp IFRS của Việt Nam. Đưa ra các quy định phù hợp về quản lý các dịch vụ kế toán, thúc đẩy phát triển trình độ kế toán Việt Nam.

Luật Kế toán sửa đổi phù hợp với kinh tế thị trường, bổ sung các nguyên tắc phù hợp với kế toán quốc tế, bổ sung các chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp, hoàn thiện sổ sách chứng từ phù hợp với trình độ phát triển của quốc tế.

Tiếp cận từ người lập và người sử dụng BCLCTT theo hướng tăng cường cải tiến và ứng dụng công nghệ thông tin nhằm phục vụ cho việc lập và trình bày BCLCTT riêng và hợp nhất, góp phần nâng cao hiệu quả, đem đến ngày càng nhiều lợi ích cạnh tranh cho DN.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. Bộ Tài chính (2003), Chuẩn mực kế toán số 24 - Báo cáo lưu chuyển tiền tệ, theo Quyết định số 165/2002/QĐ-BTC.

2. Bộ Tài chính (2014), Thông tư số 200/2014/TT-BTC Hướng dẫn chế độ kế toán doanh nghiệp, ban hành ngày 22/12/2014.

3. Nguyễn Anh Vũ, Giải pháp hoàn thiện nội dung và phương pháp lập Báo cáo lưu chuyển tiền tệ tại các doanh nghiệp Việt Nam theo hướng hòa hợp với chuẩn mực kế toán quốc tế (2014), Luận văn Thạc sĩ, Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh.

4. Đặng Ngọc Tuấn (2012), Trình bày Báo cáo tài chính theo chuẩn mực Báo cáo tài chính quốc tế (IFRS), Hội Kế toán TP. Hồ Chí Minh.

5. Nguyễn Văn Công, Giáo trình Phân tích Báo cáo tài chính (2017), Nhà xuất bản Đại học Kinh tế quốc dân.

6. Alan Jonathan Duboisee de Ricquebourg (2013), The Usefulness of Direct Cash Flow Statement under IFRS.

7. Earnt & Young (2012), Statement of cash flow Accounting Standards Codification 230.

8. http://tuvanketoan24h.com/threads/so-sanh-bao-cao-luu-chuyen-tien-te-truc-tiep-hay-gian-tiep.747/

9. http://www.vacpa.org.vn/Page/Detail.aspx?newid=4690

10. https://www.iasplus.com/en/standards/ias/ias7

IMPROVING OF CONTENTS AND METHOD OF STATEMENT OF CASH FLOW

TO ACCESS INTERNATIONAL STANDARDS AND IFRS

● DUONG THI THANH HIEN

Faculty of Accounting, Duy Tan University

ABSTRACT:

The statement of cash flows is one of the most important reports of the financial statements, which is the compulsory report stipulated by Vietnamese Accounting Standard No. 24 (VAS 24). It provides information about the cash flow of the business to the object of interest. With the integration trend, many countries have actively participated by applying the International Accounting Standard (IAS) / IFRS in part or in whole. However, many Vietnamese businesses are not aware of the importance of the cash flow statement. The status of preparing and presenting the statement of cash flows in Vietnam is mainly based on indirect methodology, many of which are not consistent with international practice. It is therefore necessary to improve the content and methods of preparing cash flow statements in accordance with IAS/IFRS, namely International Accounting Standard on Cash Flow Statement - IAS 7. Some solutions such as: complete VAS24; provide more flexible in the classification of cash flows; complete the process of making cash flow report, ect.

Keywords: Statement of cash flows, Vietnamese Accounting Standard, VAS 24, IAS7.

Xem tất cả ấn phẩm Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ số 12 tháng 11/2017 tại đây